Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã đẩy nhanh trách nhiệm tái chế sang người tiêu dùng

18 Thg 01

Thương mại điện tử bùng nổ mang đến cơ hội phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế toàn cầu, thế nhưng, nó lại đặt ra vấn đề nghiêm trọng về việc xử lý rác thải tái chế, đặc biệt là rác thải bao bì dùng để đóng gói các mặt hàng chuyển phát.   Trong một nghiên cứu chung về tình hình tái chế rác thải tại Mỹ được đưa ra gần đây, các chuyên gia cho rằng số phận của các hộp, thùng các tông tại quốc gia này phần lớn đang nằm trong tay những người tiêu dùng. Trước đây, trách nhiệm này thuộc về các nhà bán lẻ truyền thống, các trung tâm thương mại và các cửa hàng tạp hóa. Nếu như các nhà bán lẻ truyền thống tự xử lý phần lớn bao bì còn sót lại từ các chuyến hàng vận chuyển, thì các trung tâm thương mại và cửa hàng tạp hóa thường gửi những kiện lớn bìa các tông đã qua sử dụng nhưng tương đối sạch đến các chương trình tái chế để chúng có thể được làm thành hộp mới.  Tuy nhiên giờ đây, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của thương mại điện tử, nổi lên từ trước đại dịch và kéo dài cho tới ngày nay, trách nhiệm xử lý các bao bì tái chế đúng cách  đã chuyển sang người tiêu dùng. Và vì không có một sự chuẩn bị hay kế hoạch cụ thể nào, những chiếc hộp đã chất đống trên lề đường và các khu dân cư thay vì ở các cửa hàng bán lẻ.

Đại dịch chỉ là “chất xúc tác” đẩy nhanh quá trình dịch chuyển này

Không có gì ngạc nhiên khi đại dịch đóng vai trò là chất xúc tác làm đẩy nhanh quá trình dịch chuyển này và khiến cho tình trạng này ngày một nghiêm trọng hơn. Các chuyên gia dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục ngay cả khi COVID-19 đã được kiểm soát. Một trong những công ty thu gom rác thải lớn nhất ở Mỹ, Republic Services, cho biết, lượng rác thải mà họ thu gom từ các hộ gia đình vào năm ngoái đã tăng 25% - trong khi đó rác từ các khách hàng thương mại giảm tới 30% kể từ khi đại dịch xuất hiện và mọi người phải ở nhà nhiều hơn. Công ty cho biết họ thậm chí đã phải thay đổi các trang thiết bị của mình để có thể thu thập các hộp bao bì nhỏ hơn, dùng để đóng gói các đơn hàng thương mại điện tử, bên cạnh các dạng bao bì lớn được sử dụng để giao hàng đến các cửa hàng. Một thực trạng mà nhiều bên liên quan đang phải đối mặt đó là, khi các thùng các tông bị vứt trước cửa nhà người dân thay vì ở cửa hàng, thì nhiều khả năng nó sẽ bị vứt vào thùng rác hoặc trở nên quá bẩn để tái chế. Rachel Kenyon, Phó chủ tịch cấp cao của Hiệp hội Fibre Box, một nhóm thương mại đại diện cho các nhà sản xuất bao bì, cho biết: “Điều đáng lo ngại ở đây là khi có nhiều bìa các tông chuyển đến nhà người dân hơn, thì trách nhiệm tái chế chúng như thế nào sẽ trở thành lựa chọn của họ, tức là họ có quyền được chọn tái chế hoặc không. Ở góc độ của chúng tôi, chúng tôi đương nhiên muốn người dùng tái chế chúng đúng cách hơn, vì chất xơ thu được sau những lần tái chế đó có thể giúp chúng tôi làm ra những chiếc hộp mới.” Như vậy có thể thấy, giá trị của các bìa các tông cứng được sử dụng để đóng gói hàng hóa tại các cửa hàng và vận chuyển đi, cũng như đóng gói hàng hóa khi mua hàng online là khá lớn. Các tông nguyên chất một khi được tái chế sẽ có thể tạo ra nhiều hơn cùng một vật liệu lên đến bảy lần. Và khi chất xơ phân hủy, nó có thể được sử dụng để làm bìa, hoặc sử dụng để sản xuất các vật liệu như hộp ngũ cốc. Theo Kenyon, hộp các tông trung bình hiện chứa khoảng 50% vật liệu tái chế. Tất nhiên, lượng tái chế lớn như vậy trong các thùng các tông cũng không đủ để “gánh vác hậu quả” mà các chất thải được sử dụng trong quá trình sản xuất hay vận chuyển mang lại, và các gã khổng lồ trong ngành bán lẻ trực tuyến vẫn còn rất nhiều việc phải làm trên mặt trận đó. Nhưng nhìn chung, bìa cứng có tỷ lệ tái chế cao hơn nhiều so với các vật liệu đóng gói khác. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường, tỷ lệ tái chế tổng thể cho các vật liệu, bao gồm giấy, thủy tinh và nhựa, ở Mỹ là khoảng 32% vào năm 2018. Mặt khác, tỷ lệ tái chế hộp các tông đã dao động gần 90% kể từ năm 2011. Theo Kenyon, để giữ cho tỷ lệ này ở mức cao, ngành công nghiệp các tông sẽ cần người mua hàng thường xuyên tái chế những hộp bao bì đóng gói mà họ nhận được, nhất là khi số lượng hộp ngày càng tăng trong thời điểm mua hàng online mùa dịch. Theo Hiệp hội Giấy & Rừng Hoa Kỳ, đến tháng 11 năm ngoái, ngành công nghiệp đóng gói bằng thùng các tông đã có sản lượng tăng 3,6%.

Tỷ lệ tái chế tổng thể cho các vật liệu, bao gồm giấy, thủy tinh và nhựa, ở Mỹ vào năm 2018

Có một số dấu hiệu lạc quan cho thấy rằng mọi người đang tái chế một lượng lớn những chiếc hộp mà họ nhận được. Những chiếc xe tải thu hồi rác cũng cho biết họ đã nhận được một lượng lớn rác thải là bìa các tông trong những tháng vừa qua, và họ hoàn toàn có thể bán chung cho các công ty sản xuất bao bì mới từ các vật liệu có thể tái chế. Theo thống kê, số lượng các tông mà Republic Services có thể bán vào năm 2020 đã tăng 200%, và phần lớn trong số đó là nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử. Đây là một cú hích khá lớn cho ngành công nghiệp tái chế này khi nhìn vào những thách thức nghiêm trọng mà ngành này đã phải đối mặt trong những năm gần đây.

Gây khó khăn cho người tiêu dùng nhưng thương mại điện tử lại là động lực cho ngành tái chế phục hồi trở lại

Chỉ một năm trước thôi, ngành tái chế vẫn còn đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Có quá nhiều bìa cứng làm ngập hệ thống, và kết quả là giá bìa cứng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, khiến các chương trình tái chế phải chịu đựng sự sụt giảm nghiêm trọng về kinh tế. Một số chương trình tái chế của thành phố đã đóng cửa và thậm chí họ phải dùng đến các phương pháp như đốt và đổ rác tái chế mà họ không thể bán được chúng. Nguyên nhân phần lớn gây ra vấn đề mà Mỹ đang phải đối mặt là họ đã phụ thuộc rất nhiều vào việc xuất khẩu nhiều rác tái chế sang Trung Quốc trong nhiều năm. Mà từ năm 2018, Trung Quốc bắt đầu hạn chế nhập khẩu nghiêm trọng. Tỷ lệ tái chế các tông giảm xuống và trong lúc đợi tìm ra một nơi khác có thể chứa rác của mình, Hoa Kỳ đã phải cố gắng rất nhiều để xây dựng năng lực tái chế trong nước.

Trung Quốc hạn chế nhập khẩu rác thải vì nước này cũng đang phải đối mặt với tình trạng rác thải nghiêm trọng do thương mại điện tử (Ảnh: Internet)

Các chuyên gia chia sẻ với The Verge rằng, trong vài năm qua, các nhà máy giấy mới đã đi vào hoạt động và những nhà máy khác đang trên đà phát triển. Nhu cầu dành cho các thùng các tông cao hơn phần lớn là do sự bùng nổ của thương mại điện tử trong đại dịch, và nó cũng giúp các chương trình tái chế từng gặp khó khăn trong quá khứ có thể tiếp tục hoạt động vững mạnh hơn.  David Biderman, Executive Director và CEO của Hiệp hội chất thải rắn Bắc Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang trên đường phục hồi trở lại. Nếu nền kinh tế tiếp tục được khôi phục và nhiều cơ sở tái chế trong nước được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay, tôi tin rằng nó sẽ mang lại làn gió thuận lợi cho ngành công nghiệp tái chế."

Nhưng vẫn còn đó những khó khăn và thách thức mà ngành công nghiệp này phải đối mặt

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả mọi chuyện trước mắt sẽ thuận buồm xuôi gió. Theo một nghiên cứu năm 2016, có tới 40% người Mỹ không thể tiếp cận đến các thùng chứa rác ở lề đường một cách dễ dàng  để vứt bỏ đồ tái chế. Thậm chí ở nhiều vùng nông thôn, mọi người sẽ phải tự vận chuyển các hộp các tông đến các cơ sở tái chế. Việc có thể tiếp cận dễ dàng các cơ sở tái chế hay không không phải là vấn đề duy nhất mà người tiêu dùng phải đối mặt khi tái chế rác thải. Nếu bạn hỏi những người thu gom rác thải, thì họ có thể tìm thấy hàng tá thứ kỳ quặc trong các thùng tái chế có thể gây ra vấn đề trong quá trình tái chế này. Không giống như rác từ các cửa hàng truyền thống, đồ tái chế ở lề đường thường bị trộn lẫn bởi các rác thải khác từ nhà và bếp của người dân (có thể gọi chung là rác thải sinh hoạt). Tã bẩn và chai đựng gia vị đã quá nửa có thể làm ô nhiễm các tông, khiến nó trở nên không còn thích hợp để tái chế nữa.  Những chiếc đèn được dùng vào ngày lễ hay những cục pin thông thường bị vứt đầy lề đường mỗi khi dịp lễ đến cũng là một vấn đề đau đầu. Bạn phải biết rằng, đèn dùng trong dịp lễ thường là những dây đèn dài và loằng ngoằng, chúng hoàn toàn có thể bị rối và mắc vào máy mọc khi các thiết bị này thực hiện phân loại và buộc các cơ sở tái chế phải tạm thời ngừng quy trình để kiểm tra. Trong khi đó, pin có thể gây ra cháy nổ khi để lẫn với giấy và bìa cứng.

Bên trong cơ sở tái chế Plano, Texas. Băng chuyền giúp công nhân phân loại và đóng gói tái chế

“Một trong những thứ khiến tôi phải thức trắng đêm để suy nghĩ đó là vấn đề cháy nổ”, Pete Keller, phó chủ tịch phụ trách tái chế và phát triển bền vững của Republic Services, cho biết có rất nhiều pin được vứt ra ngoài sau kỳ nghỉ lễ. "Giáo dục là rất, rất quan trọng đối với bất kỳ chương trình tái chế thành công nào, ô nhiễm ở Mỹ tiếp tục là một thách thức không nhỏ."

“Chúng tôi cũng yêu cầu mọi người khi loại bỏ bất kỳ vật liệu đóng gói không phải giấy nào, chia nhỏ hộp, giữ cho chúng khô và sạch và đặt chúng vào thùng”, Heidi Brock, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Giấy & Rừng Hoa Kỳ, cho biết trong một email gửi đến The Verge, “Chúng tôi cần mọi người tham gia và làm tốt phần việc của mình để có thể tái chế thành công các sản phẩm làm từ giấy ngay tại nhà.

Tô Linh - MarketingAI

Theo The Verge

>> Có thể bạn quan tâm: Nhận định chiến lược giảm thiểu tác động xấu đến môi trường của các công ty Thương mại điện tử
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.