Review thị trường thuốc nhỏ mắt: Phân khúc tiềm năng của ngành Dược Việt Nam

25 Thg 09

Ngành dược hiện nay đang được đánh giá là một trong những ngành có sức tăng trưởng và thị phần hấp dẫn nhất trên thị trường. Rất nhiều những thương hiệu dược phẩm đang cố gắng tạo được chỗ đứng cho mình trên thương trường với nhiều chủng loại sản phẩm thuốc. Trong số đó thị trường thuốc nhỏ mắt đang có số hiệu gia tăng và sức cạnh tranh vô cùng lớn, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thu hút người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của hãng mình.

Chính vì vậy, Review dưới đây về thị trường thuốc nhỏ mắt sẽ là một báo cáo tổng thể để các Marketer có hướng đi chính xác cho thương hiệu của mình.

Ranking mức độ Viral của các thương hiệu nhỏ mắt trên Online

Tổng giá trị thị trường thuốc nhỏ mắt trong năm 2014 cho phân khúc chăm sóc mắt là 5,5 triệu USD và đến năm 2019 nó đã lên với con số cao hơn rất nhiều. Có rất nhiều thương hiệu hiện đã gia nhập "cuộc đua" trong nhiều năm qua. Trong số đó phải kể đến Rohto, thương hiệu nhỏ mắt được đánh giá số 1 trên thị trường hiện nay với 9,797 lượng đề cập. Có thể nói thêm khi mà đây cũng là thương hiệu ngoại đầu tiên gia nhập thị trường thuốc nhỏ mắt Việt Nam vào cuối thập niên 90. Đến nay, Rohto Mentholatum đã chớp lấy “thiên thời” và nhanh chóng tung ra dòng sản phẩm thuốc nhỏ mắt không cần ghi toa (OTC) mang tên V.Rohto, 72% lượng đề cập đến từ Rohto trong tổng đề cập của bảng xếp hạng, điều này do hãng đầu tư mạnh mẽ về mảng truyền thông.

Một số cái tên tiếp theo đứng theo sau trong bảng Ranking mức độ đề cập như: Sante (2,864), Natri Clorid (238), Eyemiru (166), Eyelight (165), Refresh Tears (92), Osla (76), Systane Ultra (66).

Xét về lượng thị phần thảo luận thì trong số tổng 187,673 bài viết và thảo luận thì Rohto vẫn đứng đầu khi chiếm lượng áp đảo với 53.03%, gấp 3,5 lần so với cái tên đứng ở vị trí số 2 là Sante với 15.5%. Các thương hiệu khác xếp tiếp theo với thứ tự lần lượt: Natri Clorid (1.29%), Eyemiru (0.91%), Eyelight (0.89%), Refresh Tears (0.5%), Osla (0.41%), Systane Ultra (0.36%), các thương hiệu khác chiếm 27.1%.

Hoạt động truyền thông của các Brands thuốc nhỏ mắt

Hiện nay, với một thị trường phát triển mạnh mẽ, những loại thuốc nhỏ mắt như Refresh, GenTeal, Vigamox… được nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc, châu Âu có giá từ hàng chục nghìn đồng cho đến hàng trăm nghìn đồng/lọ vẫn có khách hàng Việt ưa chuộng, do nhãn mác ngoại và hiệu quả thực tế. Chính vì thế, rất nhiều những thương hiệu cả nội địa và nước ngoài gia sức tổ chức những hoạt động để truyền thông làm sao cho tên tuổi của mình được công chúng biết tới.

Một trong những hoạt động chiếm được nhiều "ưu ái" của các hãng thị trường thuốc nhỏ mắt là hoạt tổ chức Minigame khi nó chiếm tới 49% lượng sử dụng. Ví dụ như Rohto tổ chức các Minigame liên tục ở hầu hết các dịp và gần đây nhất là "Thử tài nhanh mắt" khi thu lại được 197 bình luận và 199 lượt share trên trang cá nhân sau 2 ngày ra mắt. Eyemiru cũng tổ chức các minigame trên trang cá nhân của mình như: "Mắt tinh anh ghép nhanh nhận thưởng", "Chọn đúng đáp hay"... Điểm chung của những phương thức này là các hãng chọn Social Media làm nền tảng để các thương hiệu "tấn công" khách hàng của mình, tạo ra được lượng tương tác và nhận diện thương hiệu lớn.

Thêm vào đó, những hoạt động khác thường xuyên được các hãng tổ chức như Tổ chức sự kiện, ngày hội khám chữa bệnh (26%), đây cũng là hoạt động được hầu hết các brands về thuốc nhỏ mắt sử dụng khi mà bản thân các hãng muốn gắn kết với khách hàng không gì khác phải xây dựng các POSM, điểm trải nghiệm thực tế để khách hàng sử dụng. Các phương thức còn lại được kể đến như: Tổ chức cuộc thi (11%), tài trợ chương trình (9%), khuyến mãi tặng voucher (6%).

Các thông điệp được các nhãn hàng hay sử dụng

Hiện nay, thông điệp truyền thông mang tính cực kỳ quan trọng và phải thực sự hay thì mới có thể tạo ra được tính khác biệt với các hãng khác. Thị trường thuốc nhỏ mắt đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về cả số lượng lẫn chất lượng. Chính vì vậy, những dạng thông điệp truyền thông sau đây, được các hãng thường hay đưa đến cho khách hàng phải kể đến.

Tập trung vào vấn đề của khách hàng: Đánh vào Touch point là một điều rất quan trọng mà giới Marketing luôn phải chú ý và các nhãn hàng về thuốc nhỏ mắt không phải ngoại lệ. Những thông điệp truyền thông hiện nay của các hãng nhắm vào: Giảm khô mắt, nhức mắt,... hay những vấn đề về mắt để từ đó đánh vào tâm lý mua hàng của khách hàng.

Tập trung vào cảm giác khi sử dụng: Sản phẩm thuốc nhỏ mắt là sản phẩm chuyên dụng của ngành dược và có tính sử dụng cao. Chính vì vậy, giống với các sản phẩm ngành FMCG thì đây cũng là sản phẩm cần phải được khách hàng trải nghiệm nhiều để dẫn họ đến quyết định cuối cùng là mua hàng.

Tập trung nhấn mạnh thành phần điều chế: Với thị trường thuốc nhỏ mắt đã quá nhiễu vì nhiều sản phẩm, thì hiện nay việc công khai thành phần điều chế với những nguyên liệu có lợi cho sức khỏe sẽ là điểm cộng để thu hút khách hàng. Với cách truyền thông này thì các hãng có thể ghi điểm với khách hàng bởi sự công khai minh bạch về xuất xứ, các hãng có thể sử dụng KOLs để giới thiệu sản phẩm của mình tới khách hàng.

Các nền tảng được các hãng thuốc nhỏ mắt sử dụng

Social Media là nền tảng luôn được ưa chuộng ở hầu hết những ngành hàng khi mà 90% dân số Việt Nam hiện đang có ít nhất 1 tài khoản mạng xã hội. Facebook là nền tảng được thị trường thuốc nhỏ mắt hay sử dụng nhất với 96.9% lượng sử dụng trong tổng số 62,556 tổng bài viết và thảo luận. Quyền năng của nền tảng này là không thể phủ nhận và Facebook  Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới về lượng users với 58 triệu tài khoản. Trên Facebook thì những nơi thường được các hãng thuốc nhỏ mắt chọn lựa để tiếp cận người dùng nhiều nhất là trên các tài khoản cá nhân chiếm 85% bởi tính chất lan truyền và độ tin tưởng cao khi sử dụng tài khoản cá nhân hơn những tài khoản của thương hiệu. Fanpage chiếm tỷ lệ 11% và các Group về sức khỏe cũng chiếm 4%.

Tiếp theo nền tảng Facebook là một công cụ truyền thống mang tính xác thực cao hơn là báo chí (2.6%). Mặc dù lượng người sử dụng hiện nay mặc dù có xu hướng giảm đi, thế nhưng nó có tính chính xác được người đọc tin tưởng. Tiếp đến là E-commerce (0.2%), Youtube (0.1%).

Tác dụng khách hàng quan tâm khi chọn mua sản phẩm

Khi mua sản phẩm thuốc nhỏ mắt, khách hàng thường có thói quen quan tâm xem liệu tác dụng nào phù hợp để mình có thể mua hàng. Các Marketer có thể dựa vào những khảo sát dưới đây để tìm Insight cho mình truyền thông tới khách hàng một cách phù hợp nhất, "đánh" vào tâm lý mua hàng của họ.

Giảm mỏi mắt chiếm 4,132 lượng đề cập khi được hỏi tác dụng mong muốn của thuốc nhỏ mắt tăng 68% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó lượng đề cập có lượng phần trăm tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước là vấn đề dành riêng cho trẻ em với 860 lượng đề cập tăng 73%. Làm sáng mắt (2025), chống khô mắt (1396), giảm tác động tia UV (189), không cay mắt (11) cũng có lượng đề cập tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2018 lần lượt là 54%, 56%, 27% và 81%.

Kết

Có thể thấy rõ thị trường thuốc nhỏ mắt đang có những dấu hiệu bão hòa và các hãng đãng có ít hướng đi hơn so với nhiều năm trước đây. Thế nhưng, với những công nghệ truyền thông ngày càng phát triển thì có thể dựa vào những Review trên đây, các Marketer có thể chọn lựa hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp của mình "chen chân" vào trong miếng bánh thị phần ngành dược đầy sức cạnh tranh cao.

Thắng Nguyễn - MarketingAI

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.