[Recap Workshop] Xu hướng chuyển đổi số trong marketing & bài học từ case study thực tế

17 Thg 11

Năm 2020 đang trôi qua đầy thách thức và biến động. khiến cho hàng chục ngàn doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn. Nhưng trong hoàn cảnh đó, vẫn có những doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ, tối ưu hệ thống vận hành và chuyển đổi mô hình để phát triển và thành công. Vậy đằng sau sự thành công đó là gì? Để trả lời câu hỏi này, Content Joy đã tổ chức nên buổi tọa đàm Content Talk #5 với chủ đề Xu hướng chuyển đổi số trong marketing & bài học từ case study thực tế.

Với sự tham gia của 2 diễn giả là Chị Nguyễn Thanh Hương -  Giám đốc Content Marketing tại Admicro và Anh Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Marketing của nhãn hàng Biti’s, các khán giả tham dự đã được giải đáp phần nào về lĩnh vực chuyển đổi số và vai trò của chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp trong thời đại mới. Cùng MarketingAI điểm lại những nét chính có trong buổi Workshop nhé!

Vai trò của chuyển đổi số và trách nhiệm của các marketer trong thời đại chuyển dịch mới

Trong những năm gần đây, cụm từ “chuyển đổi số” xuất hiện ngày càng nhiều và khiến cho nhiều người tự hỏi, bản chất thật sự của “chuyển đổi số” là gì? Theo anh Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Marketing của Biti’s thì: “Thực ra việc chuyển đổi số có hai phần: chuyển đổi & số. “Số” ở đây là những điều liên quan đến công nghệ, kỹ thuật số, Internet, những thứ cao cấp như điện toán đám mây. Sự “chuyển đổi số” ở đây là việc vận dụng tất cả những công nghệ kỹ thuật số đó để tạo ra những cái mới hoặc làm tốt những những cái đang có liên quan đến quy trình nội bộ công ty lẫn khách hàng bên ngoài để tạo ra một trải nghiệm dịch vụ khách hàng tốt nhất, gắn kết khách hàng với công ty và thương hiệu. Cuối cùng là đem lại lợi ích ngắn hạn, trung hạn, dài hạn cho công ty.”

Tại Việt Nam, Chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn và trở thành một trào lưu hot trong khoảng thời gian cách ly xã hội vì COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng đây không chỉ đơn giản là một trào lưu “sớm nở chóng tàn”, mà còn là “xu thế không thể đảo ngược, trong đó dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn nhất của doanh nghiệp” - theo như lời ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội tin học TP HCM khẳng định. Trong khi đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cũng nhận định rằng: “Nếu không chuyển đổi số, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ thua về bậc và sớm muộn phải ra đi.”Đồng ý với nhận định này, anh Cường cũng cho rằng Chuyển đổi số là xu hướng không thể bỏ qua và “dữ liệu luôn là tài sản quan trọng nhất của một doanh nghiệp.”

[Recap Workshop] Xu hướng chuyển đổi số trong marketing & bài học từ case study thực tế - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Phú Cường - Giám đốc Marketing nhãn hàng Biti's

Vậy đứng trước xu thế này, các marketer cần phải có trách nhiệm gì?

Nhiều người cho rằng, người làm marketing không cần tìm hiểu sâu về Chuyển đổi số mà chỉ cần tìm hiểu trong phạm vi của Digital Marketing thôi là đủ. Điều này là hoàn toàn không đúng trong thời điểm hiện nay. Giải thích về vấn đề này, anh Cường cho biết: “Làm Marketing không phải chỉ làm về truyền thông quảng cáo mà là còn cách vận dụng toàn bộ nguồn lực công ty để thuyết phục được người tiêu dùng và cuối cùng đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Marketing sẽ giống như một kim chỉ nam vẽ ra định hướng chung cho các phòng ban khác noi theo. Chính vì thế, Digital Marketing hay Social thực chất chỉ là một mảng bề nổi giúp thương hiệu truyền đạt thông điệp ra bên ngoài. Còn Chuyển đổi số mới là một xu hướng và là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời đại mới. Vì vậy nên dù chúng ta không tận tay làm thì cũng phải tìm hiểu và có định hướng chung với các phòng ban khác, mà ở đây chính là những người dẫn đầu doanh nghiệp phải truyền tải mục đích, quy trình, giá trị và lợi ích cuối cùng mà Chuyển đổi số đem lại.”

Có thể thấy, Chuyển đổi số là hành trình tất yếu đối với mỗi doanh nghiệp và chỉ có ai đạt đến sự chủ động trong quá trình Chuyển đổi số này và đưa nó vào chiến lược dài hạn của mình thì mới là người thực sự làm chủ cuộc chơi.

Hành trình Chuyển đổi số của Biti’s và các thương hiệu nội khác

Số hóa toàn diện cùng Biti’s trong chiến dịch Transformation in 3 years 

Là một thương hiệu đã thành công trong hành trình chuyển đổi số với chiến dịch tiêu biểu Transformation in 3 years – Chuyển đổi trong 3 năm, Biti’s đã cho thấy mình xứng đáng thế nào với việc xuất sắc giành giải Brand Expansion tại giải thưởng PRNewswire năm 2020.

Chia sẻ về hành trình đầy tự hào này, anh Cường cho biết hãng đã phải chuẩn bị cho nó trong suốt nhiều năm liền. Chiến lược chuyển đổi bao gồm 2 lĩnh vực: phần cứng và phần mềm (phần hồn). Phần hồn ở đây chính là tinh thần của thương hiệu, biến một sản phẩm tiêu dùng thành một thương hiệu đại diện cho một phong cách sống. Phần cứng ở đây là quy trình, cách thức hay còn gọi với một cái tên khác là Chuyển đổi số.

Chúng ta đều biết rằng, Biti’s nổi lên từ những năm 2000 với câu slogan nổi tiếng “Nâng niu bàn chân Việt” và loạt quảng cáo quen thuộc trên tivi. Nhưng quãng thời gian “đen tối” sau đó đã khiến cho tất cả những gì người ta có thể nhớ về Biti’s chỉ là một thương hiệu giày dép thời “cha chú”, BỀN và RẺ nhưng không đủ để hấp dẫn giới trẻ. Và điều đó khiến cho Biti’s phải “ngậm ngùi” nhường sân cho các thương hiệu ngoại ngay chính tại sân nhà trong nhiều năm liền.   Cho đến cách đây vài năm, khi thị trường biến động với sự nổi lên của “gã khổng lồ” Digital Marketing, Biti’s bỗng nhận ra rằng họ cần phải chuyển đổi số ngay lập tức. Để thương hiệu được sống lại một lần nữa, Biti’s không chỉ “Nâng niu bàn chân Việt” theo đúng nghĩa đen mà còn “nâng niu” giá trị tốt đẹp của người Việt.

Thương hiệu này cũng lần đầu tiến vào thị trường Thương mại điện tử đầy sôi động và cạnh tranh với việc thành lập một kênh TMĐT của riêng mình là website Bitis.com.vn sau khi nắm bắt được xu hướng “số hóa” của người dân Việt Nam. Anh Cường cho rằng, việc chuyển đổi số giống như một cái “bắt tay” giữa các bên để tạo ra một kênh truyền thông mới mà ở đó, sản phẩm của Biti’s được biết đến nhiều hơn, và người tiêu dùng có thể được trải nghiệm một hình thức mua hàng mới mà trước đây các bạn chưa từng có.

Lợi ích khổng lồ mà Biti’s nhận được sau chặng đường “miệt mài” chuyển đổi

Trong quá trình Chuyển đổi số, điều dễ nhận thấy nhất là website của Biti’s đã được “thay máu” toàn diện. Ngoài việc trở thành một kênh kinh doanh, TMĐT còn giúp Biti’s đo lường được hiệu quả website, thấu hiểu insights và hành vi khách hàng, đồng thời duy trì được mối quan hệ lâu dài với khách hàng nhờ có tích hợp chatbot tự động và cá nhân hóa sản phẩm trên website.

Chuyển đổi số còn giúp Biti’s thu thập được nhiều dữ liệu hơn, góp phần cung ứng hàng hóa tốt hơn, chủ động, tránh tồn kho và rút ngắn được thời gian sản xuất, thiết kế, phát triển sản phẩm. Ngoài ra, việc kết hợp nhuần nhuyễn mô hình old to old- online offline cũng giúp kết nối với khách hàng nhiều hơn, thấu hiểu được khách hàng cần những gì và nhu cầu sử dụng của họ như thế nào để quản trị khách hàng tốt nhất.

'Mỗi công cụ marketing đề có ưu và nhược điểm riêng, không có cái nào là ưu điểm tuyệt đối mà chỉ có sự áp dụng phù hợp với từng sản phẩm và đối tượng khách hàng. Không nên loại bỏ bất cứ kênh truyền thông nào mà cần kết hợp một cách linh hoạt, thì đó là làm marketing một cách thành công."

Chị Nguyễn Thanh Hương

Chia sẻ quan điểm về chiến lược chuyển đổi này, Chị Nguyễn Thanh Hương cho rằng Biti’s đã có một tư duy về Chuyển đổi số rất bắt kịp thời đại, rất nhanh và tiên phong. Đầu tiên là “cú lội ngược dòng” giai đoạn 2016-2017 với sự xuất hiện của 2 MV ‘Lạc trôi” và “Đi để trở về” đã mở đầu cho một trào lưu với sự kết hợp giữa KOLs và MV ca nhạc, lồng ghép sản phẩm một cách rất khéo léo. Sau đó là chiến dịch Canvas of Pride đã kêu gọi cộng đồng cùng sáng tạo với mình, vẽ nên những câu chuyện truyền cảm hứng của người Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19. Và cuối cùng, Bitis cũng là đơn vị tiên phong trong việc làm CSR trong khoảng thời gian dịch bệnh.

Rõ ràng, dữ liệu khách hàng và tối ưu hóa việc trải nghiệm khách hàng là mục đích cuối cùng của chuyển đổi số và Bitis đã làm rất tốt điều đó.

Tìm lại hương vị xưa trong diện mạo mới của Kem Tràng Tiền

Bên cạnh Biti’s và nhiều thương hiệu nội khác thì kem Tràng Tiền - một biểu tượng của Hà Nội cũng là một thương hiệu nổi bật trong hành trình chuyển đổi số những năm gần đây. Bằng việc làm mới lại toàn bộ hình ảnh của thương hiệu, từ slogan, logo đến trang phục nhân viên, menu, cửa hàng, kem Tràng Tiền đã thành công cho thấy một hình ảnh thương hiệu vừa hiện đại mà vẫn mang nét truyền thống cổ xưa.

Là agency đảm nhận chiến dịch này, chị Hương cho biết Admicro đã thực hiện chiến dịch truyền thông đa kênh, làm lại toàn bộ website, fanpage, và truyền thông những hình ảnh “thay áo mới cho kem Tràng Tiền” thông qua những bài PR trên các báo như dantri.com. vnexpress, những tờ báo đi với giới trẻ như kenh14.vn, zing.vn. Cũng không quên những chiến dịch seeding trên các page về ẩm thực, văn hóa, các page về Hà Nội, cùng một loạt các event ra mắt ngay tại Tràng Tiền, sử dụng minigame, kết hợp KOLs,…

Kết quả thu được không chỉ là sự tăng trưởng về doanh số gấp 3,4 lần trong 3 tháng liên tiếp mà còn tăng về giá trị truyền thông. Chiến dịch này đã thành công tiếp cận được 10 triệu độc giả và tạo ra một trào lưu giới trẻ nô nức check-in với kem Tràng Tiền trong bộ nhận diện thương hiệu mới.

Các thương hiệu cần làm gì trong thời kỳ Chuyển đổi số hiện nay

Thông qua các case study thực tế trên, có thể thấy, Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay, với việc 30% các doanh nghiệp trên thế giới cho rằng Chuyển đổi số là một phương án sống còn.

Thống kê cho thấy, Chuyển đổi số giúp cho doanh nghiệp tối ưu chi phí hoạt động, vận hành đến 60%, tiết kiệm thời gian, nhân lực đến 90% và đồng thời cũng tăng lợi thế cạnh tranh, lợi nhuận thu được. Có thể nói, nó không chỉ là một công nghệ, mà còn là một chiến lược cụ thể.

Vậy nên, để thành công tiếp cận xu thế này, chúng ta cần phải xây dựng năng lực Chuyển đổi số, từ đội ngũ CSKH, đến việc xây dựng website tăng tương tác với khách hàng. Áp dụng các công cụ như chatbot, fanpage và tất cả mọi nơi có thể tiếp cận với khách hàng. Và không thể thiếu đó là người làm nội dung trên các nền tảng đó phải là người có chuyên môn và thực sự hiểu rõ nhãn hàng của bạn. Cuối cùng là Customer-Centric - nguyên tắc lấy khách hàng làm trọng tâm, mọi bắt đầu và kết thúc của Chuyển đổi số đều phải xoay quanh khách hàng, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng chính là cốt lõi của hành trình Chuyển đổi số.

Là một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và nội dung số, VCCorp đã sớm thành lập nên các đơn vị như VCCloud, Bizfly nhằm cung cấp những giải pháp về công nghệ điện toán đám mây, big data, chatbot, email marketing,... đều là những nền tảng cốt lõi trong Chuyển đổi số. Bản thân Admicro ngoài việc cung cấp giải pháp Content Marketing cũng mang tới cho khách hàng một chiến lược Digital Marketing bài bản, các giải pháp và sản phẩm truyền thông giúp các nhãn hàng tạo ra những kênh tương tác với khách hàng của mình trên mọi nền tảng.

Kết

Với 2 tiếng của buổi Workshop, Content Joy hi vọng các bạn tham dự đã có những góc nhìn đa chiều về lĩnh vực Chuyển đổi số hiện nay cũng như tìm ra cho mình một lối đi hiệu quả trong giai đoạn chuyển dịch sắp tới. Và đúng như anh Cường nói: “Dữ liệu là tài sản quý giá nhất của một doanh nghiệp”, thì điều quan trọng nhất đó là phải tận dụng và khai thác dữ liệu đó ra sao và Chuyển đổi số chính là câu trả lời mà các doanh nghiệp đang tìm kiếm!

Tô Linh - MarketingAI

Admicro là mạng lưới kinh doanh quảng cáo trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam với độ phủ tới hơn 97,6% người dùng Internet, sở hữu hơn 200+ website uy tín như Dân Trí, Kênh 14, CafeF, Afamily, GenK, Cafebiz…

Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn MIỄN PHÍ về các chiến lược quảng cáo, truyền thông thương hiệu, giải pháp marketing tại:

- Email: marketingai@admicro.vn

- SĐT: 0914.418.789

- Website: http://www.admicro.vn

- Địa chỉ: Tầng 20, Center Building Hapulico Complex, Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội

>> Có thể bạn quan tâm: NHỮNG CÂU NÓI ẤN TƯỢNG CỦA 2 CHUYÊN GIA TRONG CONTENT TALK #5

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.