Phương pháp tối ưu hóa nội dung cho tìm kiếm bằng giọng nói năm 2020

13 Thg 05

Nhu cầu được trò chuyện của con người giờ đây ngày càng gia tăng. Như thể việc chỉ nói chuyện với nhau ngoài đời không thôi là chưa đủ, chúng ta còn muốn được trò chuyện nhiều hơn với máy móc vì những lợi ích chúng mang lại. Máy móc có thể giúp ta dự báo thời tiết, bật cho ta nghe những bản nhạc hay, giúp ta mua sắm trực tuyến hay thậm chí là giúp ta từ những việc “nhỏ bé” như tắt đèn.

Trên thực tế, các phần mềm trợ lý giọng nói đã giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Chúng ta phụ thuộc vào chúng nhiều đến nỗi 48% người dùng trên thế giới sử dụng tìm kiếm bằng giọng nói. Điều này khá dễ hiểu. Con người thích trò chuyện với máy móc hơn là gõ bàn phím. Nghiên cứu cho thấy 71% người tìm kiếm muốn sử dụng các phần mềm trợ lý giọng nói hơn là phương thức gõ chữ tìm kiếm thông thường. 

Tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói là gì?

Tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói là hình thức SEO tập trung vào giọng nói, trong đó nội dung chất lượng đáp ứng mục đích của người dùng vẫn là ưu tiên hàng đầu. Sự khác biệt ở đây là bạn sẽ phải tối ưu hóa nội dung của mình trở thành những kết quả tìm kiếm chính trong các tìm kiếm bằng giọng nói, bằng cách sử dụng các phần mềm trợ lý giọng nói như Google Assistant, Siri, Alexa và Cortana.

Trước khi bàn tới các phương pháp tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói, chúng tôi muốn nêu rõ lý do tại sao người dùng lại thích dùng phương thức tìm kiếm này hơn là gõ chữ. Chẳng hạn như việc hầu hết mọi người đều đánh giá cao tốc độ tìm kiếm bằng giọng nói nhanh hơn là gõ chữ. Bên cạnh đó, một trong những chiến lược bạn cần áp dụng là cải thiện tốc độ của trang web.

Tại sao chúng ta cần phải chú trọng tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói?

Không nghi ngờ gì nữa, các phần mềm trợ lý giọng nói đã khiến cho cuộc sống của mọi người trở nên dễ dàng hơn. Mọi người trên toàn cầu đang sử dụng chúng để tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân khiến cho tìm kiếm bằng giọng nói trở nên phổ biến là việc áp dụng công nghệ AI vào trong tìm kiếm đã giúp cung cấp những kết quả có độ chính xác cao nhất cho người dùng.

Google đạt được độ chính xác gần như giống với con người trong việc nhận diện và hiểu được những câu nói trong tìm kiếm. Không có gì ngạc nhiên khi 93% người dùng cảm thấy kinh ngạc với phần mềm trợ lý giọng nói này.

Nếu muốn duy trì sự tương tác cao cho lĩnh vực của mình, đừng bỏ qua việc tối ưu hóa hình thức tìm kiếm trực tuyến đang phát triển với tốc độ lớn như hiện nay. Ngoài ra, việc tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói hiệu quả cũng sẽ giúp tăng cường tổng thể chỉ số UX và SEO cho trang web của bạn.

Các chiến lược quan trọng để tối ưu hóa giọng nói

1. Tập trung vào chiến lược nội dung để đảm bảo các truy vấn có liên quan

Các truy vấn có liên quan là các từ và cụm từ thay thế xuất hiện dưới dạng một gợi ý thay thế. Người dùng có thể chọn nhấp vào các đề xuất này để bắt đầu tìm kiếm mới. Các tìm kiếm có liên quan thường xuất hiện dưới dạng “Mọi người cũng hỏi” (People also ask) hay “Tìm kiếm liên quan” (Related Search) tại trang đầu tiên của Trang kết quả của công cụ tìm kiếm.

Làm các nội dung của bạn trở nên phong phú với các tìm kiếm có liên quan mang lại ý nghĩa sâu sắc hơn, giúp các công cụ tìm kiếm dễ dàng tìm thấy trang của bạn. Ngoài ra, sử dụng các tìm kiếm có liên quan cũng sẽ giúp hướng khán giả vào một mẫu tìm kiếm nhất định theo ý bạn mong muốn.

Với việc tìm kiếm qua gõ bàn phím, có thể người dùng sẽ chỉ tìm cụm từ “Phụ kiện nữ”. Nhưng với một trợ lý giọng nói, họ có thể hỏi: “Hey Google! Tôi có thể mua túi xách nữ tốt nhất ở đâu?” Do đó, để tối ưu hóa cho tìm kiếm bằng giọng nói, bạn cần phải xây dựng những tìm kiếm liên quan như là một phần trong chiến lược nội dung của mình.

Các công cụ như SEMRush và Google Trends có thể giúp bạn trong quá trình tìm kiếm các từ khóa liên quan, cho phép bạn phát triển nội dung sâu hơn. Điều này giúp tạo ra kết quả tìm kiếm chính xác liên quan đến mục đích của người dùng. Đồng thời chúng có thể định hướng cho chiến lược tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói của bạn. Google autocomplete cũng là một tính năng đáng lưu ý (là một tính năng trong Tìm kiếm của Google được thiết kế để giúp hoàn thành các tìm kiếm nhanh hơn vì chúng liên tục đưa ra các gợi ý khi bạn bắt đầu gõ những ký tự đầu tiên)

2. Nhắm mục tiêu cụm từ khóa dài

Các từ khóa đuôi dài, thường ở dạng câu hỏi, thường được người dùng sử dụng nhiều hơn trong quá trình tìm kiếm bằng giọng nói hoặc khi họ đang chuẩn bị đưa ra quyết định mua hàng. Thông thường, con người nói những câu dài hơn họ viết. Về bản chất đây chính là một cuộc trò chuyện, những từ khóa này có khả năng kết nối với những đối tượng có liên quan nhiều hơn, đồng thời tăng tính cam kết với khách hàng cũng như gia tăng cơ hội bán hàng.

Dưới đây là tìm kiếm của duy nhất từ “Váy” - kết quả cho ra là...quá lớn:

Tuy nhiên, một từ khóa đuôi dài cụ thể như “Váy da lộn màu đỏ dùng để mặc buổi tối” chắc chắn sẽ cho ra cụm kết quả ít cạnh tranh hơn và đem lại hiệu quả tốt hơn so với một từ khóa ngắn. Từ khóa đuôi dài luôn cụ thể hơn và cho ra kết quả chính xác hơn theo đúng những gì mà khách hàng đang tìm kiếm. Điều này làm tăng cơ hội nhấp vào website của thương hiệu cũng như gia tăng cơ hội bán hàng.

Với điểm mạnh này, các doanh nghiệp nên chú ý đến các cụm từ được người dùng sử dụng nhiều lần và tối ưu hóa cho các tìm kiếm phổ biến đó.

Sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa

Một trong những cách dễ nhất để tìm ra đúng các từ khóa đuôi dài phù hợp với thị trường ngách của bạn là sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa. Quá trình này có thể giúp bạn xác định một danh sách lớn các từ khóa, từ đó tối ưu hóa được nội dung dành cho tìm kiếm bằng giọng nói. Thậm chí hiện nay đã có một số công cụ nghiên cứu tập trung vào các từ khóa dựa trên câu hỏi, có khả năng tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói.

Chủ động trên các trang web và diễn đàn Hỏi & Đáp

Các nền tảng như Quora và Yahoo! Answers là một địa chỉ tuyệt vời để bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về mong muốn người dùng cũng như nảy ra các ý tưởng từ khóa cho thị trường ngách của bạn. Ở đây mọi người đang đặt câu hỏi và đưa ra câu trả lời về các chủ đề cụ thể. Bạn cũng có thể tìm kiếm các diễn đàn chứa từ khóa trong tên miền của mình nhờ các chuỗi tìm kiếm tiện dụng này trên Google.

Công thức như sau: “từ khóa” + “forum” hoặc “từ khóa” + “board”

Hãy nhìn số lượng tên miền forum có chứa từ khóa “yoga” dưới đây:

Khi tìm thấy được một diễn đàn đang hoạt động khá sôi nổi, hãy tìm hiểu về tiêu đề của các chủ đề cũng như từ, cụm từ hay được người dùng trả lời trong các câu hỏi. Như ví dụ dưới đây, nếu bạn đang phân tích kết quả tìm kiếm đầu tiên, bạn sẽ thấy một số từ và cụm từ đang được mọi người sử dụng nhiều.

Sử dụng đề xuất tự động hoàn thành của Google (Google autocomplete)

Có một sự thật là Google xử lý hơn 4 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày . Do đó, các cụm từ phổ biến và phù hợp nhất sẽ xuất hiện trong phần tự động hoàn thành khi người tìm kiếm bắt đầu tìm kiếm thứ gì đó. Sử dụng các đề xuất tự động hoàn thành của Google để có ý tưởng về các từ khóa đuôi dài tiềm năng mà bạn có thể sử dụng trong nội dung của mình.

Dựa vào Google Adwords

Bạn có biết rằng phần mềm Google AdWords sở hữu một công cụ lập kế hoạch từ khóa tạo ra các ý tưởng từ khóa ngắn và dài không? Tất cả những gì bạn cần làm là gõ ra một từ duy nhất và bạn sẽ tìm thấy nhiều từ khóa đang được tìm kiếm hàng đầu.

Khám phá từ khóa từ đối thủ

Nếu đối thủ của bạn đang có các từ khóa đuôi dài nhất định được xếp hạng cao trên thanh tìm kiếm, hãy ghi nhớ chúng và sử dụng chúng để đem lại lợi thế của doanh nghiệp. Ví dụ, nếu bạn đang muốn tìm kiếm các từ khóa hàng đầu trong lĩnh vực trẻ em, hãy tìm hiểu về những từ khóa mà các trang xếp hạng hàng đầu đang sử dụng, học hỏi và sử dụng chúng cho trang web của mình.

3. Cải thiện tốc độ và thời gian tải của trang web

Chúng tôi hiểu rằng tốc độ và thời gian tải trang của một website là những yếu tố chính trong thuật toán xếp hạng của Google cũng như các công cụ tìm kiếm khác. Tuy nhiên, bạn cũng nên biết rằng đây cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của chiến lược Marketing cho tìm kiếm bằng giọng nói:

Thực tế cho thấy các trang web mất nhiều thời gian để tải sẽ có tỷ lệ thoát trang cao. Do đó, các doanh nghiệp nên làm mọi cách có thể trong khả năng để cải thiện tốc độ trang của mình. Trước tiên hãy sử dụng các công cụ giúp đánh giá hiệu suất trang. Sau đó, có thể tận dụng các mẹo dưới đây của Google PageSpeed ​​Insights để nâng cấp trang web của bạn:

  • Chỉ sử dụng hình ảnh và video nén trên trang web
  • Giảm kích thước tệp CSS, JavaScript và HTML
  • Giảm thời gian phân tích cú pháp. Chẳng hạn, giảm phân tích cú pháp JavaScript bằng cách sử dụng các tùy chọn ''async'' và ''defer''.
  • Sử dụng các khung CSS3 và HTML5 vì chúng sẽ giúp tải các trang web di động một cách nhanh chóng.
  • Giảm thiểu CSS, HTML và JavaScript
  • Giảm các link điều hướng sang trang khác. Mỗi một điều hướng như vậy cần thêm thời gian dài hơn để chu trình phản hồi yêu cầu HTTP hoàn thành, khiến cho trang tải chậm hơn.
  • Cải thiện thời gian phản hồi của máy chủ bằng cách tìm kiếm và khắc phục các trở ngại như tốc độ truy vấn cơ sở dữ liệu bị chậm, định tuyến chậm hoặc thiếu bộ nhớ thích hợp.
  • Sử dụng mạng phân phối nội dung (CDN) giúp cải thiện tốc độ tải khi phân phối nội dung.

Các trang web có thời gian tải ngắn sẽ hoạt động tốt hơn trong tìm kiếm bằng giọng nói và hầu hết các tìm kiếm bằng giọng nói tải nhanh hơn dựa trên văn bản - đó là những gì bạn nên nhắm tới.

4. Sửa đổi nội dung cũ để nó giúp trả lời nhiều thắc mắc của người dùng hơn

Việc tải sử dụng và cập nhật nội dung cũ mang lại một làn gió mới vào trang web. Ngoài ra, nội dung trên trang web sẽ mang lại giá trị cao và được nhiều người theo dõi nếu chúng có chất lượng cao và luôn được cập nhật mới. Xem lại nội dung trang web cũng cho phép bạn trả lời các câu hỏi của người dùng một cách hiệu quả. Đó chính xác là những gì các công cụ tìm kiếm đang mong muốn: một nội dung luôn được cập nhật, có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực kinh doanh và chứa đựng giá trị ngày càng cao. Từ đó bạn có thể suy ra cách để "tân trang" nội dung cũ trên trang web của mình.

Bắt đầu bằng cách thay đổi các tiêu đề

Soạn một tiêu đề ấn tượng (nhưng đừng mang tính thương mại hóa quá!) cho bài viết của bạn. Kiểm tra số lượng ký tự của tiêu đề. Nếu tiêu đề cũ dài hơn 70 ký tự, hãy giảm xuống và tạo ra một tiêu đề rõ ràng, khơi dậy sự tò mò và đảm bảo một lời cam kết với khách hàng. Sử dụng các công cụ như CoSchedule và Sumo để tạo nên các tiêu đề hấp dẫn kích thích khách hàng nhấp vào đọc bài.

Chọn các trang có lượt “view” cao nhất để tân trang lại nội dung

Không phải tất cả các mục trên một trang web đều cần phải cập nhật. Vì vậy, bạn cần phải xác định được mục nào cần phải được sửa lại và cập nhật thêm thông tin mới. Google Analytics sẽ hữu ích trong trường hợp này. Công cụ này sẽ giúp bạn xác định được danh mục nào đang hoạt động hiệu quả nhất trên trang web của bạn. Hãy kiểm tra lại từng trang và xem xét chúng theo từng câu hỏi dưới đây, sau đó so sánh chúng với kết quả hàng đầu trong phân khúc của bạn.

  • Các trang đang hoạt động tốt nhất này có đang cung cấp ít nội dung hơn yêu cầu không?
  • Bạn có thể thêm các nội dung phù hợp với dạng cập nhật thông tin mới nhất hay các mẹo bổ sung không?
  • Đoạn giới thiệu trong những bài viết này có đủ hấp dẫn để níu chân người đọc đến đoạn tiếp theo không?
  • Các trang đó đã chứa các tất cả các từ khóa đuôi dài có liên quan cần thiết giúp nâng cao xếp hạng trong tìm kiếm bằng giọng nói chưa?

Cải thiện chất lượng nội dung

Khi đã định vị các trang đang hoạt động tốt nhất trên website của mình, bạn cần triển khai xây dựng thêm nội dung để giao diện trở nên rõ ràng và dễ nhìn hơn, từ đó thu hút thêm nhiều lượng truy cập tự nhiên. Việc tăng số lượng từ cũng sẽ cho phép bạn thêm các từ khóa đuôi dài và các chuỗi từ khóa tương tự. Điều này sẽ cải thiện đáng kể mật độ từ khóa trên trang của bạn và giúp bạn đạt được xếp hạng tốt hơn cho tìm kiếm bằng giọng nói.

Kiểm tra lại định dạng nội dung

Các đoạn văn bản dài dòng với định dạng kém sẽ tạo ra cảm giác khó đọc, không chỉ đối với người dùng mà còn là với các trình thu thập công cụ tìm kiếm. Điều này có thể tác động đến việc các công cụ tìm kiếm hiển thị kết quả đến trang của bạn cũng như hiểu về ngữ cảnh của nội dung. Hãy luôn đảm bảo các dạng nội dung từ đoạn văn ngắn, dùng đánh số hay gạch đầu dòng, cũng như tiêu đề phụ. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thẻ Alt để chèn mô tả hình ảnh và video trên trang web của mình.

Tối ưu hóa nội dung cho người dùng sử dụng các phần mềm trợ lý giọng nói

Tạo hành động cho Google Assistant và các kỹ năng phù hợp cho Alexa sẽ giúp tối ưu hóa nội dung cho các tìm kiếm bằng giọng nói. Hơn nữa, điều đó cũng sẽ giúp nội dung trở nên dễ truy cập hơn và phù hợp với các lệnh tìm kiếm qua giọng nói.

5. Kiểm tra khả năng tìm kiếm bằng giọng nói trên các phần mềm trợ lý giọng nói khác nhau

Trải nghiệm tìm kiếm bằng giọng nói sẽ khác nhau phụ thuộc vào người dùng và phần mềm trợ lý giọng nói được sử dụng. Do đó, điều quan trọng là bạn phải kiểm tra khả năng hiển thị kết quả tìm kiếm giọng nói cho trang web của mình trên các phần mềm trợ lý giọng nói khác nhau, từ đó có thể đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng của mình.

  • Thử nghiệm trên các ứng dụng đồng hành của Alexa và Google Assistant. Cả Google và Amazon đều có khả năng hiển thị kết quả chính xác từ những gì trợ lý giọng nói nghe được. Họ cũng cung cấp một bản record kiểm tra đầy đủ, giúp làm rõ những hiểu lầm mà trợ lý giọng nói có thể mắc phải. Đối với các kỹ năng beta, bạn cần tiến hành Kiểm tra khả năng truy cập người dùng (UAT) và sử dụng các trình giả lập có thể nắm bắt 99% các vấn đề.
  • Sử dụng các công cụ kiểm tra các điểm mạnh của trang web. Một số công cụ có thể giúp đạt được khả năng truy cập người dùng cơ bản trong giai đoạn phát triển. Sử dụng chúng có thể giúp đơn giản hóa quá trình phát triển chiến lược thử nghiệm hướng tới người dùng hơn.
  • Tối ưu hóa tìm kiếm với các giọng nói vùng miền khác nhau: Không có gì ngạc nhiên khi mọi người đến từ các vùng khác nhau có giọng nói khác nhau. Mặc dù việc tối ưu hóa cho các tìm kiếm với giọng nói khác nhau là điều cực kỳ khó, nhưng nếu làm được, bạn sẽ có thể hoàn thành được kịch bản từ khóa tìm kiếm một cách phù hợp. Bạn có thể đưa ra lựa chọn cho người dùng cung cấp loại giọng nói của họ để quá trình này diễn ra dễ dàng hơn. Ngoài ra, việc kiểm tra các kỹ năng giọng nói trên các phần mềm trợ lý là một phần quan trọng trong việc tối ưu hóa trang web cho tìm kiếm bằng giọng nói.

6. Sử dụng AMP và dữ liệu có cấu trúc

Phần lớn số người sử dụng Internet trên toàn cầu đều sử dụng tính năng thoại trên smartphones của họ. Đó là lý do tại sao cần phải thiết kế giao diện trang web trên điện thoại trở nên thân thiện với người dùng để SEO tìm kiếm bằng giọng nói đạt được hiệu quả cao hơn. AMP hoặc các trang di động được tăng tốc giúp tốc độ tải của trang web nhanh hơn, từ đó cải thiện khả năng sử dụng và UX của trang web. Do đó, chúng rất được ưa chuộng trong "thế giới" tìm kiếm trên di động (và giọng nói).

Dữ liệu có cấu trúc, thường được coi là schema markup (loại ngôn ngữ dùng để đánh dấu dữ liệu có cấu trúc), giúp đảm bảo rằng nội dung được các công cụ tìm kiếm dễ dàng phát hiện. Cả AMP và dữ liệu có cấu trúc đều sẽ giúp tối ưu hóa nội dung trên trang web sao cho có liên quan đến tìm kiếm bằng giọng nói.

7. Tập trung vào Local SEO

Tìm kiếm bằng giọng nói sẽ được tối ưu và chi tiết nhất theo từng vị trí người dùng. Không có gì ngạc nhiên khi “gần tôi” và “khu vực” là những cụm từ được những người tìm kiếm bằng giọng nói sử dụng nhiều nhất trong việc tìm kiếm các doanh nghiệp địa phương. Do đó, Local SEO nên là một trong những ưu tiên hàng đầu của mọi doanh nghiệp.

Dưới đây là một số mẹo nhanh để giúp bạn tối ưu hóa cho tìm kiếm địa phương (local search):

  • Yêu cầu danh sách cho doanh nghiệp của bạn trên Google My Business và các trang web khác. Đảm bảo thông tin được cung cấp là chính xác và mới nhất. Hãy tìm tất cả các danh sách liên quan đến doanh nghiệp của bạn, kiểm tra từng cái và loại bỏ những thông tin trùng lặp.
  • Kiểm tra tính nhất quán của NAP (tên, địa chỉ và số điện thoại) . Điều này có thể dễ dàng kiểm tra trong danh sách mà Google My Business cung cấp và với một công cụ tìm kiếm địa phương.
  • Thêm một trang địa điểm vào trang web của bạn. Điều này có thể giúp các công cụ tìm kiếm thu thập dữ liệu trang web và cung cấp địa chỉ chính xác cho người dùng thông qua tìm kiếm bằng giọng nói.
  • Phân tích đánh giá của khách hàng vì chúng sẽ là một yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp gia tăng xếp hạng trong các mục tìm kiếm địa phương. Càng nhiều đánh giá thì bạn càng có cơ hội tốt hơn để trở nên nổi bật so với đối thủ cạnh tranh.
  • Chia sẻ các danh mục địa phương (local content). Điều này rất cần thiết đối với Local SEO

Sử dụng các phương tiện mạng xã hội để tối ưu hóa điểm mạnh trang web của bạn. Google và các công cụ tìm kiếm khác cũng lấy thông tin từ các kênh mạng xã hội. Vì thế, hãy thu thập các đánh giá trên Facebook, chia sẻ video trên YouTube và hoạt động trên các nền tảng truyền thông xã hội khác để tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói.

Kết luận

Hiện nay, giọng nói đang được thiết lập để chuẩn bị cho thời kỳ thống trị trong lĩnh vực Marketing trong những năm tới. Vì vậy, thay vì chống lại sự thay đổi này, đã đến lúc bạn kết hợp các chiến lược được đề cập ở trên để chiếm lấy một chỗ đứng trong thị trường giọng nói trước khi các đối thủ cạnh tranh làm điều đó. Tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói bao gồm nhiều chiến thuật như tăng tốc độ trang web, cải thiện trải nghiệm đọc nội dung của người dùng và cung cấp nội dung có liên quan ở dạng dài trong số các chiến lược khác. Tất cả các chiến thuật này sẽ không chỉ cải thiện SEO bằng giọng nói mà còn tinh chỉnh trải nghiệm khách hàng trên trang web của bạn và tăng thứ hạng tổng thể của nó. Do đó, nói cách khác, tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói sẽ giúp thu hút lượng truy cập từ những người sử dụng smartphones, máy tính để bàn, phần mềm trợ lý giọng nói và các thiết bị được kết nối khác. Ngay bây giờ, hãy sử dụng các chiến thuật này để bắt kịp cuộc cách mạng tìm kiếm bằng giọng nói và có lợi thế hơn so với đối thủ của bạn.

Tô Linh - MarketingAI

Theo G2 Learning

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.