Phân biệt First, Second và Third-Party Data: Cách thu thập, cách sử dụng, ưu và nhược điểm của từng loại

05 Thg 04

First Party, Second Party & Third Party Data là gì? Các tập dữ liệu này được thu thập và sử dụng như thế nào? Những ưu và nhược điểm của từng loại dữ liệu này là gì? Tất cả những câu hỏi trên sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

Lợi ích chính của việc sử dụng nền tảng dữ liệu khách hàng (CDP) là nó tập trung tất cả dữ liệu khách hàng có sẵn vào một nơi, để các nhà tiếp thị theo hướng dữ liệu, đại diện bán hàng và người quản lý có thể thực hiện các phân tích để làm việc hiệu quả hơn nhằm thu hút, tiếp cận và giữ chân khách hàng thành công.

CDP tập trung chủ yếu vào việc thu thập và tổng hợp first-party data, nhưng chúng cũng có thể lưu trữ second-party data và third-party data. Cùng tìm hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa ba thuật ngữ này và loại dữ liệu nào là tốt nhất cho doanh nghiệp của bạn.

First-party data - Dữ liệu bên thứ nhất

Khái niệm

First-party data: Dữ liệu bên thứ nhất hay dữ liệu chính chủ được định nghĩa là dữ liệu được thu thập trực tiếp từ đối tượng của doanh nghiệp, bao gồm: khách hàng, khách truy cập trang web và những người theo dõi trên mạng xã hội.... "Bên thứ nhất" là bên đã thu thập dữ liệu trực tiếp để sử dụng cho việc Retargeting (nhắm mục tiêu lại hay quảng cáo bám đuổi).

Dữ liệu bên thứ nhất được thu thập trực tiếp từ đối tượng của doanh nghiệp. Ảnh: OnAudience

Khi nói đến Retargeting, first-party data là loại dữ liệu có giá trị nhất, vì dữ liệu này được thu thập từ chính đối tượng của doanh nghiệp. Do đó, việc đưa ra dự đoán và dự báo các xu hướng hành vi trong tương lai trở nên đáng tin cậy hơn. Những dữ liệu này có thể bao gồm:

  • Dữ liệu từ các hành vi hoặc dấu chân điện tử của khách hàng để lại trên trang web, ứng dụng hoặc sản phẩm
  • Dữ liệu trong CRM
  • Dữ liệu từ hồ sơ mạng xã hội
  • Dữ liệu từ các lượt đăng ký email hoặc sản phẩm
  • Dữ liệu từ các cuộc khảo sát
  • Dữ liệu từ phản hồi của khách hàng

First-party data được thu thập như thế nào?

Dữ liệu bên thứ nhất được thu thập bằng cách cài đặt pixel (một đoạn mã JavaScript) vào hồ sơ trang web, sản phẩm hoặc phương tiện truyền thông xã hội để thu thập thông tin về hành vi và hành động của khách hàng, sau đó ghi lại nó trong CRM hoặc CDP. Bất cứ khi nào người dùng truy cập hoặc nhấp vào trang web, xem các sản phẩm, tương tác với một bài đăng trên mạng xã hội hoặc điền vào bản khảo sát, doanh nghiệp đều có thể thu thập được dữ liệu đó.

First-party data được sử dụng như thế nào?

Dữ liệu bên thứ nhất được sử dụng để nhắm mục tiêu lại đối tượng thông qua quảng cáo, chương trình nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng và trong quá trình bán hàng. Nó cũng được sử dụng để làm rõ hơn chân dung của một khách hàng lý tưởng hoặc tìm hiểu thêm về cách tiếp cận với khán giả mới và cách gắn kết những khách truy cập trang web hoặc phương tiện truyền thông xã hội quen thuộc với thương hiệu của bạn, những người có thể trở thành khách hàng trong tương lai.

Nếu bạn từng xem một sản phẩm trực tuyến, sau đó liên tục thấy quảng cáo cho sản phẩm này trong các banner quảng cáo và phương tiện truyền thông xã hội, thì đó là một ví dụ về cách hoạt động của nhắm mục tiêu lại từ dữ liệu bên thứ nhất.

Ưu điểm và nhược điểm của First-party data

Ưu điểm

  • Thuộc về thương hiệu
  • Độc nhất
  • Ít quy định ràng buộc hơn

Nhược điểm

  • Có thể là hạn chế về chiều sâu và quy mô

Second-party data - Dữ liệu bên thứ hai

Khái niệm

Second-party data: Dữ liệu bên thứ hai hay dữ liệu hợp tác là dữ liệu mà bạn không tự thu thập - nói cách khác, đây là dữ liệu bên thứ nhất được một công ty khác thu thập sau đó đem trao đổi hoặc bán lại cho bạn. Về lý thuyết, dữ liệu bên thứ hai được sử dụng để các thương hiệu trao đổi, thỏa thuận với nhau trong những tình huống có lợi cho cả hai bên.

Dữ liệu bên thứ hai là dữ liệu bên thứ nhất được trao đổi và hợp tác giữa hai bên. Ảnh: OnAudience

Ví dụ: nếu một công ty phần mềm làm việc với đối tác agency để bán lại sản phẩm của mình, thì công ty phần mềm này có thể chia sẻ dữ liệu bên thứ nhất với agency để họ sử dụng làm dữ liệu bên thứ hai nhằm nhắm mục tiêu và thu hút khách hàng mới. Điều này tạo ra mối quan hệ cùng có lợi giữa hai công ty và loại bỏ các kho dữ liệu đang hạn chế sự phát triển của họ.

Second-party data được thu thập như thế nào?

Vì dữ liệu bên thứ hai về cơ bản giống thông tin với dữ liệu bên thứ nhất, nên cách duy nhất để lấy được là lấy từ người khác. Như chúng tôi đã đề cập ở trên, cách tốt nhất bạn có thể làm là hợp tác với một tổ chức khác có cùng mục tiêu với bạn. Vì cả hai bên đều thu được lợi ích, nên việc trao đổi dữ liệu sẽ giúp cải thiện các nỗ lực tiếp thị và dịch vụ khách hàng tốt hơn.

Cách dễ dàng hơn để lấy dữ liệu bên thứ hai là mua dữ liệu đó. Mặc dù điều này nhanh hơn so với việc tìm kiếm đối tác, nhưng cũng mang lại rủi ro nhiều hơn. Bạn có thể chi nhiều tiền cho dữ liệu không thực sự hữu ích cho doanh nghiệp của mình. Vì vậy, nếu bạn định mua dữ liệu bên thứ hai, hãy chắc chắn nhận được bản xem trước thông tin trong dữ liệu đó để xem dữ liệu đó có liên quan đến công ty của bạn hay không.

Một lợi ích của việc này là bạn có thể tìm thấy thông tin cụ thể mà không cần phải dò tìm dữ liệu không liên quan. Khi thực hiện giao dịch mua, bạn có thể cho tổ chức đó biết chính xác những gì bạn muốn và không muốn từ dữ liệu bên thứ hai của mình. Bằng cách đó, nhóm của bạn sẽ không mất hàng giờ để cố gắng tìm một phần thông tin không cần thiết ngay từ đầu.

Second-party data được sử dụng như thế nào?

Sau khi thu được dữ liệu, dữ liệu sẽ được sử dụng theo cách tương tự như dữ liệu bên thứ nhất. Bạn có thể tạo quảng cáo, thu hút khách hàng tiềm năng và xóa bỏ xích mích trong quá trình bán hàng.

Tuy nhiên, sự khác biệt là dữ liệu này cung cấp cho bạn cái nhìn mới về khách hàng của mình. Vì nó đến từ một tổ chức khác, bạn có thể phát hiện ra các xu hướng hoặc yếu tố mà bạn đã bỏ qua trong nghiên cứu bên thứ nhất của mình. Bằng cách xem xét thông tin từ một lăng kính khác, việc phát hiện ra nhu cầu hoặc sở thích của khách hàng chưa được cân nhắc sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Ưu điểm và nhược điểm của Second-party data

Ưu điểm

  • Hiểu thêm về chiều sâu và ý nghĩa khác cho dữ liệu hiện có của bên thứ nhất.

Nhược điểm

  • Các vấn đề tích hợp tiềm ẩn
  • Có thể bị hạn chế về tính khả dụng so với dữ liệu bên thứ nhất
  • Quan hệ đối tác dữ liệu đôi khi có thể mang lại nhiều vấn đề phức tạp

>> Xem thêm: Những điều cần biết về Second-party data khi marketer tập trung vào sự cộng tác

Third-party data - Dữ liệu bên thứ ba

Khái niệm

Third-party data: Dữ liệu bên thứ ba hay dữ liệu độc lập là bất kỳ dữ liệu nào được thu thập bởi một doanh nghiệp hoặc tổ chức khác mà không có bất kỳ liên kết trực tiếp nào đến khách truy cập hoặc khách hàng.

Dữ liệu bên thứ ba được cung cấp bởi một doanh nghiệp, tổ chức riêng biệt. Ảnh: OnAudience

Dữ liệu bên thứ ba thường được thu thập, tổng hợp và bán cho các công ty để giúp họ xây dựng chiến lược quảng cáo và nhắm mục tiêu lại hiệu quả. Sử dụng dữ liệu này giúp bạn tiết kiệm được thời gian và nguồn lực trong việc thu thập dữ liệu bên thứ nhất về khách hàng và khách truy cập, cung cấp thông tin cho chiến lược của bạn để đạt được kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, vì nó không được thu thập từ khách hàng thực tế của bạn và khả dụng cho cả đối thủ cạnh tranh, nên cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng để mang lại nhiều lợi ích nhất.

Third-party data được thu thập như thế nào?

Dữ liệu bên thứ ba được thu thập và phân phối theo cùng một định dạng như dữ liệu bên thứ nhất và thứ hai. Các nhà nghiên cứu độc lập sử dụng các cuộc khảo sát, phỏng vấn và biểu mẫu phản hồi để thu thập thông tin về một lượng lớn đối tượng. Sau đó, giống như dữ liệu bên thứ hai, các tổ chức có thể mua thông tin này để sử dụng.

Sự khác biệt là hầu hết các nghiên cứu của bên thứ ba được thực hiện trên các kích thước mẫu ngẫu nhiên. Không giống như dữ liệu bên thứ nhất, nơi thông tin được lấy từ chính khách hàng của bạn, dữ liệu bên thứ ba chỉ khảo sát bất kỳ ai sẵn sàng điền vào biểu mẫu. Mặc dù điều này mang lại nhiều người tham gia và phản hồi hơn, nhưng thật khó để nói liệu thông tin có hữu ích cho doanh nghiệp của bạn hay không.

Third-party data được sử dụng như thế nào?

Dữ liệu bên thứ ba nên được sử dụng làm phần bổ sung cho dữ liệu bên thứ nhất. Mặc dù việc sử dụng dữ liệu bên thứ ba có thể tiết kiệm nguồn lực hơn so với nghiên cứu riêng, nhưng có nhiều dữ liệu không quan trọng bằng sự phù hợp.

Vì vậy, trước tiên bạn nên phân tích dữ liệu bên thứ nhất để biết các xu hướng và yếu tố trong hành vi của khách hàng. Sau đó, so sánh những phát hiện của mình với dữ liệu bên thứ ba, nhắm mục tiêu cụ thể những người trả lời phù hợp với chân dung người mua của bạn. Bằng cách đó, bạn có thể xem liệu các hành vi bạn quan sát có phù hợp với phần lớn thị trường của bạn hay không.

Ưu điểm và nhược điểm của Third-party data

Ưu điểm

  • Có sẵn
  • Tiếp cận rộng rãi

Nhược điểm

  • Chất lượng có thể rất khác nhau
  • Không độc đáo
  • Có thể tốn kém
  • Nguy cơ vi phạm quy định dữ liệu cao hơn

Kết

Trên đây là tổng hợp tất cả những thông tin cơ bản nhất về 3 dạng dữ liệu bên thứ nhất, thứ hai và thứ ba về khái niệm, cách thu thập, cách sử dụng cũng như ưu và nhược điểm của từng loại dữ liệu. Tùy thuộc vào mục tiêu và khả năng của doanh nghiệp, bạn có thể dựa vào những thông tin trên để lựa chọn loại dữ liệu phù hợp nhất.

Lương Hạnh - MarketingAI

Theo blog.hubspot

>> Có thể bạn quan tâm: Giải pháp thay thế cookie của bên thứ ba của Google ảnh hưởng thế nào đến marketer?

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.