Nhìn lại SEO 2020: Các cập nhật quan trọng và tác động của COVID-19 lên mọi mặt của tìm kiếm

12 Thg 01

Từ việc Google thực hiện miễn phí hoàn toàn đối với chi phí hiển thị danh sách sản phẩm trên Google Shopping sau 8 năm thu phí, cho đến cách SEO tập hợp lại vì sự bình đẳng giới và sự đa dạng trên toàn cầu, hay như bản cập nhật Trải nghiệm trang sắp ra mắt sắp tới - ngành công nghiệp SEO 2020 đã trải qua những điểm nhấn quan trọng cần phải lưu ý. 

Rõ ràng, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã không thể làm chậm đi sự phát triển của ngành công nghiệp tìm kiếm. Trải qua một năm đầy biến động, hãy cùng MarketingAI nhìn lại cách mà những “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp tìm kiếm ứng phó với những nhu cầu mới của thị trường, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhé!

Các bản cập nhật thuật toán của Google năm 2020

Các bản cập nhật cốt lõi

Google đã tung ra bản cập nhật cốt lõi đầu tiên của năm 2020 vào tháng 1, thời điểm bước sang năm mới chưa đầy 2 tuần. Thông thường, những cập nhật này sẽ mất khoảng hai tuần để hoàn thành việc triển khai, nhưng công ty cho biết nó gần như đã được hoàn thành sau đó bốn ngày, vào ngày 16 tháng 1.

Bốn tháng sau, bản cập nhật cốt lõi tháng 5 năm 2020 lại làm rung chuyển mọi thứ một lần nữa, đến nỗi một số người còn gọi nó với cái tên là “quái vật”.

Các bản cập nhật thuật toán của Google năm 2020Xét trong mọi khía cạnh, bản cập nhật tháng 5 xáo trộn kết quả của Google hơn bản cập nhật tháng 1.

Thị trường dần trở nên im ắng trong phần còn lại của năm, cho đến khi ra mắt bản cập nhật cốt lõi tháng 12 năm 2020, ngay giữa mùa mua sắm Black Friday/ Cyber Monday và những ngày lễ cuối năm. Dựa trên một số báo cáo, đây là bản cập nhật cốt lõi có tác động lớn nhất trong năm.

BERT tăng từ 10% đến gần 100%  

Trong sự kiện SearchOn của mình, Google đã thông báo rằng BERT hiện đang cung cấp gần như tất cả các truy vấn bằng tiếng Anh.

Vào tháng 12, các chuyên gia tìm kiếm đã tinh tường nhận ra rằng, sự ra đi được công bố rộng rãi của chuyên gia nghiên cứu AI và đồng trưởng nhóm kỹ thuật của Nhóm Trí tuệ nhân tạo đạo đức Timnit Gebru khỏi Google có liên quan chặt chẽ đến những rủi ro tiềm ẩn trong việc đào tạo các mô hình ngôn ngữ sử dụng tập dữ liệu lớn. Cụ thể, những rủi ro tiềm ẩn đó bao gồm việc sử dụng bộ dữ liệu từ internet, nơi có thể chứa thành kiến chống lại những người bị phân biệt đối xử trong xã hội. Và vấn đề là những thành kiến đó có thể sẽ được hình dung ra trong các mô hình ngôn ngữ được sử dụng trong các công cụ tìm kiếm.

Cập nhật Trải nghiệm trang  

Dù được công bố vào tháng 5/2020 nhưng dự kiến, đến tháng 5/2021, bản cập nhật Trải nghiệm trang mới được chính thức ra mắt. Bản cập nhật được cho là sự kết hợp của các yếu tố xếp hạng tìm kiếm hiện có, chẳng hạn như  mức độ thân thiện với thiết bị di động, tốc độ tải trang, tăng xếp hạng HTTPS,  hình phạt đối với các quảng cáo xen kẽ và hình phạt dành cho các website duyệt web không an toàn, cùng với các chỉ số mới về tốc độ và khả năng sử dụng, được gọi là Core Web Vitals.

Được biết, bản cập nhật Trải nghiệm trang sẽ chỉ được áp dụng cho xếp hạng trên thiết bị di động, ít nhất là trong thời điểm ban đầu triển khai. Cũng có thể sẽ có một chỉ báo trực quan để lọc ra các danh sách tìm kiếm trên thiết bị di động cung cấp trải nghiệm trang tốt. Và, khi bản cập nhật này được phát hành, Google cũng sẽ nâng yêu cầu AMP đối với mục Top Stories của mình nhằm tạo cơ hội cho các bài viết đáp ứng được yêu cầu của trải nghiệm trang.

Bên cạnh đó, bản cập nhật Passage indexing (tức là Google đang lưu trữ và truy xuất thông tin trong các đoạn văn) đã được công bố vào tháng 10 và dự kiến ​​sẽ bắt đầu triển khai trong năm nay, nhưng Google đã xác nhận với chúng tôi rằng nó vẫn chưa hoạt động. Cụ thể thì Google không thực sự index các đoạn riêng biệt, mà đó là “Passage Ranking” (tức là Google vẫn thu thập dữ liệu và lập chỉ mục toàn bộ trang Web) hơn là Passage indexing. 

Cập nhật Trải nghiệm trang  Sự khác biệt giữa Google Passage Ranking và Google Featured Snippet (Ảnh: Nevaa)

Tin tức về SEO năm 2020

Liên kết Nofollow

Vào ngày 1 tháng 3, cách xử lý mới của Google về các liên kết nofollow đã xuất hiện, mang theo các thuộc tính liên kết rel = “Managed” và rel = “ugc” mới. Những người làm SEO đã ủng hộ sự ra đời của thông báo này từ tháng 9/2019, nhưng mãi đến tận tháng 3/2020, mong muốn của họ mới thành sự thật. Có lẽ việc đại dịch xảy ra đã đặt ra cho các nhà tiếp thị những vấn đề lớn hơn cần giải quyết.

Dữ liệu có cấu trúc (Structured data)

Google thông báo ngừng hỗ trợ đánh dấu data-vocabluary.org trong các kết quả nhiều định dạng; thời gian kết thúc được ấn định vào ngày 6 tháng 4, nhưng công ty đã hoãn lại cho đến ngày 29 tháng 1 năm 2021, do tình trạng của COVID-19. 

Công cụ Rich Results Test Tool đã ra mắt phiên bản thử nghiệm vào mùa hè năm ngoái, báo hiệu sự kết thúc của công cụ Structured Data Testing Tool đã cũ và lỗi thời. Cùng với đó, Google quyết định giữ lại Công cụ Structured Data Testing Tool, nhưng chuyển nó sang schema.org vào tháng 4 tới đây.

Tài liệu SEO

Cả Google và Bing đều cập nhật một số tài liệu SEO quan trọng của họ. Trong đó, Bing đã sửa đổi Nguyên tắc quản trị trang web của mình, cung cấp chi tiết về cách xếp hạng các trang web. Còn Nguyên tắc Xếp hạng Chất lượng Tìm kiếm của Google chỉ nhận được một bản cập nhật trong năm nay; thêm các hướng dẫn chi tiết hơn cho người xếp hạng cũng như một phần mới cho các kết quả từ điển và bách khoa toàn thư.

SERP

Trang kết quả tìm kiếm cũng có tỷ lệ thay đổi hợp lý trong năm nay. Google thông báo rằng họ đã “khai báo” trang đầu tiên của kết quả bằng cách loại bỏ trùng lặp các đoạn trích nổi bật, có nghĩa là các trang kiếm được trích đoạn trong featured snippet sẽ không còn lặp lại như một danh sách thông thường nữa. Mục thanh bên phải đặc trưng hiển thị trong kết quả tìm kiếm cũng đã được chuyển vào cột kết quả chính.

Tin tức về SEO năm 2020

Trong nỗ lực cung cấp nhiều câu trả lời trực tiếp hơn cho người dùng, Bing đã sử dụng các mô hình ngôn ngữ được đào tạo trước để trả lời các truy vấn đơn giản là “có” hoặc “không”.  Nó cũng bổ sung các điều khiển đoạn mã (snippet controls), giúp chủ sở hữu trang web linh hoạt hơn trong việc xem trước các kết quả tìm kiếm của họ. Google đã giúp việc tìm kiếm feature snippet trở nên dễ dàng hơn bằng cách chính thức tung ra một tính năng đánh dấu mà nó đã thử nghiệm trong nhiều năm.

Google Image và YouTube

Giấy phép bản quyền hình ảnh đã được Google Image ra mắt phiên bản beta (thử nghiệm) vào cuối tháng 8 năm ngoái. Cụ thể, khi người dùng search trong Google Image thì hình ảnh của bạn sẽ xuất hiện đính kèm với nhãn "licensable”. Công ty cũng đã thêm quyền sử dụng filter của các ảnh cho những trường hợp có sở hữu thông tin cấp phép. Tính năng "key moments” cũng được triển khai rộng rãi hơn; nó hiện có thể xuất hiện trên nhiều video trong kết quả tìm kiếm trên di động.

Google Image và YouTubeGoogle cung cấp bản quyền hình ảnh trong Google Image

Cập nhật liên quan đến COVID-19

Lượng người sử dụng các công cụ tìm kiếm gia tăng đột biến khi đại dịch COVID-19 bùng phát ra khắp nước Mỹ. Đặc biệt trong giai đoạn cuối tháng 2 đến cuối tháng 3, khi tìm kiếm từ khóa “corona” trên Google, mọi kết quả đã bị biến thành các tin tức liên quan đến đại dịch COVID-19 (thay vì thương hiệu bia Corona của Mexico). Sự biến đổi này đã vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về giao diện tìm kiếm trong tương lai và giúp người dùng hình dung ra được các trang tìm kiếm sẽ trông như thế nào trong phần còn lại của năm 2020.  

Thậm chí, công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft còn cho ra mắt một Trình theo dõi COVID-19 cũng như một chatbot tự kiểm tra coronavirus CDC ngay trên trang kết quả tìm kiếm.

Cập nhật liên quan đến COVID-19

Và để giúp người dùng cập nhật thông tin nhanh nhất, Google còn cung cấp thêm mục cập nhật tin tức COVID-19 tại từng quốc gia và khu vực và cho hiển thị ngay trên cả mục Top Stories. Chính vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, các nội dung liên quan đến COVID (COVID content) đã là chất xúc tác cho việc dỡ bỏ hạn chế AMP trong bản cập nhật Trải nghiệm trang mà Google công bố vào giữa năm 2020.

Cập nhật liên quan đến COVID-19

Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực du lịch - ngành hàng bị ảnh hưởng nhất vì COVID-19, Google cũng đẩy mạnh hiển thị các thông báo về "xu hướng du lịch" và "tư vấn du lịch", trong đó báo cáo về phần trăm các chuyến bay đang hoạt động và điểm đến của nó là đâu, cũng như thêm tính năng hủy phòng miễn phí vào trong tìm kiếm khách sạn.

Schema.org cũng đã thêm các loại dữ liệu có cấu trúc vào trong thông báo liên quan đến COVID mà cả Google và Bing đều đã sử dụng. Nhà Trắng thậm chí còn kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân ở địa phương sử dụng mã đánh dấu trong trường hợp phải đưa ra các thông báo khẩn cấp. Bên cạnh đó, các tính năng và tài nguyên mới cũng được cung cấp cho các doanh nghiệp địa phương, nhằm hỗ trợ phần nào cho các hoạt động kinh doanh của họ trong bối cảnh khó khăn vì COVID-19. 

Đây có lẽ cũng là một trong những điểm sáng nổi bật trong thời kỳ tăm tối vừa qua, khi các nhà tiếp thị tìm kiếm tình nguyện cung cấp dịch vụ của họ để giúp các doanh nghiệp nhỏ  điều hướng đại dịch theo nhiều cách.

Tin tức

Ngày 1/3/2020, Tùy chọn đấu giá màn hình tìm kiếm lựa chọn trên các thiết bị Android đã được ra mắt tại EU. Theo đó, màn hình tìm kiếm lựa chọn sẽ luôn hiển thị tối đa 4 nhà cung cấp, bao gồm cả Google. Người dùng sẽ tự lựa chọn giao diện tìm kiếm mong muốn, sau đó, những người chiến thắng trong cuộc đấu giá và Google sẽ được sắp xếp ngẫu nhiên trong màn hình lựa chọn trên cơ sở từng thiết bị. Trong trường hợp hòa, Google sẽ được phân bổ một cách ngẫu nhiên giữa các nhà thầu được ràng buộc trên cơ sở mỗi thiết bị. Tuy nhiên, những gián đoạn xảy ra trong chuỗi cung ứng smartphone do đại dịch đã làm trì hoãn tác động của cập nhật mới này, khiến cho đến Android cũng không chắc chắn rằng liệu thay đổi này có tạo ra sự khác biệt đáng kể trong thị phần tìm kiếm hay không.

Tiếp theo, cũng trong khoảng thời gian đầu năm, Verizon Media đã tung ra OneSearch, một dịch vụ tìm kiếm tập trung vào quyền riêng tư, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với DuckDuckGo. Cùng với một chiến thuật tương tự, đã có rất nhiều dịch vụ tìm kiếm khác cũng đã được công bố trong năm vừa qua, nhằm tạo ra sự khác biệt với Google và giảm sự phụ thuộc vào nó.

Ví dụ như Neeva, cựu giám đốc quảng cáo của Google, Sridhar Ramaswamy cho rằng, dịch vụ tìm kiếm này sẽ kinh doanh dựa trên phí đăng ký thay vì quảng cáo như Google. Còn cựu nhà khoa học trưởng của Salesforce, Richard Socher thì cho rằng, một dịch vụ tìm kiếm khác là You.com cũng là cái tên đáng chú ý dù không được PR rầm rộ, nhưng có vẻ như nó sẽ hướng đến thương mại điện tử nhiều hơn thay vì chỉ đơn thuần là tìm kiếm.

Trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh của Google đang phải chịu sự “soi mói” của nhiều cơ quan pháp lý ở cả Hoa Kỳ và nước ngoài, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng: “Liệu đây có phải là thời điểm để các công cụ tìm kiếm mới vùng lên và tìm cách bứt phá hay không?” hay, “Đây có phải thời điểm thích hợp để Apple đầu tư nghiêm túc trong các công cụ tìm kiếm và tìm cách vượt lên Google hay không?”,... 

Nhiều câu hỏi tương tự như vậy đã được đặt ra. Tuy nhiên, có thể nói rằng, ngành công nghiệp tìm kiếm không được định hình hoàn toàn bởi Google, Bing hay những gã khổng lồ công nghệ khác hoặc thậm chí là các nhà đầu tư mạo hiểm. Sự đa dạng và bình đẳng giới đã trở thành tâm điểm trong suốt mùa hè vừa qua và các chuyên gia tìm kiếm đã có những phản hồi lại rằng: Vụ sát hại George Floyd, Breonna Taylor và Ahmaud Arbery là động lực để chúng tôi tìm ra những cách hành động quyết liệt, nhằm theo đuổi sự đa dạng, bình đẳng và hòa nhập trong các tổ chức của chính mình. 

Tin tức về SEO năm 2020
Các SEOer Jamie Alberico (trái) và Lily Ray (phải). Alberico phản đối sự tàn bạo của cảnh sát đối với người da màu và Ray thường xuyên tổ chức các buổi livestream và quyên góp số tiền thu được cho các tổ chức nhằm thúc đẩy sự đa dạng và công bằng xã hội.

Bên cạnh đó, chuyên gia Nicole DeLeon đến từ North Star Inbound cũng đã công bố một nghiên cứu cho thấy rằng hơn 70% SEOer ở Mỹ là nam giới và đây cũng là đối tượng kiếm được nhiều tiền hơn so với các đồng nghiệp nữ của họ. Sự kết nối vẫn là yếu tố quan trọng để loại bỏ sự chênh lệch này.

Báo cáo và phân tích

Google Search Console (GSC) 

GSC cũng đã có những cập nhật mới vào năm 2020, đầu tiên là việc ra mắt công cụ xóa URL mới. Công cụ cho phép chủ sở hữu trang web thực hiện 3 chức năng chính: (1) cho phép tạm thời ẩn URL hiển thị trong tìm kiếm của Google, (2) hiển thị nội dung nào không có trong Google vì là “nội dung lỗi thời” và (3) cho biết URL nào của bạn đã được lọc bởi Bộ lọc nội dung người lớn – SafeSearch.

Một ngày trước khi công bố việc ra mắt bản cập nhật Trải nghiệm trang, Google đã lặng lẽ hoán đổi báo cáo tốc độ trong GSC bằng báo cáo Core Web Vitals mới. Bộ chỉ số Core Web Vitals hiện tại tập trung vào ba khía cạnh của trải nghiệm người dùng, bao gồm: (LCP), (FID) và (CLS).

Tháng 6/2020, Google đã thêm bộ lọc Tin tức (News) vào trong Báo cáo hiệu suất của GSC, giúp các chủ sở hữu website có thể chia nhỏ traffic và kết quả hiển thị tìm kiếm của họ. 

Báo cáo và phân tích

Vào tháng 8, công ty đã ra mắt Google Search Console Insights, một chế độ xem dữ liệu mới “được điều chỉnh cho người tạo và nhà xuất bản nội dung” dưới dạng một phiên bản thử nghiệm kín. Google Search Console Insights kết hợp với dữ liệu của Google Analytics và Search Console sẽ giúp người tạo nội dung theo dõi xem các nội dung của họ đang hoạt động tốt như thế nào, thông qua các thông số về cách mọi người khám phá nội dung trên web, các truy vấn hàng đầu và thịnh hành trên website cũng như các trang web và bài viết khác liên kết đến nội dung của họ.

Báo cáo và phân tích

Tháng 11/2020, một năm sau khi phiên bản cũ của GSC bị đóng cửa, Google đã chuyển công cụ Disavow Links sang phiên bản mới, đồng thời tiến hành cập nhật giao diện mới trong quá trình này. Người dùng GSC giờ đây cũng có thể tải xuống tất cả các bản báo cáo, bao gồm các chỉ số đo lường đầy đủ của GSC, thay vì chỉ xem online như trước, giúp họ dễ dàng phân tích và thao tác hơn.

Cùng với đó, vào tháng 12/2020, người dùng API Google Search Console nhận được quyền truy cập vào dữ liệu mới hơn cũng như khả năng truy vấn, thêm và xóa sơ đồ trang web của họ trên các thuộc tính miền.

Google Analytics 4

Một trong những thông báo phân tích lớn nhất trong năm nay là việc ra mắt Google Analytics 4, một phiên bản mở rộng và làm mới thương hiệu của website và ứng dụng GA. GA4 mở rộng phạm vi phân tích các insights, góp phần đưa ra các dự đoán tối ưu hơn, đồng thời với việc tích hợp sâu hơn với Google Ads, khả năng đo lường trên nhiều thiết bị và kiểm soát dữ liệu đã được cải thiện và chi tiết hơn rất nhiều. Khi người dùng update phiên bản mới, GA4 sẽ là tùy chọn mặc định; tuy nhiên, Universal Analytics vẫn đang khả dụng, ít nhất là cho tới thời điểm này, và những ai quan tâm đến những tính năng mới sẽ tập trung vào GA4.

>> Xem thêm: Google ra mắt phiên bản Google Analytics mới, bổ sung các tùy chọn báo cáo và phân tích dữ liệu nâng cao

Công cụ quản trị trang web Bing  

Microsoft đã thực hiện cải tiến khá nhiều đối với Công cụ quản trị trang web Bing trong năm nay. Cuộc đại tu đã được công bố vào tháng Hai tại sự kiện SMX West và việc thực hiện đã được hoàn thành vào cuối tháng Bảy. Không giống như bản cập nhật Google Analytics, phiên bản cũ của Công cụ quản trị trang web Bing không còn được hỗ trợ, nhưng người dùng của phiên bản cải tiến sẽ có một số tính năng mới.

Công cụ Quét trang web (Site Scan) mới giúp người dùng thu thập dữ liệu trang web và kiểm tra các vấn đề kỹ thuật SEO phổ biến. Trong khi đó, công cụ backlink sẽ giúp bạn so sánh dễ dàng backlink trên website mình với một website khác, cung cấp các dữ liệu cạnh tranh quan trọng mà không cần xác minh quyền truy cập vào website đối thủ. Công ty cũng hồi sinh và nâng cao trình kiểm tra robots.txt, một tính năng mà Bing loại bỏ lần đầu tiên vào khoảng một thập kỷ trước. Và Microsoft Clarity, công cụ trực quan hóa trải nghiệm người dùng của công ty đã ra mắt bản thử nghiệm vào cuối tháng 10, cũng được tích hợp vào Công cụ quản trị trang web Bing mới.

Thương mại điện tử

Ngay trong khoảng thời gian ra mắt bản cập nhật cốt lõi tháng 1 năm 2020, Google cũng đã công bố mục Sản phẩm phổ biến (Popular products section) trên thiết bị di động, dành cho các sản phẩm như quần áo, giày dép và các tìm kiếm tương tự, đánh dấu bước ngoặt đầu tiên trong một loạt các thay đổi chiến lược về thương mại điện tử sau đó của công ty. Mục này được hiển thị tự nhiên và được cung cấp bởi giản đồ sản phẩm (product schema) và nguồn cấp dữ liệu sản phẩm (product feeds) được gửi qua Google Merchant Center.

Ngoài ra trên thiết bị di động, Google đã mở rộng chức năng của các thẻ hoạt động liên quan của mình đối với các tìm kiếm liên quan đến mua sắm, việc làm và công thức nấu ăn. Thẻ hoạt động mua sắm hiện có thể  hiển thị các sản phẩm mà người dùng đã và đang nghiên cứu, giúp gia tăng hiệu quả dẫn dắt họ trong hành trình khách hàng.

Bước ngoặt quan trọng nhất của Google trong chiến lược thương mại điện tử năm nay (và có lẽ trong vài năm nữa), đó là việc miễn phí hoàn toàn chi phí hiển thị danh sách sản phẩm trên Google Shopping, sau 8 năm chỉ là một công cụ thu phí thuần túy. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không gian dành cho các danh sách trả phí sẽ mất đi, những quảng cáo hiện đang hiển thị ở đầu và cuối trang kết quả của Google Shopping vẫn là những mục cần phải trả tiền để hiển thị. Các nhà bán lẻ muốn mặt hàng của họ hiển thị tự nhiên phải tải sản phẩm lên mục product feeds trong Google Merchant Center. Những người chọn làm như vậy cũng sẽ đủ điều kiện để hiển thị danh sách sản phẩm trên trang kết quả tìm kiếm chính, vì các vị trí này cũng đã chuyển từ được tài trợ sang miễn phí.

Chỉ 4 tháng sau đó, tức là vào tháng 8/2020, Bing cũng đã thực hiện cùng một động thái đối với mục Shopping của mình, đó là chuyển từ trả phí sang miễn phí đối với kết quả hiển thị trong mục Shopping.

Về mặt mạng xã hội, Pinterest đã triển khai tab “Shop” mới cho ứng dụng di động của mình. Nó cũng tích hợp chức năng tìm kiếm trực quan trực tiếp vào các Shoppable Pins để giúp tìm các sản phẩm tương tự dễ dàng hơn. Các nhà bán lẻ trên Shopify cũng có thể tận dụng những cập nhật này thông qua ứng dụng Pinterest trong cửa hàng ứng dụng Shopify, cho phép người bán tải danh mục sản phẩm của họ lên Pinterest, và tiếp cận đến hơn 360 triệu người dùng hoạt động hàng tháng của Pinterest.

Local SEO

Google Maps

Google Maps đã tròn 15 tuổi vào năm nay và công ty đã kỷ niệm sự kiện đặc biệt này bằng việc cho ra mắt một phiên bản mới của ứng dụng di động. Theo đó, phiên bản Google Maps App năm 2020 đã mở rộng số lượng tab dưới cùng lên 5 tab (“Khám phá” “Đi làm”, “Đã lưu”, “Đóng góp” và “Cập nhật”) và công ty cũng đã công bố nâng cấp phần Chỉ đường theo công nghệ AR với tính năng Live View.

Các bản cập nhật của Maps tiếp tục cho đến tháng 12, khi các doanh nghiệp sử dụng Google Doanh nghiệp của tôi (GMB) sẽ có quyền truy cập vào các chỉ số hiệu suất được cải thiện, và xem khách hàng tìm kiếm họ qua đâu, Google Maps hay Google Search, cũng như mở rộng tính năng nhắn tin qua hồ sơ doanh nghiệp của họ trong Maps. Kết quả tìm kiếm trên web cũng bắt đầu hiển thị trong danh sách kết quả tìm kiếm của Google Maps dành cho các doanh nghiệp cá nhân.

Google Maps

Apple cũng xây dựng lại ứng dụng Bản đồ của mình, thêm và cải thiện các tính năng như lịch trình chuyển tuyến trong thời gian thực, ước tính thời gian đến có thể chia sẻ, bản đồ trong nhà của các trung tâm mua sắm và sân bay, Look Around (một phiên bản của Street View của Google Maps), điều hướng một lần chạm cho các vị trí yêu thích cùng nhiều cập nhật khác.

>> Xem thêm: Google ra mắt tính năng kết nối và tìm hiểu insights khách hàng trong Google Maps và Google Search

Google My Business

Vào tháng 2, có rất nhiều cuộc thảo luận trên Twitter nói về một phần mới được cập nhật trên website Trợ giúp Google Doanh nghiệp của tôi, khuyến khích chủ doanh nghiệp đưa các từ khóa có liên quan vào mô tả hồ sơ GMB của họ.

Google My Business

Google nhanh chóng kiểm tra lại hướng dẫn đó sau khi các Local SEO thu hút sự chú ý của các công ty và ngay lập tức, tin tức đó đã bị dập tắt. Joy Hawkins, chủ sở hữu của Sterling Sky, đã thử nghiệm lời khuyên này trước đây và nhận thấy rằng phần mô tả không ảnh hưởng đến xếp hạng hiển thị trong Local 3 - pack. 

Khi mức sử dụng cho hình thức mua hàng trực tuyến, nhận hàng tại cửa hàng tăng lên, Google thông báo sẽ làm cho khoảng không quảng cáo sản phẩm lân cận trở nên dễ khám phá hơn thông qua bộ lọc "lân cận" (nearby) nổi bật hơn trong tab Mua sắm, thêm thẻ cửa hàng địa phương mới và tăng khả năng hiển thị cho hình thức mua hàng curbside và nhận hàng tại cửa hàng. 

Trước đó vài tháng, Google cũng thực hiện mở rộng công cụ Duplex để kêu gọi các doanh nghiệp địa phương kiểm tra xem có hàng tồn kho hay không; trong khi đó, trước đây, Duplex chủ yếu được sử dụng để đặt lịch hẹn và xác minh giờ làm việc. Khi các dịch vụ online tiếp tục ảnh hưởng đến chi tiêu offline, những động thái này có thể giúp Google định vị vị thế thống trị nền kinh tế từ online đến offline (O2O).

Các huy hiệu xác minh của Google đã trở thành tùy chọn sẵn có cho các nhà quảng cáo thông qua một thử nghiệm “nâng cấp” hồ sơ GMB. Theo đó, với các doanh nghiệp bỏ ra $50 mỗi tháng - họ sẽ được sở hữu huy hiệu xác minh này. Tuy rằng nó không phải là một tính năng tự nhiên, nhưng việc sở hữu nó hoàn toàn là lợi thế cho các doanh nghiệp, khi tích xanh đó sẽ được hiển thị trong cả các công cụ như Google Maps. Nếu huy hiệu này có thể trở thành một vật cố định lâu dài, nó có thể giúp người dùng phân biệt những doanh nghiệp sở hữu nó với những doanh nghiệp không có (tức là những ai có nó đương nhiên sẽ có độ uy tín cao hơn).

Google cho biết họ đã chứng kiến ​​sự gia tăng tìm kiếm các doanh nghiệp do người da đen làm chủ trong mùa hè năm 2020, khi có tới hơn 40% chủ doanh nghiệp da đen báo cáo rằng họ đã gần như không có doanh thu trong tháng 4, lớn hơn nhiều so với 17% chủ doanh nghiệp nhỏ da trắng (theo một phân tích của New York Times). Để giúp phân biệt các doanh nghiệp này, Google đã cho ra mắt thuộc tính doanh nghiệp do “Người da đen sở hữu" cho các danh sách địa phương. Tiếp cận vấn đề từ phía bên kia, Yelp đã công bố một cảnh báo mới về "Doanh nghiệp bị buộc tội có hành vi phân biệt chủng tộc" ; theo đó, khi cảnh báo xuất hiện đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, Yelp sẽ tắt các bài đánh giá mới cho hồ sơ doanh nghiệp đó.

Bộ phận hỗ trợ địa phương của Google đã không làm tốt nhiệm vụ của mình trong quá khứ và vì thế, nó cũng không được nhiều người biết đến cho lắm. Có lẽ vì thế mà Google đang tìm cách khôi phục bộ phận này trở lại. Vào tháng 11, họ đã giới thiệu chương trình Cố vấn Doanh nghiệp Nhỏ để giúp các doanh nghiệp SMBs thành thạo hơn với các sản phẩm của Google. Chương trình cung cấp các phiên tư vấn cá nhân kéo dài 50 phút về các chủ đề như GMB, Quảng cáo, Analytics và YouTube. Phí tham gia chương trình là $39,99/phiên nhưng không có phí cho cả năm 2020.

COVID-19

Trong những ngày đầu tiên triển khai hình thức mua hàng online tại nhà, các Local SEO đã nêu ra nhiều vấn đề của GMB, chẳng hạn như sự chậm trễ trong việc đăng danh sách sản phẩm mới và cập nhật giờ và địa chỉ, mặc dù Google nói rằng họ sẽ ưu tiên hiển thị “trạng thái mở và đóng cửa, giờ đặc biệt, đóng cửa tạm thời, mô tả doanh nghiệp và các chỉnh sửa thuộc tính doanh nghiệp”. Mục đánh giá địa phương cũng tạm thời bị vô hiệu hóa cho cả khách hàng và chủ sở hữu doanh nghiệp và được phục hồi trở lại sau khoảng hai mươi ngày.

Để giúp truyền tải tác động của đại dịch đối với các doanh nghiệp, Google đã cho phép các doanh nghiệp đưa ra thông báo tạm thời đóng cửa trong Google Search và Google Maps. Sau đó, họ còn cung cấp một tính năng mới cho phép các doanh nghiệp địa phương linh hoạt hơn với giờ hoạt động của họ. Theo đó, bên cạnh phần hiển thị thời gian hoạt động của doanh nghiệp, GMB sẽ hiển thị thêm dòng chữ là “Cập nhật lần cuối vào…”

Trong thời gian này, Google cũng cho phép các chuỗi bán lẻ đăng tải các bài đăng liên quan đến COVID trên quy mô lớn thông qua API GMB. Sau đó, chức năng đó cũng được mở rộng cho các bài đăng không phải COVID.

Google không phải là nền tảng duy nhất mà mọi người sử dụng: Nextdoor đã triển khai tính năng Groups và Bản đồ trợ giúp. Tính năng Groups đã được thử nghiệm trước khi xảy ra đại dịch, nhưng sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng đã cho công ty thấy rằng, Groups còn có nhiều tác dụng hơn thế - nó có thể giúp người dùng vượt qua sự cô đơn khi cách ly. Bản đồ Trợ giúp (Help Map) đã được đưa ra để hỗ trợ những người hàng xóm gặp khó khăn.

COVID Giao diện Nextdoor Help Map 

Yelp là người đầu tiên công bố quan hệ hợp tác gây quỹ với GoFundMe, cho phép các doanh nghiệp địa phương đặt nút “quyên góp” trên hồ sơ Yelp của họ. Không lâu sau, các nút đóng góp trên GoFundMe đã có sẵn cho người dùng Bing Places for Business và GMB. 

Niềm tin của người tiêu dùng đối với sự an toàn trở thành một ưu tiên khi nền kinh tế tìm cách mở cửa trở lại. Cả TripAdvisor và Yelp đều đưa ra những cách mới để người tiêu dùng làm nổi bật cách các doanh nghiệp đang xử lý các biện pháp an toàn và sức khỏe. Trên nền tảng của Google, chủ sở hữu GMB cũng có thể hiển thị các yêu cầu về sức khỏe và an toàn đối với người tiêu dùng, khi họ đến ghé thăm doanh nghiệp, như “Cần đeo khẩu trang”, “Nhân viên được kiểm tra nhiệt độ”,...

Hướng tới năm 2021

Như đã đề cập ở trên, bản cập nhật Trải nghiệm trang của Google sẽ được ra mắt online vào tháng 5/2021. Vẫn còn thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị cho các thông số trong Core Web Vitals, nhưng tốt nhất là mọi người nên bắt đầu sớm. Hãy xem lại các structured data của mình và thẻ đánh dấu data-vocabulary.org vì nó sẽ không còn đủ điều kiện cho tính năng breadcrumb trong Google Tìm kiếm vào ngày 29 tháng 1. Và một lần nữa, thời hạn cho việc lập chỉ mục ưu tiên thiết bị di động lại đến với chúng ta. Để sẵn sàng và đảm bảo vượt qua trót lọt các tiêu chí của Google, tốt hơn hết là phải bắt tay vào thực hiện chuyển đổi ngay bây giờ. 

Tô Linh - MarketingAI

Theo Marketingland

>> Có thể bạn quan tâm: Xu hướng tìm kiếm: Tiếp thị tìm kiếm và SEO sẽ phát triển như thế nào vào năm 2021?
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.