Nhận định chiến lược giảm thiểu tác động xấu đến môi trường của các công ty Thương mại điện tử

07 Thg 10

Tính bền vững là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay, nhưng đồng thời, sự tiện lợi cũng là động lực chính cho mọi hoạt động mua hàng online trên các sàn TMĐT. Sự mâu thuẫn này đã được nhấn mạnh trong một báo cáo gần đây của Getty Images, theo đó - 48% người tiêu dùng nói rằng họ biết mình nên quan tâm nhiều hơn đến môi trường thông qua việc giảm thiểu các thói quen mua hàng không tốt, nhưng trên thực tế thì sự tiện lợi vẫn là yếu tố được đề cao hàng đầu trong quá trình mua hàng. 

(Nguồn: Accquire)

Sự thật vô cùng mâu thuẫn này chính là bài toán khó nhằn mà các công ty TMĐT hiện nay đang phải đối mặt. Trong một bài viết về các xu hướng Marketing và digital lớn nhất từ năm 2020 đến năm 2030, Ashley Friedlin nói rằng: “Sự thật mâu thuẫn mà chúng ta cần phải đối mặt trong thập kỷ tới chính là việc “những trải nghiệm khách hàng” chúng ta đang nỗ lực xây dựng có thể chính là nguyên nhân tạo ra một cuộc cách mạng thương mại điện tử, có khả năng gây tổn hại lên chính hành tinh mà chúng ta đang cố gắng bảo vệ.”

Đây là một chủ đề nóng hổi thu hút nhiều sự quan tâm trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến và khiến nhiều thương hiệu bắt đầu nhận ra được sự nghiêm trọng của vấn đề. Họ nhanh chóng triển khai một số chính sách thay đổi, từ việc đổi mới trong bao bì sử dụng thân thiện với môi trường, cho đến việc sử dụng hình thức giao hàng USP (chính sách giao hàng hỗ trợ đền bù cho những tác động môi trường của lô hàng),... Câu hỏi đặt ra là, ngoài những điều trên, các thương hiệu Thương mại điện tử đang thật sự làm gì để thúc đẩy phát triển bền vững (mà không ảnh hưởng đến sự tiện lợi mà khách hàng mong đợi)? Hãy cùng tìm hiểu điều đó trong bài viết dưới đây của MarketingAI nhé!

>>> Xem thêm: Thương mại điện tử là gì

Triển khai giải pháp vận chuyển click-and-collect và các giải pháp giảm thiểu carbon khác

Click& Collect là phương pháp đặt hàng trực tuyến và đến cửa hàng lấy hàng, cho phép người dùng mua các sản phẩm trên nền tảng online, sau đó chọn cách đến cửa hàng để lấy hàng. Phương thức mua hàng này là sự kết hợp giữa TMĐT và mua sắm truyền thống.

Ví dụ tiêu biểu trong trường hợp này là Nike. Packaging của thương hiệu này chỉ là một phần của chiến lược phát triển bền vững, và còn được gọi là “Nike circular design”. Về cơ bản, nó liên quan đến việc tích hợp các giải pháp bền vững vào trong toàn bộ quy trình thiết kế hoàn chỉnh, “bao gồm cả việc đi tìm nguồn cung, gia công sản phẩm, sử dụng, trả về xưởng, và cuối cùng là cách hình dung lại sản phẩm”, thương hiệu nêu rõ.

Tiêu chuẩn thiết kế “Nike circular design” của Nike (Nguồn: Nike)

Nike không phải là nhãn hàng duy nhất tập trung vào việc duy trì tính bền vững xuyên suốt quá trình sản xuất và tái sử dụng, đặc biệt là khi mối quan tâm về lượng khí thải carbon trong việc phân phối thương mại điện tử ngày càng tăng. Điều thú vị là có một số người cho rằng mua hàng online sẽ giúp giảm thiểu tác hại cho môi trường hơn là mua hàng truyền thống. Một trong những người tán thành quan điểm này chính là Jeff Bezos, CEO của Amazon. Trong lá thư cổ đông hằng năm được gửi tới toàn bộ nhân viên, ông viết rằng: “Việc mua hàng online vốn dĩ đã giúp giảm thiểu lượng carbon thải ra môi trường hơn so với mua hàng truyền thống.” Như để khẳng định thêm tuyên bố này là đúng, Bezos còn trích dẫn một nghiên cứu cho thấy rằng, “trung bình một chuyến xe vận chuyển hàng có thể đạt hiệu suất gấp 100 lần việc đi lại mua sắm thông thường.”

(Nguồn: Kênh 14)

Tuy nhiên, có vẻ như Bezos đã không tính đến những yếu tố khác chứng minh cho một sự thật hoàn toàn ngược lại rằng, thương mại điện tử thật sự có thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường hơn là các cửa hàng truyền thống. Tạp chí nổi tiếng Wired đã nêu ra vấn đề này trong một bài viết và họ cho rằng, nếu như người dùng tự đi bộ hoặc đi xe đạp đến các cửa hàng, đặt hàng online ít hơn và thường xuyên mua sắm ở một cửa hàng truyền thống; đồng thời các cơ sở sản xuất cũng chú ý hơn đến vấn đề môi trường trong quá trình sản xuất thực phẩm và hàng tạp hóa, thì thật sự thương mại điện tử có thải ít carbon ra môi trường hay không vẫn là một vấn đề cần theo dõi thêm.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng việc phân phối hàng hóa trong thương mại điện tử, đặc biệt là bước giao hàng cuối cùng đã thải ra môi trường không ít lượng carbon độc hại. Doddle - một đơn vị vận chuyển lớn tại Anh cho biết, nếu như 1,71 triệu khách hàng đang mua hàng online hiện nay chọn hình thức mua Click & Collect thay vì giao hàng trực tiếp, thì họ sẽ chỉ cần dùng 4.600 xe tải, thay vì 170.000 chiếc như bây giờ. Nghiên cứu này của Doddle đã chỉ ra một sự thật ít ai biết đến về vấn đề mua hàng online, đồng thời cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi thói quen để góp phần bảo vệ môi trường hơn. Khảo sát cũng cho thấy rằng, 56% khách hàng trong độ tuổi từ 18 đến 2440% khách hàng từ 45 tuổi trở lên lựa chọn mua hàng từ các công ty có các chính sách bền vững hơn là các thương hiệu còn lại.

Nhận thức được vấn đề đó, bất chấp những tuyên bố có phần phiến diện của Bezos trong quá khứ, Amazon giờ đây đã hiểu được mình cần phải làm gì nếu như không muốn phải nhận những gạch đá từ người tiêu dùng. Một vài sáng kiến bền vững đã được thương hiệu này triển khai trong những năm qua, điển hình như chiến dịch giao hàng không vội vàng “no-rush delivery”, cho phép khách hàng lựa chọn phương án giao hàng chậm hơn để đổi lấy phần thưởng hoặc chiết khấu.

(Nguồn: Amazon)

Tương tự thế, một tùy chọn giao hàng khác có tên là “Amazon Day” cũng được nền tảng này thành lập ra dành riêng cho các thành viên trong Amazon Prime (gói sử dụng cao cấp của Amazon). Cụ thể, người dùng VIP sẽ được chọn một ngày nhất định để nhận tất cả các đơn hàng trên Amazon mà không phải tách lẻ ra từng chuyến, từ đó góp phần giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường. Cả hai sáng kiến ​​đều nằm trong chương trình phát triển bền vững của Amazon, nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2030, sẽ có 50% tổng số lô hàng đạt tiêu chuẩn thuần không carbon.

(Nguồn: Amazon)

Gần đây nhất, vào tháng 6/2020, Amazon đã công bố quỹ đầu tư mạo hiểm có tên là Climate Pledge Fund trị giá 2 tỷ USD, hỗ trợ phát triển các công ty công nghệ và dịch vụ bền vững nhằm sớm đạt được mục tiêu của mình.

Tất nhiên, Amazon còn một chặng đường dài để thuyết phục các nhà phê bình rằng họ có thể bù đắp những tác động tiêu cực mà họ đã gây ra cho môi trường - hay đơn giản là thuyết phục rằng họ đang rất nghiêm túc để thực hiện điều đó. Cảm tình của các nhà phê bình dành cho Amazon đang vô cùng thấp. Họ cho rằng, ngoài việc cho ra mắt những sáng kiến giao hàng bền vững, Amazon chưa thật sự làm được điều gì nổi bật tạo ảnh hưởng tốt tới môi trường, trong khi tác động tiêu cực thì ngày một gia tăng. Như The Verge thậm chí còn viết rằng: “Lượng khí thải carbon mà Amazon đã thải ra môi trường đã cao hơn tới 15% so với năm trước, nhưng doanh số bán hàng của họ thì vẫn tăng đều đều”, đây quả thực là một điều khó mà chấp nhận được.

>>> Có thể bạn quan tâm: Cách bán hàng trên Amazon

Tất nhiên, giống như nhiều sàn thương mại điện tử khác, Amazon không trực tiếp giao các sản phẩm tới tay khách hàng, đồng nghĩa với việc thay đổi cũng là một phần trách nhiệm của các công ty giao hàng. Cũng đã có một số bên thực hiện những chính sách bền vững, nhưng hiệu quả đem lại thì không nhiều. Royal Mail hiện có đội xe điện 100 chiếc, trong khi Hermes chỉ sử dụng 32 chiếc xe tải điện ở London và DPD - một đơn vị vận chuyển lớn ở Pháp cho biết họ sẽ chỉ mua xe điện trong tương lai, còn tương lai là bao giờ thì họ không nói. Tất nhiên, những dấu hiệu này khá là tích cực, tuy nhiên, tốc độ thay đổi còn quá chậm, nó đòi hỏi các công ty có tầm ảnh hưởng như Amazon có thể giúp tăng tốc bằng cách áp đặt các tiêu chuẩn khắt khe hơn.

Xe tải điện của Hermes (Nguồn: BBC)

Các thương hiệu bền vững thúc đẩy sự đổi mới trong bao bì đóng gói

Có thể khẳng định rằng, Thương mại điện tử đang đóng góp đáng kể vào lượng chất thải trên toàn cầu. Để thuận tiện cho khách hàng nhất, các nhà bán lẻ thường cố gắng giao hàng luôn trong ngày hoặc ngày hôm sau, và đóng gói riêng lẻ cho từng sản phẩm thay vì đóng cùng nhau. Việc đóng gói để tiết kiệm chi phí cũng sẽ sử dụng các loại bao bì bằng nhựa và không có khả năng tái chế, và nếu khối lượng giao hàng quá lớn thì tác động tiêu cực đến môi trường là không thể đếm xuể, thậm chí sẽ ngày càng tăng lên. Năm 2018, công ty cung cấp giải pháp bền vững Limeloop ước tính rằng, có khoảng 165 tỷ gói hàng được vận chuyển tại Mỹ mỗi năm.

Vấn đề nghiêm trọng này đang được nhiều bên thương hiệu thừa nhận và họ đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp để khắc phục. Không có gì ngạc nhiên khi các giải pháp đó phần lớn đến từ các thương hiệu coi tính bền vững là giá trị cốt lõi lâu dài. Allbirds là một ví dụ điển hình. Đây là thương hiệu giày dép đi đầu trong cả giải pháp đóng gói lẫn sản phẩm bền vững. Không chỉ tung ra thị trường những sản phẩm giày dép được làm từ 100% vật liệu bền vững, những hộp đựng giày của Allbirds cũng được làm từ 90% bìa cứng tái chế, được chứng nhận bởi FSC (Forest Stewardship Council - Hội đồng quản lý rừng) và sử dụng ít vật liệu hơn 40% so với bao bì truyền thống. Đặc biệt, những vật liệu đóng gói này không chỉ được sử dụng cho các đơn đặt hàng online mà còn được sử dụng cho việc mua hàng tại cửa hàng,  với việc bổ sung thêm phần tay cầm thuận tiện giúp khách hàng có thể dễ dàng mang hàng hóa của họ về nhà.

Allbirds packaging (Nguồn: pinterest)

Bao bì tái chế cũng là một ưu tiên hàng đầu của nhà bán lẻ đa kênh Patagonia, công ty đã cam kết chuyển đổi hoàn toàn việc sử dụng túi nhựa sang vật liệu tái chế 100%. Tuy nhiên, thương hiệu này vẫn đang loại túi làm từ loại sợi tổng hợp polyeste để bọc từng sản phẩm nhằm bảo vệ chúng trong quá trình vận chuyển và xử lý. Đây là một loại túi không thường được tái chế trong các hệ thống tái chế lề đường của Hoa Kỳ. Nhưng nếu không có túi polyeste, các sản phẩm có thể dễ bị hư hỏng, đó là lý do tại sao Patagonia vẫn đang nghiên cứu một giải pháp túi thay thế có khả năng phân hủy sinh học (cũng như các dạng bao bì giấy khác). Trong thời gian chờ đợi, thương hiệu sẽ cố gắng hướng dẫn khách hàng làm sao để xử lý các túi polyeste đúng cách, chỉ dẫn họ cách tái chế túi nhựa trong các siêu thị cũng như các cơ sở cửa hàng của nó.

Ở những nơi khác, các thương hiệu lớn như NikeAdidas cũng đưa ra lời hứa sẽ giảm hơn nữa việc sử dụng nhựa trong chuỗi cung ứng. Adidas đã cam kết rằng, từ năm 2021, bao bì dùng để vận chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất đến cửa hàng sẽ được làm từ vật liệu tái chế.

Đối với Nike, thương hiệu này đã thực hiện một chương trình tái sử dụng các hộp carton để đóng gói vận chuyển, thay vì bỏ vứt chúng như trước đây. Phát biểu tại hội nghị với Design Boom, Giám đốc phát triển bền vững của Nike, Noel Kinder cho biết: “Dây chuyền sản xuất Nike đang được thay đổi một cách đáng kể, với mục tiêu giảm thiểu tối đa lượng khí thải carbon và chất thải từ những đôi giày ra môi trường. Bao bì không phải là thay đổi đột phá nhất mà chúng tôi muốn nói đến, nhưng nó thật sự là yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu khối lượng trong một lô hàng, từ đó giảm lượng carbon thải ra trên mỗi chuyến hàng được vận chuyển đi.”

Một giải pháp khác đã được đưa ra đó là giảm các nguyên vật liệu dùng để đóng gói một sản phẩm. Ví dụ, hệ thống các sản phẩm “một hộp” mới của Nike chỉ sử dụng một hộp đựng carton duy nhất, thay vì sử dụng tận hai hộp đựng như trước kia.

Khuyến khích sử dụng các vật phẩm tái chế và bao bì có khả năng tái sử dụng

Đây là trách nghiệm quan trọng đối với tất cả các thương hiệu. Phát triển bền vững không chỉ là việc bạn cung cấp ra thị trường những vật phẩm giúp bảo vệ môi trường, mà còn là việc bạn giáo dục khách hàng thực hiện những điều đó ra sao. Như việc mà Patagonia đã làm với những khách hàng của họ. Bởi, không có gì đảm bảo rằng khách hàng sẽ tái chế đúng cách ngay cả khi các thương hiệu đã cung cấp các vật phẩm bao bì có thể tái chế.

Điều này dẫn đến một bước phát triển mới hơn nữa trong việc tạo ra các bao bì có thể tái sử dụng hoặc có thể nạp lại, đặc biệt là trong ngành công nghiệp làm đẹp, nơi thiết kế và hình thức của sản phẩm là những yếu tố hàng đầu thu hút khách hàng. Tuy nhiên, một sự thật đáng buồn rằng đây mới chính là ngành mà các sản phẩm nhựa dùng một lần được sử dụng tràn lan đầy rẫy.

Đây là lúc mà các nhãn hàng lớn cần phải lên tiếng. Như trường hợp của L'Occitane, thương hiệu này hiện đang cung cấp 'bình nạp sinh thái' giúp khách hàng có thể refill các sản phẩm yêu thích của họ từ các loại túi sử dụng ít nhựa hơn 60% đến 90% so với bao bì thông thường. L'Occitane cũng đang hợp tác với Loop Industries, một hệ thống mua sắm tái chế cho phép các thương hiệu chuyển đổi từ bao bì dùng một lần, không thể tái chế sang các bao bì có thể tái sử dụng và bền vững. Thương hiệu đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% vật liệu nhựa trong các chai sẽ là vật liệu tái chế. Các thương hiệu khác trong ngành làm đẹp và FMCG cũng đã cam kết vào chiến dịch bền vững này bao gồm The Body Shop, Unilever và P&G.

Trong khi đó, các công ty như Repack đang hướng tới cách mạng hóa bao bì thương mại điện tử. Tự mô tả mình là một công ty có khả năng 'tái sử dụng như một dịch vụ', Repack cung cấp cho các thương hiệu thương mại điện tử (và khách hàng của họ) bao bì có thể trả lại và tái sử dụng, cũng như khuyến khích khách hàng gửi lại bao bì thay vì bỏ thùng rác ngay lập tức. Điều này không chỉ tạo động lực cho các thương hiệu triển khai nền kinh tế tái chế bền vững, mà còn thúc đẩy khách hàng quay lại sử dụng các dịch vụ.

(Nguồn: Green Product Award)

Kêu gọi gắn nhãn carbon đối với các sản phẩm gây hại tới môi trường, thậm chí đánh thuế carbon đối với các doanh nghiệp?

Các thương hiệu như Allbirds đang làm tất cả những gì có thể trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vào năm 2019, Allbirds đã công bố một quỹ đầu tư có tên Carbon Fund - hoạt động như một loại thuế carbon tự áp đặt tài trợ cho các dự án giảm phát thải. Thương hiệu xác định rằng với mỗi 10kg carbon họ thải ra, họ sẽ trả lại 10 xu bù đắp thông qua việc đầu tư vào các dự án năng lượng sạch như trồng cây gây rừng.

Allbirds là một công ty thuộc Tập đoàn B sở hữu Điểm tác động (Impact Score) là 89,4 (thước đo về mức độ ảnh hưởng tích cực của các doanh nghiệp lên nhân viên, cộng đồng và môi trường). Tác động lên môi trường của Allbirds chiếm 28,6 điểm, là điểm số lớn nhất trong các lĩnh vực được đánh giá.

Đây là thương hiệu duy nhất trong ngành thương mại điện tử làm tốt các chương trình phát triển bền vững mà khó có thương hiệu nào làm theo. Tuy nhiên, với sự gia tăng của mua sắm online do COVID-19, các thương hiệu đã nhận được lời kêu gọi lớn từ cộng đồng trong việc minh bạch lượng khí thải carbon đã thải ra môi trường trên từng sản phẩm riêng lẻ. Để làm được điều này, các thương hiệu buộc phải gắn “nhãn carbon” trên các sản phẩm đã tạo ra khí thải tới môi trường trong quá trình sản xuất và vận chuyển, kể cả với các đơn hàng lớn hay riêng lẻ.

Vào tháng 1 năm nay, Quorn là một trong những thương hiệu lớn đầu tiên giới thiệu nhãn carbon, với mục đích giúp khách hàng đưa ra quyết định sáng suốt về các mặt hàng họ mua.

Có thể nói, chặng đường để các thương hiệu khác đồng loạt triển khai hình thức này như một tiêu chuẩn trong thương mại điện tử vẫn còn rất xa, chưa kể đến việc nó sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng (giống như việc in các thành phần dinh dưỡng và calo tên các sản phẩm hàng hóa nhất định).

Có lẽ, người tiêu dùng sẽ chỉ cân nhắc việc dán nhãn carbon ấy trên các sản phẩm thời trang hoặc công nghệ, những sản phẩm có tần suất sử dụng ít hơn, thay vì hàng tạp hóa - nhóm sản phẩm luôn đề cao sự tiện lợi trên tất cả. Hơn nữa, như chuyên gia Nishan Degnarain của Forbes nói: “Trong một thế giới mà các công ty, nhân viên và khách hàng đang tìm kiếm nhiều “mục đích” hơn trong quá trình tương tác với thương hiệu, việc tạo ra một nền tảng thương mại điện tử có đạo đức hơn sẽ giúp các thương hiệu trở nên khác biệt so với phần còn lại.”

Tô Linh - MarketingAI

Theo Econsultancy

>> Có thể bạn quan tâm: Tại sao trách nhiệm môi trường lại thay đổi cách nhìn của người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp?

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.