Liên tiếp thua lỗ trong nhiều quý, thời trang Karen Millen và Coast đồng loạt đóng cửa

09 Thg 12

Có thể nói năm 2019 là một năm “kinh tế buồn” với các thương hiệu thời trang nhanh trên toàn thế giới khi liên tiếp vấp phải những khó khăn về thị trường, nhân công và đứng trước nguy cơ phải đóng tiệm. Mới đây nhất, hơn 200 cửa hàng outlet của Karen Millen và Coast tại Anh tuyên bố đóng cửa, kéo theo đó là tất cả các cửa hàng của Karen Millen trên toàn thế giới sẽ ngừng hoạt động từ ngày 31/12/2019. Cùng MarketingAI tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây:

Thua lỗ thảm hại, thời trang Karen Millen buộc phải đóng cửa

Bên ngoài 1 cửa hàng Karen Millen. (Nguồn:VNN)

Theo Guardian, toàn bộ hơn 200 cửa hàng outlet của Karen Millen và Coast tại Anh sẽ đóng cửa. Các cửa hàng còn lại của Karen Millen trên toàn thế giới sẽ ngừng hoạt động từ ngày 31/12/2019, kéo theo đó là hơn 1000 nhân sự đang làm việc cho hãng thời trang này cũng đứng trước nguy cơ mất việc, 62 nhân viên văn phòng bị sa thải nhanh chóng và các cửa hàng cũng chỉ còn mở trong một thời gian ngắn. Về mảng kinh doanh trực tuyến của các thuơng hiệu này được nhá bán lẻ trực tuyến Boohoo mua lại với 18 triệu bảng.

Được biết, hai thương hiệu này hiện có 32 cửa hàng độc lập và 177 cửa hàng nhượng quyền tại các siêu thị hàng hiệu (department store) tại Anh. Giống như nhiều hãng thời trang bán lẻ khác, chuỗi cửa hàng này gặp khó khăn lớn khi phải đối mặt với chi phí tăng cao, số lượng người mua sắm trực tiếp giảm mạnh trong bối cảnh tâm lý người tiêu dùng đi xuống và thói quen mua đồ đang ngày càng thay đổi. Công ty cổ phần Karen Millen đã mất 5,7 triệu bảng trong năm kết thúc vào tháng 2 năm 2018, sau khi mất 11,9 triệu bảng trong năm tài chính trước đó.

Thị trường thời trang nhanh gặp khó khăn lớn trong năm 2019

Cách đây không lâu, thương hiệu thời trang đình đám thế giới Forever 21, cũng đã đệ đơn phá sản. Với hơn 800 cửa hàng tại Mỹ, châu Âu, châu Á và khu vực Mỹ-Latinh, các nhà kinh tế ước lượng có thể mang về 3 tỷ USD hàng năm cho hãng. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt tại Anh và Trung Quốc cùng xu hướng tâm lý mua sắm của người dân thay đổi nên việc các thương hiệu thời trang nhanh gặp khó khăn và tụt dốc là điều không thể tránh khỏi.

Hay như thương hiệu thời trang Topshop của Anh đệ đơn xin bảo hộ phá sản, đồng thời đóng toàn bộ 11 cửa hàng Topshop và Topman tại Mỹ và 23 cửa hàng Topshop tại Anh. Doanh thu của Arcadia Group giảm xuống còn 1,9 tỷ bảng (tương đương 2,4 tỷ USD) trong năm tài chính kể từ ngày 26/8/2017.

Năm 2017, thương hiệu NastyGal, một trong những mô hình được xem là lý tưởng trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến về thời trang cũng đã rơi vào tình trạng phá sản, buộc phải bán lại thương hiệu của mình cho những nhà bán lẻ khác như Bonobos.

Tạm kết

Với sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng bán lẻ trên các trang thương mại điện tử như Amazon, Asos hay sự xuất hiện đầy cạnh tranh của những thương hiệu mới cùng xu hướng thay đổi tâm lý người dùng đã gây sức ép không nhỏ đến ngành công nghiệp thời trang nhanh. Sự việc thời trang Karen Millen và Coast tuyên bố đóng toàn bộ cửa hàng như một hồi chuông cảnh tỉnh cho các thương hiệu "Fast Fashion" buộc phải thay đổi các thức kinh doanh nếu không sẽ sớm vấp phải vết xe đổ như các hãng tiền bối đã từng.

Phương Thảo - MarketingAI

Theo: VNN

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.