Instagram phát hành các tính năng mới nhân dịp kỷ niệm sinh nhật 10 tuổi

07 Thg 10

Để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 10 của mình, mới đây, mạng xã hội Instagram đã cho ra mắt một số tính năng và cập nhất mới, như để ăn mừng, cũng như đánh dấu bước tiến mới trong việc triển khai các phần mềm trực quan và công cụ hỗ trợ cho hoạt động Thương mại điện tử trong tương lai. Cùng trang báo marketing chúng tôi điểm qua những cập nhật nổi bật nhất nhé!

Stories Map

Yếu tố bổ sung quan trọng nhất trong lễ kỷ niệm lần này chính là Stories Map, tính năng giúp thống kê tập trung vào các địa điểm mà người dùng đã đăng tải Instagram Stories trong suốt 3 năm qua.

Instagram mong muốn qua người dùng có thể ôn lại những kỷ niệm đã trải qua cùng với nền tảng, ghi nhớ kỹ hơn thời gian và cả địa điểm đã xảy ra những sự kiện đó. Nhưng nếu nhìn nhận ở một góc độ khác, tính năng mới này cũng giống như một lời nhắc nhở tới người dùng rằng, Instagram đã theo dõi họ trong suốt nhiều năm qua, không chỉ trong các hoạt động mà còn cả sự di chuyển hằng ngày, thậm chí đối với những Stories đã biến mất trong quá khứ.

Tất nhiên, Instagram sẽ chỉ thống kê được những Stories bạn đăng công khai và có đính kèm hình dán vị trí “check-in” có thể tìm kiếm được trên ứng dụng, chứ không thể thống kê tất cả các Stories bạn đã đăng. Mục đích đơn giản của việc này chỉ là xem có bao nhiêu người đã cùng nhau check in ở một địa điểm, và nó cũng không gây ra quá nhiều căng thẳng cho người dùng. Tuy nhiên, cảm giác bị xâm phạm quyền riêng tư vẫn còn đó, và nó giống như một lời nhắc nhở rằng Facebook vẫn luôn âm thầm theo dõi dữ liệu của người dùng trong suốt thời gian qua.

Có thể nói, cập nhật này giống như một bức tranh hai chiều. Bên cạnh việc khiến người dùng nhớ lại những kỷ niệm đã qua - giống như những gì Instagram hi vọng sẽ truyền cảm hứng tới họ, thì nó cũng nhắc nhở người dùng về quyền riêng tư trên các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và Instagram.

Instagram Icons

Ngoài ra, Instagram cũng bổ sung thêm một loạt các icons mới thể hiện đa dạng hình ảnh logo của ứng dụng, phù hợp với xu hướng tùy biến biểu tượng ứng dụng lấy cảm hứng từ iOS-14 đang hot dạo gần đây.

Giờ đây, người dùng có thể chọn 1 trong hàng loạt các icons ứng dụng trên sao cho phù hợp nhất với chủ đề trên màn hình chính của điện thoại di động. Chris Messina đã phát hiện ra những icons mới này trong một thử nghiệm được Instagram đưa ra vào cuối tháng trước, và anh đã chỉ ra cách người dùng có thể sở hữu chúng:

  • Cập nhật phiên bản mới nhất của Instagram
  • Truy cập vào profile trên ứng dụng, sau đó nhấn vào mục Cài đặt
  • Kéo xuống bên dưới để thấy danh sách các biểu tượng ứng dụng ẩn

Tính năng mua sắm trong IGTV và Reels

Ngoài những bổ sung cá nhân thú vị trên, Instagram cũng đã cho ra mắt tính năng mua sắm ngay trong IGTV. Mạng xã hội này cho biết, trong tuần này, biểu tượng mua sắm mới sẽ được thêm vào màn hình video IGTV nếu như chủ video áp dụng thẻ mua sắm (shopping tags).

Cập nhật mới này nằm trong chiến lược khuyến khích các thương hiệu và influencers sử dụng IGTV nhiều hơn. Ngoài ra, Instagram cũng nhấn mạnh rằng, một tab mua sắm tương tự cho Reels cũng sẽ sớm được ra mắt.

Thương mại điện tử là yếu tố chính trong chiến lược tăng trưởng của Instagram trong những năm gần đây và cả sau này. Cùng với việc cho ra mắt Instagram Shop và các công cụ hỗ trợ khách hàng mua sản phẩm trong quảng cáo in-stream, Instagram đang ngày càng đẩy mạnh các cập nhật quan trọng nhằm tối đa hóa tiềm năng doanh thu của nền tảng.

Và nếu như bạn để ý, Instagram đã thêm thẻ mua sắm trong Stories từ năm 2018.

Tính năng mua sắm trong Reels có thể sẽ rất thú vị, vì nó cạnh tranh trực tiếp với tính năng mua sắm trên nền tảng "anh em" TikTok.

Nhiều chuyên gia đánh giá rằng, tính năng mua sắm trên TikTok và "in-stream shopping" là một trong những tính năng bị đánh giá thấp về tiềm năng phát triển trong hành trình vươn tầm quốc tế của TikTok. Trong khi đó, ở phiên bản TikTok tại Trung Quốc là “Douyin”in-stream shopping lại được coi là một công cụ thiết yếu.

Nền tảng tại Trung Quốc này đã tạo ra hơn 122 triệu đô la doanh thu vào năm 2019, chủ yếu thông qua Thương mại điện tử thay vì quảng cáo trực tiếp. Con số này lớn hơn gấp đôi những gì TikTok có thể làm được, và nếu TikTok muốn đạt được trình độ kiếm tiền như vậy, nó phải khai thác tính năng mua sắm và tạo điều kiện mua hàng cho các khách hàng nhiều hơn trong các video clip ngắn trên ứng dụng.

Đó là lý do tại sao Walmart đang tìm cách hợp tác với Oracle để mua lại TikTok tại Mỹ và triển khai thêm nhiều hơn các hướng phát triển doanh thu thông qua Thương mại điện tử. Nếu chiến lược đó thành công thì TikTok sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Thống kê cho thấy, chưa có nền tảng nào kiếm tiền thành công với các video dạng ngắn ở thị trường phương Tây. Tính năng in-stream shopping có lẽ sẽ là chìa khóa để mở ra tiềm năng đó. Đó cũng là lý do tại sao Instagram đang nỗ lực tìm cách phát triển tính năng tương tự trong Stories, đảm bảo ứng dụng luôn theo kịp các đối thủ và đề phòng cho những bước phát triển không lường được trong tương lai.

>> Xem thêm: Oracle giành chiến thắng trong cuộc đua giành lại TikTok trên đất Mỹ từ tay Microsoft

Chặng đường 10 năm phát triển của ứng dụng

Instagram cũng đã chia sẻ một số cập nhật sử dụng mới, cùng với tài liệu tổng quan về lịch sử và sự phát triển của ứng dụng.

Những con số nổi bật về ứng dụng này mà các marketers cần quan tâm:

  • 900 triệu icons reactions thể hiện cảm xúc được gửi đi mỗi ngày
  • 50% người dùng Instagram xem video trong ứng dụng mỗi ngày
  • KPOP là thể loại âm nhạc được thảo luận nhiều nhất trong nhóm người dùng IG
  • Hơn một triệu bài đăng đề cập đến “meme” được chia sẻ hàng ngày

Nhưng thống kê nổi bật nhất là: Người dùng trung bình gửi tin nhắn direct nhiều hơn gấp 3 lần so với việc viết bình luận trong các bài đăng.”

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Facebook đang nỗ lực tích hợp các công cụ nhắn tin khác nhau và thêm nhiều công cụ bổ sung để người dùng kết nối riêng tư qua Instagram, thay vì đăng trực tiếp lên newsfeed.

Càng ngày, người tiêu dùng càng thích thu hẹp phạm vi hoạt động trên mạng xã hội hơn. Sự phấn khích ban đầu đến từ các bài đăng công khai đã qua đi, nhường chỗ cho những bài chia sẻ hạn chế người xem hơn để tránh những tranh cãi và bất đồng không cần thiết xảy ra khi bản thân bày tỏ những quan điểm cá nhân một cách công khai. Điều đó khiến cho tin nhắn trở thành một công cụ kết nối bền vững hơn giữa người với người. Và trong khi các bài đăng và story đã có một bước nhảy vọt, thì nhắn tin đã nổi lên như một công cụ kết nối quan trọng trong hai năm qua.

Những số liệu thống kê này từ Instagram nhấn mạnh sự tăng trưởng đó một lần nữa và mặc dù nhắn tin riêng tư không phải là phương tiện lý tưởng để làm Marketing trên quy mô lớn, nhưng các thương hiệu vẫn nên xem xét việc sử dụng nó trong các kế hoạch chiến lược của mình.

Kết

Thật thú vị khi nhìn lại chặng đường phát triển của Instagram trong thập kỷ qua và việc sử dụng mạng xã hội nói chung đã thay đổi cách chúng ta tương tác và kết nối như thế nào. Và trong khi những bổ sung mới này được cập nhật, nó cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng, một thời điểm để phản ánh về những gì mạng xã hội đang làm và đang hướng đến nói chung, cũng như xem rằng chúng ta có thể đứng ở đâu trong mười năm nữa.

Tô Linh - MarketingAI

Theo SocialmediaToday

>> Có thể bạn quan tâm: 7 cập nhật quan trọng nhất về Groups Facebook được nhắc đến trong Facebook Communities Summit 2020
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.