img Đào tạo và phát triển nhân sự là nhu cầu cấp thiết và mục tiêu phát triển lâu dài với mọi doanh nghiệp. Bộ phận đào tạo trong mỗi công ty vì thế mà đóng vai trò giúp mỗi nhân sự hiểu sâu hơn về kỹ năng công việc, văn hóa doanh nghiệp và lộ trình phát triển cá nhân. Từ góc nhìn và chia sẻ của chị Đoàn Thị Thu Phương - Trưởng Bộ phận Đào tạo tại Admicro, hãy khám phá quá trình đào tạo và phát triển tại môi trường agency để từ đó tìm ra được cách trau dồi kiến thức với một thái độ sống tích cực, không ngại đương đầu thử thách. img Kinh nghiệm 15 năm trong nghề với 7 năm làm công việc đào tạo và phát triển nhân sự tại môi trường agency thì theo chị Phương, đâu là các yếu tố cốt lõi của bộ phận đào tạo và phát triển nhân lực ạ? Khi làm việc trong ngành truyền thông và marketing tại môi trường agency, mình nhận thấy có rất nhiều sự khác biệt so với mindset về đào tạo ở các ngành nghề khác. Sự khác biệt nằm ở tính gắn kết giữa nhân viên và công ty, việc nhân viên được làm trung tâm của quá trình đào tạo, được đầu tư để phát triển bản thân từ kỹ năng đến kiến thức về sản phẩm. Đặc biệt hơn nữa là đào tạo hội nhập để tạo ra văn hóa cho các bạn nhân viên, giúp các bạn làm quen và hòa nhập nhanh với môi trường mới. Nhờ đó, các bạn sẽ làm việc tốt hơn, cống hiến nhiều hơn và có niềm tin với công ty. Đó là các yếu tố cốt lõi mà mình cho rằng là không thể thiếu ở bộ phận đào tạo. Theo chị, việc một cá nhân hiểu về bản sắc, văn hóa của công ty để từ đó hội nhập với văn hóa công ty sẽ đóng vai trò như thế nào với một doanh nghiệp? Đó là cách để gắn kết rất hiệu quả giữa nhân viên với công ty. Nhân viên có thể hiểu được hệ thống và cách thức tổ chức của công ty nhưng điều đó chưa phải là tất cả. Quan trọng nhất là phải hiểu được màu sắc và văn hóa của công ty để từ đó gây dựng niềm tin với công ty, yêu công việc của mình hơn và tạo động lực để các bạn phát triển bản thân, làm việc và tạo ra nhiều thành tựu mới. Nói về trải nghiệm khi gia nhập công ty, chị Phương làm việc tại Admicro từ bao giờ và thời điểm mới vào công ty, khi chưa có các khóa đào tạo và hội nhập như hiện nay, chị làm thế nào để hòa nhập với công ty mà không có ai hướng dẫn? Một câu hỏi khá thú vị. Quay trở lại câu chuyện 7 năm trước cũng là thời điểm mùa hè thế này, lúc đó chưa có Bộ phận Đào tạo. Vì thế mà để hòa nhập và hiểu công ty cần cả một sự nỗ lực lớn. Nỗ lực từ việc tìm xem ở công ty có điểm gì hay, từ sếp, từ đồng nghiệp quanh mình xem họ có gì để mình tìm hiểu. Khi tìm hiểu mọi thứ dưới góc nhìn tích cực thì tự nhiên mình sẽ nuôi dưỡng sự gắn bó, gắn kết với công ty một cách nhanh nhất. Mình cũng được nghe chia sẻ từ phía ban lãnh đạo là sẽ có bạn cần phải việc phải tự tìm hiểu về văn hóa công ty và ít nhiều có cảm giác là mình phải “tự bơi”. Nhưng mình thấy đó là một hướng phát triển tự nhiên, trong quá trình tự tìm hiểu đó, các bạn sẽ thấy liệu mình có phù hợp với văn hóa của công ty hay không và như vậy mới có thể gắn bó lâu dài được. img Về chương trình và hoạt động đào tạo, tại môi trường agency nói chung và tại Admicro nói riêng, liệu có sự khác biệt so với các công ty trên thị trường hiện nay không? Nhìn chung, hiện tại việc đào tạo và phát triển khá được đầu tư. Các công ty đều quan niệm nguồn nhân lực là tài sản và tiềm năng của công ty. Không như trước đây, các bạn sẽ học ở bên ngoài và đến công ty là chỉ áp dụng những cái đã được học đó. Nhưng câu chuyện giờ đã khác, chính công ty sẽ cung cấp các khóa đào tạo, huấn luyện cả về kỹ năng lẫn kiến thức đến từng sản phẩm cho nhân viên ở từng vị trí. Môi trường agency sẽ có một chút khác biệt. Đây là môi trường đòi hỏi nhiều sự sáng tạo hơn ở nhân sự để phù hợp với thị trường thiên biến vạn hóa. Do đó, ở Admicro bộ phận của mình không chỉ gói gọn quá trình đào tạo trong một hình thức cố định là đứng giảng trên lớp mà còn thông qua hình thức như Thư viện Xanh hiện đang được áp dụng để các bạn chủ động tìm tòi và nghiên cứu theo nhu cầu. Ngoài ra còn có một hình thức nữa là đào tạo trực tuyến - e-learning đang được công ty chú trọng phát triển. Đó là hai điểm sáng mà mình có thể nói rằng sẽ tạo ra sự khác biệt trên mặt bằng chung hiện nay. Chia sẻ thêm về e-learning, một hình thức thường được gọi là số hóa đào tạo. Thời gian gần đây nhất, mục tiêu của Bộ phận Đào tạo là hoàn thiện tốt nhất quy trình này để các bạn nhân viên có thể được tiếp cận càng sớm càng tốt những bài học mà các bạn không có cơ hội được học trực tiếp. Từ đó tăng khả năng tiếp xúc với kiến thức nhiều nhất cho mỗi nhân viên trong công ty. Hai năm vừa qua có rất nhiều hoạt động bị ảnh hưởng, trì hoãn do dịch bệnh. Vậy việc số hóa các giáo trình đào tạo có mang lại ưu điểm gì trong thời điểm đó không? Thời gian giãn cách, việc đào tạo trực tuyến đã tạo ra rất nhiều thuận lợi cho quá trình học. Đặc biệt là ở phía người học. Quá trình tích lũy kiến thức có thể diễn ra ở mọi thời gian, địa điểm, tạo thuận lợi nhất cho trải nghiệm của các bạn học viên. Tuy nhiên nói đến ưu điểm thì không thể bỏ qua nhược điểm. Có một số bài học thời lượng khá dài nên không thể tránh khỏi tình trạng làm học viên uể oải và gặp khó khăn trong việc tập trung lắng nghe, ít tạo ra hứng thú. Bộ phận Đào tạo cũng nắm được thực tế này nên đã lưu tâm để cải thiện để việc học diễn ra trơn tru hơn. Một trong những hình thức thu hút người học đó là ngoài thu nhận kiến thức chỉ bằng việc ngồi lắng nghe thì còn có thể áp dụng hình thức chơi để ghi nhớ, hay bằng các cuộc thi. Nhất là gần đây tại Admicro có một cuộc thi dành riêng cho Sale và Account, chị hãy chia sẻ thêm về sáng kiến quanh các cuộc thi này? Không thể chỉ dừng lại ở các phương pháp truyền thống là một người nói và học viên lắng nghe. Bộ phận Đào tạo đã nghĩ ra nhiều cách thức khác hơn từ phương pháp dạy đến phương thức tạo động lực. Trong đó bao gồm khóa học có thể áp dụng thực tế ngay, qua mỗi khóa học mà học viên có thể lập tức bán sản phẩm cho khách hàng thì đây mới chính là cách ghi nhớ có hiệu quả nhất. Đặc biệt là quá trình đào tạo bằng các cuộc thi cũng giúp tạo ra sự cạnh tranh và tăng thu nhập cho các bạn nhân viên, giúp thúc đẩy động lực để mọi người làm việc hiệu quả hơn nữa. Do đó, Bộ phận Đào tạo đã kết hợp với các anh chị trưởng nhóm, trưởng phòng, ban lãnh đạo để từ đó đưa ra được các cuộc thi nhằm mục đích kết hợp đào tạo. Mình hy vọng sẽ luôn nhận được sự ủng hộ từ các bạn trong mỗi cuộc thi hoặc chương trình của nội bộ công ty bởi đây không chỉ đơn giản là việc thi lấy thành tích mà kết hợp cả học, cả thi đua lành mạnh và tăng thu nhập cho bản thân nói riêng và tạo thành tựu công ty nói chung. img img Trong việc đào tạo thì không thể bỏ qua thưởng và phạt. Vậy với chị Phương, chị đánh giá sao về vai trò của thưởng - phạt theo kinh nghiệm cá nhân? Bộ phận Đào tạo cũng rất trăn trở về vấn đề này trong suốt quá trình cải thiện và thay đổi công tác đào tạo. Từ cá nhân mình, việc đi học mang lại rất nhiều lợi ích cho người học, đó là quyền lợi của mỗi nhân viên. Do đó, phần thưởng lớn nhất khi các bạn chăm chỉ trau dồi kinh nghiệm chính là các kiến thức quý giá đã tích lũy được. Khi đã trang bị cho mình kiến thức rồi, các bạn làm việc hiệu quả hơn và chắc chắn sẽ có thưởng doanh số trên sự hiệu quả đó. Về phạt, quan điểm của ban lãnh đạo là không phạt. Vì điều này nằm ở mỗi con người, chúng mình có thể khuyến khích các bạn học tập đến đâu thì sẽ luôn khuyến khích và tạo điều kiện đến đó, để kiến thức là hành trang có lợi cho mọi người kể cả khi đã rời công ty. Chỉ có một hình thức khuyến học nho nhỏ đó là nếu chưa thể vượt qua các bài kiểm tra, các bài đào tạo thì ở một vài bộ phận, các học viên sẽ đóng góp vào một quỹ chung gọi là quỹ khuyến học để mọi người có trách nhiệm với việc học tập của bản thân. Có ý kiến cho rằng, việc học tập và phát triển trong công ty đóng vai trò rất lớn trong con đường sự nghiệp sau này, chị nghĩ sao về ý kiến này? Mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Khi mình được học một cái gì đó mới, rất có thể điều mới mẻ đó sẽ mang đến cho bạn một bước ngoặt sự nghiệp quan trọng. Bản thân mình là cử nhân ngành Biên phiên dịch ngôn ngữ Nga. Ra trường mình làm việc ở vị trí Quản lý sản xuất và từng được công ty cử đi học một ngành mà thời điểm đó chưa có nơi nào đào tạo: ngành Quản lý chất lượng - Quality Management. Vị trí này đã đưa mình đến công việc tham gia vào đánh giá chất lượng ở rất nhiều công ty tại Việt Nam. Bước ngoặt đó đã dẫn đến sự chuyển đổi nghề nghiệp của mình bởi nhờ đó mà mình nhận ra sức hấp dẫn của việc truyền dạy kiến thức cho người khác. Dẫu vậy, mình cũng chưa có sự thay đổi ngay lập tức về nghề nghiệp mà tận đến khi đến với Admicro, được ban lãnh đạo giao cho công việc đào tạo với mong muốn tạo động lực làm việc và gắn kết với công ty, mình mới bắt đầu nghiêm túc đi con đường đào tạo và phát triển nhân lực này. Vì thế mà mỗi khi được công ty hay lãnh đạo trao cho cơ hội học tập, đừng ngần ngại đón nhận bởi đó có thể là một sự thay đổi không thể lường trước trong con đường sự nghiệp của bạn. img Là một người đã có kinh nghiệm 15 năm trong nghề, chị Phương có kỷ niệm đáng nhớ nào khi làm công việc đào tạo và phát triển không? Kỷ niệm thì chắc chắn là nhiều. Đặc biệt là với sự thay đổi như vũ bão hiện nay, không chỉ chuyển đổi nghề nghiệp cần đến sự thích nghi mà cả chuyển đổi trong nghề cũng đòi hỏi bản thân mình phải không ngừng làm quen với những điều mới mẻ. Không thể tránh được có những lúc mệt mỏi vì gặp khó khăn. Nhưng mọi nỗ lực đều được đền đáp khi ban lãnh đạo ghi nhận hiệu quả của quá trình đào tạo. Hiệu quả của đào tạo không giống như khi còn ngồi trên ghế nhà trường, dựa vào việc lên lớp qua mỗi năm. Mà hiệu quả đó được đánh giá liệu chất lượng nhân sự có được cải thiện hay không. Và hiệu quả đó được đo trên rất nhiều yếu tố bổ sung. Đó là kỷ niệm thuở ban đầu mà mình không thể quên. Tiếp theo đó là sự ghi nhận từ học viên, người tham gia. Việc mọi người sẵn sàng học, tiếp nhận hiệu quả những kiến thức từ các bài giảng chắc chắn là điều tạo ra nhiều kỷ niệm đáng nhớ với không chỉ mình mà cả Bộ phận Đào tạo. Mình từng hừng hực khí thế để làm ra thật nhiều khóa học nhưng lại nhận về phản hồi là có quá nhiều khóa học, chưa thật sự mang đến hiệu quả cho học viên. Nhưng điều đó cũng giúp mình đi sâu vào quần chúng, đặt bản thân vào vị trí người tiếp nhận kiến thức xem họ muốn gì và cần gì. Qua một thời gian, ban lãnh đạo và các bạn nhân viên đã có cái nhìn khác về công việc đào tạo mà chúng mình mang lại. Việc tiếp xúc với nhiều nhân viên với các ý kiến và nhu cầu khác nhau đến như vậy, mỗi người lại có một ý riêng, vậy chị Phương làm thế nào để thu thập ý kiến và lắng nghe học viên? Mình luôn truyền tải đến nhân viên của mình tinh thần không ngại nhận phản hồi, kể cả phản hồi tiêu cực bởi đó là cách hiệu quả để hoàn thiện bản thân. Thông qua phản hồi mình cũng hiểu rõ nhu cầu của mọi người hơn. Hiệu quả của một khóa học trước hết là khơi gợi hứng thú cho người học. Mình thường xuyên thu thập ý kiến của mọi người qua các khảo sát, nói chuyện và chia sẻ khó khăn từ phía mình để khơi gợi câu chuyện khó khăn ở phía người học. Mình cũng luôn giữ một cái nhìn tích cực về mọi việc. Từ những phản hồi mình sẽ điều chỉnh quá trình xây dựng lộ trình đào tạo xem đâu là điểm mạnh, điểm yếu và rút ra sửa đổi, bổ sung sao cho hoàn thiện nhất và đưa đến cho người học. Với lượng lớn nhân viên tại Admicro như hiện nay, không chỉ trải dài về vị trí làm việc mà cả về độ tuổi. Ở mỗi độ tuổi, người học lại có các nhu cầu và cần một cách tiếp cận khác nhau, vậy chị Phương làm thế nào để tổng hòa mọi thứ trong việc đào tạo và phát triển nhân sự? Đây là câu hỏi mà mình luôn trăn trở. Như các bạn gen Z có khoảng cách tuổi tác khá lớn với mình nhưng mình coi đó là thử thách để thúc đẩy bản thân khám phá lứa tuổi của các bạn, tìm hiểu xem thế hệ này có đặc điểm gì, họ muốn gì và cần gì. Mình sẽ đưa ra nhiều phương pháp hơn, cố gắng tương tác trong lúc học hơn và đặc biệt là rút ngắn thời gian ngồi học. Mình hiểu các bạn trẻ hiện tại luôn tò mò, thích tìm hiểu trước và đọc trước nên đã áp dụng ngay vào quá trình training. Ngoài ra mình cũng chú trọng các cuộc thi, các phần thưởng và những kiến thức có thể áp dụng ngay để tạo cảm giác chuyển động không ngừng cho người học. Bộ phận Đào tạo còn tối ưu các phương thức tiếp cận với nhóm các bạn nhân viên trẻ tuổi qua các kênh mạng xã hội như Facebook, TikTok. Mục tiêu gần nhất của chúng mình là xây dựng một kênh TikTok để chia sẻ ngắn với mọi người qua đó. Bộ phận Đào tạo làm thế nào để thiết kế chương trình đào tạo cho lượng lớn nhân sự đến vậy và liệu mình có nghĩ đến việc cá nhân hóa bài giảng cho từng đối tượng hay không? Trước khi trả lời câu hỏi này, mình muốn chia sẻ một câu chuyện có thật. Khoảng thời gian dịch bệnh có một bạn trưởng nhóm bán hàng đã liên hệ với mình để trao đổi về việc là thực tế có nhiều công ty gặp khó khăn nhưng cũng có nhiều công ty phát triển trong mùa dịch. Bạn ấy có gợi ý mình đánh vào nhóm công ty đang tìm kiếm thị phần, cố gắng thay đổi để phù hợp với tình hình hạn chế lúc đó. Đồng thời, bạn trưởng nhóm này cũng đề xuất việc phát triển các khóa đào tạo để các bạn nhân viên dùng vào trường hợp này. Lúc đó, mình đã nảy ra ý tưởng “đo ny đóng giày” một chuỗi đào tạo dành riêng cho nhóm các bạn có nhu cầu cụ thể nào đó. Đây chính là khởi đầu cho việc cá nhân hóa bài giảng khi đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Suốt hai năm qua, Bộ phận Đào tạo đã phát triển rất nhiều khóa học cho từng nhóm nhân viên với những thiết kế đặc biệt cả về kỹ năng lẫn sản phẩm, với điều kiện là các bạn cam kết được thành quả đầu ra. Một trong những kết quả thành công nhất là các bạn nhân viên đã mở ra một thị trường mới, tệp khách hàng mới và thực sự tạo ra doanh thu đáng kể. Đặc biệt là không chỉ dừng lại ở một nhóm nhân viên cụ thể, chúng mình cũng mở rộng chiêu sinh để các bạn nhân viên ở bộ phận khác, những người có nhu cầu cũng sẽ có cơ hội học tập và tiếp thu kiến thức. img Bên cạnh những khó khăn, chị Phương có những niềm vui nho nhỏ từ vị trí công việc này là gì? Quan điểm của mình, mỗi ngày đi làm là một ngày vui, và việc góp nhặt những niềm vui nho nhỏ đó là động lực để làm việc. Mình thích nhất là khi nhận được phản hồi từ các bạn nhân viên. Ví dụ như khóa học trên e-learning nhiều quá, không biết phải chọn học ra sao. Việc các bạn quan tâm đến việc học, quan tâm đến các khóa học mà Bộ phận Đào tạo đã thiết kế và biết rằng luôn có chị Phương ở phòng Đào tạo sẵn sàng giải đáp khi các bạn cần giúp đỡ chính là niềm vui luôn thường trực với mình khi làm việc tại vị trí này. Từng có một bạn nhân viên nhắn tin cho mình rằng bạn ấy rất vui vì công ty và Bộ phận Đào tạo đã thiết kế nhiều khóa học chất lượng trong khi trước đây khi ở bên ngoài, bạn ấy phải rất nhiều bỏ tiền thì mới được tiếp xúc những kiến thức đó. Lời chia sẻ này tạo động lực cho mình làm việc bởi mình cảm thấy như mọi cố gắng của mình, của Bộ phận Đào tạo đã được đền đáp xứng đáng. Đôi khi các bạn trưởng nhóm bày tỏ nguyện vọng phát triển đội nhóm về kiến thức lẫn sự gắn kết cũng sẽ tìm đến Bộ phận Đào tạo như một bên sẽ đóng góp giải pháp cho các bạn. Đây là điều khiến mình rất mừng vì mọi người chủ động học tập và phát triển. Chính những niềm vui này là một trong những yếu tố quan trọng khiến mình muốn gắn bó lâu dài với công việc hiện tại. img Với chị Phương, có mối liên hệ nào giữa ngành truyền thông - marketing với ngành đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hay không và nếu có thì mối liên hệ này được thể hiện như thế nào? Chắc chắn là có mối liên hệ giữa hai ngành này, nhất là ở mặt truyền tải thông tin. Theo mình, mặt truyền tải này nằm ở khía cạnh truyền thông - marketing là truyền tải thông tin, kiến thức đến khách hàng, công chúng còn với ngành đào tạo và phát triển là sự truyền tải kiến thức đến người học. Và cả hai hình thức truyền tải này đều cần những kỹ năng tương tự nhau về mặt câu chữ, hình ảnh để làm sao đối tượng hướng đến cảm thấy hứng thú với nội dung mà mình đã tạo ra. Bản thân Bộ phận Đào tạo cũng cần sáng tạo content làm sao thật thú vị, làm video sao cho hấp dẫn người xem. Đó là mối liên hệ mà mình luôn nói với nhân viên rằng thật may mắn khi làm đào tạo tại một agency truyền thông, để mỗi chương trình đào tạo mà chúng mình đưa ra mang nhiều màu sắc hơn, sáng tạo hơn và chuyển động không ngừng theo những xu hướng mới nhất. Ngược lại, các bạn nhân viên hoàn toàn có thể nắm bắt cách truyền tải thông tin, gây sự chú ý cho người học vào để gây ấn tượng với khách hàng trong quá trình làm truyền thông - marketing. Đây là việc được học tập hai chiều, học lẫn nhau mà cả đào tạo lẫn truyền thông marketing đều có thể áp dụng. Vậy theo chị, làm thế nào để truyền thông - marketing và đào tạo có thể kết hợp với nhau để mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hơn? Đây chính là mục tiêu chiến lược dành cho Bộ phận Đào tạo sắp tới, đó là làm sao có thể kết hợp truyền thông - marketing vào quá trình đào tạo. Ở lĩnh vực truyền thông - marketing, ta sở hữu rất nhiều công cụ như mạng xã hội chẳng hạn. Bản thân mình coi học viên là các khách hàng để từ đó xây dựng các khóa học sao cho lấy khách hàng làm trung tâm. Mình ưu tiên các hình thức mới, ví dụ như animation để làm sao học viên cảm thấy mới mẻ nhất, đúng chất là bài đào tạo từ một agency truyền thông - marketing. Bộ phận Đào tạo cũng coi những bài training như khi đi kể một câu chuyện để các bạn học viên cảm nhận được sự hấp dẫn trong đó, cuốn theo đó và hòa mình vào câu chuyện này. Tất cả những thay đổi mới mẻ này đều có một phần đóng góp không nhỏ của các yếu tố về truyền thông - marketing để cải tiến và tối ưu hơn nữa. img So với giai đoạn trước, trong thời đại 4.0, chị Phương thấy đâu là khác biệt và chuyển mình lớn nhất khi có sự tham gia của công nghệ? Các bạn có cơ hội được tìm hiểu nhiều khóa học hơn, lựa chọn giảng viên mà mình yêu thích. Thời nay không khó để mua một tài khoản và học mọi thứ trên mạng. Với mình đó là khác biệt lớn nhất ở thời đại số hóa này. Chính vì thế mà bản thân mình luôn tự nhắc nhở là phải thay đổi để phù hợp với thời đại 4.0. Mình xây các fanpage và group, mời các chuyên gia đầu ngành về truyền thông - marketing để chia sẻ cho các bạn những kinh nghiệm và học từ chia sẻ đó. Trong đó, phương pháp coaching là một trong các phương pháp mình thấy đang lên ngôi, để các bạn nhân viên được thực chiến, áp dụng tức thì vào công việc và với khách hàng của mình. Theo chị, đâu là xu hướng đào tạo quan trọng trong ngành đào tạo và phát triển nguồn nhân lực? Xu hướng gần nhất là digital learning, người học được đến lớp trên các nền tảng số, được học qua công nghệ, số hóa, xa hơn nữa là thực tế ảo để tạo ra càng nhiều tương tác càng tốt, xóa bỏ hoàn toàn rào cản về địa lý. Như vậy sẽ không còn chuyện phải ngồi học một mình hay hạn chế về địa điểm, nội dung lớp học nữa. Mình rất hy vọng khi các bạn nhân viên tham gia mỗi khóa học, được hưởng những công nghệ mới, cách tiếp cận mới, mỗi người sẽ thấy mình được làm việc trong một công ty về truyền thông - marketing, cách học tập cũng đi đầu xu thế và đổi mới không ngừng. Một trong những ý tưởng đào tạo độc đáo nhất phải kể đến Thư viện Xanh. Vậy chị Phương có thể giới thiệu một số đầu sách hữu ích hay không? Thư viện Xanh là mong muốn của Bộ phận Đào tạo, mang đến cho các bạn nhân viên một kho tàng đầu sách hữu ích bên ngoài những tài liệu trực tuyến. Mình đã nghiên cứu và cho ra ý tưởng thư viện của Admicro sau khi tham khảo xu hướng ở nhiều đơn vị khác. Với hơn 250 đầu sách và trong đó phần lớn là những đầu sách về truyền thông - marketing và kinh doanh rất hữu ích của các tác giả nổi tiếng, ai cũng có thể tiếp xúc và tìm đọc, trau dồi thêm kiến thức sau giờ làm. Nói về Thư viện Xanh thì mình luôn nghĩ trong đầu một câu ngạn ngữ rất nổi tiếng: “Cho một con cá có thể giúp người ta ấm bụng một ngày nhưng dạy cách câu cá thì có thể giúp họ no bụng cả đời”. Việc cho các bạn nhân viên một không gian như Thư viện Xanh để phá bỏ mọi rào về việc học tập và phát triển, giống như đang giúp các bạn ấy học cách câu cá vậy, đều là những đóng góp mang tính thiết yếu cho mỗi nhân viên nói riêng và cho cả công ty nói chung. Về những đầu sách nổi tiếng và được yêu thích nhất phải kể đến cuốn “Bán hàng đỉnh cao”, bộ 5 cuốn “Cẩm nang kinh doanh Đại học Harvard” hay các đầu sách về marketing chắc chắn sẽ không làm các bạn thất vọng. Nói về phương thức học tập qua đọc sách, mình nhớ có một câu nói là: “Khi tư duy của bạn thay đổi, thế giới của bạn sẽ thay đổi theo”. Đây là thành quả cho mỗi người sau quá trình trau dồi, cải thiện, khám phá năng lực của bản thân từ đó thay đổi tư duy và cuối cùng là thay đổi cả thế giới. Thì tương tự, mỗi người trong chúng ta khi học tập, khi đọc mỗi ngày, khi tích lũy kiến thức mỗi ngày, sẽ đến lúc mọi nỗ lực bạn bỏ ra sẽ được đền đáp. img Chị Phương có lời khuyên nào cho các bạn để khơi gợi hứng thú trong việc tự học, sao cho khoa học và hiệu quả nhất không? Lời khuyên của mình, không chỉ với việc học mà với mọi điều các bạn làm trong cuộc đời, đó là hãy yêu, hãy tin, hãy đặt câu hỏi xem liệu những điều mình làm có vui, có hạnh phúc hay không. Khi câu trả lời là có bạn sẽ biết cần phải làm tốt như thế nào, làm sao cho hiệu quả và đó là lúc không cần cố quá nhiều vẫn sẽ đạt được kết quả như ý. Tương tự với việc tự học cũng cần gợi niềm yêu thích trước, tạo cho mình động lực và mục tiêu trước, lúc bạn đã đam mê, đã yêu rồi thì không gì là không thể. Như mình, việc học diễn ra mọi ngày, một buổi trò chuyện và phỏng vấn thế này cũng là một cách học, học cách truyền cảm hứng và ăn nói gãy gọn hơn. Bên cạnh đó, hãy bổ sung cho mình kỹ năng quan sát, đây cũng là một cách học, quan sát mọi người, mọi việc để từ đó thu nhặt những điều hữu ích từ chính môi trường xung quanh. Để nhìn nhận lại mình, về những trải nghiệm và công việc mà mình đang theo đuổi thì chị có những suy nghĩ gì? Về câu chuyện cá nhân, được sinh ra là con gái của một nhà giáo, nhưng mình cũng như anh chị em không ai có niềm yêu thích với công việc giảng dạy dù mẹ đã cố hướng cho theo ngành này. Thế nhưng bằng một cách nào đấy, những thay đổi diễn ra và hiện nay cả ba anh chị em đều đang làm công việc liên quan đến giáo dục và đào tạo. Mỗi khi làm bất kỳ điều gì, mình không hề từ chối mà sẽ tìm cách để đón nhận. Nếu được cấp trên trao cho cơ hội, mình sẽ tìm cách yêu những điều mới mẻ đó, rồi từ từ nghiên cứu, tìm hiểu, coi đó như một thử thách được làm những thứ mới và để khám phá thêm về năng lực của chính bản thân mình. Đó là kim chỉ nam trong sự nghiệp và cuộc sống của mình. Bản thân là người làm việc về đào tạo và phát triển nhân sự, mình luôn muốn lan tỏa năng lượng tích cực đến với mọi người. Khi mình cho đi cũng là cách để nhận lại và vì thế, mình cũng được nhận về những năng lượng tích cực tương tự. Trong công việc, ngày nào cũng sẽ có những thử thách bất chợt đó. Mình coi đó là những “cơn sóng”, sóng sau có thể còn lớn hơn sóng trước nhưng nếu bạn tiếp nhận nó như một cơ hội thì chẳng cơn sóng nào có thể làm bạn nản lòng. Bên cạnh đó, hãy cứ chấp nhận những điều xấu nhất có thể xảy ra vì tiếp nhận theo chiều hướng rộng mở như vậy sẽ giúp bạn có một tinh thần sảng khoái hơn. Mình nhớ mãi không quên một câu mà một lãnh đạo người Pháp từng nói: “First art” - hiểu nôm na là hãy cứ làm mọi thứ thật “nghệ” ngay từ lần đầu tiên. Điều này có thể sẽ mâu thuẫn với tư duy là bạn được làm sai nên đừng ngại sai. Đúng, được phép sai, nhưng bắt buộc trong những lần thử đầu tiên, những nỗ lực đầu tiên đó bạn phải mang tâm thế của người sẽ tạo ra điều tốt nhất, hết khả năng và tiềm năng của mình ở mọi công đoạn. Đó là lúc bạn sẽ học và lớn thêm thật nhiều. Đây là tư duy đã theo mình trong nhiều năm, cũng là cách để mình giữ lửa. Đôi khi chỉ là việc lấy cảm hứng từ đồng nghiệp, về một bộ trang phục xinh xắn mà bạn ấy mặc trên người, cảm hứng từ những lần trao đổi và được chỉ bảo từ cấp trên. Khi đã biến mọi thứ xung quanh thành nguồn năng lượng để lấy cảm hứng thì mình tin rằng bạn sẽ chẳng bao giờ cạn đam mê. Hãy học bằng tâm thế của một cốc nước rỗng mong được làm đầy. Như vậy, bạn sẽ học được nhiều nhất có thể, tích được nhiều nước về cốc nhất trong khả năng. Từ những nhìn nhận của bản thân, mình mong là các bạn tìm thấy cảm hứng nào đó, để cuộc sống tích cực và tràn đầy năng lượng hơn cả trong công việc lẫn đời sống cá nhân. Khi làm bất kỳ điều gì, đừng quên tin, yêu khi hướng đến điều mình mong muốn. Cảm ơn những lời chia sẻ chân thành và cởi mới đến từ chị Phương. Chúc chị luôn vui vẻ, hạnh phúc và gặt gái được nhiều thành công hơn nữa trong cuộc sống! img

>> Bạn có thể nghe toàn bộ cuộc nói chuyện này trên Spotify, Apple Podcast hoặc Google Podcast!

Xem thêm các bài thuộc eMagazine