Facebook với tham vọng trở thành nguồn tin lớn nhất: điểm sáng hay vũng lầy của thương hiệu?

19 Thg 10

Câu chuyện Facebook mua lại bản quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh ở các nước Đông Nam Á khiến cả thế giới xôn xao bàn tán. Nằm trong tham vọng thống lĩnh nguồn tin của người dùng mạng cũng như nuốt chửng nguồn tin của các kênh truyền thống, Facebook chứng tỏ bản chất của một tay chơi. Dù tương lai không biết Facebook có thành công với kế hoạch này không, tuy nhiên chính nền tảng xã hội này đang gặp phải những khó khăn lớn mà ông lớn Youtube cũng đã gặp phải.

Facebook muốn trở thành “cửa sổ” nhìn ra thế giới của mọi người, muốn tăng trưởng không chỉ về số lượng người dùng mà cả thời gian người dùng mở Facebook. Tuy nhiên với thống kê từ quý 4/2017, Facebook cho biết thời gian người dùng ở trên trang này giảm 50 triệu giờ mỗi ngày. Con số khủng khiếp này khiến Mark Zuckerberg cùng các cộng sự điên cuồng đưa ra những giải pháp mới nhằm níu chân người dùng. Do đó, tính năng Watch được đưa vào với cú chào sân cực bùng nổ khi Facebook mua lại bản quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh ở các nước Đông Nam Á.

Thói quen của người dùng đang chống lại Facebook (Ảnh: Behance)

Trải nghiệm mới níu kéo người tiêu dùng

Vào tháng 8/2017 tại thị trường Mỹ, tính năng Facebook Watch đã được giới thiệu và sau một năm, nó đã được mở rộng ra nhiều thị trường và số tiền Facebook phải bỏ ra cho những nhà sáng tạo nội dung là không hề nhỏ.

Khi nhận ra nội dung miễn phí từ người dùng không đủ để biến mình thành truyền hình, Facebook buộc lòng phải chi hàng tỷ USD cho việc mua nội dung nhằm lấn át các video nhạt nhẽo người dùng đăng tải. Theo CNBC, Facebook đã chi trungg bình từ 10.000 - 50.000 USD cho mỗi tập show truyền hình độc quyền, tuỳ theo chất lượng. Wall Street Journal đưa tin Facebook chi tới 1 tỷ USD để xây dựng nội dung trong năm 2018.

Có lẽ mục tiêu của Facebook Watch không chỉ là thay thế YouTube mà còn tham vọng tranh miếng bánh của cả Netflix, Amazon lẫn Sky Sport, BeIN Sport. Về cơ bản, Facebook chỉ tài trợ một phần chi phí sản xuất các nội dung. Việc chạy quảng cáo đã giúp Facebook lấy lại 45% tiền đầu tư. Vì vậy những nội dung này sau khi kết thúc thời hạn độc quyền sẽ được phát trên các đài, kênh khác.

Không như YouTube, quảng cáo ở Facebook Watch chỉ được xuất hiện sau 60 giây nội dung. Yêu cầu khá khắt khe, nhưng nhà sáng tạo sẽ nhận 55% doanh thu quảng cáo từ Facebook. Chương trình này mới chỉ áp dụng ở 5 quốc gia, theo kế hoạch Facebook sẽ sớm mở rộng ra nhiều nước khác.

Có thể thấy mô hình của Facebook Watch ban đầu là thay vì mua bản quyền, Facebook muốn tạo một hệ thống nơi người sáng tạo có thể tải lên nội dung của họ miễn phí. Sau đó, họ kiếm được doanh thu từ quảng cáo đặt trên nội dung đó, tương tự như YouTube.

(Ảnh: Zing news)

Thói quen của người dùng đang chống lại Facebook

Henry Goldman, một người làm báo đăng tải bài viết của mình lên Medium. Goldman cho biết đã thử một ngày sử dụng Facebook Watch để trả lời câu hỏi "liệu Facebook có thể thay thế truyền hình?".

"Tôi đã xem tổng cộng 162 TV show, với thời gian chạy trung bình là 8,9 phút. Trong khi xem video, tôi đã cố gắng đặt mình vào vai người dùng và mong muốn xem hết các video. Tuy vậy, thói quen xem trên màn hình cảm ứng đã không thể ngăn tôi liên tục vuốt qua vuốt lại để xem những video mới hơn", Goldman nói.

"Trong 162 TV Show phát trên Facebook, tôi không xem cái nào được một giờ", Goldman viết trong bài trải nghiệm. Điều này cho thấy, nền tảng của Facebook chỉ thích hợp để xem các đoạn video ngắn. Do vậy, đây chính lý do tại sao những nền tảng mới như Tiktok phát triển bùng nổ. Do đó, chính thói quen của người dùng đang chống lại Facebook. Với tham vọng đưa ra những giải pháp mới níu chân người tiêu dùng, Facebook đang chứng tỏ điều ngược lại khi một loạt người dùng rời bỏ ứng dụng này.

Những khó khăn mà Facebook đang gặp phải

Facebook đang bị quá tải và bất lực trong việc kiểm soát nội dung. Tin giả và các phát ngôn gây thù địch, chia rẽ tràn lan trên Facebook dẫn tới nhiều hậu quả thật ngoài đời sống thực tại. Với video - là một định dạng chứa nhiều thông tin và khả năng lan truyền cao, câu hỏi đặt ra là Facebook sẽ kiểm soát như thế nào?

Khác với truyền hình, Facebook cho phép người dùng vừa xem vừa chia sẻ, bình luận. Tương tác thời gian thực này khiến nhiều người hào hứng hơn khi xem các trận bóng đá, các chương trình truyền hình thực tế. Tuy nhiên, mặt trái mà nó mang lại là có những người dùng sẵn sàng mạt sát, chửi rủa, bình luận tiêu cực. Facebook vốn luôn quá tải với việc kiểm duyệt nội dung hình ảnh, dựa vào cộng đồng để phát hiện ra những nội dung xấu. Cơ chế này không đáp ứng được về mặt tốc độ. Nội dung độc hại trên mạng khác với một cuộc ẩu đả trên phố: Cảnh sát có thể đến ngay, nhưng Facebook có thể mất đến vài ngày, thậm chí lâu hơn nếu không ai báo cáo (report).

(Ảnh: Zing news)

>>> Xem thêm: Instagram và Facebook: đâu là mạng xã hội đem lại nhiều doanh thu hơn

Năm 2016, Facebook Live ra mắt, kéo theo hàng loạt những video livestream cảnh tự tử, đánh đập, thậm chí hành quyết tù nhân lan truyền trên nền tảng này. Năm 2017, Facebook đã để những bài đăng kích động thù địch lan rộng trên nền tảng của mình vì không có bộ lọc hiệu quả với những ngôn ngữ không thuộc hệ latin. Năm 2018, Facebook còn dính vào bê bối Cambridge Analytica lộ hơn 87 triệu thông tin tài khoản người dùng gây tác động đến kết quả bầu cử Mỹ, lan truyền nội dung kích động lại Sri Lanka.

Sau tất cả, ông chủ Zuckerberg để phủi bỏ trách nhiệm bằng việc cho rằng Facebook đã phát triển quá nhanh, vượt xa khả năng kiểm soát của họ.

Kết

Dù có phải trả tiền tấn để giành nội dung, hay tận dụng quy mô của mình để “nẫng” tay trên nội dung từ những đơn vị khác, Facebook sẽ sẵn sàng làm tất cả, bởi mục tiêu duy nhất của họ là tăng trưởng và lợi nhuận. Giờ đây, với những nỗ lực kèm nhiều sai lầm không kể siết, Facebook đang tự đưa mình vào vũng lầy do chính mình tạo ra và phủi đi mọi trách nhiệm. Với những sự bành trướng có phần vô nhân đạo từ phía Facebook, người bị thiệt không ai khác chính là người dùng mạng. Liệu Facebook có sống sót qua cơn đại khủng hoảng này? Câu trả lời sẽ được sáng tỏ trong tương lai.

Nguồn: Zing News

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.