Facebook, Twitter và Google bắt tay nhau chống lại các thông tin sai lệch về vắc-xin COVID-19

26 Thg 11

Với việc vắc xin COVID-19 sắp được phát hành, các nền tảng công nghệ lớn đã đồng ý hợp tác với nhau trong một chương trình mới, kết hợp với các tổ chức kiểm tra thực tế, để hình thành các phương pháp tiếp cận mới, tiên tiến nhằm chống lại thông tin sai lệch về vắc xin.

Các ông lớn công nghệ một lần nữa bắt tay nhau triệt tiêu các thông tin sai lệch về vắc xin COVID-19 (Ảnh: Business Insider)

>> Xem thêm: Ảnh hưởng của Covid-19 lên ngành dược phẩm Việt Nam 2020

Báo cáo từ BBC cho biết: “Tham gia cùng với Facebook, YouTube và Twitter lần này là Bộ Thông tin, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Vương quốc Anh, Viện Nghiên cứu Báo chí của Reuters, Tổ chức phi lợi nhuận Africa Check, Kiểm tra Châu Phi, Văn phòng Hội đồng Cơ mật Canada và năm tổ chức kiểm tra sự thật quốc tế khác.”

Tổ chức kiểm tra sự thật Full Fact của Anh cũng sẽ tham gia phối hợp để chống lại thông tin sai lệch trong lần phát hành vắc xin COVID-19 này. Nỗ lực này cho thấy các nền tảng đang cố gắng phát triển các phương pháp mới, hiệu quả hơn nhằm chống lại thông tin sai lệch và phát hiện kịp thời các báo cáo gây hiểu lầm trước khi chúng bị lan truyền rộng rãi trên mạng.

Trước đó, cả ba công ty này đều đã thực hiện các biện pháp để chống lại nội dung “anti vắc xin”: với Facebook thì là lệnh cấm đối với các quảng cáo “anti vắc xin” vào tháng 10, nhằm làm giảm phạm vi tiếp cận của nội dung “anti vắc xin”; trong khi Twitter thì bổ sung các cảnh báo trong các tìm kiếm liên quan đến vắc xin vào hồi tháng 3 năm ngoái; còn Youtube thì cũng đã xóa thẳng thừng các video và kênh chia sẻ quan điểm chống vắc xin.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nói rằng những biện pháp này không đi đủ xa để đem lại hiệu quả cần thiết.

Trở lại tháng 7 năm ngoái, vài tháng trước khi dịch COVID-19 bùng phát, một nhóm gồm 60 nhà lãnh đạo y tế công cộng từ khắp nơi trên thế giới đã đưa ra lời kêu gọi công khai tới những “gã khổng lồ” Internet để họ thực hiện giám sát và dán nhãn các tuyên bố không chính xác và bác bỏ về vắc-xin, nhằm ngăn chặn nguy cơ phát triển của các phong trào chống vắc xin khác nhau.

Nhóm các chuyên gia y tế cho biết sự gia tăng của các nhóm “anti vắc xin” đã dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng, khiến hàng triệu người gặp phải nguy hiểm. Và một lần nữa, điều này lại xảy ra trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19, làm dấy lên những động thái phát triển mới trong các thuyết âm mưu xung quanh virus, và kết quả là làm nghiêm trọng thêm suy nghĩ chống vắc xin trong cộng đồng.

Một cuộc biểu tình tại Luân Đôn nhằm chống lại vắc xin và các biện pháp chữa trị COVID-19 với những người tham gia chủ yếu đến từ các groups Facebook (Nguồn: The Guardian)

>> Xem thêm: Facebook tạo biểu tượng đeo khẩu trang khi các trường hợp COVID-19 ở Mỹ tiếp tục tăng

Hồi tháng 7, chuyên gia y tế Hoa Kỳ, Tiến sĩ Anthony Fauci nói rằng Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với những khó khăn đáng kể trong hành trình vượt qua đại dịch do “cảm giác phản khoa học, chống chính quyền, chống vắc xin” trong cộng đồng ngày một gia tăng. Ông cũng cho rằng, điều này không chỉ làm trì hoãn việc triển khai vắc xin hiệu quả, mà còn khiến cho những nỗ lực ngăn chặn và giảm thiểu dịch bệnh trở nên vô ích khi cộng đồng liên tục “bảo thủ” chống lại các biện pháp như vậy.

Trong bối cảnh đó, các nền tảng trực tuyến đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của người dân. Nhưng bất chấp những nỗ lực hạn chế phạm vi tiếp cận của các bài đăng chống vắc xin, Facebook vẫn cho phép hàng nghìn nhóm liên quan đến việc chống vắc xin này hoạt động. Đồng thời, các video ủng hộ âm mưu chống vắc xin cũng vẫn được tìm thấy dễ dàng trên Youtube, dù nền tảng này đã rút mọi quảng cáo ra khỏi các video đó khi bị phát hiện.

Thậm chí, mới chỉ vài tháng gần đây, Youtube, Facebook và Twitter mới gỡ video chống vắc xin do Breitbart News đăng, sau khi video chứa thông điệp phản khoa học này nhận được hàng chục triệu xem trên các nền tảng của họ. (Breitbart News là một trang tin mang tư tưởng bảo thủ được thành lập năm 2007 tại Mỹ, bị coi là “cỗ máy chết chóc” khi chuyên phanh phui bê bối của chính trị gia).

Facebook, Youtube đã từng quyết liệt chống lại các nội dung "anti vắc xin" nhưng không hiệu quả (Nguồn: BBC)

Chính vì thế, trong lần trở lại này, các nền tảng sẽ cố gắng tìm cách cải thiện hơn và hy vọng, thông qua nỗ lực hợp tác mới này, họ có thể tạo ra kế hoạch ngăn chặn mới, không chỉ giới hạn phạm vi tiếp cận mà còn loại bỏ hoàn toàn các thông tin sai lệch, nhằm đảm bảo việc triển khai vắc xin COVID-19 diễn ra suôn sẻ. Dù là một thách thức lớn, nhưng đây cũng có thể là bước khởi đầu cho nỗ lực cải thiện tất cả các loại thông tin sai lệch trên nền tảng online của các “ông lớn” công nghệ này.

Tô Linh - MarketingAI

Theo SocialmediaToday

>> Có thể bạn quan tâm: Tính năng tự xóa tin nhắn chính thức có mặt trên Messenger và Instagram
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.