Facebook sẽ sử dụng "Cộng đồng đánh giá" để kiểm duyệt độ chính xác bài viết

23 Thg 12

Sau hàng loạt những vấn đề xung quanh vấn đề độ chính xác từ nội dung của Facebook, mới đây nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới này vừa mới công bố một phương thức kiểm duyệt mới. Đây là một chương trình Facebook hợp tác với một nhóm được gọi là “Cộng đồng đánh giá” - họ sẽ là một nhóm các thành viên không phải nhân viên Facebook được tham gia để kiểm duyệt, báo cáo những nội dung không chính xác.

Động thái mới của Facebook mang tên “Cộng đồng đánh giá”

Như những gì được chia sẻ bởi đại diện của Facebook, dự án mới này sẽ có một cộng đồng đánh giá làm việc giống như các nghiên cứu viên. Họ sẽ tìm ra những thông tin mâu thuẫn với các chứng thực, hoặc liên quan tới những thông tin lừa đảo trực tuyến đã được xác minh từ trước. Những người trong cộng đồng đánh giá này sẽ không phải nhân viên Facebook, thay vào đó họ sẽ được thuê ngoài thông qua những đối tác của Facebook. Dù vậy, những người kiểm duyệt này sẽ không thể tự đưa ra quyết định cuối cùng cho nguồn thông tin. Thay vào đó, những phát hiện của họ sẽ được chia sẻ với những bên kiểm duyệt thứ ba, đóng vai trò như một nguồn thông tin bổ sung trong khi họ thực hiện việc kiểm duyệt chính thức.

Facebook fact check
(Nguồn: The Sociable)

Có thể hiểu mô hình mới này sẽ hoạt động như sau: Đầu tiên, quy trình học máy (machine learning) của Facebook sẽ nhận định những nội dung tiềm ẩn nguy cơ không chính xác, sai thông tin. Khi nội dung bị gán nhãn là tiềm ẩn yếu tố sai sự thật, hệ thống của Facebook sẽ gửi nó đến đội ngũ cộng đồng đánh giá. Từ đây, họ sẽ được thông báo để kiểm tra nội dung này, và nếu tự bản thân họ sau khi nghiên cứu và tìm hiểu thì thấy bài viết, nội dung đó không hề sai, họ có quyền đính kèm những phát hiện của mình và gửi lại. Sau đó, đội ngũ kiểm duyệt chính thức của Facebook có thể tham khảo chúng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Có thể hiểu sự bổ sung này nhằm mục đích mở rộng lượng dữ liệu thông tin đầu vào, từ đó phía kiểm duyệt của Facebook sẽ có thêm cơ sở để quyết định xem nội dung đó là chính xác hay không. Kết quả cuối cùng là để tăng độ chính xác cho nội dung, đồng thời giảm thiểu được sự thiên lệch trong quyết định đánh giá. Facebook đã hợp tác với công ty về dữ liệu mang tên YouGov để lựa chọn ra “đội ngũ đánh giá”. Cụ thể, YouGov đã thực hiện một nghiên cứu độc lập về những người tham gia cộng đồng đánh giá và người dùng Facebook. Trong đó, những yêu cầu được đưa ra để lựa chọn ứng viên tham gia là phải đại diện được cho một cộng đồng Facebook tại Mỹ, đồng thời phản ánh được quan điểm đa dạng - bao gồm cả những tư tưởng chính trị. Những ý kiến ,nhận định của phái cộng đồng đánh giá đều nhất quán với những kết luận, suy nghĩ của người dùng Facebook hiện tại.

Facebook fact check
(Nguồn: YouGov)

Thông qua việc cho phép nhiều người tham gia vào quá trình kiểm duyệt tính chính xác của nội dung, Facebook muốn cải thiện được độ chính xác của những thông tin này, đồng thời giảm được sự thiên lệch về chuyện nghiêng về một phe, một quan điểm chính trị nào. Tuy nhiên, điều này lại cực kỳ mâu thuẫn với những gì Facebook từng tuyên bố về lập trường kiểm duyệt độ chính xác của các quảng cáo chính trị.

Thành thực mà nói, mỗi khi Facebook có những thay đổi, cải tiến về chương trình kiểm duyệt độ chính xác nội dung, quyết định không kiểm tra quảng cáo chính trị của Facebook dường như ngày càng ít logic, hoặc trở thành một biện pháp dài hạn khả thi. Có thể thấy, Facebook đang tích cực đầu tư nguồn lực cho việc kiểm duyệt tính chính xác của nội dung. Minh chứng là mới đây, Facebook vừa mở rộng chương trình kiểm duyệt sang nền tảng Instagram.

>>> Đọc thêm: Instagram sẽ mạnh tay hơn trong việc xử lý những bình luận mang tính công kích

Có thể thấy Facebook hiểu rõ mình cần hành động để giảm thiểu tối đa sự lan truyền của những thông tin sai sự thật, các tuyên bố không chính xác trên nền tảng. Thông tin sai lệch là một vấn đề nghiêm trọng, ai cũng biết được điều này và bản thân Facebook cũng vậy. Tuy nhiên vì sao Facebook lại cho phép các chính trị gia - những người có ảnh hưởng rất lớn lên ý kiến của cộng đồng, có thể chia sẻ các tuyên bố sai lệch trong nội dung quảng cáo của họ. Facebook cũng từng tuyên bố không muốn đứng ra phân xử cho những bài phát biểu chính trị, cộng đồng có quyền được biết những gì chính trị gia đã phát biểu.

>>> Có thể bạn quan tâm: CEO của Twitter tuyên bố cấm những quảng cáo liên quan đến chính trị

Bản thân CEO của Facebook - ông Mark Zuckerberg cũng từng chia sẻ quan điểm của Facebook về quảng cáo chính trị rằng họ sẽ không can thiệp vào vấn đề này. Thế nhưng, vấn đề ở đây là những lời nói của chính trị có ảnh hưởng rất lớn. Việc nội dung quảng cáo của họ bị sai thông tin có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Chuyện có thể tồi tệ hơn khi những thông tin này được truyền bá khắp nơi, thông qua quảng cáo của Facebook và phía nền tảng này sẽ không can thiệp vào. Chính những quyết định khó hiểu này càng khiến cộng đồng mất niềm tin vào Facebook nhiều hơn. 

Tạm kết

Khó hiểu, không rõ ràng, mông lung, chúng đều là những tính từ mà xã hội dành cho chương trình mới về kiểm duyệt tính chính xác nội dung của Facebook. Bởi lẽ chúng đều mâu thuẫn với quan điểm của Facebook về quảng cáo chính trị. Thế nhưng nếu gạt vấn đề quảng cáo chính trị sang một bên, không thể phủ nhận đây vẫn là một nỗ lực đáng ghi nhận của ông lớn. Với việc bổ sung thêm “Cộng đồng đánh giá”, tính chính xác của việc kiểm duyệt sẽ được tăng lên và đó là một điều tốt với xã hội.

Theo Social Media Today

   
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.