Động thái của Facebook sau khi bị một loạt thương hiệu lớn như Coca Cola, Unilever "quay lưng"

30 Thg 06

Sau khi một loạt công ty và tập đoàn lớn trên thế giới tham gia vào chiến dịch #StopHateForProfit nhằm tẩy chay quảng cáo Facebook vào tháng 7 này, thì cuối cùng, Mark Zuckerberg - CEO của mạng xã hội “quyền lực” này đã tuyên bố rằng Facebook sẽ gắn nhãn các bài đăng vi phạm quy tắc của nền tảng đến từ các chính trị gia, đồng thời giải thích lý do tại sao các nội dung này vẫn được phép hoạt động và không bị kiểm soát.

Zuckerberg đã đưa ra thông báo này qua một clip Facebook Live sau khi mạng xã hội này đón nhận thông tin cả Verizon, Unilever, Coca Cola cùng hơn 100 công ty, tổ chức khác đã tham gia vào chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên Facebook được đề xuất bởi một liên minh các nhóm dân quyền. Ngay cả Procter&Gamble, doanh nghiệp được xem là thế lực kiến tạo nên xu hướng cho ngành quảng cáo với chi phí quảng cáo hàng năm lên tới 6,8 tỷ đô la cũng cho biết, công ty đang xem xét các nền tảng mà họ đang hợp tác để đảm bảo nội dung truyền tải được khách quan hơn.

Zuckerberg nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ tiếp tục "nóng" hơn bao giờ hết, ngay cả khi đại dịch COVID-19 và các cuộc biểu tình #BlackLivesMatter vẫn đang diễn ra vô cùng căng thẳng, tuy nhiên, tình hình bây giờ xem ra còn căng thẳng hơn.

Về phần mình, Zuckerberg nói rằng Facebook đã cam kết thực hiện "chiến dịch thông tin lớn nhất về bầu cử trong lịch sử Hoa Kỳ", người dùng có thể xem hướng dẫn cách bỏ phiếu được hiển thị ở đầu bảng tin News Feed của mỗi người. Nhưng Zuckerberg cũng nói thêm rằng, rõ ràng Facebook cần phải làm nhiều hơn để bảo vệ cuộc bầu cử và thúc đẩy sự tham gia lành mạnh của cộng đồng công dân.

Đầu tiên, Zuckerberg giải thích về những nỗ lực mới của Facebook trong việc loại bỏ sự đàn áp cử tri, vấn đề mà chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 hiện nay:

"Ví dụ, nếu trong ngày diễn ra cuộc bầu cử, có ai đó tuyên bố rằng, thành phố A đang trở thành ổ dịch thứ n, thì đó có phải là hành vi cho thấy sự đàn áp cử tri hay không?”. Zuckerberg nói rằng Facebook sẽ làm việc tích cực để tìm ra và loại bỏ bất kỳ bài đăng và bình luận nào liên quan đến vấn đề đó. Ngoài ra, nền tảng này cũng sẽ có những biện pháp cụ thể đối với các khiếu nại/ cáo buộc sai lệch, chẳng hạn là cho "các nhân viên ICE (Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ) đi kiểm tra giấy tờ di cư của người dân tại các địa điểm bỏ phiếu".

Ngoài ra, Facebook cũng sẽ hiển thị các thông tin có thẩm quyền liên quan đến các cập nhật mới nhất của trung tâm bỏ phiếu trong bảng điều khiển Trung tâm thông tin bỏ phiếu mới.

Zuckerberg cũng cho biết Facebook sẽ áp dụng các chính sách mới để "mở rộng phạm vi cấm đối các nội dung đáng bị chỉ trích trong quảng cáo". Cụ thể, vị CEO này nói rằng các quảng cáo có xu hướng cáo buộc những người thuộc một chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo hay xu hướng tính dục nào đó, có nguy cơ trở thành mối đe dọa cho sự an toàn về thể chất, tinh thần và sức khỏe của người dùng sẽ bị cấm hoàn toàn.

Trên thực tế, từ trước đến nay, Facebook vẫn luôn hạn chế những quảng cáo như vậy, nhưng giờ đây, mạng xã hội này sẽ mở rộng hơn nữa việc thực thi để tiếp tục giải quyết ổn thỏa việc việc bị ghét bỏ và chia rẽ hiện nay. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất có lẽ là tuyên bố cuối cùng mà Zuckerberg đưa ra trong đoạn video này, liên quan đến vấn đề tẩy chay quảng cáo. Ông nói: "Facebook sẽ bắt đầu gắn nhãn vào các bài đăng vi phạm chính sách của chúng tôi. Trước đây, quả thực cũng có vài lần chúng tôi quyết định giữ lại một số nội dung vi phạm chính sách của nền tảng, nhưng đó là vì chúng tôi nhận thấy rằng, giá trị và lợi ích cộng đồng mà bài đăng mang đến lớn hơn những ảnh hưởng tiêu cực của nó.”

Và như rất nhiều lần khác, Zuckerberg lại nhắc đi nhắc lại rằng, việc giữ lại các bài đăng của các chính trị gia chính là vì lợi ích cộng đồng và bất cứ ai cũng có quyền được nhìn thấy nó: "Nếu như các trang tin khác vẫn có thể cập nhật thường xuyên các bài phát biểu từ chính trị gia, thì chúng tôi cũng có quyền được làm điều đó trên nền tảng của mình. Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là mọi người có thể nhìn thấy các bài đăng đó trên chính nền tảng của chúng tôi."

>>> Đọc thêm: Nhân viên Facebook dọa đình công trước sự thơ ơ của Mark Zuckerberg đối với nạn phân biệt chủng tộc

Theo Zuckerberg nói thì các nhãn cảnh báo mới chỉ có tác dụng làm minh bạch hơn lý do tại sao Facebook vẫn chọn giữ lại bài đăng đó, và người dùng thì vẫn được phép chia sẻ và thảo luận về bài đăng đó một cách vô tư, bất chấp việc nó chứa các nhãn cảnh báo.

"Chúng tôi vẫn sẽ cho phép mọi người chia sẻ các bài đăng này để lên án nó, giống như cách chúng tôi vẫn làm với các bài đăng có vấn đề khác trước đây. Bởi đây là một phần quan trọng trong những điều được chấp nhận ở xã hội của chúng tôi. Tất nhiên, Facebook vẫn sẽ thêm một lời nhắc tới mọi người rằng nội dung mà họ đang chia sẻ có thể vi phạm chính sách của nền tảng."

Nghe có vẻ rất giống với cách tiếp cận mà Twitter đã đưa ra đối với những bình luận gây tranh cãi đến từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, sự việc mà đã khiến Chính phủ Hoa Kỳ buộc phải có những động thái mới nhằm ngăn chặn các nền tảng xã hội khác đưa ra thêm bất kỳ nhãn cảnh báo nào như vậy. Dù trước đó Zuckerberg cũng đã từng chỉ trích cách tiếp cận lần này của Twitter.

Sự khác biệt duy nhất giữa Facebook và Twitter chính là cách mọi người có thể tương tác với các bài đăng có nội dung vi phạm. Trên Twitter, một khi nhãn cảnh báo hoặc ghi chú được thêm vào một tweet vi phạm, các tùy chọn quản lý với Tweet đó sẽ bị hạn chế. Theo đó, người dùng không thể Thích, Bình luận hoặc Chuyển tiếp các bài đăng (tuy nhiên, vẫn có thể chuyển tiếp bình luận trong các bài đăng). Trong khi đó, theo lời Zuckerberg, Facebook sẽ không thực hiện như vậy, nó sẽ gắn nhãn vi phạm, nhưng vẫn kèm thêm 1 ghi chú để giải thích lý do tại sao họ chọn không xóa bài đăng, mặc dù nó vi phạm các quy tắc thông thường.

Liệu điều đó có đủ để xoa dịu những công ty đã lên tiếng kêu gọi tẩy chay quảng cáo Facebook không? Nhiều khả năng là không.

Mặc dù Zuckerberg liên tục nhấn mạnh rằng Facebook chống lại bất kỳ loại phát ngôn mang tính kích động hay thù địch nào, nhưng nó vẫn sẽ cho phép các bài đăng như vậy tồn tại trên nền tảng của mình và thậm chí mọi người sẽ được phép chia sẻ nó. Tất nhiên, việc gắn nhãn cảnh báo là một bước đi quan trọng, nhưng chúng ta sẽ phải chờ xem thực tế thay đổi đó sẽ diễn ra như thế nào trước khi hiểu những tác động có thể xảy ra là gì.

Zuckerberg cũng nhấn mạnh rằng Facebook sẽ không áp dụng bất kỳ ngoại lệ "đáng tin cậy" nào cho bất kỳ nội dung nào mang tính kích động bạo lực, hay gây cản trở việc bỏ phiếu. Cụ thể, ông nói: "Ngay cả khi một chính trị gia hoặc quan chức chính phủ nào có những phát ngôn mang tính thù địch, nếu chúng tôi xác nhận rằng nội dung có thể dẫn đến bạo lực tước quyền bầu cử của mọi người, thì chúng tôi sẽ gỡ bỏ nội dung đó, bất kể là ai."

Vì vậy, theo tuyên bố này từ Facebook, nền tảng này cho rằng bài đăng này của tổng thống Trump về cơ bản chỉ nói về những động cơ châm ngòi thúc đẩy việc tẩy chay quảng cáo, chứ không hề vi phạm các quy tắc liên quan đến các mối đe dọa bạo lực - và vì thế, nó sẽ không bị xóa.

Điều đó có nghĩa là việc thực thi quy tắc mới của Facebook cũng có thể bị hạn chế hơn so với một số dự kiến trước đó. Chúng ta sẽ không biết chính sách mới này của Facebook sẽ gây ảnh hưởng như thế nào cho đến khi nó thực sự được triển khai. Nhưng ít nhất, có vẻ như chiến dịch #StopHateforProfit đang thu hút sự chú ý của Facebook - mặc dù mạng xã hội này đã tuyên bố rằng họ không thay đổi các chính sách vì "phải chịu áp lực doanh thu".

Có vẻ như điều này không hoàn toàn đúng và với các nhà quảng cáo lớn khác hiện đang phải chịu những áp lực tăng lên do sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch COVID-19, đặc biệt sau khi công khai tuyên bố rút quảng cáo khỏi Facebook, thì điều này có lẽ sẽ dẫn đến nhiều thay đổi đáng kể hơn nhằm giải quyết những hình thức phân chia trên Mạng xã hội.

Bên cạnh đó, vào ngày thứ Sáu (26/06) vừa qua, Coca Cola, Hersheys và Honda cũng đã tham gia vào các cuộc tẩy chay quảng cáo trên Facebook. Giống như Coca-Cola, Starbucks cũng rút mọi quảng cáo trên tất cả các nền tảng mạng xã hội chứ không chỉ riêng Facebook.

Công ty đã không đề cập đến chiến dịch #StopHateForProfit trong một tuyên bố về vấn đề này: "Chúng tôi sẽ tạm dừng quảng cáo trên tất cả các nền tảng mạng xã hội. Trong thời gian đó, chúng tôi vẫn tiến hành thảo luận trong nội bộ công ty, cũng như với các đối tác truyền thông và với các tổ chức dân quyền trong nỗ lực ngăn chặn lan truyền những phát ngôn mang tính thù địch."

(Nguồn: Internet)

Ngoài ra, mới đây nhất, theo tờ Reuters dẫn tin từ FOX Business Network, Pepsi cũng ra tuyên bố tạm dừng quảng cáo trên mạng xã hội lớn nhất thế giới này.

Ngày 28/06 vừa qua, Jen Sey, Marketing Director của Levi's cũng đã phát biểu trong một tuyên bố vào cuối tuần trước, rằng công ty đã tạm dừng tất cả quảng cáo trả phí trên Facebook và Instagram trong phạm vi toàn cầu ít nhất là đến cuối tháng 7, và áp dụng trên tất cả các thương hiệu của mình. "Việc chúng tôi có tham gia lại quảng cáo hay không còn phải phụ thuộc vào phản hồi của Facebook.”

(Nguồn: Teen Vogue)

Unilever cũng lên tiếng rằng sẽ không chạy quảng cáo trên Facebook, Instagram hoặc Twitter ở Mỹ trong ít nhất là phần còn lại của năm 2020, ngay trước thời kỳ bầu cử. Verizon - công ty viễn thông lớn ở Mỹ cũng đã ngừng chi tiêu quảng cáo trên Facebook và Instagram.

Danh sách đầy đủ của các công ty tham gia vào chiến dịch này hiện đã vượt quá con số 200. Dưới đây là một số cái tên quan trọng: Arc'teryx; Beam Suntonry; Birch Box; Dashlane; Eddie Bauer; Eileen Fisher; Hershey's; Honda America; JanSport; Lululemon; Magnolia Pictures; REI and Upwork,vv...

Có thể nói, chiến dịch tẩy chay này có thể sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng trong một năm mà vốn dĩ đà phát triển của các doanh nghiệp đã bị chậm lại vì COVID-19. Doanh thu quảng cáo của Facebook hiện được dự báo sẽ đạt 18,5 tỷ đô la trong quý 3. Sau thông báo của Unilever, cổ phiếu của Facebook đã giảm mạnh vào thứ Sáu, giảm hơn 8% ở mức $216. Dự kiến, mùa thu này quỹ đạo phát triển của Facebook nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi các nhà quảng cáo nếu họ tiếp tục lên tiếng chống lại chính sách của nền tảng này.

Tuy nhiên, phần lớn doanh thu của Facebook là đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chứ không phải các thương hiệu lớn. Theo nghiên cứu, phần lớn trong số sáu triệu nhà quảng cáo sử dụng nền tảng của Facebook là các doanh nghiệp địa phương và online, chứ không phải các thương hiệu lớn. Chính vì vậy, mức độ ảnh hưởng của chiến dịch này sẽ thực sự thể hiện rõ ràng cho đến khi Facebook công bố kết quả doanh thu quý 3 (vào khoảng tháng 10).

Tô Linh - MarketingAI

Theo SocialmediaToday

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.