"Đi đến nơi có gió" - Một bộ phim chữa lành và bài học về chiến lược tiếp thị bản địa hoá

02 Thg 02

Từ việc "phá vỡ chính mình để tìm lại chính mình", "Đi đến nơi có gió" thật sự đã chinh phục được hàng triệu người xem, đặc biệt là những khán giả trẻ. Không chỉ khiến người xem phải suy ngẫm về cuộc sống của chính mình, bộ phim còn miêu tả một cách sống động về vẻ đẹp như tranh vẽ của di sản văn hoá và du lịch tỉnh Vân Nam.

Đi đến nơi có gió: Bộ phim chữa lành dịp đầu năm mới

Sau tiếng vang của bộ phim cổ trang “Mộng hoa lục”, Lưu Diệc Phi tiếp tục nhận được “cơn mưa” lời khen khi sánh vai cùng Lý Hiện trong 40 tập phim “Đi đến nơi có gió”. Trong bộ phim hiện đại ăn khách lần này, mỹ nhân họ Lưu vào vai Hứa Hồng Đậu, một cô gái ngoài 30 tuổi, làm quản lý ở bộ phận lễ tân của một khách sạn 5 sao tại Bắc Kinh. 

Vốn dĩ cuộc sống ấy vẫn sẽ ảm đạm, lặp đi lặp lại quanh việc mưu sinh, cơm áo gạo tiền, nhưng việc ra đi đột ngột của người bạn thân đã khiến cuộc sống của cô hoàn toàn bị đảo lộn. Cô đã từ bỏ công việc bận rộn hiện tại, từ bỏ cơ hội thăng tiến đang trải ra trước mắt để về thôn Vân Miêu, Đại Lý, Vân Nam nghỉ ngơi và điều chỉnh tâm trạng. Nhân vật Hứa Hồng Đậu mang đến cho khán giả sự đồng cảm khi nhìn thấy hình ảnh của mình trong đó.

"Đi đến nơi có gió" - Một bộ phim chữa lành và bài học về chiến lược tiếp thị bản địa hoá - Ảnh 1.

Sự ra đi đột ngột của người bạn thân đã tạo ra một khoảng trống lớn trong lòng Hồng Đậu

Rất nhiều người trẻ trong chúng ta vẫn đang cố gắng bon chen với cơm áo gạo tiền mà quên mất bản thân mình là ai, đam mê và hạnh phúc mình đang tìm kiếm đích thực là gì. Có lẽ chỉ khi chúng ta gặp một biến cố, chúng ta mới bắt đầu nghiêm túc nhìn lại, mới biết mình cần thay đổi những gì…

Tại thôn Vân Miêu, Hồng Đậu đã gặp gỡ và kết giao với những người bạn mới, những người giúp cô chữa lành tổn thương trong quá khứ, giúp cô có thể một lần nữa được sống thật trọn vẹn. Họ cũng giống như cô, những người chạy trốn khỏi lối sống đô thị nhịp độ nhanh để tìm kiếm sự yên tĩnh ở chốn thôn quê yên bình. Thái độ làm việc chăm chỉ và khả năng phục hồi của họ đã tiếp cho cô sức mạnh để có thể bắt đầu lại.

Lúc còn sống, Nam Nam - người bạn thân nhất của cô ao ước được cùng cô đến Vân Nam thưởng thức hết đặc sản của vùng này. Nhưng Hồng Đậu đã luôn thất hứa chỉ vì mải mê với công việc. Có lẽ vì thế mà Hồng Đậu đã chọn Vân Nam là điểm dừng chân của mình, cô muốn đến đây để bù đắp cái hẹn vĩnh viễn không thể thực hiện cùng tri kỷ. Và đây cũng là cơ hội để cô tìm kiếm cuộc sống mà mình thực sự mong muốn.

"Đi đến nơi có gió" - Một bộ phim chữa lành và bài học về chiến lược tiếp thị bản địa hoá - Ảnh 2.

Đi đến nơi có gió khắc họa chân thực về những người trẻ đang mắc kẹt trong guồng quay khắc nghiệt của cuộc sống

Ngày trước, mặc dù hai người cùng sống trong một thành phố, nhưng số lần gặp nhau chỉ được đôi ba lần. Lần gặp mặt nào, họ cũng than thở làm mãi không hết việc, nhưng tiền kiếm lại chẳng được bao nhiêu, bao dự định mua nhà, mua xe đều chưa thực hiện được, ngay cả tình yêu cũng để bỏ lỡ hết mối này đến mối khác.

Hồng Đậu bận rộn đến nỗi không có cả thời gian nấu cho mình một bữa cơm tử tế, đồ ăn thức uống được ba mẹ, bạn bè gửi lên cô đều tống hết vào tủ lạnh rồi như bị xoá ký ức, đến lúc lục lại mới phát hiện ra đã quá date nửa năm. 

Quyết định rời bỏ công việc vốn trở thành thói quen và đang trên đà thăng tiến của Hồng Đậu vốn là điều không dễ dàng. Những ngày đầu ở Vân Nam, hễ ai hỏi cô đến đây làm gì, sao không đi làm, cô chỉ mỉm cười và bảo mình đang muốn nghỉ ngơi. Mỗi ngày, cô đều thảnh thơi tản bộ, ghé tiệm cafe này, thử món ở quán kia, ngắm nghía mọi thắng cảnh ở thôn và quan sát người dân nơi đây. Có lẽ chính Hồng Đậu cũng không ngờ sẽ có những khoảnh khắc lặng im, tựa vào gốc cây cũng đủ khiến cô rơi nước mắt, giải toả những nỗi buồn dồn nén bấy lâu nay. 

Vốn là người vội vã, nhưng khi ở thôn Vân Miêu, Hồng Đậu như sống chậm lại. Nếu ngày trước, cô hay phàn nàn về việc Nam Nam chụp hình để đăng lên mạng xã hội trước bữa ăn, thì giờ đây, cô bỗng nhiên nhiễm thói quen nay. Cô muốn lưu giữ lại những kỷ niệm, khoảnh khắc mà mình đã trải qua, ngay cả những món quà của bà Tạ Chi Dao, cô nàng bán tạp hoá… tặng cũng được cô sắp xếp gọn gàng để trên bàn.

Trong khi Hồng Đậu và vài người bạn ở phương xa rời phố về làng, thì nhiều thanh niên trong thôn lại tìm đường bỏ quê lên thành phố. Xu hướng chuyển dịch của người trẻ trong phim hoàn toàn phù hợp với tình hình giới trẻ trong xã hội Trung Quốc đương đại nói chung, xã hội Việt Nam nói riêng.

“Làm việc chăm chỉ vì cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng nhìn lại bản thân, Hồng Đậu đã đánh mất cuộc sống của mình từ lâu. Câu chuyện của Hồng Đậu  đã nói lên tiếng lòng của rất nhiều người trẻ tuổi đang cố gắng bươn chải trong xã hội ngoài kia. Nếu chúng ta đã quá mệt mỏi, không bằng bước chậm lại, thử một lần lắng nghe bản thân xem sao…” 

Không chỉ câu chuyện của Hồng Đậu, mà câu chuyện lập nghiệp của Tạ Chi Dao, câu chuyện khó khăn khi theo đuổi nghề mà mình yêu thích của nhà văn mạng Đại Mạch… cũng sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta rất nhiều.

"Đi đến nơi có gió" - Một bộ phim chữa lành và bài học về chiến lược tiếp thị bản địa hoá - Ảnh 3.

“Đi đến nơi có gió” lan tỏa năng lượng và thái độ tích cực đối với cuộc sống

Bộ phim nhẹ nhàng "healing" với nhiều câu thoại rất đời: 

"Bạn giống như một chiếc đồng hồ lên dây cót, nếu chạy trơn tru, ai sẽ thay đổi nó?" 

"Tôi tưởng tượng họ có điều kiện tốt, họ hình dung tôi là người phụ nữ xinh đẹp. Vài năm nữa, tôi vẫn sẽ là người phụ nữ xinh đẹp, điều kiện của họ thì thế nào? Chỉ có những gì bạn sở hữu mới là của riêng bạn." 

"Công việc không xuất sắc, thành tích không nổi bật, chỉ có thoát vị địa đệm." 

“Không nhà, không xe, không đối tượng, chỉ toàn bệnh tật.”

“Vĩnh viễn sẽ có người yêu cô, có người hận cô, có người ủng hộ cô, có người chướng mắt cô, muốn cô sống, muốn cô chết, muốn cô tự do, muốn cô sống theo ý của họ, hiểu rõ cô, hiểu lầm cô, xuyên tạc cô. Nhưng mỗi người đều sống như thế, không có ngoại lệ. Vậy nên mặc kệ bạn nghĩ thế nào”

“Tại sao trong suy nghĩ của cậu là tôi giữ cô ấy ở lại, mà không phải là tôi đi theo cô ấy chứ? Nếu tôi đã không thể đi theo cô ấy, vậy tôi dựa vào cái gì, để bắt người ta ở lại đây vì tôi? Tại sao đàn ông lại luôn cho rằng phụ nữ thì nhất định phải vì tình yêu mà hi sinh và thỏa hiệp nhiều hơn, là một chuyện đương nhiên. Còn đàn ông thì chỉ cần nói miệng một câu đảm bảo rằng, anh sẽ đối tốt với em cả đời”.

Tinh tế lồng ghép bản sắc văn hoá địa phương 

Theo chân thần tiên tỷ tỷ qua từng tập phim “Đi đến nơi có gió”, người xem có dịp thưởng ngoạn cảnh đẹp và các món ngon của bà con dân tộc Vân Nam. Cảnh sắc nơi đây trải ra hút mắt với đồng cỏ rộng lớn, những con đường nhỏ và dốc phủ bóng cây xanh, những căn nhà gỗ tĩnh lặng và cả những tiệm cafe mang hơi hướng cổ điển, xinh xắn.

Không những vậy, bộ phim còn khéo léo điểm qua các công việc mưu sinh quen thuộc của người dân nơi đây, từ thêu thùa, khắc gỗ, nuôi ngựa, bán hàng thủ công cho đến kỹ thuật nấu những món ăn mang đậm hương sắc của Vân Nam. Đời sống quần cư, tình làng nghĩa xóm nồng ấm và tinh thần hiếu khách cũng được tôn vinh qua từng tập phim. Tất cả đã tạo nên một bức tranh hoàn mỹ, một đời sống thư thả, một không khí trong lành của non nước phía Nam Trung Quốc.

"Đi đến nơi có gió" - Một bộ phim chữa lành và bài học về chiến lược tiếp thị bản địa hoá - Ảnh 4.

"Đi đến nơi có gió" đã kích thích sự bùng nổ du lịch ở Vân Nam

Theo bản tin thời sự của đài Thượng Hải, sau khi “Đi đến nơi có gió” phát sóng, số lượng người dân đến đây du lịch đã không ngừng tăng lên. Theo Sở Văn hóa và Du lịch Vân Nam, trong 10 tháng đầu năm 2022, Vân Nam đã đón 682 triệu lượt khách du lịch và tạo ra doanh thu du lịch là 112 tỷ USD (761,5 tỷ RMB). Một thống kê khác cho thấy, dịp Tết Nguyên đán năm nay, tỉnh Vân Nam đã thu về 38,435 tỷ nhân dân tệ doanh thu du lịch trong 7 ngày, đứng đầu trong số 21 tỉnh.

Gợi mở nào cho du lịch Việt Nam?

Tại Việt Nam, ngôi nhà được chọn làm bối cảnh chính của bộ phim điện ảnh “Chuyện của Pao” đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng và tạo thu nhập cho người dân địa phương sau khi được công chiếu. Ngoài ra, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, năm 2022, Phú Yên đón 2,2 triệu lượt khách, gấp 5,9 lần so với năm trước kể từ sau thành công của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Cũng trong năm đó, lượn tìm kiếm về du lịch Phú Yên đã tăng mạnh trên Google Việt Nam.

"Đi đến nơi có gió" - Một bộ phim chữa lành và bài học về chiến lược tiếp thị bản địa hoá - Ảnh 5.

Ghé thăm ngôi nhà đẹp như tranh giữa thiên nhiên hùng vĩ thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang của Pao

Như vậy, có thể thấy chiến lược tiếp thị bản địa hóa đang dần trở nên quan trọng hơn, các thương hiệu có thể xem xét việc xây dựng các kết nối cảm xúc thông qua lăng kính của cuộc sống, đây là một cách tiếp cận mới mẻ và tự nhiên.

“Đi đến nơi có gió” là một bộ phim healing đáng để xem trong năm 2023. Một bộ phim nhẹ nhàng mà sâu lắng, một bộ phim xoa dịu cho những tâm hồn đang bộn bề nhiều ngổn ngang với những trái tim đầy vết xước. Đôi khi dành cho mình những khoảng lặng, trải nghiệm một cuộc sống hoàn toàn mới lại là cách để chữa lành.

Thanh Thanh - MarketingAI

Tổng hợp và phân tích

Chiến lược Marketing của KFC – Đi đến đâu “bản địa hóa” đến đó

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.