Dentsu đưa ra dự đoán 5 xu hướng truyền thông hàng đầu năm 2022

18 Thg 11

Dentsu International vừa phát hành báo cáo mới đưa ra dự đoán về 5 xu hướng truyền thông hàng đầu trong năm 2022 được chia sẻ bởi chuyên gia từ các thương hiệu con Carat, Dentsu X và iProspect.

Thế giới đang phục hồi sau đại dịch và thích nghi dần với những cách sống mới, cả về thói quen và hành vi đã được thay đổi. Nhưng thời kỳ khủng hoảng và suy thoái cũng chính là thời điểm của cơ hội, sự đổi mới và thành công của những người đưa ra quyết định đúng đắn. 

Là người khổng lồ trong lĩnh vực quảng cáo và quan hệ công chúng của Nhật Bản, đồng thời là công ty quảng cáo và sở hữu mạng lưới agency quảng cáo lớn thứ năm thế giới về doanh thu trên toàn thế giới, báo cáo Xu hướng truyền thông năm 2022 của Dentsu sẽ là nguồn thông tin cực kỳ hữu ích cho các nhà quảng cáo muốn bứt phá trong năm tới. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng điểm qua một số điểm nổi bật sau:

Nhắm mục tiêu trong một thế giới không cookie

Thời hạn loại bỏ sự hỗ trợ của cookie bên thứ ba của Apple và Google sẽ đến hạn vào năm 2023, cơ hội cá nhân hóa quảng cáo sẽ giảm đi, từ đó ảnh hưởng đến khả năng của các nhà quảng cáo trong việc theo dõi các chỉ số chính như lượt xem và chuyển đổi.

Việc marketer không còn có thể dựa vào cookie để chuyển dữ liệu từ người tiêu dùng đến nhà quảng cáo, các thương hiệu sẽ buộc phải tìm ra các cách nhận dạng thay thế ngoài tên và địa chỉ email để tăng khả năng tương tác.

Cookie của bên thứ ba sẽ sớm bị
Cookie của bên thứ ba sẽ sớm bị "khai tử"

Ngoài ra, quảng cáo theo ngữ cảnh sẽ thực hiện công việc “nặng nhọc” hơn, khi những lượt thích của Facebook và Twitter đã yêu cầu người dùng chọn các chủ đề mà họ quan tâm nhất để giảm bớt gánh nặng cho quá trình nhắm mục tiêu.

>> Xem thêm: 4 giải pháp thay thế khi cookie của bên thứ ba bị “khai tử”

Một thế giới dựa trên thương mại điện tử

Đứng đầu danh sách các xu hướng cần chú ý là tác động của thương mại điện tử trong việc thay đổi bối cảnh marketing. Điều này đã buộc các thương hiệu phải điều chỉnh lại mối quan hệ của họ với người tiêu dùng bằng cách tạo ra những trải nghiệm và phương pháp nhắm mục tiêu mới.

Sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử và áp lực trong việc tìm cách mới để kết nối với người hâm mộ đã thúc đẩy Netflix lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử. Cửa hàng trực tuyến Netflix.shop của Netflix ra mắt đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của người hâm mộ phim ảnh. Hướng đi này được dự đoán sẽ tiếp tục được duy trì và mở rộng trong tương lai.

Netfix chính thức lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử
Netfix chính thức lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử

Thế giới ảo

Trong thế giới công nghệ ngày nay, các tương tác ảo như cuộc gọi video, làm việc từ xa đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người. Điều này càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Lần đổi thương hiệu gần đây của Facebook thành Meta cũng cho thấy sức hút của thế giới trực tuyến ảo. Metaverse được tiên phong và khởi nguồn từ những tựa game điện tử nổi tiếng người như Fortnite và Roblox, hiện vũ trụ ảo này đang bắt đầu được chấp nhận rộng rãi.

Vũ trụ ảo Metaverse sẽ sớm trở thành tương lai của internet
Vũ trụ ảo Metaverse sẽ sớm trở thành tương lai của internet. Ảnh: Bnews

Không chỉ dừng lại ở các lĩnh vực như trò chơi và giao tiếp, thực tế ảo (VR) cũng đang chứng tỏ sức mạnh của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, lĩnh vực thể dục hiện có rất nhiều ứng dụng như FitVR nhằm truyền cảm hứng cho mọi người tập luyện mà không cần phải lê bước đến phòng tập.

>> Xem thêm: Metaverse là gì? Tại sao Facebook lại đặt cược lớn vào nó?

“Long Covid”

Trong báo cáo Xu hướng truyền thông năm 2022, Dentsu đưa ra cảnh báo về một “đại dịch kéo dài”. Thời kỳ “Long Covid” được Dentsu mô tả là một giai đoạn liên tục điều chỉnh, thử nghiệm và đổi mới nhanh chóng khi các thương hiệu tranh giành để thích ứng.

Những hành vi và thói quen mới đang làm thay đổi các tiêu chuẩn đã được thiết lập, từ làm việc kết hợp on-off sang phụ thuộc nhiều hơn vào thế giới ảo, giờ giấc làm việc linh hoạt hơn khi người lao động ưu tiên lối sống hơn thu nhập.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Trong bối cảnh các vấn đề về biến đổi khí hậu đang trở nên cấp bách và giữa những thay đổi rõ rệt của xã hội, các thương hiệu cũng đang chú trọng nhiều hơn đến tư cách công dân của mình trong sản xuất và marketing, sử dụng hình ảnh của mình để tạo nên một xã hội bền vững hơn, tốt đẹp hơn.

Chẳng hạn, các tập đoàn lớn như Samsung được cho là đang áp dụng các khái niệm như reuse (tái sử dụng), resell (bán lại) và repair (sửa chữa) công nghệ để giúp người tiêu dùng sống bền vững hơn.

Các thương hiệu thời trang như Levis và Nike cũng đang sửa chữa và bán lại các mặt hàng của mình được mua lại từ khách hàng.

Lương Hạnh - MarketingAI

Theo Thedrum

>> Có thể bạn quan tâm: Nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á sẽ đạt 1 nghìn tỷ đô vào năm 2030

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.