Đăng ký thương hiệu độc quyền: “chiếc áo giáp” giúp bảo vệ thương hiệu

13 Thg 07

Xây dựng và phát triển thương hiệu là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh và chỗ đứng trong lòng khách hàng. Một trong những hoạt động cần làm để bảo vệ thương hiệu không thể bỏ qua đó chính là công việc đăng ký thương hiệu độc quyền.

Đăng ký thương hiệu độc quyền 01
Đăng ký độc quyền thương hiệu - (Ảnh: Cluber)

Đăng ký thương hiệu độc quyền là gì?

Đăng ký thương hiệu độc quyền là việc chủ sở hữu thương hiệu trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức đại diện quyền sở hữu trí tuệ nộp đơn đăng ký thương hiệu cho sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định nào đó mà chủ sở hữu muốn độc quyền để được độc quyền sử dụng trong lĩnh vực mình đăng ký.

Việc đăng ký giúp cho chủ sở hữu bảo vệ được tài sản trí tuệ, ngăn người khác sử dụng tên của mình cho một doanh nghiệp tương tự. Thương hiệu độc quyền đã đăng ký sẽ nhận được sự bảo vệ của pháp luật, có quyền khởi kiện được bồi thường xứng đáng các tổ chức và cá nhân khác xâm phạm trên phạm vi lãnh thổ hoặc trên thế giới.

Làm thế nào doanh nghiệp có thể đăng ký thương hiệu độc quyền?

Pháp luật Việt Nam không quy định việc bắt buộc doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký thương hiệu độc quyền, nhưng mỗi doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh của mình trên thị trường nên cần thực hiện thủ tục này nếu không muốn mình bị mất đi chỗ đứng trên thương trường cũng như trong lòng khách hàng.

Vậy tại Việt Nam đăng ký thương hiệu độc quyền ở đâu?. Các quy trình đăng ký độc quyền thương hiệu được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền là Cục Sở hữu trí tuệ. Thời gian để giải quyết các đơn đăng ký độc quyền thương hiệu là 12- 16 tháng với các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thủ tục đăng ký thương hiệu:

  • Hồ sơ đăng ký độc quyền thương hiệu gồm
  • Đơn đăng ký thương hiệu độc quyền ( Tờ khai đăng ký theo biểu mẫu có sẵn )
  • Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đó
  • Chứng từ nộp lệ phí

Bước 2: Thẩm định hình thức xác định đơn có hợp lệ hay không

Bước 3: Công bố đơn hợp lệ

Bước 4: Thẩm định nội dung

Bước 5: Trả giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền cho doanh nghiệp

Các thương hiệu muốn đăng ký độc quyền tại nước ngoài có thể sử dụng hệ thống đăng ký sáng chế quốc tế hay còn gọi là Hiệp ước về hợp tác sáng chế (PCT).

Bằng cách nộp đơn quốc tế theo PCT, bạn có thể đăng ký đồng thời bảo hộ sáng chế ở nhiều nước là các nước tham gia PCT. Bằng hình thức này quý khách sẽ có 30 tháng thay vì 12 tháng sử dụng quyền ưu tiên - quyền quyết định đăng ký bảo hộ ở những quốc gia nào. Trong thời gian đó, người nộp đơn sẽ đánh giá được khả năng thương mại sản phẩm của mình ở nhiều quốc gia và lựa chọn quốc gia nào quan trọng và thuận tiện để đăng ký bảo hộ.

Các quốc gia không tham gia PCT, doanh nghiệp có thể đăng ký bằng cách truy cập trang web đăng ký trực tuyến và điền vào biểu mẫu để có bản quyền của quốc gia đó, chờ xác nhận và nộp đầy đủ lệ phí theo yêu cầu.

Tầm quan trọng của việc đăng ký thương hiệu độc quyền

Tầm quan trọng của việc đăng ký thương hiệu độc quyền
(Ảnh: Service Bridge)

Hàng loạt thương hiệu của Việt Nam như cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc... cũng đã bị “đánh cắp” ở nước ngoài. Đây là sự tổn thất lớn cho các thương hiệu do không nắm rõ vai trò, chức năng của việc đăng ký thương hiệu độc quyền. Dù thương hiệu có được chỗ đứng nhưng lại không thể bảo vệ thì sẽ gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp và tạo cơ hội cho các thương hiệu "ăn theo".

Đăng ký thương hiệu độc quyền hay bản quyền thương hiệu sẽ bảo vệ tên và bộ nhận diện thương hiệu của bạn khỏi vi phạm các thương hiệu đã đăng ký và ngăn chặn sự "đánh cắp" từ các doanh nghiệp khác. Khi phát hiện các thương hiệu khác vi phạm, bạn có quyền khởi tố, kiện để họ để được pháp luật bảo vệ, ví dụ như khi thương hiệu bạn đăng ký bản quyền thương hiệu tại Mỹ thì thương hiệu bạn sẽ được luật pháp Mý bảo vệ.

Hơn nữa đối với mỗi doanh nghiệp, thương hiệu đóng vai trò quan trọng chủ yếu. Trong tâm lý người tiêu dùng thường có xu hướng lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của những thương hiệu nổi tiếng, lâu đời. Do vậy, để tạo nên một nhãn hiệu và đưa nhãn hiệu ấy trở thành thương hiệu hấp dẫn, mang lại nguồn lợi nhuận là cả một quá trình phát triển doanh nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, xây dựng lòng tin và giữ uy tín đối với khách hàng. Việc thương hiệu bị nhái có thể gây hoang mang và ảnh hưởng xấu với các khách hàng của doanh nghiệp.

Vậy nên, đăng ký thương hiệu độc quyền là bước giúp bảo vệ thương hiệu, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Hiểu đúng Trademark và Copyright

Nếu bạn chỉ có bản quyền tên và bộ nhận diện mà không đăng ký nhãn hiệu thì bạn sẽ không thể bảo vệ hoàn toàn thương hiệu của mình. Trademark và Copyright là 2 thuật ngữ trong bảo vệ thương hiệu, việc hiểu đầy đủ và đúng sẽ giúp bạn thực sự bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

Copyright là gì?

Copyright được áp dụng cho sản phẩm trí tuệ bao gồm văn bản, hình ảnh, tác phẩm nghệ thuật như tranh ảnh, bài hát,... Miễn là sản phẩm hữu hình, chủ sở hữu sẽ được bảo vệ bởi luật bản quyền - Copyright. Copyright bảo vệ tác phẩm trí tuệ chỉ cần được đăng ký còn không cần thiết là phải đã được công bố.

Chủ sở hữu bản quyền sẽ quyết định ai được phép kiếm lợi nhuận từ tác phẩm của họ. Tuy nhiên, việc sở hữu bản quyền copyright chỉ giới hạn trong quốc gia mà bạn đăng ký trừ khi có sự thỏa hiệp tôn trọng bản quyền giữa các quốc gia với nhau.

Khi bạn đã đăng ký Copyright thành công thì thương hiệu bạn sẽ có ký hiệu chữ C ở bên cạnh tên thương hiệu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc đăng ký bản quyền sẽ không được thông qua nếu logo của doanh nghiệp bạn quá đơn giản. Logo phải có mức độ sáng tạo cần thiết để nó được coi là có bản quyền và Copyright của bạn được chấp thuận. Do đó, nhiều logo rất đơn giản không được coi là có bản quyền, vì bản quyền không bảo vệ thiết kế logo, màu sắc và tên của bạn. Nếu logo của bạn có chút nghệ thuật hoặc trang trí công phu hơn, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn khi đăng ký bản quyền Copyright của mình.

Copyright là gì?
(Ảnh: Copyrighted.com)

Trademark là gì?

Trademark là một từ, cụm từ, biểu tượng hoặc thiết kế hoặc kết hợp chúng sử dụng để phân biệt các doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là bạn có thể đăng ký Trademark cho tên doanh nghiệp bao gồm logo, khẩu hiệu, biểu tượng, thiết kế và bất kỳ thứ gì khác góp phần tạo nên bản sắc thương hiệu của công ty bạn và các sản phẩm hoặc dịch vụ bạn cung cấp.

Trademark được sử dụng để thông báo cho người khác rằng sản phẩm, tên và logo của công ty bạn là tài sản của bạn. Bạn có độc quyền sử dụng chúng liên quan đến dịch vụ hoặc sản phẩm. Trademark đảm bảo sự độc quyền của chủ sở hữu về quyền sử dụng. Với thương hiệu, Trademark đảm bảo cho các thương hiệu cạnh tranh lành mạnh, ngăn việc các doanh nghiệp khác nhau trong cùng một lĩnh vực cùng sử dụng biểu ngữ và biểu tượng tương đồng.

Trademark là gì?
(Logo Coca Cola sau khi được công nhận Trademark có biểu tượng chữ R bên cạnh logo)

Luật của các quốc gia quy định, nếu bạn sở hữu một nhãn hiệu đã đăng ký - Trademark, người khác không được sử dụng nhãn hiệu đó trong phạm vi quốc gia đó. Nếu không đăng ký Trademark, thương hiệu sẽ không có sự bảo vệ pháp lý trong trường hợp xảy ra vụ kiện. Trademark là nhãn hiệu đã đăng ký và có ý nghĩa pháp lý về nhãn hiệu của công ty bạn, vì vậy nếu bất kỳ ai khác muốn đăng ký tên hoặc thiết kế giống hoặc quá giống với sản phẩm của bạn, họ sẽ phạm tội xâm phạm Trademark.

Mặc dù cả Copyright và Trademark đều có thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của thương hiệu nhưng chúng cung cấp các loại bảo vệ khác nhau vì chúng bảo vệ các loại tài sản khác nhau. Copyright bảo vệ tác phẩm văn học và nghệ thuật, trong khi Trademark tập trung hơn vào việc bảo vệ các mục xác định và xác định thương hiệu của công ty, chẳng hạn như logo.

Tài sản thương hiệu của doanh nghiệp chính là tài sản trí tuệ có thể tăng giá trị của doanh nghiệp, gia tăng lợi nhuận từ việc có được lòng tin của các khách hàng, vì vậy các doanh phải bảo vệ quyền của mình đối với tài sản đó để đảm bảo bên thứ ba không sử dụng chúng mà không được phép. Bằng việc đăng ký thương hiệu độc quyền, các doanh nghiệp sẽ được pháp luật ở các quốc gia mà doanh nghiệp đăng ký để bảo vệ quyền lợi cho thương hiệu, nhất là khi cạnh tranh trên một thị trường mới.

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.