Cuộc chiến khốc liệt của chuỗi cafe Việt: Khi các 'ông bầu' rủ nhau bán cafe

15 Thg 07

Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều chuỗi cafe và cửa hàng phải đóng cửa, các đại gia Việt vẫn không ngừng nuôi tham vọng xây dựng và ‘bành trướng’ chuỗi thương hiệu cafe Việt trên thị trường. Đặc biệt trong khoảng thời gian gần đây, thị trường kinh doanh cafe đã trở nên nóng hơn bao giờ hết khi chứng kiến sự ‘đổ bộ’ của nhiều đại gia vào lĩnh vực này. Cùng tìm hiểu cuộc chiến khốc liệt của chuỗi cafe Việt: Khi các ''ông bầu'' rủ nhau bán cafe!

Chuỗi cafe Việt đang khốc liệt ra sao?

Không nằm ngoài ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều cửa hàng ngành nghề phải chật vật sinh tồn để có thể duy trì hoạt động kinh doanh, đặc biệt với một lĩnh vực đặc thù như F&B thì việc ‘sống sót’ qua đại dịch là điều không hề dễ dàng chứ chưa nói đến việc bành trướng. Vậy nhưng thời gian gần đây, thị trường kinh doanh cafe đang trở nên nóng hơn bao giờ hết khi chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt các đại gia lớn, một trong số đó phải kể đến chuỗi cafe ‘ông Bầu’ (ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ông Nguyễn Quốc Thắng - Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm Long An và ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty NutiFood).

Nguồn: CafeF

Phủ sóng thị trường từ tháng 2/2020, khoảng thời gian hoành hành đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, tưởng rằng các cửa hàng kinh doanh cafe sẽ không thể tồn tại lâu dài vậy nhưng chỉ trong 4 tháng, hệ thống chuỗi cửa hàng cafe ông Bầu đã phát triển mạnh mẽ với quy mô 100 quán trên cả nước (tính đến tháng 7/2020) với hơn 500 yêu cầu được nhượng quyền phát triển hệ thống.

Đại gia Việt đua nhau làm chuỗi cafe. (Nguồn: cafeF)

Một trong những điểm mạnh của cafe ông Bầu chính là thương hiệu của 3 ông bầu tên tuổi trong giới bóng đá Việt, khi họ là những người đang hoặc đã từng sở hữu nhiều gương mặt vàng trong làng tuyển thủ và sở hữu lượng người hâm mộ có quy mô cực lớn và ổn định. Bên cạnh đó, phân khúc khách hàng mà cafe ông Bầu hướng đến không giống như các đối thủ mạnh đã có tên tuổi trên thị trường. Họ hướng đến phân khúc khách hàng bình dân với giá bán trung bình 16.000-30.000 đồng/ly. Ngoài cà phê, quán còn bán các loại nước giải khát phục vụ nhu cầu đa dạng của giới trẻ.

Tham vọng trong lĩnh vực nhiều tiềm năng này, Vinamilk với đứa ''con cưng'' mang tên Hi-Café cũng dần chiếm sóng thị trường cùng tham vọng mở rộng chuỗi cafe này tại nhiều địa phương trong cả nước, với mức giá trung bình từ 23.000 đến 25.000 đồng, trong khi đó mocktail trái cây đắt hơn với 40.000 đồng/ly. Đây là mức giá khá cạnh tranh so với các quán cà phê khác.

Tách khỏi Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang gây dựng King Coffee, với mục tiêu mở 1.000 quán cà phê khắp cả nước. King Coffee hướng tới phát triển các mô hình khác nhau nhằm phục vụ cho mọi đối tưởng thưởng thức cà phê và khẳng định vị thế của thương hiệu này trên thị trường.

Tháng 3/2020, Nestlé bất ngờ ra mắt quán cà phê kiểu take-away tên Nescafé Hub đầu tiên ở Việt Nam tại Hà Nội. Trong tháng 6 vừa qua, Nestlé đã mở thêm quán thứ 2 tại TP.HCM nằm ở đường Võ Văn Tần, quận 3.

Khốc liệt trong cuộc đua: "Đường dài mới biết ngựa hay"

Việt Nam luôn là miền đất hứa của các thương hiệu cafe, một thị trường đầy tiềm năng được các thương hiệu trong và ngoài nước ''chọn mặt gửi vàng'' để mở rộng quy mô hoạt động của mình bởi uống cafe mỗi ngày là nhu cầu không thể thiếu của phần lớn người Việt. Theo BMI Research, lượng tiêu thụ cà phê bình quân của người Việt Nam trong giai đoạn 2005-2015 đã tăng từ 0,43 kg/người/năm lên 1,38 kg/người/năm.

Con số này được dự báo sẽ tăng lên 2,6 kg/người/năm vào năm 2021 do ảnh hưởng bởi tốc độ đô thị hóa, cùng với chính sách kích cầu tiêu dùng cà phê nội địa của Chính phủ nhằm giảm phụ thuộc vào xuất khẩu.

Tuy nhiên cuộc chiến nơi thương trường vẫn luôn là cuộc đua khốc liệt, kể cả những thương hiệu đình đám như Highlands Coffee, thương hiệu được mệnh danh là "gã khổng lồ" khi sở hữu số lượng cửa hàng phê lớn nhất tại Việt Nam và không bị đối thủ nào soán ngôi nhiều năm qua cũng đang gặp nhiều vấn đề khó khăn trong việc mở rộng quy mô và hoạt động chuỗi của mình, nhất là sau khi ''thấm đòn Covid-19''.

Nhiều thương hiệu lớn đã không thể trụ lại do những thay đổi thị trường và nhu cầu người tiêu dùng, buộc phải rời đi sau một thời gian mở cửa, chấp nhận khoản lỗ chi phí ban đầu. Bên cạnh đó, nhiều loại đồ uống mới như trà sữa, trà chanh đang nổi lên khiến người tiêu dùng trẻ giảm nghiện cà phê. Chưa kể đến các chi phí vận hành, tiền thuê mặt bằng cũng là những áp lực đầu tư rất lớn mà các thương hiệu phải chi trả để duy trì hoạt động cửa hàng.

Tuy nhiên, ''đường dài mới biết ngựa hay'', thị trường cafe Việt vẫn luôn là một miếng bánh đầy hấp dẫn với các nhà đầu tư, buộc các thương hiệu phải thay đổi và chuyển hướng kinh doanh nếu  không muốn sớm ''bay màu'' khỏi cuộc chiến.

Tạm kết:

Nhìn lại những người cũ như Trung Nguyên, Highlands Coffee, The Coffee House… đây là những thương hiệu có tiếng trong thị trường với độ phủ sóng cực lớn và bề dày kinh nghiệm chinh phục khách hàng Việt nhưng "miếng bánh" này dường như không hề dễ ăn. Rất khó để có thể đánh giá mức độ thành công của các chuỗi cafe như ông Bầu, Hi-tech, Milano... ở thời điểm hiện tại, nhất là khi dịch bệnh đang tác động rất lớn đến nền kinh tế. Tuy nhiên, đây vẫn là những ẩn số bất ngờ và đáng mong chờ của thị trường cafe Việt Nam trong thời gian tới.

Phương Thảo - MarketingAI

Tổng hợp

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.