Cuộc chiến của Amazon và Walmart đang thay đổi ngành bán lẻ như thế nào?

05 Thg 04

Sự phát triển của mỗi thương hiệu bán lẻ hàng đầu cho thấy rằng việc trở thành một gã khổng lồ bán lẻ có ý nghĩa hơn cả việc bán hàng hóa. Hai trong số các nhà bán lẻ lớn nhất hành tinh đang nâng cao tiêu chuẩn của việc trở thành cửa hàng một điểm đến (one-stop shop) thực sự. Trong khi một số công ty buộc phải giảm lượng hàng tồn kho và đóng cửa các địa điểm thực tế, thì những gã khổng lồ bán lẻ, cụ thể là Amazon và Walmart, đang mang đến cho khách hàng nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn.

Walmart thống trị lĩnh vực bán lẻ truyền thống, trong khi Amazon thống trị thương mại điện tử. Cả hai nhà bán lẻ đều đang tạo ra sự khác biệt bằng cách triển khai nhiều hoạt động mới như dịch vụ tài chính, dịch vụ y tế, chương trình thành viên và người bán của bên thứ ba (third-party sellers) thay vì chỉ tập trung vào bán hàng hóa. 

Dòng doanh thu ngoài lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Amazon và Walmart ngày càng lớn. Trong những năm gần đây, cả hai công ty đều đang tập trung xây dựng hệ sinh thái của riêng mình nhằm tăng tổng chi tiêu tiêu dùng của khách hàng hơn.

Năm 2019, “Trung tâm Y tế Walmart” đã được mở tại cửa hàng ở Dallas, Georgia và mở khoảng 100 phòng khám thú y tại các cửa hàng trên khắp nước Mỹ. Gần đây, công ty công bố kế hoạch mở rộng thí điểm “Trung tâm Y tế” lên 1.500 địa điểm vào cuối năm 2021. Cũng trong tháng trước, nhà bán lẻ Walmart có trụ sở tại Bentonville, Arkansas vừa công bố kế hoạch ra mắt một công ty khởi nghiệp fintech hợp tác với Ribbit Capital. Theo thông tin gần đây được Bloomberg đăng tải, Walmart đã thuê hai nhân viên ngân hàng cấp cao từ Goldman Sachs để vận hành công ty khởi nghiệp nhằm đưa nhà bán lẻ này tiến gần hơn đến việc trở thành nhà cung cấp dịch vụ tài chính chuyên nghiệp.

Trung tâm Y tế Walmart xuất hiện ngay tại cửa hàng Walmart. Ảnh: Bloomberg

Chủ tịch kiêm CEO của Walmart Doug McMillon cho biết trong một cuộc họp báo cách đây vài tuần rằng, Walmart đang trong giai đoạn đầu xây dựng một mô hình kinh doanh hệ sinh thái để mang lại trải nghiệm đa dạng hơn cho khách hàng, mô hình được dự đoán sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới. “Chúng tôi tin rằng những người chiến thắng thực sự trong lĩnh vực bán lẻ là những người mang lại cho khách hàng một hệ sinh thái độc đáo, đa dạng, có sự liên kết cả về chiều ngang và chiều dọc”.

Trong khi đó, Amazon, từ một cửa hàng sách trực tuyến, giờ đây đã trở thành trung tâm thương mại điện tử lớn nhất thế giới, bán đủ loại sản phẩm và dịch vụ. Ngoài ra, Amazon cũng là một nhà cung cấp đám mây sở hữu một “bộ sưu tập” các dịch vụ thành viên và thu hoa hồng từ người bán bên thứ ba.

Amazon nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới. Ảnh: Nhipsongthoidai

"Có một thực tế rằng cả Walmart và Amazon đều là những công ty dữ liệu khổng lồ và tất cả chúng ta đều biết rằng tương lai của ngành bán lẻ phụ thuộc vào việc bạn sở hữu bao nhiêu thông tin về người tiêu dùng và sở thích mua hàng của họ là gì. Theo một nghĩa nào đó, dữ liệu chính là chìa khóa vàng trong những thập kỷ tới." - Doug McMillon

Theo dõi chi tiêu

Đại dịch đã thay đổi địa điểm và cách thức đầu tư của các nhà bán lẻ. Doug McMillon cho biết một số nhà bán lẻ hiện đã quyết định tham gia vào lĩnh vực dịch vụ nhờ chi phí vận hành thấp.

Theo Doug, các nhà bán lẻ sẽ lựa chọn không gian hoạt động của họ một cách khôn ngoan vì có một số dịch vụ mà họ chắc chắn không thể cung cấp và phân phối tốt.

Mặc dù vậy, Doug cho biết lĩnh vực bán lẻ vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng, vì chi tiêu tiêu dùng cá nhân vẫn chiếm khoảng 2/3 nền kinh tế Mỹ. Điều này được thể hiện rõ trên các báo cáo tài chính của Amazon và Walmart.

Doanh thu của Amazon năm 2020

Amazon đã mở rộng đáng kể hoạt động kinh doanh của mình trong vài năm qua. Báo cáo thường niên mới nhất của công ty cho thấy, doanh số bán hàng qua cửa hàng trực tuyến vẫn là nền tảng trong hoạt động kinh doanh của Amazon với doanh thu ròng khoảng 197,35 tỷ đô la vào cuối năm 2020, chiếm hơn một nửa (51,1%) tổng doanh thu. Trong khi đó, các cửa hàng truyền thống đang dần đánh mất vị thế khi doanh thu chỉ đạt 16,23 tỷ đô chiếm 4,2%, thấp nhất  trong năm 2020.

Mảng kinh doanh điện toán đám mây Amazon Web Service đang phát triển nhanh chóng, với mức doanh thu năm 2020 đạt 45,37 tỷ đô, tương ứng mức tăng trưởng cả năm khoảng 30%.

Mặt khác, Walmart không chia nhỏ chi phí cho các dự án kinh doanh của mình.

Trong năm 2020, danh mục Grocery (hàng tạp hóa) và General merchandise (hàng hóa tổng hợp) vẫn là nguồn doanh thu chính của Walmart với doanh thu thuần lần lượt là 190,55 tỷ USD (55,9%) và 109,60 tỷ USD (32,1%). Ngoài ra, danh mục Health & Wellness bao gồm các dịch vụ dược, quang học và lâm sàng cũng mang lại 37,51 tỷ USD doanh thu cho công ty trong năm nay.

Doanh thu của Walmart năm 2020

Một số sáng kiến được thực thi trong thời gian ​​đại dịch đã tạo ra nhiều kết quả tích cực. Theo ước tính của Consumer Intelligence Research Partners, chỉ 5 tháng sau khi ra mắt chương trình thành viên mới kết hợp các lợi ích tại cửa hàng truyền thống và trực tuyến mang tên Walmart+, đã có khoảng 7,4 triệu đến 8,2 triệu khách hàng sẵn sàng chi trả 98 USD/năm hoặc 12,95 USD/tháng để hưởng các đặc quyền từ dịch vụ này. Điều đó nghĩa là dịch vụ có thể tạo ra doanh thu lên tới 803,6 triệu đô la một năm.

Jon Reily, chủ tịch của Dentsu Commerce cho biết, hình thành quan hệ đối tác là một phương pháp phổ biến mà các nhà bán lẻ sử dụng để thâm nhập vào các thị trường mà họ không chuyên. “Họ rời bỏ hoạt động kinh doanh cốt lõi là bán sản phẩm để trở thành nhà sản xuất/nhà cung cấp của chính mình. Tất cả các nhà bán lẻ đang cố gắng mở rộng, không phải tìm cách mới để phục vụ khách hàng của họ, mà là tìm những cách mới để mở rộng nguồn doanh thu”.

Reily cho biết, khi các nhà bán lẻ không còn dựa vào các công ty của bên thứ ba, điều đó sẽ giúp họ tránh khỏi những thảm họa kinh tế ảnh hưởng đến ngành. Bảo vệ họ khỏi rủi ro dài hạn và ngắn hạn về việc đối tác của họ bị phá sản hoặc bị đối thủ cạnh tranh mua lại.

Nhưng liệu chiến lược này có bền vững về mặt tài chính hay không "vẫn còn phải xem xét về lâu về dài".

Theo Reily: “Việc tham gia vào các loại hình kinh doanh mới không phải là một việc dễ dàng và rất tốn kém. Đồng thời, cũng rất khó để xác định những giá trị mà nó mang lại cho công ty”.

Lĩnh vực AWS của Amazon mang lại hơn 60% tổng thu nhập hoạt động

Thiết lập xu hướng

Đại dịch đã làm cho các doanh nghiệp bán lẻ phải đánh giá lại một số khái niệm và chiến lược bán lẻ của mình.

Những gã khổng lổ bán lẻ có khả năng tài chính và cơ sở người dùng lớn có thể dễ dàng thử nghiệm và có khả năng thiết lập xu hướng cho các đối tác nhỏ hơn của họ.

Meyar Sheik, Giám đốc thương mại của Kibo và là người sáng lập Certona cho biết, đa dạng hóa khỏi lĩnh vực kinh doanh bán lẻ cốt lõi thường bắt đầu với các nhà bán lẻ lớn nhưng những doanh nghiệp nhỏ lẻ khác cũng có thể làm điều tương tự theo một cách nào đó. Các thương hiệu nhỏ hơn có thể không hoạt động ở quy mô như những gã khổng lồ trong ngành, nhưng điểm mấu chốt vẫn là chiếm được thị phần cao hơn trong nguồn chi tiêu của khách hàng.

Sheik nói, đối với các nhà bán lẻ nhỏ hơn, việc cung cấp thêm nhiều loại hàng hóa hoặc bổ sung dịch vụ không có ý nghĩa gì đối với việc uy hiếp vị thế của Amazon hoặc Walmart. Điều họ thực sự đánh giá cao là cơ sở khách hàng, chuyên mônsự hiểu biết của bạn.

Một cuộc khảo sát gần đây từ Forrester cho thấy chỉ có một số ít thương hiệu có khả năng dự đoán và đáp ứng hiệu quả nhu cầu của khách hàng. Báo cáo cho thấy có quá nhiều thương hiệu vẫn dựa vào các phương pháp thu thập dữ liệu thủ công và trong hầu hết các trường hợp, họ không cập nhật dữ liệu khách hàng đó theo thời gian thực.

Để tạo ra một hệ sinh thái hiệu quả, các nhà bán lẻ phải thành lập một nhóm hiệu quả để thu thập dữ liệu và nghiên cứu thị trường, Tim Derdenger, phó giáo sư chiến lược và tiếp thị tại Đại học Carnegie Mellon cho biết.

“Dữ liệu là động lực số một cho phép các nền tảng giảm thiểu rủi ro khi mở rộng quy mô hệ sinh thái và cung cấp giá trị cho người dùng cuối. Một dữ liệu kém chất lượng sẽ không thể tạo điều kiện cho một tương tác cung cấp giá trị cho người dùng cuối”.

Rủi ro của chiến lược này

Ý tưởng trở thành cửa hàng cung cấp tất cả các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu không phải là một khái niệm mới.

"Thông thường, khi các công ty cố gắng khai thác quá nhiều về chiều sâu và bề rộng trong lĩnh vực mà họ đang thực hiện, cũng chính là lúc họ bắt đầu làm loãng sự tập trung của mình. Điều này chủ yếu liên quan đến việc bạn có đủ năng lực con người và năng lực quản lý để theo kịp tất cả các hoạt động khác nhau mà bạn muốn tham gia hay không? Hay tất cả những gì bạn đang làm chỉ làm tăng thêm sự phức tạp." - Doug.

Khoảng một thập kỷ trước, Sears Holdings cũng cung cấp một loạt các sản phẩm và dịch vụ. Vào thời điểm đó, họ có hơn 3.900 cửa hàng, sở hữu rất nhiều thương hiệu và công ty đa lĩnh vực từ thẻ tín dụng đến bảo hiểm. Nhưng trong những năm gần đây, họ đang phải thanh lý dần dần những tài sản này. 

Các nhà bán lẻ khác từng được khen ngợi về quy mô và tầm cỡ, cũng phải đưa ra các quyết định thu hẹp quy mô. Một năm trước, Macy''s thông báo đóng cửa 125 cửa hàng, J.C. Penney may mắn thoát khỏi tình trạng phá sản nhưng cũng đã phải đóng cửa 144 cửa hàng trong quá trình này.

Điều này hơi nguy hiểm và các cổ đông có quyền nghi ngờ khi các công ty cố gắng vượt qua và tiếp cận quá mức. Nói chung, nếu có bất cứ điều gì đang xảy ra trong lịch sử kinh doanh hiện đại, thì đó là việc những công ty lớn đang ngày càng nhỏ lại.

Lương Hạnh - MarketingAI

Theo Marketingdive

>> Có thể bạn quan tâm: Nike và chiến lược tăng doanh thu số trong thời kỳ đại dịch

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.