“Hành trình như kẻ tìm đường” qua góc nhìn của Phó Giám đốc Athenar Agency

Trong các đơn vị truyền thông quảng cáo (agency), vị trí Account là cầu nối liên lạc giữa khách hàng và agency, là hoa tiêu kiêm thuyền trưởng chỉ đường, dẫn lối cho “con tàu” dự án của khách hàng. Đây là một vị trí không mới nhưng không phải ai cũng hiểu rõ, đặc biệt là với các bạn trẻ đang chập chững bước vào nghề.

Nhân vật trong bài viết này của MarketingAI là người có hơn 11 năm kinh nghiệm làm việc tại vị trí Account, anh Phùng Hải Long – Phó Giám đốc Athenar Agency (Admicro).

Hãy cùng nhau tìm hiểu thêm về nghề Account và “Hành trình của 1 kẻ tìm đường” nhé!

img

Để bắt đầu buổi trò chuyện, anh có thể chia sẻ lý do đã khiến anh lựa chọn trở thành một Account giữa rất nhiều vị trí khác trong ngành Marketing?

Tất cả những bài học, trải nghiệm của tôi hơn 11 năm qua trong ngành Marketing, dù thành công hay thất bại đều xuất phát từ chữ “Account”. Dẫu đã đảm nhiệm thêm công việc quản lý và các vị trí cao hơn như Account Manager hay Director, nhưng đây vẫn là công việc mà tôi trân quý hơn hết.

img

Tôi cho rằng “nghề chọn mình”, cái duyên nghề đã tìm đến tôi. Mặc dù học chuyên ngành Marketing, nhưng đó cũng xuất phát từ những lời khuyên rất tình cờ. Thậm chí khi điền hồ sơ thi đại học, tôi vẫn không hề có khái niệm gì về ngành mình đăng ký.

Công việc đầu tiên của tôi cũng vậy. Tôi vô tình được gọi đi phỏng vấn vị trí Account tại một Agency khi tôi cũng hoàn toàn chưa biết gì về vị trí này.

Bản thân tôi không phải là một người hướng ngoại, cũng không có khả năng giao tiếp tốt để ngay lập tức có thể đảm nhiệm những công việc của một Account.

Dù được “nghề chọn” hay được “chọn nghề”, điều quan trọng nhất là trong quá trình học nghề và làm nghề, tôi phải cố gắng rất nhiều để tự vượt ra khỏi những giới hạn an toàn của bản thân.

Anh vừa chia sẻ rằng việc chọn ngành Marketing đến từ những lời khuyên rất tình cờ?

Đúng là vậy! Thời điểm cách đây 15 năm, nguyện vọng của tôi là theo học những ngành như xây dựng, cầu đường, hay kiến trúc… Đó cũng là mong muốn phổ biến của những bạn theo học khối A ở thế hệ thời bấy giờ.

Lần thi đầu, tôi trượt đại học, phải khăn gói xuống Hà Nội ôn luyện và ở cùng với các anh, chị trong xóm trọ của Đại học Mỏ - Địa chất.

Trong lúc làm hồ sơ lần hai, các anh lớn hỏi tôi tại sao không chọn học các ngành kinh tế, bởi học những ngành kỹ thuật như các anh rất vất vả, phải làm việc ngoài trời, cũng thường phải đi công trình xa.

Tôi phân vân, suy nghĩ liệu mình có đủ năng lực để học những ngành kinh tế không. Khi ấy, kỹ năng giao tiếp của tôi rất kém, hay ngại va chạm, nên đắn đo vì không biết nếu chọn kinh tế thì mình nên học ngành gì.

Tuy nhiên, tôi cũng thấy đó cũng là một gợi ý hay nên bắt đầu tìm hiểu và thấy nó cũng mới mẻ. Rồi tôi chọn ngành Marketing của trường Đại học Thương Mại bởi khi đó điểm chuẩn phù hợp và an toàn trong khả năng của bản thân.

Internet lúc đó chưa có nhiều nguồn tham khảo, cũng không có bất kỳ chuyên gia, website, fanpage hay hội nhóm tuyển sinh nào cung cấp thông tin như hiện nay. Tôi đành tự mày mò, tìm hiểu hết mọi thứ.

img

Câu chuyện anh vừa kể cũng rất phổ biến với các bạn trẻ Việt Nam ở giai đoạn trước. Anh đã tự vẽ ra cho mình viễn cảnh: dễ tìm việc, dễ kiếm tiền, được ngồi điều hòa mát mẻ, hay điểm chuẩn phù hợp khả năng. Vậy ngoài những điều trên, anh có hình dung nào cụ thể hơn về công việc của một Marketer?

Ngày đó, tôi đọc được một quyển sách, dù mỏng chỉ vài chục trang thôi nhưng đến bây giờ tôi vẫn giữ bên mình. Đó là một quyển sách hướng nghiệp, mô tả về những công việc mà sinh viên ngành Marketing có thể làm sau khi ra trường.

Khi tôi xem các quảng cáo trên truyền hình, hay bắt gặp các tấm pano trên đường, tôi cũng nghĩ rằng mình sẽ làm các quảng cáo như vậy. Tôi sẽ là cầu nối để mang các nhãn hàng đến với công chúng, rồi cũng sẽ làm những công việc đầy tính sáng tạo, bay bổng.

Qua những hình dung cơ bản như vậy, tôi cũng chợt thấy “À, hóa ra Marketing cũng là một nghề thú vị đấy chứ”. Ngoài việc biết bản thân mình bị nó thu hút, tôi không có nhiều định hướng chi tiết để có thể hiểu được từng vị trí công việc trong nghề này.

img

Hình dung ban đầu về ngành Marketing chỉ gói gọn trong khái niệm “là một ngành kinh tế”, cùng cảm giác về những dự án quảng cáo long lanh, hào nhoáng, sang trọng. Vậy sau một thời gian học nghề và làm nghề, tiếp xúc và va chạm trong các môi trường khác nhau, anh có thấy lý thuyết so với thực tế công việc khác nhau nhiều không?

img

Khi học đại học, tôi nghĩ rằng “Học Marketing thì mình sẽ làm nhân viên Marketing”, chỉ đơn giản vậy thôi.

Khi ra trường, bắt đầu bước vào cuộc chiến tìm việc, tôi cũng chỉ “cắm đầu cắm cổ” đi tìm vị trí Nhân viên Marketing trong các công ty để ứng tuyển. Tôi hoàn toàn không biết đến một thế giới Agency rộng lớn ngoài kia.

Rất tình cờ, tôi được một Agency gọi đi phỏng vấn. Đến tận lúc đó, tôi mới bắt đầu tìm hiểu và vỡ òa khi biết có một nơi gọi là Agency trong lĩnh vực của mình.

Khi nhận công việc là một Account, tôi mới bắt đầu đọc JD (miêu tả công việc) và tìm hiểu trên Internet xem vị trí này yêu cầu gì, cần những kiến thức và kỹ năng như thế nào. Tôi thấy rất hào hứng vì đã tưởng tượng mình sẽ được tham gia đóng góp ý tưởng sáng tạo, lập kế hoạch, hay gặp gỡ các khách hàng thú vị.

Những tháng đầu tiên đi làm, công việc của tôi chỉ là ngồi viết báo giá, chỉnh sửa bảng Excel, tìm kiếm hình ảnh trên mạng, in và photo tài liệu. Dù đó đều là những công việc nghe rất bình thường, nhưng đều phải học.

Những tháng đầu tiên đi làm, công việc của tôi chỉ là ngồi viết báo giá, chỉnh sửa bảng Excel, tìm kiếm hình ảnh trên mạng, in và photo tài liệu. Dù đó đều là những công việc nghe rất bình thường, nhưng đều phải học.

Tôi nhớ một lần, chị đồng nghiệp đưa cho tôi một brief và giao việc lập bảng báo giá cạnh tranh. Lúc đó, trong đầu tôi thậm chí không hề có khái niệm “báo giá cạnh tranh” là gì. Tôi phải lò dò đi hỏi mới hiểu rõ thế nào là cuộn xanh, cuộn đỏ, hay bên A, bên B.

img

Hay như việc tìm kiếm ảnh trên Internet để đưa vào proposal. Trước đây, tôi chỉ tìm những hình ảnh đẹp, lung linh mà mình thích. Nhưng khi làm cho khách hàng, đó là một câu chuyện khác. Không chỉ đẹp, mà hình ảnh đó còn phải phù hợp với nhận diện của nhãn hàng nữa.

Khoảng cách từ lý thuyết đến thực tế là rất lớn. Tôi không phủ định việc có kiến thức là một điều rất tốt, bởi nó giúp chúng ta hiểu được những thứ nền tảng. Nhưng cũng cần phải học hỏi thêm rất nhiều từ thực tế, ngay cả những việc tưởng chừng đơn giản như tôi vừa kể.

Các lý thuyết mà tôi được học trong trường lớp về Marketing, như cung - cầu hay Marketing 4Ps cũng không ứng dụng được nhiều trong thực tế. Nếu có, cũng chỉ là một phần rất nhỏ và phải rất khéo léo ứng biến theo từng trường hợp cụ thể.

Đã khi nào anh cảm thấy hoang mang với lựa chọn công việc của mình chưa?

Có nhiều chứ!

Khi tôi gặp khách hàng bảo thủ không chịu lắng nghe, dù mình nói những điều tốt nhưng họ không chịu đón nhận. Hoặc khi gặp những khách hàng luôn thay đổi ý kiến và mình phải “bở hơi tai” để chạy theo họ. Đôi khi có cả những khách hàng sử dụng ý tưởng của mình mà không trả phí nữa.

Trong ứng xử với đồng nghiệp cũng vậy, các nhân sự trong lĩnh vực Marketing thường sở hữu cái tôi rất lớn cùng cá tính rất riêng. Đôi khi trong công việc chỉ trái ý nhau một chút lại thành xích mích lớn.

Đó là những hạn chế không thể tránh khỏi trong ngành nên tôi luôn chủ động trong công việc, để khi có chuyện gì không hay xảy ra, mình vẫn giữ được thế cân bằng.

Bản thân tôi cũng từng có lúc rất hoang mang với nghề khi bị cho nghỉ việc đột ngột. Khi ấy, tôi đã gắn bó với vị trí đó được hai năm, đang tràn đầy nhiệt huyết với nghề, luôn hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ được giao, bắt đầu hiểu hơn về công việc và nhen nhóm những kỳ vọng thăng tiến.

Đó cũng là khoảng thời gian tôi tự hỏi khả năng thật sự của mình là gì. Tôi bắt đầu khởi nghiệp, mở một agency nhỏ nhưng rồi thất bại. Tôi nhận ra có nhiều thứ mình vẫn chưa biết, mình vẫn không giỏi như mình nghĩ và lại tiếp tục rơi vào khủng hoảng. Vậy là tôi trở lại đi làm thuê để ép bản thân học thêm từng thứ mỗi ngày cho dần hoàn thiện.

img

Chỉ vỏn vẹn hai năm tuổi nghề, vừa bị cho nghỉ việc và vẫn còn hoang mang trong sự nghiệp, vậy động lực nào khiến anh dám khởi nghiệp lúc đó?

Lúc đó tôi nghĩ đơn giản lắm! Tôi là một Account có khả năng vận hành tốt những hợp đồng hàng chục, hàng trăm đến cả hàng tỉ đồng cho khách hàng. Tôi có một người bạn làm Copywriter, một người bạn khác là Designer. Vậy là chúng tôi nghĩ mình có thể tự thành lập một agency nhỏ, có thể tự mình làm chủ được.

Bây giờ ngồi nghĩ lại, ngoài sự liều lĩnh có thừa, khi đó chúng tôi thiếu đủ thứ! Những khách hàng đầu tiên với những dự án nho nhỏ thì cũng thấy ổn đó. Nhưng khi bắt đầu làm việc với những khách hàng lớn hơn, quy mô của công ty tăng lên thì thêm cả tỉ vấn đề phát sinh. Chúng tôi làm đâu hỏng đó, càng làm càng lỗ. Có rất nhiều thứ tôi không biết cách xử lý, nào là quản trị tài chính, quản lý dòng tiền rồi các vấn đề nhân sự.

Dù việc khởi nghiệp không thành, nhưng tôi học được rất nhiều kinh nghiệm từ thất bại đó. Tôi thấy mình lớn nhanh hơn, chỉ hai năm làm chủ nhưng cảm giác như năm năm trải nghề. Có những vấn đề mà nếu cứ mãi đi làm thuê chắc chắn sẽ không bao giờ phải đối mặt.

Kinh nghiệm đó trở thành bài học quý giá cho tôi trong những tháng năm làm Account sau này. Tôi dễ dàng hơn trong việc thấu hiểu, lắng nghe và đồng cảm với khách hàng, từ đó đưa ra nhiều giải pháp tối ưu hơn.

Với những khách hàng vừa và nhỏ, mỗi đồng tiền bỏ vào Marketing luôn phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Từng trải qua những khó khăn, thách thức khi điều hành một công ty khởi nghiệp, tôi luôn trân trọng và mong muốn được đồng hành cùng họ để chinh phục thị trường.

img

Anh vừa đề cập tới tâm lý “của đau con xót” của khách hàng. Khi nhận brief, ngân sách luôn là một câu hỏi nhạy cảm. Nhiều bên ngần ngại tiết lộ số tiền cụ thể bởi họ cảm thấy như agency chuẩn bị rút hết hầu bao của họ. Là một Account nhiều năm kinh nghiệm, anh thường xử lý tình huống này như thế nào?

Tôi nhận thấy có đến 99% khách hàng không muốn tiết lộ ngân sách. Ai cũng mong muốn cắt giảm khoản chi tiêu, trường hợp rất hiếm hoi mới sẵn sàng chi trả thêm.

Đối với tôi, nếu khách hàng không đưa ra con số cụ thể, tôi sẽ phải tự dự đoán một mức ngân sách nào đó. Tôi thường dựa vào những tìm hiểu về quy mô doanh nghiệp, loại sản phẩm dịch vụ và thời gian triển khai để đưa ra con số dự đoán.

Kinh nghiệm của một Account được thể hiện ở chính giai đoạn này, khi bạn có thể đưa ra được một con số phù hợp nhất, trung hòa được mọi yếu tố. Bởi nếu bạn đưa ra những ý tưởng vượt quá khả năng thực hiện của khách hàng thì chỉ lãng phí thời gian của cả hai bên.

Tuy nhiên với những dự án dài hơi, triển khai trong suốt một năm và khách hàng vẫn không tiết lộ mức ngân sách rõ ràng, Account cần phải linh hoạt. Ta có thể đưa ra bản kế hoạch cụ thể cho ba tháng đầu, đề xuất một con số vừa phải, trung bình để thăm dò, sau đó sẽ tùy chỉnh dựa theo phản hồi của khách.

img

Khi học đại học, tôi nghĩ rằng “Học Marketing thì mình sẽ làm nhân viên Marketing”, chỉ đơn giản vậy thôi.

Khi ra trường, bắt đầu bước vào cuộc chiến tìm việc, tôi cũng chỉ “cắm đầu cắm cổ” đi tìm vị trí Nhân viên Marketing trong các công ty để ứng tuyển. Tôi hoàn toàn không biết đến một thế giới Agency rộng lớn ngoài kia. .

Một trường hợp cũng rất thường gặp là khi khách hàng đòi cắt giảm ngân sách, nhưng vẫn yêu cầu giữ nguyên KPI. Ví dụ muốn giảm 30 - 50% ngân sách mà KPI không đổi, đấy là điều bất khả thi.

Agency không toàn năng để thực hiện và kiểm soát được tất cả mọi thứ. Ngoài agency, có rất nhiều bên liên đới khi triển khai một chiến dịch Marketing như mạng xã hội, báo chí, truyền hình, KOL, KOC...

Ngân sách bỏ ra sẽ tác động đến việc nội dung truyền thông được phân phối ở bao nhiêu kênh, bao nhiêu đối tượng mục tiêu được tiếp cận, từ đó ảnh hưởng đến quy mô và kết quả của toàn chiến dịch.

Có những khách hàng lại yêu cầu thêm những hạng mục, dịch vụ khác mà không nằm trong bảng báo giá. Ví dụ như muốn được tặng thêm bài PR, bài Facebook post. Hoặc nếu chiến dịch hiện chưa có câu slogan, tagline. thay vì bỏ tiền cho các hạng mục sáng tạo, khách hàng lại mong muốn Account miễn phí (free) cho họ. Đây chắc chắn là một niềm đau của mỗi Account. Không biết anh Long thường đối mặt với các yêu cầu này như thế nào?

Khi gặp những trường hợp như vậy, tôi cũng phải cân nhắc rất nhiều. Ví dụ nếu đơn thuần là một bài PR hay một bài post, Account có thể phần nào linh hoạt cho khách hàng.

Tôi cũng phải giải thích cho khách hàng hiểu những thứ miễn phí thì khách không thể đòi hỏi chất lượng như dịch vụ trả phí. Không thể nào mà hàng tặng kèm nhưng chất lượng lại như hàng luxury được! Đây là điều đương nhiên!

Nếu đó là concept, key visual hay thiết kế một con linh vật (mascot) riêng cho cả chiến dịch, đây lại là câu chuyện khác. Cũng tương tự, có rất nhiều khách hàng thắc mắc về một số chi phí trong bảng báo giá như phí sáng tạo, phí quản lý dự án, hay phí tư vấn. Account cũng thường xuyên phải giải thích cho họ hiểu rõ những hạng mục này.

Ví dụ phí sáng tạo. Đối với một chiến dịch truyền thông, yếu tố sáng tạo, tính thẩm mỹ phải được đặt lên hàng đầu. Việc nghĩ ra một câu slogan, tagline hay concept chung của cả một chiến dịch dài hơi cần được đầu tư rất nhiều chất xám từ những creative nhiều năm kinh nghiệm. Có một câu nói thế này mà tôi thấy rất đúng: “If I do a job in 30 minutes, it''s because I spent 10 years learning how to do that in 30 minutes. You owe me for the years, not the minutes."

img

Phí tư vấn cũng vậy. Account phải giúp khách hàng hiểu rằng có những kế hoạch truyền thông rất đồ sộ và khối lượng công việc lớn mà không chỉ một hai Account, Planner đảm trách mà có cả một đội ngũ phía sau. Có những dự án trong các ngành nghề đặc thù cần thu thập ý kiến và tham vấn từ chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Ví dụ để có thể lập được một kế hoạch chuyên nghiệp, bài bản cho chiến dịch của ngành tài chính, ta cần đến sự trợ giúp từ những nhà báo kỳ cựu của CafeF. Phí tư vấn chính là khoản chi cho những công việc như vậy.

Còn phí vận hành là chi phí cho nhân sự nhằm kết nối nhiều bên, nhiều kênh truyền thông khác nhau cho một chiến dịch. Đây chính là chi phí để đảm bảo tiến độ cũng như KPIs của chiến dịch.

Người Account cần bớt cứng nhắc và thật khéo léo ở giai đoạn này. Chúng ta cần tôn trọng khách hàng, nhưng cũng tránh để khách hàng ép giá hoặc nhất nhất chiều theo ý khách.

Tóm lại với những trường hợp “mua mớ rau xin thêm quả ớt”, tôi cho rằng một người Account cần sự linh hoạt, khéo léo cũng như năng lực đàm phán tốt để giải quyết vấn đề và cân đối được quyền lợi giữa hai bên.

img

Hiện Athenar Agency trực thuộc Admicro/ VCCorp có gần 200 nhân sự. Con số này cũng tương đương với một agency lớn. Anh có thể chia sẻ những áp lực hay thay đổi về mặt tư duy của bản thân từ một Account đến vị trí quản lý?

Nghe có vẻ to tát nhưng tôi thấy mình vẫn còn phải học rất nhiều, phải update (cập nhật) kiến thức mỗi ngày để đáp ứng được yêu cầu của công việc. Trong những năm gần đây, Admicro đã có những nhân sự thuộc thế hệ mới GenZ. Các bạn có những suy nghĩ, tư duy rất khác so với thế hệ của tôi.

img Ở Admicro, có một điểm hay là các bạn nhân sự trẻ sẽ thường xuyên được tham gia những khóa đào tạo từ chuyên môn cho đến kỹ năng nghiệp vụ. Đây là cơ hội tốt giúp các bạn có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, thay vì tự mày mò dò dẫm đường đi. Chúng tôi không áp đặt suy nghĩ mà luôn đồng hành, sẻ chia với các bạn khi dấn thân vào cuộc sống agency. img img

Marketing là một lĩnh vực rất rộng và bao hàm nhiều vị trí công việc khác nhau. Với những bạn newbie mới ra trường, việc lựa chọn vị trí nào luôn là một câu hỏi lớn: Account, Content, Planner, Creative… Anh có thể chia sẻ rõ hơn cho các bạn trẻ của MarketingAI biết chính xác công việc của một Account?

Vào thời điểm cách đây hơn 10 năm khi tôi bắt đầu tìm hiểu về vị trí này, có một hình ảnh so sánh mà tôi luôn nhớ: Account giống như phần nhân của một chiếc bánh kẹp, luôn phải chịu sức ép từ hai bên, nhưng cũng là cầu nối giữa hai bên. Một bên là khách hàng, bên còn lại là Agency.

Vai trò của Account trong một Agency cũng như các hoạt động truyền thông vô cùng quan trọng: là người kết nối, điều phối và đảm bảo quyền lợi cho các bên.

img

Công việc của một Account không chỉ đòi hỏi những kiến thức về Marketing mà cần rất nhiều những kỹ năng khác như xử lý tình huống, ra quyết định hay ứng biến linh hoạt. Đây là một vị trí thường xuyên phải đối mặt với những áp lực và sự thay đổi, nhưng cũng sẽ giúp bạn học hỏi được rất nhiều.

Trên thực tế, mỗi Agency sẽ có những yêu cầu công việc khác nhau, tùy thuộc vào mô hình của mỗi công ty. Có những nơi thì Account kiêm luôn cả Sale hay Planner, có nơi lại tách riêng ba vị trí ấy.

Đối với tôi, khi làm Account chắc chắn phải có kỹ năng bán hàng (sale), bởi người làm Account phải thường xuyên trao đổi với khách hàng. Sẽ không ổn chút nào nếu một Account có suy nghĩ “tôi không muốn gặp ai, tôi chỉ ngồi một góc làm việc với máy tính”, Account phải luôn sẵn sàng tinh thần gặp gỡ và thuyết phục được khách hàng chọn mua giải pháp của mình.

Account cũng cần có khả năng lập kế hoạch để tư vấn cho khách hàng nên làm gì, nên triển khai chiến dịch như thế nào.

Cuối cùng chính là kỹ năng vận hành chiến dịch. Nói được thì phải làm được, bạn phải biết cách triển khai những kế hoạch trên giấy của mình vào thực tế. Nếu không, ít nhất bạn cũng phải biết cách kiểm soát những nhân sự, những hoạt động liên quan. Bạn phải đảm bảo được những hạng mục đó diễn ra đúng cam kết với khách hàng. Đó mới chính là một người Account toàn năng.

Nếu bạn vẫn còn ngần ngại một trong ba điều trên, thật sự hơi khó để phát triển tối đa năng lực của một Account.

img

Khi nghe đến công việc Account Planner, các bạn trẻ thường nghĩ đến công việc lên kế hoạch cho những chiến dịch nổi bật của những nhãn hàng danh tiếng, những ý tưởng được xuất hiện trên TV hay các billboard lớn. Tuy nhiên, khi đối mặt với việc vận hành mới thấy có quá nhiều vấn đề phía sau. Vậy theo anh, đâu là những sai lầm hay ảo tưởng mà các bạn Account trẻ thường mắc phải?

Một sai lầm phổ biến của Account mà chính tôi đã mắc phải, đó là việc nghĩ rằng mình biết hết, còn khách hàng thì không. Đôi khi, khách hàng đưa ra những câu hỏi có vẻ hơi ngô nghê, nên tôi vội kết luận rằng họ không biết, không hiểu gì.

Sau quá trình làm việc, tôi mới nhận ra rằng họ biết tất cả mọi thứ. Có thể những thuật ngữ chuyên môn họ không biết, hoặc họ hiểu theo một cách khác. Nhưng họ sống và gắn bó với doanh nghiệp, nên họ mới chính là người hiểu hơn ai hết các sản phẩm, dịch vụ cũng như nhóm khách hàng mà doanh nghiệp ấy hướng đến. Account luôn phải ghi nhớ một điều, đó là không được nói dối hay thổi phồng những kỳ vọng mà mình không thể mang lại cho khách hàng.

Sai lầm thứ hai mà tôi cũng thường gặp ở các Marketer trẻ, thậm chí bản tôi cũng từng trải qua trong những năm tháng đó, chính là việc ảo tưởng sức mạnh.

Khi Facebook bắt đầu xuất hiện các cộng đồng chia sẻ về kiến thức Marketing, có một nhóm các chuyên gia thường kết bạn, trao đổi và tổ chức các hội thảo chuyên ngành.

Khi ấy, tôi rất hứng thú khi được giao lưu với mọi người. Tôi trở thành bạn bè của họ trên Facebook, được tag tên trong các bài đăng, cũng nhận về nhiều comment (bình luận) từ nhiều anh chị có nghìn follower (người theo dõi), rồi gặp gỡ họ tay bắt mặt mừng.

Tôi bắt đầu có suy nghĩ “À, mình quen thân được các anh chị đầu ngành như thế thì chứng tỏ mình cũng khá lắm chứ”. Lúc đó tôi cho rằng mình đã giỏi rồi, đã gần đạt tới mức chuyên gia rồi.

Nhưng thời gian sau nhìn lại, tôi thấy tất cả chỉ là xã giao. Các mối quan hệ đó cũng chỉ dừng lại ở việc hai bên mang lại những giá trị tương xứng cho nhau và chỉ trong một thời điểm nhất định. Trên thực tế, khoảng cách về kiến thức và kỹ năng giữa tôi và họ vẫn lớn và tôi cũng cần phải học hỏi thêm rất nhiều.

Điều tiếp theo tôi muốn nhắc tới là chuyện cái tôi trong nghề cũng như việc tôn trọng khách hàng và đồng nghiệp. Xung đột quan điểm là chuyện không hiếm gặp trong ngành Marketing. Với những bạn Planner, tìm lý lẽ để bảo vệ ý tưởng, kế hoạch của mình là điều tốt. Tuy nhiên, đôi lúc các bạn hơi cực đoan, cho rằng mình luôn đúng, sáng kiến của mình là tối ưu, thậm chí cãi tay đôi với khách hàng. Tôi khuyên các bạn nên học cách lắng nghe nhiều hơn bởi đây là một yếu tố rất quan trọng. Không biết lắng nghe sẽ dẫn tới việc mất đi kết nối với khách hàng, lâu dần hình thành thói quen xấu coi thường ý kiến của người khác.

img

Điều cuối cùng tôi nghĩ rằng vô cùng quan trọng, không chỉ trong ngành Marketing mà còn trong tất cả các ngành nghề khác trong xã hội. Đó là hãy không ngừng học hỏi và luôn đặt mình trong trạng thái học những cái mới. Marketing là một ngành thay đổi liên tục, luôn có các xu hướng mới, kênh truyền thông mới, hay cách tiếp cận mới được cập nhật mỗi ngày. Khi bạn nghĩ rằng những điều bạn biết là đủ thì cũng là lúc bạn đã bị tụt lại rồi.

Ví dụ, TikTok rất mới, rất hot nhưng cũng rất khác so với các mạng xã hội trước đây. Những Marketer ở độ tuổi của tôi có thể thấy TikTok không còn phù hợp với sở thích cá nhân nữa. Nhưng tôi vẫn buộc phải ném mình vào thế giới ấy, để có thể hiểu về nền tảng cũng như nhóm đối tượng khách hàng mới như GenZ.

Sẽ rất dở nếu bạn cứ mãi bảo thủ “Tôi chỉ dùng Facebook, Zalo là đủ”. Trong ngành Marketing, phải luôn luôn học hỏi và không được nghĩ rằng mình giỏi.

Ngoài câu hỏi về vị trí công việc thì môi trường làm việc cũng là một nỗi băn khoăn của nhiều Marketer trẻ. Agency, Client hay Start-up, nơi đâu cũng có những ưu, nhược điểm riêng. Anh có thể đưa ra một vài gợi ý cho những bạn trẻ về vấn đề này?

Từ trải nghiệm cá nhân, tôi nghĩ các bạn trẻ nên bắt đầu từ một Agency. Bởi đó là nơi bạn có cơ hội được làm việc với nhiều kiểu khách hàng, nhiều nhãn hàng và ngành hàng khác nhau. Bạn sẽ trưởng thành rất nhanh bởi những thay đổi chóng mặt mỗi ngày.

img

Quá trình làm việc tại Agency giúp bạn khám phá được những sản phẩm, dịch vụ mà có thể trước đây bạn chưa từng biết đến hoặc không am hiểu sâu. Ví dụ như dược phẩm, ô tô, tài chính, bất động sản… Từ đó bạn sẽ biết được đâu là thứ mình thích, đâu là thứ mình giỏi và đâu là con đường đúng đắn cho sự nghiệp của mình.

Client hay Start-up, tôi nghĩ sẽ tùy thuộc vào thời điểm bạn muốn, khi bạn đã có một số năm kinh nghiệm nhất định trong nghề. Tuy nhiên, lựa chọn nào cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Ví dụ như việc khởi nghiệp. Bạn có thể đã đọc hàng trăm, hàng nghìn quyển sách, tin báo về việc khởi nghiệp khó ra sao, nên bắt đầu như thế nào, bài học của người đi trước là gì. Nhưng khi phải thật sự dấn thân, có những va vấp nhất định, bạn mới có thể hiểu rõ những gian nan ấy.

Tôi nghĩ rằng không có công thức cố định, bởi mỗi người có một con đường riêng và những dự định riêng về việc lúc nào - nên làm gì và ở đâu.

Với tôi, quan trọng nhất vẫn là tinh thần không ngại thử thách, sẵn sàng đối mặt với chông gai và tự trau dồi kiến thức, bởi có những thứ trong nghề Marketing sẽ không ai dạy bạn nếu bạn không tự mình trải nghiệm.

Câu chuyện lương, thưởng luôn nhận được sự thu hút đặc biệt từ các bạn trẻ khi chọn nghề. Vậy anh có thể tiết lộ về mức thu nhập của một Account trẻ tại các Agency Việt Nam hiện nay?

Như các vị trí Account mà tôi đang tuyển dụng tại Admicro, đối với các bạn Junior hoặc có 1 - 2 năm kinh nghiệm, mức lương sẽ vào khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Tùy năng lực của mỗi bạn mà mức thu nhập này có thể tăng nhanh hay chậm hơn một chút.

Theo tôi quan sát, đây là mức lương tương đối ổn. Ngoài lương cố định, các bạn Account còn rất nhiều cơ hội khác để gia tăng thêm thu nhập, ví dụ hoa hồng từ các dự án hoặc thưởng nếu đạt doanh số tốt.

Hoặc các bạn có thể tận dụng các kỹ năng tích lũy từ công việc Account để nhận thêm các công việc freelance khác. Ví dụ như kỹ năng sale, kỹ năng kết nối giữa các bên có chuyên môn (như thiết kế, copywriter) với các khách hàng để thực hiện các dự án bên ngoài.

Mặc dù môi trường Agency sẽ không khuyến khích các công việc freelance, nhưng đó là thực tế đang diễn ra và chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề.

img

Anh luôn nhấn mạnh việc dù là Account hay là Leader quản lý hàng trăm nhân sự, vẫn luôn cần học hỏi mỗi ngày, bắt kịp những xu hướng mới. Được biết anh cũng đang phát triển kênh Podcast và Youtube cá nhân để chia sẻ những kiến thức về nghề Marketing. Đây có phải là hướng phát triển trong thời gian tới của anh?

Tôi đã ấp ủ xây dựng một kênh cá nhân chia sẻ kiến thức đến các bạn trẻ từ rất lâu rồi, khoảng từ hai năm trước. Tuy nhiên có nhiều rào cản và không sắp xếp được thời gian nên đầu năm 2022 này tôi mới khởi động lại.

Podcast đang là xu hướng rất thịnh hành và được yêu thích. Tôi cũng là fan của rất nhiều kênh podcast khác nhau. Bởi vậy, tôi đã nảy ra ý tưởng thực hiện kênh podcast của riêng mình, về nghề nghiệp của mình, và biết đâu những điều tôi muốn chia sẻ có thể giúp ích được cho một vài người.

Quá trình làm podcast đã giúp tôi học hỏi thêm rất nhiều thứ, bởi đó không chỉ đơn giản là việc ghi âm và đăng tải. Tôi phải học thêm cách chuẩn bị kịch bản, hệ thống lại kiến thức, biên tập nội dung và cách nói sao cho dễ hiểu, thu âm sao cho hay, cách đọc sao cho gãy gọn nhất. Thật vui vì tôi có thể vừa làm việc mình thích, vừa tạo ra giá trị cho những người xung quanh.

Podcast và kênh Youtube “30 Today Talk” là dự án đánh dấu tuổi 35 của tôi. Trải qua hơn 10 năm làm nghề. Tôi không kỳ vọng nó giúp mình nổi tiếng hay kiếm được tiền, chỉ đơn giản là mong muốn được chia sẻ và cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.

img

Đây có phải là một trong những cách giúp anh cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân?

Có rất nhiều bài viết đề cập về việc làm sao tìm được công việc với đúng đam mê, sở thích. Việc này đôi khi thật sự rất khó, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức để trải nghiệm, đôi khi cần đến cả sự may mắn nữa. Không phải ai cũng may mắn tìm được đúng công việc mà mình vừa yêu thích, mình có năng lực, mà xã hội cũng có nhu cầu để kiếm ra tiền.

Điều tôi hướng đến chính là được làm song song công việc chuyên môn tạo ra thu nhập và công việc tôi đam mê, để giúp bản thân mình luôn vui vẻ và tươi mới mỗi ngày.

Nguồn năng lượng tích cực đó sẽ lại được tôi sử dụng trong công việc chính để có thêm cảm hứng và nâng cao năng suất làm việc. Đó chính là sự cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân mà tôi luôn mong muốn.

Là người có nhiều năm lăn lộn với nghề ở cả môi trường agency, khởi nghiệp rồi những dự án cá nhân, đã nếm trải cả thành công lẫn thất bại, anh có lời nhắn nhủ nào đối với những bạn trẻ đang theo đuổi con đường làm nghề Marketing?

Việc chọn nghề không quan trọng bằng việc chúng ta nỗ lực, cố gắng ra sao trong quá trình theo đuổi, gắn bó với nghề đó.

Gần đây, tôi đọc được một quyển sách có tên “Một đời như kẻ tìm đường” của GS. Phan Văn Trường - tác giả mà tôi yêu thích, trong đó có một câu trích dẫn mà tôi rất tâm đắc Sự thành công trong cuộc đời không đơn thuần là chuyện chọn nghề, mà phần lớn xuất phát từ những cố gắng trong khi hành nghề”.

Điều mà tôi luôn muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ: công việc nào cũng có thể dẫn bạn đến thành công, nếu bạn nỗ lực mỗi ngày để trau dồi các kỹ năng tốt hơn.

Hãy ném mình ra khỏi vòng an toàn để khám phá những năng lực mà có thể bạn chưa nhận ra của bản thân.

img

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện vô cùng thú vị, chúc anh luôn mạnh khỏe và gặt hái thêm thật nhiều thành công trong công việc. 

img >>> Bạn có thể nghe toàn bộ cuộc nói chuyện này trên Spotify , Apple Podcast hoặc Google Podcast!