Chiến lược thương hiệu cho Tealive - "tân binh" trà sữa

23 Thg 11

Cơn sốt mang tên trà sữa vẫn chưa hạ nhiệt tại thị trường Việt Nam khi các cửa hàng trà sữa vẫn mọc lên như nấm. Theo khảo sát từ cộng đồng ẩm thực cho giới trẻ Lozi, cả nước có khoảng 1,500 quán trà sữa. Con số này còn tăng mạnh cho đến cuối năm khi một loạt các thương hiệu lớn vừa gia nhập thị trường. Cũng theo khảo sát này, có đến hơn 53% người được hỏi uống trà sữa từ mỗi lần một tuần. Từ đầu năm đến hết tháng 6/2017, mỗi tháng tại Hà Nội có trung bình 8 cửa hàng trà sữa của các thương hiệu được mở thêm.  

Ảnh: tapchibanle.org

Gần đây nhất, Tealive - một tân binh từ thị trường Malaysia, đã gia nhập thị trường tưởng chừng như bão hòa này bằng việc mở liên tiếp 2 cửa hàng chỉ trong vòng nửa tháng. Mặc dù là người đến sau, Tealive vẫn bạo tay đầu tư và thậm chí tuyên bố sẽ mở 100 cửa hàng trong vòng 3 năm tới. Tealive không giấu tham vọng sẽ vươn lên đứng thứ 3 trong danh sách các thương hiệu trà sữa được giới trẻ ưa thích nhất.

Ảnh: enternews

Qua cuộc phỏng vấn với sáng lập viên của Tealive - ông Bryan Loo tỏ ra tự tin về tiềm năng phát triển Tealive tại Việt Nam. Ông cũng cho biết thêm về những kết quả kinh doanh vượt trội của Tealive tại thị trường Malaysia.

“Tại Malaysia hiện Tealive có 165 cửa hàng, trong số này 80% được quản lý trực tiếp và 20% là nhượng quyền thương hiệu. Vào năm 2011, khi chúng tôi xâm nhập thị trường ở Malaysia, chúng tôi là những người tiên phong. Sau khi chúng tôi đạt được những kết quả ấn tượng, chín tháng sau, thị trường có thêm 50 thương hiệu đến từ Đài Loan. Nhưng bạn thử đoán xem hiện tại còn bao nhiêu thương hiệu tồn tại ở thị trường này? Chỉ còn chúng tôi và Gong Cha. Tealive hiện có 165 tiệm và Gong Cha chỉ có 12 tiệm, đó là một sự khác biệt rất lớn. Giữ vững tốc độ phát triển như vậy thì đến năm sau chúng tôi sẽ thuộc top 3 thương hiệu được yêu thích tại Việt Nam và đó là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến.”

Theo ông Loo, Việt Nam có văn hóa thưởng thức đồ uống, trà và cafe khá gần với Malaysia nên ông tin rằng đây chính là một thị trường tiềm năng để Tealive xâm nhập và phát triển.

Khi được hỏi “Cơ sở nào khiến ông tin tưởng Tealive sẽ thành công ở Việt Nam - một thị trường tưởng như đã bão hòa về trà sữa? Ông có nghĩ “cơn sốt” trà sữa sẽ sớm “hạ nhiệt” như nhiều xu hướng du nhập khác (ví dụ: mỳ cay Hàn Quốc).”

Ông Loo tỏ ra lạc quan với tiềm năng tại thị trường Việt Nam và lấy ví dụ về Đài Loan - một đất nước với lịch sử trà sữa lên đến 60-70 năm, có tới gần 500 thương hiệu nhưng “cơn sốt” trà sữa không những không “hạ nhiệt” mà ngược lại trở thành một văn hóa của người dân xứ Đài. Ông cũng chia sẻ về chiến lược marketing của Tealive:

“Tại Việt Nam, trong giai đoạn đầu, chúng tôi sẽ tập trung phát triển tại các thị trường lớn như TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Ngoài ra, chúng tôi luôn nghiên cứu để đưa ra thị trường những sản phẩm mới và chúng tôi đưa ra 5 hương vị mới đặc biệt phù hợp cho người Việt, dành riêng cho thị trường Việt Nam. Chính sự am hiểu khẩu vị của người tiêu dùng, nhanh chóng đáp ứng được những thay đổi và nhất là xu hướng tiêu dùng của giới trẻ trong việc thưởng thức trà sẽ giúp chúng tôi hoàn thành mục tiêu 100 cửa hàng trong vòng 3 năm tới và sẽ mở rộng lên 300 cửa hàng trong vòng 5 năm.”

Để cạnh tranh với các thương hiệu trà sữa sẵn có trên thị trường, Tealive lựa chọn cho mình hướng đi mới với sự hỗ trợ của công nghệ giúp giảm chi phí lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

“Trong tương lai chúng tôi sẽ có cả máy bán hàng tự động thay vì mọi người phải xếp hàng mua. Chúng tôi dự kiến mở từ 2-3 đến quầy bán hàng tự động. Tại đó khách hàng có thể tự chọn đồ uống theo khẩu vị rồi thanh toán thông qua thẻ ngân hàng hoặc tiền mặt. “

Ảnh: Vkeong.com

Tealive khẳng định sẽ tạo nên sự khác biệt cho mình bằng những công nghệ hiện đại và tiên tiến. Từ đó tự tạo ra “Đại dương xanh” cho chính mình.

“Chúng tôi sẽ mang thêm nhiều công nghệ tiên tiến vào các cửa hàng Tealive, điều này sẽ tạo ra điểm khác biệt giữa chúng tôi và các đối thủ. Chúng tôi muốn mang trải nghiệm mới đến cho khách hàng. Và công nghệ đang là một xu hướng tuy còn mới, nhưng đang được ủng hộ và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.”

Nhờ vào lợi thế về quy mô mà Tealive có giá thành cạnh tranh so với các đối thủ. Không những vậy, thương hiệu còn cung cấp thẻ Tealive để khách hàng thuận tiện trong việc thanh toán. Nhờ công nghệ trả tiền qua ứng dụng hoặc quẹt thẻ đã được nạp tiền, khách hàng không cần phải trả tiền mặt.

Với tất cả những lợi thế trên, dù là một thương hiệu mới, Tealive vẫn tự tin sẽ bứt phá trong thời gian ngắn và dẫn đầu trong các thương hiệu trà sữa được ưa thích nhất.

Ngọc Anh - MarketingAI

Biên tập từ Enternews

 
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.