Cẩm nang toàn tập về thiết kế trên truyền thông mạng xã hội

28 Thg 07

Chục năm về trước, mạng xã hội vẫn còn là một thứ gì mơ hồ trong suy nghĩ của nhiều người. Thế nhưng bây giờ, nó đã phát triển trở thành một “thế lực” thực sự đáng gờm trong xã hội khi nhà nhà, người người sử dụng mạng xã hội. Như một lẽ, mạng xã hội đã trở thành kênh truyền thông quan trọng của doanh nghiệp ngày nay. Với doanh nghiệp, các nền tảng mạng xã hội như là Twitter, Instagram, YouTube và Pinterest là những “vùng đất” đầy tiềm năng để tương tác trực tiếp với khách hàng. Đây là nơi để doanh nghiệp tạo ra sự kết nối với nội dung nhằm thu hút khách hàng, đồng thời tạo dựng được nhận thức về thương hiệu. 

Nguồn: 99designs

Dù mạng xã hội mang lại rất nhiều lợi ích như vậy, tuy nhiên đây cũng là kênh sở hữu tính cạnh tranh rất cao. Sau khi thương hiệu của bạn đăng tải một nội dung, ngay lập tức nó sẽ hòa mình vào “biển” nội dung vô tận trên mạng xã hội, đây cũng là nơi mà nội dung của bạn không chỉ cạnh tranh với nội dung từ đối thủ và còn cạnh tranh với thuật toán xếp hạng của nền tảng đó. Nói dễ hiểu hơn, trên mạng xã hội thì chỉ kẻ mạnh mới có thể sinh tồn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp phải bó tay chịu trận, mà thay vào đó, họ có thể tạo ra những thiết kế ấn tượng trên mạng xã hội. Một thiết kế nổi bật có thể là vũ khí đắc lực nhất cho doanh nghiệp để tạo ra nội dung thực sự hấp dẫn và đáng nhớ. 

Các công việc cần làm trước khi thiết kế

Lên kế hoạch cho chiến lược thiết kế trên mạng xã hội

Bước đầu tiên bạn cần làm trước khi bắt tay vào việc thiết kế chính là lên kế hoạch chiến lược (hoặc để đánh giá lại kế hoạch nếu có sẵn). Thiết kế đóng vai trò như một sự bổ sung cho nội dung của bạn, qua đó giúp nhấn mạnh thông điệp mà bạn muốn truyền tải. Chính vì vậy, điều quan trọng trước tiên là phải tạo ra một chiến lược thông điệp nhất quán thì kế hoạch của bạn mới có thể thành công.

  • Đánh giá khách hàng của những kênh hiện tại: Có thể doanh nghiệp của bạn đã thực hiện việc nghiên cứu nhóm khách hàng mục tiêu từ trước đó cho chiến lược thương hiệu tổng thể. Tuy nhiên, khách hàng tại mỗi kênh mạng xã hội sẽ thể hiện cho một phân khúc khác nhau, hoặc có thể là sự trộn lẫn của nhiều nhóm khách hàng. Để có thể tạo ra một thiết kế phù hợp và hiệu quả nhất, doanh nghiệp cần hiểu được đối tượng nào đang theo dõi nội dung của mình và họ đang tìm kiếm điều gì. Doanh nghiệp cần đảm bảo những nghiên cứu này được hỗ trợ bởi việc khảo sát thị trường mục tiêu - thông qua những hoạt động như phỏng vấn, phát phiếu khảo sát, sử dụng các nền tảng phân tích để tìm thông tin về nhân khẩu học, thu thập các ý kiến và bình luận của những khách hàng rời đi. Việc tiếp theo là tạo ra Persona của người dùng cho nhóm khách hàng hiện tại cũng như cho nhóm khách hàng mới mà doanh nghiệp định tiếp cận. 
  • Lựa chọn nền tảng mạng xã hội phù hợp nhất để tiếp cận khách hàng: Mạng xã hội là một kênh cần thiết cho bất kỳ doanh nghiệp nào, tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng mọi nền tảng mạng xã hội đều cần thiết cho tất cả doanh nghiệp. Lấy ví dụ, các công thức nấu ăn hoạt động rất mạnh trên nền tảng Pinterest, chính vì vậy các thương hiệu thực phẩm cần đầu tư mạnh vào nền tảng này, tuy nhiên nếu bạn là một thương hiệu về thiết bị an ninh thì cần suy nghĩ lại về điều này. Hãy nghiên cứu các nền tảng mạng xã hội và lựa chọn một vài trong đó dựa trên độ phổ biến của chúng trong lĩnh vực hoạt động, cũng như với nhóm khách hàng của bạn.
Nguồn: Medium
  • Đánh giá dạng nội dung sẽ đạt hiệu quả cao nhất trên những nền tảng mạng xã hội đó: Sau khi lựa chọn được nền tảng mạng xã hội phù hợp, thu hẹp phạm vi đối tượng và các kênh mạng xã hội sẽ cho phép bạn tập trung vào các loại nội dung cần tạo và cuối cùng là cách thiết kế nội dung đó. Sẽ có một số dạng nội dung nhất định mà bạn tạo ra sẽ được thiết lập bởi nền tảng đó (Instagram ưu tiên hình ảnh và video, Twitter ưu tiên các nội dung ngắn và clip). Mỗi nền tảng đều sở hữu trang giới thiệu về cơ chế hoạt động của riêng mình. Một số dạng nội dung khác sẽ được dựa vào xu hướng của người dùng phổ biến: Mặc dù mọi người có khả năng tạo video và tin nhắn bằng văn bản trên Facebook, nhiều người dùng sử dụng nền tảng này để chia sẻ liên kết bài viết. Dành thời gian để xem xét hoạt động của người dùng, chú ý đến đối thủ cạnh tranh của bạn để thu về những ý tưởng về cách sử dụng tốt nhất từng kênh.

Lên danh sách, brief và lịch trình cho các sản phẩm thiết kế

Sau khi bạn đã có một cái nhìn rõ ràng hơn về khách hàng và kênh truyền thông lựa chọn, bước tiếp theo là vạch ra một kế hoạch với một chuỗi các brief (bản nháp) cũng như lịch trình nội dung, điều này sẽ giúp mọi thứ được kiểm soát trong suốt quá trình thiết kế. 

  • Kế hoạch nội dung sắp tới
  • Mục tiêu của nội dung 
  • Đối tượng dự định
  • Ví dụ về nội dung của đối thủ cạnh tranh
  • Định dạng thiết kế (ảnh, video, ảnh gif,..)
  • Nội dung hoặc caption thiết kế
  • Tài liệu tham khảo thiết kế

Kích thước cho các thiết kế trên mỗi nền tảng mạng xã hội

Đây là thứ bắt buộc phải quan tâm với bất kỳ Designer nào. Điều này giúp cho Designer dễ dàng tùy chỉnh kích thước và thích ứng sản phẩm thiết kế phù hợp với bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào. Kích thước về định dạng nội dung được thay đổi và cập nhật liên tục. Tính đến tháng 6/2020 vừa rồi, đây là bảng kích thước và kích cỡ cho các nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất:

5 chỉ dẫn về thiết kế trên truyền thông mạng xã hội

Nội dung là thứ cốt lõi cơ bản nhất của mạng xã hội - đó là nơi để mọi người chia sẻ nội dung và tương tác mỗi ngày. Mặc dù trang hồ sơ của doanh nghiệp là nơi cần để dành tâm huyết thiết kế nhằm thu hút sự chú ý, nhưng tất cả nỗ lực đó sẽ bị lãng phí nếu thiết kế nội dung của bạn không gây ấn tượng. Bản chất và phần thiết kế của nội dung sẽ còn tùy thuộc vào mỗi thương hiệu, cũng như sản phẩm và mục tiêu của doanh nghiệp đó. Dưới đây là những chỉ dẫn khái quát để giúp doanh nghiệp có thể tạo ra những thiết kế tốt nhất, phù hợp nhất cho việc truyền thông trên mạng xã hội. 

1. Thiết kế nội dung theo hướng mang lại giá trị cho khách hàng

Mạng xã hội được sinh ra ra để truyền tải nội dung và hình ảnh của doanh nghiệp cho người dùng. Dĩ nhiên doanh nghiệp có thể lựa chọn đăng tải nội dung xoay quanh bản thân, tuy nhiên hãy nghĩ đến lý do vì sao khách hàng theo dõi bạn. Bất kể là vì mục đích cung cấp thông tin, giải trí hay tìm nguồn cảm hứng thì việc của doanh nghiệp là cung cấp thứ mà khách hàng tìm kiếm. Điều này cũng tương tự với các thiết kế nội dung, nó không chỉ dừng lại ở việc nhìn bắt mắt mà còn phải hữu ích với khách hàng. 

Bạn có thể biết rằng hầu hết mọi người đang theo dõi thương hiệu của bạn để được thông báo về các chương trình khuyến mãi. Bạn nên thực hiện một sự kiện trên mạng xã hội từ một chiến dịch với logo, nội dung và thiết kế quảng cáo đặc biệt, như Del Marva ở ví dụ trên.

2. Lồng ghép nhiều dạng thiết kế vào trong nội dung 

Sự đa dạng về nội dung sẽ cần bắt đầu từ chiến lược của doanh nghiệp. Các bài đăng của bạn cần phải bao quát được nhiều chủ đề khác nhau (câu chuyện hậu trường của doanh nghiệp, tư liệu quảng cáo, tiêu điểm khách hàng,...), tuy nhiên doanh nghiệp cũng cần đồng thời tìm kiếm và tạo ra những cơ hội để lồng ghép nhiều phong cách thiết kế khác nhau, qua đó giúp cho trang mạng xã hội luôn sống động và hấp dẫn.

Điều này sẽ giúp doanh nghiệp biết được các phong cách khác nhau sẽ phù hợp với dạng nội dung nào nhất. Ví dụ như các thiết kế phẳng với màu sắc sặc sỡ sẽ phù hợp với Infographic. Trong khi đó những font chữ viết tay sẽ rất phù hợp cho những nội dung là các lời khuyên hay những câu nói truyền cảm hứng, kích thích người xem chia sẻ hoặc bình luận. Trong khi đó, ảnh chụp lại là cơ hội để “khoe” những gì chân thực nhất về con người và sản phẩm.

Một trong những cách tốt nhất để tạo ra sự đa dạng là lôi kéo khách hàng hoặc người theo dõi của doanh nghiệp vào trong chiến lược mạng xã hội. Cân nhắc tới những phương thức thu hút nội dung cộng đồng như là các cuộc thi Hashtag hay sử dụng Influencer để hiện diện rộng rãi trên mạng xã hội.

3. Cân bằng từng nội dung riêng biệt với trang cá nhân tổng thể của doanh nghiệp

Ngay cả khi thay đổi nội dung thiết kế của mình, hãy nhớ rằng đối với nhiều nền tảng mạng xã hội thì phần bảng tin sẽ được đi theo mốc thời gian, chính vì vậy mà những bài đăng gần đây sẽ được hiển thị lên đầu trang. Trang cá nhân của doanh nghiệp/thương hiệu cần phải nhất quán về mặt hình ảnh để có thể hoạt động một cách hiệu quả nhất cho mục đích xây dựng thương hiệu, chính vì vậy mà những bài đăng của doanh nghiệp không thể “tách” khỏi sự nhất quán đó.

Bài toán đặt ra cho doanh nghiệp ở đây là sự cân bằng: Nội dung cần phải tách biệt với mục tiêu riêng, hướng tới nhóm phân khúc khách hàng riêng, tuy nhiên cần phải phù hợp để trở thành một phần của tổng thể thiết kế trên kênh mạng xã hội. Chìa khóa ở đây chính là việc xây dựng thương hiệu - dù thiết kế ra nhiều loại nội dung khác nhau tuy nhiên thứ giúp gắn kết mọi thứ lại để phù hợp với những nguyên tắc cốt lõi của thương hiệu chính là: Chỉ dẫn thương hiệu (Brand guidelines).

Một số thương hiệu còn đi xa hơn trong việc lên kế hoạch cho nội dung theo thời gian để tạo thành bố cục trang gắn kết. Điều này đặc biệt hiệu quả với Instagram khi nền tảng này có bố cục sắp xếp hình ảnh là hình lưới vuông gồm 3 cột trên trang cá nhân. Bằng cách tạo ra các thiết kế với phong cách tương tự, cứ sau ba bài đăng, doanh nghiệp có thể thiết lập các cột mới tạo ra tính thẩm mỹ gắn kết khi mọi người đang xem trang hồ sơ của mình. Tuy nhiên mặt khác, phương pháp này có thể giới hạn dạng nội dung mà doanh nghiệp có thể đăng. 

4. Thiết kế nội dung và template theo chủ đề

Mặc dù việc thiết kế nội dung trên mạng xã hội của doanh nghiệp một cách nguyên bản là một điều lý tưởng, tuy nhiên điều này lại không thực tiễn và thậm chí là không cần thiết. Việc tạo ra các template cho một số dạng bài đăng không chỉ giúp doanh nghiệp tăng được tốc độ sản xuất nội dung, nó còn tạo ra sự nhất quán về mặt hình ảnh. Phương pháp này sẽ trở nên cực kỳ hữu dụng cho những công việc thiết kế hình ảnh định kỳ như thumbnail cho video trên YouTube. Một mặt, bạn muốn tạo ra một thumbnail thực sự ấn tượng và hấp dẫn để khiến người xem muốn nhấn vào xem, tuy nhiên phần cốt lõi của nội dung ở đây là chính video đó. Chính vì vậy mà nó sẽ không thực sự hợp lý khi bạn dành ra nhiều thời gian và công sức để tạo ra một thumbnail mới cho mỗi video. 

“Template” có thể đôi lúc là một từ rất nhạy cảm trong giới thiết kế, bởi vì mọi người sẽ dễ liên tưởng tới sự dập khuôn và nhàm chán. Thay vào đó, hãy suy nghĩ chúng giống như một bản đồ chỉ dẫn, cho phép bạn bỏ qua được một vài giai đoạn trong quy trình để tiết kiệm thời gian mà vẫn mang lại hiệu quả. Bạn vẫn có thể đa dạng hóa các template mới với mỗi bài đăng bằng cách thay đổi hình ảnh cụ thể hoặc màu sắc.

5. Thay đổi thiết kế dựa trên các số liệu phân tích

Tần suất hoạt động trên mạng xã hội nhanh đến chóng mặt. Ngay thời điểm doanh nghiệp đăng tải một nội dung bất kỳ, nó ngay lập tức đã hòa nhập vào đại dương nội dung khổng lồ và vô vàn tài khoản khác đăng cùng thời điểm đó. Tin tốt là tốc độ di chuyển của mạng xã hội mang lại cho bạn kết quả nhanh chóng. Hầu hết các nội dung có tuổi thọ từ vài giờ đến một ngày là lâu nhất (là thời điểm bạn sẽ thu về lượng tương tác, thảo luận nhiều nhất). Với xu thế này, doanh nghiệp có thể thử nghiệm và biết được dạng thiết kế nào mang lại hiệu quả tốt nhất một cách nhanh chóng. Qua đó có sự thay đổi về chiến lược thiết kế để phù hợp. 

Ở một số góc nhìn khác, những gì định hình một bài đăng thành công sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chính vì vậy hãy tạo ra các tiêu chí và so sánh hiệu suất giữa những nội dung mang lại hiệu quả cao nhất và thấp nhất, qua đó cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quát về các chỉ số đo lường để nhận định sự thành công hoặc thất bại cho những nội dung khác. Lưu ý rằng, sẽ còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của một bài đăng - như là thời gian đăng bài, sự thay đổi trong thuật toán, các sự kiện diễn ra trong thời gian thực khiến cho sự chú ý của người theo dõi bị phân tán, hoặc chỉ đơn giản là vận xui. Trong đó, kiểm nghiệm A/B là một công cụ hữu ích, giúp doanh nghiệp loại trừ và quyết định được dạng thiết kế nào là lựa chọn tốt nhất. Ngoài những công cụ phân tích trên nền tảng mạng xã hội (thường công bố những số liệu như lượt hiển thị, lượt xem và thời gian xem với định dạng video), các công cụ như mã UTM được thêm vào liên kết CTA của bạn sẽ cho bạn biết những bài đăng cụ thể nào thu về lưu lượng truy cập nhiều nhất.

Tạm kết

Sẽ không quá nếu nói rằng mạng xã hội giống như một “chiến trường” với mức độ cạnh tranh rất lớn. Khi doanh nghiệp tham gia vào nền tảng này, việc lên kế hoạch và nỗ lực để thành công trong cả khía cạnh nội dung và thiết kế. Dĩ nhiên kết quả mang lại sẽ thực sự tương xứng với những khó khăn đó, không chỉ trong việc thu hút lượng khách hàng, nâng cao nhận thức thương hiệu mà nó còn ở việc doanh nghiệp có được sự tương tác thực sự với mọi người.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo 99designs

>>> Đọc thêm: Zing Me – Mạng xã hội chưa kịp tỏa sáng đã bị đối thủ “quật” cho không thể ngóc đầu
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.