Các thương hiệu thời trang Việt thời Covid-19: "Trong nguy có cơ"

28 Thg 05

Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, thói quen của người tiêu dùng mà còn khiến nền kinh tế rơi vào trạng thái khủng hoảng trên tất cả các lĩnh vực. Trong bối cảnh ấy, các mặt hàng tiêu dùng không thuộc nhóm thiết yếu như may mặc, giày dép thời trang chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và buộc phải có chiến lược thay đổi để phù hợp với xu hướng mới của người tiêu dùng. Đại dịch Covid-19 như một phép thử về khả năng thích ứng và sinh tồn của các thương hiệu, mà ở đó bạn phải nắm bắt tình thế nhanh chóng để ''chuyển bại thành thắng'' như cách mà các thương hiệu Việt đang hướng đến phát triển một ngành thời trang mới.

Khi các thương hiệu thời trang Việt chuyển sang sản xuất khẩu trang

Kể từ đầu năm 2020, bức tranh về ngành thời trang toàn cầu dần trở nên ảm đạm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hơn thế nữa, lĩnh vực thời trang vốn không phải là mặt hàng thiết yếu nên khi kinh tế khó khăn, sức mua của người dùng giảm mạnh, sản xuất đình trệ, thiếu hụt nguồn lực và nguồn hàng… là điều mà rất nhiều doanh nghiệp thời trang đang phải đối mặt.

Đối mặt với vô vàn thách thức đó buộc các doanh nghiệp và thương hiệu hoạt động trong lĩnh vực thời trang phải thay đổi chiến lược kinh doanh và dịch chuyển hoạt động nhằm đáp ứng thời thế cũng như phù hợp với xu hướng thay đổi từ người dùng. Đây cũng được ví là giai đoạn ‘Lửa thử vàng’ trong ngành công nghiệp thời trang.

Dễ dàng nhận thấy, đại dịch Covid-19 bùng lên khiến nhu cầu về khẩu trang lớn chưa từng có. Hàng loạt các hãng thời trang lớn trên thế giới đã bắt đầu bước chân vào lĩnh vực sản xuất khẩu trang để bán cho người tiêu dùng trong bối cảnh các nước trên thế giới đang nới lỏng các biện pháp cách ly.

Không chỉ các công ty, nhiều người nổi tiếng cũng đang kinh doanh khẩu trang. Với mức giá phổ biến dao động từ 15-30 USD, những chiếc khẩu trang không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe, hạn chế sự lây lan của virus mà còn có thể trở thành món đồ thời trang, trong bối cảnh việc sử dụng sản phẩm này là bắt buộc ở nhiều quốc gia.

Dottie - một thương hiệu thời trang Việt được giới trẻ ưa chuộng ra mắt mẫu khẩu trang mới (Nguồn: Dottie)

Boo đã kết hợp với Airphin cho ra mắt dòng sản phẩm khẩu trang phong cách cho giới trẻ (Nguồn: Boo)

Tại Việt Nam, có thể kể đến một vài hãng thời trang nổi tiếng cũng dần chuyển sang sản xuất kinh doanh mặt hàng khẩu trang như May10, Dệt kim Đông Xuân, IVY Moda, Boo, Dottie... và nổi bật hơn cả chính là khẩu trang cà phê của Startup AirX, hiện đã được xuất khẩu sang hơn 10 nước và tham vọng hướng đến phát triển một ngành thời trang mới.

Sản phẩm khẩu trang Nano đến từ thương hiệu thời trang nổi tiếng Ivy Moda (Nguồn: Ivy Moda)

Bất ngờ với sự xuất hiện của khẩu trang làm từ cà phê

Sau thành công của giày cà phê, thương hiệu ShoeX tiếp tục trình làng một sản phẩm đầy bất ngờ và hữu dụng với tên gọi AirX – khẩu trang cà phê đầu tiên trên thế giới, được làm hoàn toàn từ cà phê Việt Nam. Điều đặc biệt của sản phẩm này là lớp ngoài được dệt bằng sợi cà phê, có thể tái sử dụng lại. Đặc tính kháng khuẩn theo công nghệ hiện đại mới đảm bảo chất lượng và an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, so với các sản phẩm khẩu trang khác trên thị trường Việt thì mức giá của sản phẩm này ở mức cao, dao động từ 445.000 đồng/gói 5 chiếc, giá bán lẻ khoảng 99.000 đồng/cái nên ở thị trường trong nước, loại khẩu trang này đánh vào phân khúc người dùng cao cấp.

Những chiếc khẩu trang AirX được sản xuất từ sợi cà phê có thể tái sử dụng nhiều lần. (Nguồn: Baodautu)

Ông Lê Thanh - giám đốc cho biết khi đại dịch Covid-19 xảy ra, đây chính là thời điểm thích hợp để nghiên cứu khẩu trang có thể chống dịch bệnh lây lan. Không những thế, đây còn là một sản phẩm hợp thời trang, và thân thiện với môi trường.

Tăng trưởng nhanh chóng tại thị trường quốc tế

Sau gần 2 tháng ra mắt thị trường, AirX đã nhận tổng đơn đặt hàng xấp xỉ 500.000 khẩu trang phân phối từ nay đến cuối năm cho gần 10 quốc gia trên thế giới. Hiện, startup này đã có văn phòng đại diện ở Đức, Pháp và Ý để có thể hiểu hơn về thị trường, văn hoá của người tiêu dùng châu Âu. Cũng theo chia sẻ từ founder Lê Thanh thì vào những tháng sau, sản lượng có thể tăng gấp đôi, hướng đến mở rộng thị trường tại những khu vực tiêu dùng khó tính như Anh, Mỹ. Thương hiệu luôn đảm bảo chất lượng và mẫu mã để xứng danh là một sản phẩm "proudly made in Vietnam".

Tiềm năng phát triển từ việc xuất khẩu kinh doanh mặt hàng khẩu trang là rất lớn khi các doanh nghiệp khắc phục được những hạn chế trong mua sắm trực tiếp, hướng tới việc phổ biến và duy trì hoạt động mua sắm trực tuyến. Đa số người tiêu dùng đều thích nghi nhanh và thay đổi thói quen của mình khi nhìn thấy lợi ích của việc chuyển đổi, tạo cơ hội cho các local brand chuyển sang các hình thức quảng bá và phân phối mới, thúc đẩy phát triển và mở rộng các kênh mua sắm, đa dạng hình thức tiếp cận sản phẩm đến người mua như thông qua website, mạng xã hội, hoặc các trang mua hàng trực tuyến trong khu vực.

Cũng nằm trong hướng thay đổi nhằm cải thiện tốc độ tăng trưởng tại thị trường quốc tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thời trang cũng cần đẩy mạnh đầu tư về mặt nội dung và hình ảnh. Truyền tải câu chuyện thương hiệu và concept sáng tạo thông qua bộ sản phẩm mới của mình nhằm điều chỉnh lại visual guideline (định hướng hình ảnh) cho thương hiệu, đảm bảo tính thẩm mĩ, truyền tải tinh thần thương hiệu đồng nhất sẽ tăng lượng khách hàng trung thành, góp phần bán hàng hiệu quả trong thời gian sắp tới.

>>> Xem thêm: Ngành thời trang và những hướng đi mới mà Marketer phải biết

Tham vọng hướng đến một ngành thời trang mới

Nói về tương lai xa hơn, khẩu trang giờ đây được coi là mặt hàng thời trang và là hướng đi cho các doanh nghiệp may mặc chú trọng phát triển chất lượng sản phẩm. Khi nó trở nên thiết yếu cũng là lúc càng nhiều các doanh nghiệp và thương hiệu ''lấn sân'' sang hoạt động kinh doanh khẩu trang. Càng về sau, sản phẩm càng cần được cải tiến và phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng. Thêm vào đó, nhu cầu về khẩu trang trên thế giới ngày càng tăng, trong tương lai nó còn có thể là một món quà ý nghĩa tặng người thân, gia đình và đối tác doanh nghiệp.

Bên cạnh việc sản xuất và phục vụ nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thời trang cũng cần mở rộng mô hình và thay đổi chiến lược hợp lý để mở rộng thị trường sang các nước khác trong khu vực. Tập trung vào chất lượng sản phẩm và dần dịch chuyển sang hình thức kinh doanh trực tuyến để theo kịp với xu hướng thời đại công nghệ. Điều này cũng mở ra phương thức kinh doanh mới cho các thương hiệu có thể duy trì sau khi đại dịch qua đi. Không chỉ là phương án hay nhằm giúp các doanh nghiệp tồn tại trong giai đoạn khó khăn mà còn là một lựa chọn bắt buộc trong thời đại công nghệ. Nhiều thương hiệu xa xỉ phải thử nghiệm với nền tảng kỹ thuật số, cho phép người tiêu dùng xem, tương tác với các sản phẩm trực tuyến trên Internet.

Tạm kết:

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khẩu trang là một trong những vật bất ly thân với chúng ta. Liệu rằng sau khi dịch bệnh qua đi, ngành sản xuất khẩu trang có duy trì được lâu dài và phát triển hay không phụ thuộc vào phần nhiều nhu cầu cũng như hướng khai phá của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với một startup Việt tận dụng thời thế tốt để tăng trưởng hoạt động kinh doanh, đầu tư bài bản và được đánh giá cao trên thị trường quốc tế cũng cho thấy tín hiệu tốt về tiềm năng phát triển của lĩnh vực này, đặc biệt trong bối cảnh xã hội đang bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19.

Phương Thảo - MarketingAI

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.