Các thương hiệu học được gì từ câu chuyện Lewis Capaldi và KFC antifragile?

07 Thg 09

Câu chuyện của Lewis Capaldi

Tháng trước, huyền thoại Noel Gallagher của Oasis đã “tung đòn chí mạng” với ngôi sao ca nhạc Lewis Capaldi: “Music is f*****g w**k at the moment. Whose this Capaldi fella? Who the f****s that idiot!”

Đáp lại lời giễu cợt ấy, Capaldi không tạo thông điệp tranh cãi ầm ĩ, tổn thương hay tức giận. Trong buổi biểu diễn tại Glastonbury, Capaldi bước ra với hiệu ứng sân khấu phía sau là video với những lời chỉ trích của Noel Gallagher, anh mặc một chiếc áo parka và đội mũ bucket (trang phục thường mặc của Gallagher).

Chỉ vài giây ngắn ngủi Capaldi bước vào sân khấu đã gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Khoảnh khắc này đưa tên tuổi của anh lên khắp các mặt báo và kênh truyền thông xã hội, thậm chí còn giúp Capaldi có thêm lượng fan hâm mộ khủng.

(Video: Marketing Examples)

Ngay lập tức, Gallagher tiếp tục gọi Capalidi là F***ing Chewbacca. Capaldi không ngần ngại đổi ảnh Twitter của mình thành Chewbacca và thay tên tài khoản thành Chewis Capaldi.

(Ảnh: Marketing Examples)

Lời nói của Gallagher mang tính sát thương, tuy nhiên Capaldi lại sử dụng như một huy hiệu lẫy lừng cho bản thân. Gallagher càng gây hấn, Capaldi lại càng mạnh mẽ hơn.

Antifragile - Sự mạnh mẽ trong những nghịch cảnh

Fragile là sự mong manh, dễ vỡ, và trái ngược với nó là antifragile - một khái niệm được đặt nền móng bởi nhà xác suất học Nassim Taleb.

Antifragile ám thị sự vững vàng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, hay nói cách khác, nghịch cảnh không làm con người ta suy sụp, đổ vỡ, mà thậm chí còn tăng thêm sự mạnh mẽ.

Nếu bạn loay hoay hoặc suy sụp trước những tình huống khắc nghiệt, người thiệt hại cuối cùng là chính bản thân bạn. Nếu bạn buộc phải đương đầu với nghịch cảnh, hãy tôi luyện bản thân mạnh mẽ hơn. Lấy môn thể thao golf làm ví dụ, có nhiều người chơi golf rất ghét gió, nhưng cũng có rất nhiều golfer theo chiều hướng antifragile tận dụng luôn sức gió để làm nên những cú đánh ngoạn mục.

Với các thương hiệu cũng vậy. Đa số các thương hiệu đều có chiều hướng “mong manh, dễ vỡ”. Sự gia tăng những biến động từ những yếu tố ngẫu nhiên, từ đối thủ chơi xấu, từ sai lầm nội bộ,... giống như cơn ác mộng của phòng xử lý khủng hoảng truyền thông.

(Ảnh: Marketing Examples)

Tuy nhiên, nhìn vào cách đáp trả của Lewis Capaldi hoặc những golfer antifragile, các thương hiệu có thể học được ít nhiều cách xoay chuyển tình thế trong những khủng hoảng truyền thông bất ngờ.

KFC “lật ngược thế cờ” tại xứ sở sương mù

Năm 2019, KFC hết gà và buộc phải đóng cửa tạm thời 700 chi nhánh tại Anh. Với đa số các doanh nghiệp, tình huống này như một thảm họa lớn, và hầu hết sẽ đưa ra lời xin lỗi tới công chúng một cách tầm thường và sáo rỗng.

Tuy nhiên, lời xin lỗi này chỉ đổ thêm dầu vào lửa, nó không làm cho doanh nghiệp vớt vát lại những thiện cảm của khách hàng, càng không có gì chắc chắn rằng khách hàng sẽ quay lại với họ trong tương lai. May mắn thay, phòng PR của thương hiệu gà rán nổi tiếng này đã nắm bắt được xu hướng antifragile.

Thay vì lời xin lỗi thông thường, KFC đã đăng một bài viết trên các tờ báo Anh, bài viết mang tính thông báo và xin lỗi kèm với hình ảnh một xô gà trống trơn với các chữ cái của logo nổi tiếng được sắp xếp lại thành “FCK”.

(Ảnh: Marketing Examples)

Với mẫu quảng cáo này, công chúng nhìn thấy sự hài hước đến từ thương hiệu, và ngẫu nhiên, “thảm họa” KFC biến thành một câu chuyện PR tích cực.

>> Xem thêm: KFC nói lời tạm biệt với slogan “Vị ngon trên từng ngón tay” trong bối cảnh dịch COVID-19

Khi các thương hiệu antifragile

Yếu tố then chốt trong xu hướng antifragile nằm ở hai chữ “làm chủ”. Hoặc bạn làm chủ tình huống, hoặc để tình huống làm chủ bản thân. Qua bài viết này, có thể thấy cách tốt nhất để làm chủ tình hình nằm ở:

  1. Che giấu khuyết điểm bản thân
  2. Không quá coi trọng bản thân

Thực tế, bạn sẽ không bị chế giễu hay bắt nạt vì chiếc mũi to nếu bạn mặc một chiếc áo phông với dòng chữ “Tôi có mũi to”. Đây là nội dung được đưa ra trong trận battle rap của Eminem. Hãy nói mọi thứ về bản thân trước khi người khác kịp hành động để không ai có thể làm tổn thương bạn.

Các thương hiệu mong muốn tìm hiểu thêm về xu hướng antifragile có thể tìm hiểu thêm về cuốn sách của Nassim Taleb - người đặt nền móng cho sự phát triển của Antifragile.

Huyền Nguyễn - Marketing Ai

Theo Marketing Examples

>> Có thể bạn quan tâm: Chiến lược marketing của Vsmart: cuộc chơi của tân binh có máu “liều”

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.