Các mạng xã hội đã giúp các doanh nghiệp nhỏ đương đầu với khủng hoảng Covid-19 như thế nào?

23 Thg 04

Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nó đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế khi hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, giảm bớt hoặc tạm ngừng hoạt động. Đứng trước tình trạng này, nhiều nền tảng mạng xã hội đã ra mắt rất nhiều tính năng mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể sống sót qua thời điểm khó khăn này. Trong bài viết này, MarketingAI sẽ giới thiệu đến bạn đọc về đặc điểm, cũng như cách hoạt động của những tính năng đó.

Công cụ quảng cáo video YouTube

Tạo ra các nội dung video chất lượng không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là với những doanh nghiệp nhỏ, lý do là vì họ thiếu đi nguồn nhân lực có trình độ hoặc ngân sách để thực hiện. Không chỉ vậy, trong thời điểm dịch bệnh như này thì việc quay các video càng khó khăn. Chính vì vậy, YouTube mới đây vừa cho ra mắt công cụ “Video Builder Tool”, cho phép các doanh nghiệp nhỏ có thể tạo ra các nội dung video một cách miễn phí. Mặc dù công cụ này đã được YouTube phát triển từ vài tháng trước, tuy nhiên sự ra mắt của nó thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch, giúp các doanh nghiệp trong việc xây dựng các chiến lược về nội dung của mình.

Ali Miller - Giám đốc quản lý sản phẩm của YouTube Ads đã từng chia sẻ trong một bài viết trên blog rằng: “Video Builder Tool là một công cụ beta miễn phí chứa đầy đủ các công cụ cần thiết để sáng tạo video như: Hình ảnh, văn bản, logo và âm nhạc. Tất cả đều đến từ kho thư viện mà YouTube cung cấp”. Với công cụ này, người dùng có thể tạo và tùy chỉnh các đoạn video ngắn (từ 6 - 15 giây), sau đó có thể chia sẻ trên kênh YouTube của mình hoặc sử dụng trong một chiến dịch quảng cáo YouTube khác. Một trong những ưu điểm nổi bật của công cụ này so với các công cụ chỉnh sửa video miễn phí khác chính là: Các video này đều được tích hợp với Google Ads, đồng nghĩa rằng các video này sẽ được quảng cáo đến những người xem phù hợp của YouTube.

Pinterest Shop làm nổi bật các thương hiệu nhỏ và bền vững

Theo như Pinterest, lượng tìm kiếm cho từ khóa “hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ” đã tăng 351% trên nền tảng này, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều người dùng muốn tìm mua và hỗ trợ các doanh nghiệp độc lập nhỏ. Cùng lúc đó, Pinterest đã nhận thấy mức tăng trưởng đáng kể cho lượng tìm kiếm “sống thân thiện với môi trường (eco-friendly living)” và “các sản phẩm không chất thải (zero waste product)”, cụ thể mức tăng trưởng của mỗi từ khóa đều là 93% và 108%.

Kết quả của việc này, Pinterest đã lựa chọn ngày 22 tháng 4 - trùng với ngày Trái Đất để bổ sung thêm một số sản phẩm mới vào mục Pinterest Shop của mình. Những sản phẩm này đều đến từ các thương hiệu bền vững, mục đích là gia tăng độ nhận diện của những doanh nghiệp này đến với người dùng, đồng thời có thể tận dụng được sự quan tâm ngày càng lớn về mua sắm trực tuyến trên nền tảng này.

Để nâng cao thêm nhận thức về hoạt động này, Pinterest cũng đã hợp tác với Influencer kiêm nhà thiết kế Lauren Conrad, người đã tạo ra một loạt các sản phẩm thân thiện với môi trường từ chính nền tảng thương mại điện tử của cô có tên The Little Market. 

Một tính năng khác mà Pinterest đã ra mắt chính là “Hệ thống cửa hàng uy tín" (Verified Merchant Program) vào hồi tháng 3, cho phép các doanh nghiệp, cửa hàng trên nền tảng này có thể hiển thị một biểu tượng dấu tích màu xanh dương trên hồ sơ của mình nếu đạt được những tiêu chí nhất định. Theo Pinterest, các cửa hàng được xác minh sẽ nhận được một số lợi thế đặc biệt, như là sản phẩm của họ sẽ được hiển thị ở những trang đặc biệt như “Sản phẩm liên quan”, hoặc được truy cập vào các Insight dữ liệu và chỉ số như là: Giá trị trung bình đơn hàng của khách hàng.

Trung tâm tài nguyên kinh doanh của Facebook

Theo một thống kê sơ bộ, hiện có khoảng trên 90 triệu doanh nghiệp nhỏ hoạt động trên Facebook, hầu hết trong số đó đã góp phần quan trọng vào trong doanh thu quảng cáo trên nền tảng. Như một lẽ, Facebook luôn tìm cách để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ nhiều nhất có thể. Trong đó, “Automated Ads” (quảng cáo tự động) và “Appointment” (đặt lịch hẹn) là hai trong số những công cụ mới được Facebook ra mắt để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ trên nền tảng. 

Giờ trong bối cảnh khi đại dịch Covid-19 hoành hành, Facebook lại vừa cho ra mắt “Business Resource Hub” để hỗ trợ những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Nền tảng miễn phí để truy cập này sẽ chứa đầy đủ các bộ công cụ hỗ trợ, trong đó có những thông tin để giúp doanh nghiệp tránh được sự gián đoạn trong kinh doanh, cũng như một cuốn cẩm nang phản ứng nhanh để giúp doanh nghiệp có những hoạt động phản ứng kịp thời.

Facebook cũng cung cấp thêm cho doanh nghiệp một loạt các biểu mẫu (templete) có sẵn để giúp họ truyền tải được các thông điệp quan trọng, hỗ trợ hoạt động phản hồi với tình hình Covid-19, cũng như các thông điệp đơn giản về sự biết ơn. Một số biểu mẫu đó bao gồm: “Đúng vậy, chúng tôi vẫn nhận đơn đặt hàng” hoặc “Chúng tôi sẽ không còn ở đâu nếu không có các bạn”

Instagram cùng bộ sticker hỗ trợ doanh nghiệp

Instagram - nền tảng mạng xã hội đình đám thuộc quyền sở hữu của Facebook mới đây cũng vừa cho ra mắt một tính năng mới để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tạo ra doanh thu. Cụ thể, Instagram đã cho ra mắt một bộ sticker mới dưới hình thức các phiếu quà tặng, phiếu đặt đồ ăn, sticker gây quỹ và doanh nghiệp có thể sử dụng để chia sẻ lên trang cá nhân của mình hoặc ở mục Story.

Điều này có nghĩa rằng, dù người tiêu dùng không thể trực tiếp ghé thăm cửa hàng để mua đồ hoặc sử dụng dịch vụ, họ vẫn có thể hỗ trợ các doanh nghiệp yêu thích của mình bằng cách đặt đồ mang về, hoặc thực hiện các đơn mua hàng đặt trước và có thể sử dụng sau này, hoặc trực tiếp ủng hộ bằng tiền.

Bằng cách nhấp vào các sticker, khách hàng sẽ được chuyển đến trang web của doanh nghiệp, nơi họ có thể hoàn thành đơn hàng của mình, hoặc chuyển tới trang gây quỹ trên Facebook. Khách hàng cũng có thể chia sẻ những sticker này lên chính Story của mình nếu muốn lan tỏa, tìm kiếm thêm sự hỗ trợ với doanh nghiệp trong khu vực của mình. Theo Instagram, tính năng này sẽ khả dụng với người dùng tại Mỹ và Canada và sau đó sẽ ra mắt trên toàn cầu.

Tạm kết

Có thể thấy những lợi ích chủ yếu mà các tính năng này mang lại là để duy trì độ nhận diện, cũng như tăng được nhận thức của người dùng lên những doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời có thể tạo ra những cơ hội mới để những doanh nghiệp này có được doanh thu, sống sót qua được thời điểm khó khăn này. Đơn cử, nếu một khách hàng biết được sự hiện diện của doanh nghiệp đó trên Instagram, họ sẽ không thể biết được cách để hỗ trợ các doanh nghiệp ấy. Chính từ đây, những tính năng bổ sung này của các nền tảng mạng xã hội sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp nhỏ và khách hàng, mục đích là cùng nhau vượt qua giai thời điểm khủng khiếp này.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Econsultancy

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.