Bức tranh toàn cảnh thị trường F&B Việt Nam 2021

08 Thg 12

Làn sóng dịch trong năm 2021 tác động như thế nào đến thị trường F&B Việt Nam? Những xu hướng nào sẽ tiếp tục định hình thị trường trong năm tới? Và làm thế nào để đạt được lợi nhuận trên kênh trực tuyến? Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.

Trong năm vừa qua, các "cú sốc" do đại dịch Covid-19 đã tạo nên nhiều chuyển biến sâu sắc đối với thị trường. Trong quý III/2021, GDP (tổng sản phẩm quốc nội) giảm 6.7% trong khi sự đứt gãy chuỗi giá trị và niềm tin của người tiêu dùng vẫn chưa kịp phục hồi trở lại từ hai quý trước đó. Bên cạnh đó, những xu hướng và hành vi tiêu dùng mới được dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài trong các năm tiếp theo, điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng, đổi mới sáng tạo và xây dựng giải pháp ứng phó phù hợp.

Bước sang giai đoạn bình thường mới: phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp F&B nói riêng cần tiếp tục nỗ lực sản xuất, xác định và điều chỉnh lại mục tiêu lợi nhuận, từ đó củng cố giá trị và vị thế trên thị trường.

Có thể nói đại dịch chính là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đối số của các doanh nghiệp và sự bùng nổ của thương mại điện tử là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. 

Trong bối cảnh đại dịch, ngành F&B đã ghi nhận mức tăng vọt về doanh số bán hàng trên các kênh trực tuyến, điều này sẽ làm cho mức độ cạnh tranh trong không gian thương mại điện tử ngày càng trở nên khốc liệt hơn khi thị trường đang dần bão hòa.

Nghiên cứu thị trường mới đây của Vietnam Report (VNR) sẽ cung cấp cho người đọc bức tranh toàn cảnh sắc nét nhất về ngành thực phẩm - đồ uống Việt Nam trong năm 2021, đồng thời gợi ý giải pháp nhằm hóa giải những lo ngại về ngành trong thời gian tới.

Hành vi mua sắm sản phẩm F&B trên kênh trực tuyến 

Hoạt động mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng được tăng cường và trở nên phổ biến khi họ dành nhiều thời gian hơn ở nhà do ảnh hưởng của dịch, điều này đã thúc đẩy các doanh nghiệp F&B nhanh chóng chuyển đổi sang các kênh mua hàng trực tuyến. Trước đó, sự chuyển dịch này được dự báo sẽ xảy ra trong vòng 5 năm tới, tuy nhiên, quá trình này đã được rút gọn lại chỉ trong vòng vài tháng.

Hơn 91% người tham gia khảo sát của VNR cho biết họ đã từng sử dụng các kênh trực tuyến để mua các sản phẩm F&B kể từ khi đại dịch bùng phát. Luồng chuyển dịch từ thương mại truyền thống sang mua sắm trực tuyến được thể hiện rõ nét qua một số danh mục sản phẩm cụ thể, đặc biệt là nhóm thực phẩm.

Nhóm thực phẩm có mức độ chuyển dịch sang nền tảng trực tuyến mạnh mẽ nhất
Nhóm thực phẩm có mức độ chuyển dịch sang nền tảng trực tuyến mạnh mẽ nhất

Với những lợi ích ưu việt mà hình thức mua sắm trực tuyến mang lại, nhiều dấu hiệu cho thấy xu hướng mua sắm này sẽ tiếp tục phát triển ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát.

Những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng tác động không nhỏ đến thị trường F&B trong giai đoạn bình thường mới "sống chung với Covid". 75% người tham gia khảo sát của VNR cho biết, kể từ khi Covid xuất hiện họ đã tăng chi tiêu cho thực phẩm tự chế biến tại nhà và 46% trong số đó dự kiến tiếp tục duy trì thói quen này trong thời gian tới.

Ưu tiên mua sắm của người tiêu dùng cũng thay đổi sang các mặt hàng thiết yếu, dễ bảo quản như thực phẩm đã sơ chế hoặc chế biến sẵn, thực phẩm tiện lợi, thực phẩm đóng gói, thực phẩm động lạnh,... Còn các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu, đồ uống (bia rượu, cà phê, đồ uống có gas, nước tăng lực) đều ghi nhận mức giảm sâu trong ngân sách chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng.

Các loại đồ uống bị cắt giảm chi tiêu trong đại dịch
Các loại đồ uống bị cắt giảm chi tiêu trong đại dịch

Yếu tố tạo nên thành công của ngành F&B trên kênh trực tuyến

Hoạt động trực tuyến sẽ trở thành một trong những nguồn tăng trưởng doanh thu chính của nhiều doanh nghiệp F&B trong tương lai. Những yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp nằm ở khả năng tối ưu hóa, hành động chính xác dựa trên dữ liệu và ba đòn bẩy chính của báo cáo lợi nhuận và thua lỗ (P&L), gồm: chi phí đầu tư vào marketing, chi phí quản lý sự tăng trưởng doanh thu và chi phí chuỗi cung ứng. 

Mặc dù các kênh thương mại điện tử/trực tuyến hứa hẹn mang đến cho người tiêu dùng sự tiện lợi và giá cả cạnh tranh hơn, nhưng biên lợi nhuận mà hoạt động này mang lại rất mỏng. Do đó, tối ưu hóa kinh doanh đa kênh - omnichannel (TMĐT, website, cửa hàng vật lý,...) sẽ là giải pháp tối ưu nhất cho các doanh nghiệp. Điều này cũng phù hợp với tính chất của các danh mục sản phẩm trong ngành hàng này. Ví dụ, các sản phẩm thực phẩm hỗ trợ miễn dịch, nước trái cây, đồ uống không cồn sẽ có ưu thế trên kênh trực tuyến hơn so với các loại thực phẩm dễ hư hỏng như đồ sống, đồ đông lạnh (vốn đạt được lợi nhuận cao hơn tại các cửa hàng vật lý).

Việc định hình hạng mục đầu tư dựa trên kết quả phân tích dữ liệu thu thập từ thương mại trực tuyến đóng vai trò quan trọng. Trên kênh trực tuyến, các công ty F&B phải đầu tư rất nhiều tiền để đảm bảo sản phẩm của mình có một vị trí nổi bật so với các sản phẩm cạnh tranh khác trên "kệ hàng kỹ thuật số". Ngoài ra, việc thiếu một hệ sinh thái logistics toàn diện cũng là nguyên nhân khiến cho dự báo kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm cuối năm giảm khoảng 30%.

Điều quan trọng nhất để cải thiện lợi nhuận trên kênh thương mại trực tuyến là đạt được sự minh bạch và chi tiết trong báo cáo P&L của TMĐT. Thông qua đó, các nhà lãnh đạo công ty có thể dễ dàng có được bức tranh đầy đủ về hiệu suất kinh doanh để đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt và phân bổ nhân sự, nguồn lực phù hợp.

Xây dựng thương hiệu F&B trong bối cảnh mới

Những thay đổi trong chi tiêu của người dùng tiêu dùng Việt Nam phản ánh rõ nét sự dịch chuyển của các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng từ cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm tùy ý sang sản phẩm thiết yếu.

Khảo sát của VNR chỉ ra rằng, trong cùng danh mục sản phẩm, cứ 10 người thì có đến 4 người đã từng chuyển sang dùng một nhãn hiệu sản phẩm mới hoặc thay thế sản phẩm mà họ thương mua trong thời gian bùng phát dịch. Nguyên nhân chính là do sự khan hiếm hoặc không sẵn có của những sản phẩm đó trong giai đoạn giãn cách xã hội (61.3%). Điều này cho thấy sự gia tăng xu hướng linh hoạt và sẵn sàng chấp nhận nhãn hiệu mới của người tiêu dùng trong bối cảnh "sống chung với đại dịch".

Bên cạnh tính đa dạng và sẵn có của sản phẩm, uy tín thương hiệu là yếu tố được người tiêu dùng ưu tiên xem xét khi lựa chọn sản phẩm F&B.

Sự đa dạng và sẵn có của sản phẩm là yếu tố hàng đầu trong việc người tiêu dùng quyết định lựa chọn một nhãn hiệu
Sự đa dạng và sẵn có của sản phẩm là yếu tố hàng đầu trong việc người tiêu dùng quyết định lựa chọn một nhãn hiệu

Vậy xây dựng thương hiệu uy tín có khó không?

Để xây dựng một thương hiệu mạnh cần rất nhiều thời gian. Một thương hiệu mạnh cần giành được sự tín nhiệm và tôn trọng từ khách hàng, để đạt được điều này doanh nghiệp cần cho họ thấy rằng cam kết với khách hàng chính là lẽ sống còn của mình.

Muốn xây dựng thương hiệu mạnh, doanh nghiệp cần phát triển đồng thời 7 khía cạnh sau:

  • Sản phẩm
  • Đổi mới
  • Môi trường làm việc
  • Trách nhiệm xã hội
  • Năng lực quản trị
  • Khả năng lãnh đạo
  • Kết quả kinh doanh.

Ngoài ra, uy tín của một doanh nghiệp F&B còn được đánh giá bởi tất cả các bên liên quan như đối tác, người tiêu dùng, nhân viên, đối thủ cạnh tranh, nhà đầu tư, nhà phân phối,...

Trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, việc định nghĩa doanh nghiệp của bạn là ai quan trọng hơn việc doanh nghiệp của bạn bán sản phẩm gì.

Theo nhận định của Vietnam Report, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu uy tín tốt hơn khi đưa ra quyết định mua sắm. Kết quả phân tích truyền thông cho thấy, khoảng 82,6% số doanh nghiệp được nghiên cứu có lượng thông tin đạt ngưỡng nhận thức, trong đó 61,7% có tần suất xuất hiện tối thiểu 1 lần/ 1 tháng.

Về độ đa dạng thông tin, 40% số doanh nghiệp có thông tin bao phủ 10/24 số nhóm chủ đề có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.4 nhóm chủ đề thường được đề cập đến nhiều nhất bao gồm:

  • Sản phẩm (17,2%); 
  • Hình ảnh/PR/Scandals (15,4%); 
  • Tài chính/ Kết quả kinh doanh (12,0%);
  • Xã hội/Trách nhiệm xã hội/Tài trợ (10,6%).

Top 4 chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông
Top 4 chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông

Đáng chú ý, so với năm trước, lượng thông tin liên quan đến chủ đề Xã hội/Trách nhiệm xã hội/Tài trợ tăng gần gấp đôi cho thấy doanh nghiệp trong ngành đã chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển thương hiệu toàn diện dựa trên 7 khía cạnh đã đề cập phía trên.

Ngoài độ phủ, chất lượng thông tin cũng là yếu tố quan trọng cần được xem xét. Doanh nghiệp được đánh giá là có điểm truyền thông "an toàn" khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực trên tổng số lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, nếu đạt trên 20% thì được coi là ngưỡng "tốt nhất".

Doanh nghiệp được đánh giá là có điểm truyền thông "an toàn"

Trong thị trường F&B hiện tại, có khoảng 47.8% doanh nghiệp đạt mức 10%, tăng nhẹ so với 45.5% của cùng kỳ năm trước. 

Bên cạnh tần suất xuất hiện, độ đa dạng hay chất lượng thông tin, sức mạnh truyền thông còn được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó bao gồm nguồn thông tin. Kết quả phân tích của VNR chỉ ra rằng, tỷ lệ thông tin có nguồn từ doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 17.6% khi phần lớn thông tin là do báo chí tự khai thác. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực sự vào cuộc và tăng cường tiếng nói của chính mình trên truyền thông trong bối cảnh công nghệ hiện đại và thông tin đa chiều như hiện nay.

Lương Hạnh - MarketingAI

Theo Viet Nam Report

>> Có thể bạn quan tâm: Dự đoán xu hướng tiêu dùng toàn cầu ngành F&B 2022

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.