Bí kíp xây dựng chiến lược SEO cho tìm kiếm bằng giọng nói: Xu hướng và các phương pháp hay nhất

22 Thg 09

Khoảng 27% người dùng trực tuyến trên toàn thế giới sử dụng tìm kiếm bằng giọng nói trên các thiết bị di động. Đây là lý do tại sao mà các marketers trên toàn thế giới nên bắt tay ngay vào việc tối ưu hóa cho xu hướng đang ngày càng nở rộ này. 

Tóm tắt bài viết:

  • Nội dung được tối ưu hóa và SEO tìm kiếm bằng giọng nói là những yếu tố vô cùng quan trọng giúp gia tăng xếp hạng trên các công cụ tìm kiếm
  • Từ khóa đuôi dài là “xương sống” của các chiến lược tìm kiếm bằng giọng nói.
  • Tối ưu hóa hiển thị trên các thiết bị di động sẽ đi đôi với việc tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói.
  • Câu hỏi thường gặp (FAQ) là phần hữu ích nhất đối với bạn trong trường hợp này

Tìm kiếm bằng giọng nói nhanh chóng trở nên phổ biến đối với người dùng trực tuyến. Nó dễ dàng hơn, nhanh hơn và mang tính đối thoại nhiều hơn so với tìm kiếm truyền thống.

Theo ComScore, 50% người dùng smartphone trên thế giới đang tương tác với công nghệ tìm kiếm bằng giọng nói vào năm 2020. Google cũng báo cáo rằng 27% người dùng trực tuyến đang sử dụng tìm kiếm bằng giọng nói trên các thiết bị di động trên toàn cầu.

(Nguồn: medium)

Nhưng để tìm kiếm bằng giọng nói thật sự mang lại hiệu quả, các thương hiệu cần phải tập trung hơn vào việc tối ưu hóa nội dung và triển khai các chiến lược SEO tìm kiếm bằng giọng nói. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu vào tám phương pháp hay nhất để tối ưu hóa điều đó.

SEO tìm kiếm bằng giọng nói là gì?

Nói một cách dễ hiểu, SEO tìm kiếm bằng giọng nói là một kỹ thuật tối ưu hóa nội dung , cụm từ, từ khóa, siêu dữ liệu (metadata),... giúp các tìm kiếm bằng giọng nói gia tăng xếp hạng trên các trang kết quả tìm kiếm bất cứ khi nào người dùng đặt câu hỏi. Nó tập trung vào phân tích ngôn ngữ tự nhiên của người dùng để đưa ra những câu trả lời tương ứng.

Xu hướng tìm kiếm bằng giọng nói mới năm 2020

1. Sự ra đời của loa thông minh đang thúc đẩy việc áp dụng tìm kiếm bằng giọng nói

Theo eMarketer, việc sử dụng loa thông minh đang được ước tính sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép 48% vào năm 2020 để đáp ứng nhu cầu của hơn 76 triệu người dùng.

Cũng theo thống kê, có khoảng 40 triệu người dùng Mỹ đang sở hữu cho mình một chiếc loa thông minh. Rõ ràng, ngày càng có nhiều hộ gia đình ưa chuộng dòng thiết bị hiện đại này.

(Nguồn: medium)

Trước đó, chỉ có một số sản phẩm phổ biến như AlexaSiri là có liên quan đến xu hướng tìm kiếm bằng giọng nói. Nhưng trong những năm qua, công nghệ giọng nói đã được cải thiện hơn rất nhiều. Theo đó, không ít công ty công nghệ đã và đang phát hành các loại loa thông minh của riêng họ.

2. Cải thiện giọng nói bằng công nghệ AI và học máy (Machine Learning)

Trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) đã có những bước phát triển đáng kể trong thời gian qua và nó đã thay đổi rất nhiều cách người dùng tương tác với các thiết bị thông minh cũng như tìm kiếm trên internet.

Ví dụ: với RankBrain (hệ thống học máy giúp Google sắp xếp kết quả tìm kiếm), bạn có thể nhận ra các từ và cụm từ giúp dự đoán chính xác hơn kết quả xếp hạng. Đặc biệt, khi gặp một cụm từ mới, nó sẽ đưa ra được dự đoán tốt nhất và đưa ra câu trả lời phù hợp với yêu cầu tìm kiếm của bạn.

3. Được sử dụng để tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ địa phương

Ngày càng nhiều người có xu hướng sử dụng tính năng tìm kiếm bằng giọng nói để tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ địa phương. Theo thống kê, 58% những người sử dụng tìm kiếm bằng giọng nói đã tìm kiếm thông tin về một doanh nghiệp địa phương.

(Nguồn: BirdEye)

Ngoài ra, theo báo cáo của Google, các tìm kiếm cho doanh nghiệp “gần tôi” đã tăng mạnh trong vài năm qua. Đó thực sự là một thông tin tuyệt vời cho các doanh nghiệp địa phương.

4. Tăng độ phổ biến cho SEO bằng giọng nói

Để đạt được hiệu quả đứng đầu, các marketers cần thường xuyên tinh chỉnh chiến lược SEO nhằm tối ưu hóa cho tìm kiếm bằng giọng nói. Được biết, nhận dạng giọng nói của Google có độ chính xác lên đến 95%, do đó, các doanh nghiệp muốn thu hút nhiều traffic vào trang web của mình buộc phải triển khai chiến lược SEO bằng giọng nói.

Hiện tại thì Google vẫn chưa hoàn thiện tính năng nhận dạng giọng nói để tận dụng tối đa khả năng tìm kiếm bằng giọng nói của họ. Trong khi đó, hệ thống nhận dạng giọng nói iFlytek của Trung Quốc đang đạt tỷ lệ chính xác là 98% và nhóm đang tiếp tục nghiên cứu để cải thiện con số đó lên 99%.

5. Tìm kiếm bằng giọng nói có xu hướng phát triển trên các thiết bị di động 

Tìm kiếm bằng giọng nói của Google hiện có sẵn với hơn 100 ngôn ngữ khác nhau trên các thiết bị di động. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, điện thoại di động là thiết bị tìm kiếm bằng giọng nói được sử dụng nhiều hơn tới ~ 40% so với loa thông minh.

Điều đó là tương đối dễ hiểu khi với smartphone, người dùng có thể sử dụng tìm kiếm bằng giọng nói trong các môi trường khác nhau từ văn phòng, nhà hàng, bữa tiệc hay bất kỳ địa điểm nào khác. Hãy nhìn bảng thống kê dưới đây:

Xu hướng tìm kiếm bằng giọng nói trên điện thoại thông minh tiếp tục gia tăng không ngừng - tất cả là nhờ những tiến bộ trong công nghệ nhận dạng giọng nói trên thế giới.

Những phương pháp hay nhất giúp tối ưu hóa SEO tìm kiếm bằng giọng nói.

1. Sử dụng từ khóa đuôi dài

Từ khóa đuôi dài là những từ khóa cụ thể và chi tiết hơn so với bình thường mà đối tượng mục tiêu có khả năng nhập (và trong trường hợp này là nói) trên các công cụ tìm kiếm.

Từ khóa đuôi dài đã sớm thịnh hành trên thị trường được một thời gian dài và chúng ta đều đã thấy được thành công rực rỡ của nó trong việc gia tăng thứ hạng tìm kiếm. Vì vậy, không có lý do gì để bạn từ chối sử dụng các từ khóa đuôi dài để tối ưu hóa tìm kiếm bằng giọng nói cho một website.

Trên thực tế, theo thống kê, chúng chiếm 70% tổng số lượt tìm kiếm trên website.

Với tìm kiếm bằng giọng nói, các thương hiệu nên thêm vào từ khóa đuôi dài các từ ngữ mang giọng điệu trò chuyện tự nhiên hơn, và nói lên đúng những gì mà người dùng đang tìm kiếm.

Tin vui dành cho các thương hiệu đó là bạn có thể sử dụng nhiều công cụ trực tuyến để tìm kiếm thêm các cụm từ có liên quan và đưa chúng vào nội dung của mình. Một số công cụ mà bạn có thể tham khảo dưới đây:

  • Ubersuggest
  • SEMrush
  • Công cụ chiến lược nội dung HubSpot

2. Áp dụng ngôn ngữ schema markup

Schema Markup là loại ngôn ngữ dùng để đánh dấu dữ liệu có cấu trúc (structured data), giúp công cụ tìm kiếm có thể nhận biết và phân loại trang web được nhanh chóng và chính xác hơn

Schema Markup là một loại mã code mà bạn có thể cho thêm vào website của mình. Nó sẽ cho phép các công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn nội dung trên website, ý nghĩa của nội dung ấy và lý do tại sao nó ở đó.

Schema Markup cũng tạo ra tác động với các robot công cụ tìm kiếm và giúp nó thu thập dữ liệu tốt hơn, từ đó gia tăng xếp hạng trên các công cụ tìm kiếm. Ngoài ra, các thương hiệu có thể sử dụng Schema Markup để cải thiện cũng như tối ưu hóa kết quả tìm kiếm toàn diện nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng.

Hãy xem ví dụ bên dưới đây:

Kết quả tìm kiếm thứ hai trong ảnh đã được xếp hạng sao đầy đủ và ghi rõ ngày đăng tải, đó là nhờ vào việc sử dụng ngôn ngữ Schema Markup. Rõ ràng, với việc các kết quả tìm kiếm được minh họa thông tin chi tiết như trên, người dùng sẽ dễ dàng bị thu hút và click vào xem hơn.

Các thương hiệu cũng có thể tận dụng các tính năng của SEO Schema Markup để cung cấp thêm thông tin chi tiết về website cho các công cụ tìm kiếm, từ đó cải thiện thứ hạng cho website.

3. Tuyển chọn nội dung để đưa ra câu trả lời trực tiếp

Cách người dùng thực hiện tìm kiếm bằng giọng nói sẽ khác hoàn toàn so với tìm kiếm bằng văn bản. Đó sẽ là những cụm từ tìm kiếm dài hơn, chi tiết hơn và cụ thể hơn.

Theo thống kê, các cụm từ khóa câu hỏi đã đạt mức tăng trưởng lên tới 61% trong thời gian qua.

Thống kê đã tiết lộ cách mà mọi người sử dụng từ khóa câu hỏi để đặt câu hỏi cho các tìm kiếm bằng giọng nói.

Nó cung cấp những ý tưởng tuyệt vời giúp các thương hiệu quản lý nội dung tốt hơn, mang đến những câu trả lời chất lượng cho tìm kiếm của người dùng. Các bài viết chứa nội dung hay, chất lượng mang lại giá trị cho đối tượng mục tiêu không chỉ khiến khách hàng hài lòng mà còn giúp các thương hiệu có thêm cơ hội xuất hiện trong các đoạn trích nổi bật.

4. Tối ưu hóa trang Google My Business

Tối ưu hóa trang Google My Business cũng là một phương pháp hay khác giúp các thương hiệu xếp hạng cao hơn cho các tìm kiếm bằng giọng nói.

Trên thực tế, đó là một trong những cách dễ nhất để khán giả mục tiêu phát hiện ra thương hiệu khi họ thực hiện tìm kiếm trên Google. Việc thương hiệu cần làm chỉ là cần đảm bảo rằng nội dung, hình ảnh và thông tin của doanh nghiệp luôn thật đầy đủ và chính xác.

Ngoài ra, hãy triển khai chiến lược Local SEO đang rất thịnh hành hiện nay, kết hợp nghiên cứu cách người dùng sắp xếp tìm kiếm của họ. Theo báo cáo, 76% người dùng loa thông minh thực hiện các tìm kiếm cục bộ ít nhất một lần một tuần. Chính vì thế, Local SEO cũng quan trọng tựa như việc cập nhật các thông tin và hình ảnh có liên quan.

>> Xem thêm: 4 yếu tố giúp tối ưu hóa hồ sơ doanh nghiệp trên Google My Businesses

5. Gia tăng độ uy tín của website

Website nào có nhiều liên kết trỏ đến sẽ đạt được thứ hạng cao hơn trong các tìm kiếm thông thường. Và tìm kiếm bằng giọng nói cũng vậy.

Nghiên cứu của Brian Dean (CEO của Backlinko) dựa trên 10.000 kết quả tìm kiếm trên Google Home, chỉ ra rằng các website nhận được nhiều liên kết trỏ về sẽ được xếp hạng thường xuyên hơn trong tìm kiếm bằng giọng nói. Nói đơn giản thì khi bạn thực hiện một tìm kiếm bằng giọng nói, công cụ tìm kiếm của Google sẽ cung cấp kết quả từ các trang web có độ uy tín cao.

Chính vì thế, các doanh nghiệp cần phải gia tăng độ uy tín cho website của mình. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể tham khảo:

  • Tối ưu hóa nội dung trên website
  • Áp dụng các chiến lược tối ưu hóa internal link
  • Xóa các liên kết xấu và spam
  • Xây dựng giao diện website thân thiện với thiết bị di động

6. Tối ưu hóa website thân thiện với các thiết bị di động

Ngày nay, mọi người hầu hết đều lướt Internet trên smartphone nhờ vào sự thuận tiện và khả năng dễ truy cập của nó. Họ cũng thực hiện các tìm kiếm bằng giọng nói trên các thiết bị này vì lý do này.

Biểu đồ bên dưới thống kê về các môi trường mà mọi người sử dụng tìm kiếm bằng giọng nói:

Như bạn đã biết, hầu hết các tìm kiếm bằng giọng nói đều được thực hiện trên các thiết bị di động, do đó, tối ưu hóa website thân thiện hơn với các thiết bị này là rất quan trọng.

Một số mẹo mà các thương hiệu có thể tham khảo như:

  • Sử dụng công cụ AMP (Accelerated Mobile Pages - dự án của Google hỗ trợ tăng tốc độ load trang trên di động).
  • Kiểm tra tốc độ load của website bằng công cụ GTMetrix và cố gắng cải thiện tốc độ đó nhất có thể.
  • Xây dựng các website thân thiện với giao diện và cấu hình của điện thoại di động
  • Tận dụng các công cụ tạo landing pages phù hợp.
  • Xây dựng các nội dung dễ đọc hơn trên smartphone.
  • Thường xuyên kiểm tra website bằng công cụ kiểm tra tính thân thiện với thiết bị di động của Google.

7. Tối ưu hóa tốc độ trang web

Tốc độ tải trang đóng vai trò quan trọng trong chiến lược SEO tìm kiếm bằng giọng nói. Nghiên cứu chỉ ra rằng, các trang được xếp hạng cao hơn khi thực hiện tìm kiếm bằng giọng nói có tốc độ tải trung bình 4,6s - nhanh hơn 52% so với các trang trung bình.

Vì vậy, tối ưu hóa tốc độ tải trang là điều cần thiết nếu muốn xếp hạng cao hơn trong các công cụ tìm kiếm. Để làm được điều đó, bạn có thể sử dụng các thủ thuật như:

  • Sử dụng CDN (Content Delivery Network - tạm dịch là Mạng lưới phân phối nội dung)
  • Chọn một nền tảng web hosting chất lượng, chứa tốc độ tải trang nhanh và thời gian hoạt động cao
  • Tối ưu hóa size ảnh trên website
  • Giới hạn số lượng plugin
  • Sử dụng bộ nhớ đệm của website
  • Giảm thiểu sử dụng phông chữ của website

8. Tạo các trang Câu hỏi thường gặp (FAQ) về tìm kiếm bằng giọng nói

Việc tạo các trang FAQ về tìm kiếm bằng giọng nói sẽ mang lại rất nhiều lợi ích vì từ khóa câu hỏi đang rất phổ biến.

Theo thống kê, kết quả tìm kiếm bằng giọng nói đến từ các trang FAQ nhiều hơn rất nhiều so với desktops.

Điều quan trọng là các trang FAQ cũng ảnh hưởng đến xếp hạng của một số tìm kiếm bằng giọng nói. Điều đó là do FAQ chứa những câu hỏi ngắn gọn và trả lời chính xác những gì người dùng đang tìm kiếm.

Do đó, Google thường lấy câu trả lời từ trang FAQ của website bất cứ khi nào người dùng thực hiện tìm kiếm bằng giọng nói.

Kết

Tìm kiếm bằng giọng nói là phương thức tìm kiếm vô cùng tiện lợi và dễ sử dụng. Chính vì thế mà không có gì ngạc nhiên khi nó đang dần trở nên phổ biến đối với người dùng trực tuyến. 8 mẹo được đề cập trong bài viết này sẽ giúp các thương hiệu tối ưu hóa website cho chiến lược SEO tìm kiếm bằng giọng nói. Đó là những mẹo đã được thử nghiệm và chứng minh được hiệu quả nên chắc chắn sẽ có tác dụng với các doanh nghiệp.

Tô Linh - MarketingAI

Theo SearchEngineLand

>> Có thể bạn quan tâm: Phương pháp tối ưu hóa nội dung cho tìm kiếm bằng giọng nói năm 2020
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.