Bamboo Airways: "Ngôi sao" mới của ngành hàng không Việt Nam?

06 Thg 07

Ngành hàng không Việt Nam khá ảm đạm trong những năm trở lại đây. Người dân Việt Nam đang nghi ngờ chất lượng ngày càng đi xuống của các hãng hàng không nội địa. Bamboo Airway như một ẩn số xuất hiện, và thực sự được ngóng chờ, liệu Bamboo có trở thành "ngôi sao" của ngành hàng không Việt Nam hay không?

Tất tần tật thông tin về Bamboo Airways

Bamboo Airways là một thương hiệu trực thuộc tập đoàn FLC (Chủ tịch là ông Trịnh Văn Quyết). Bamboo Airway được định vị trở thành hãng hàng không Hybrid đầu tiên của Việt Nam, lai giữa hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ. Đây là hình thức không mới với các quốc gia phát triển, tuy nhiên tại thị trường chỉ có 3 hãng hàng không thì đây được coi là bước ngoặt lớn. Biểu tượng của hãng xuất hiện là hình tượng cây tre hiên ngang và kiên cường cùng gió bão, cây tre là biểu tượng cho sự kiên cường bất khuất của người dân Việt Nam. Hãng cũng ngụ ý rằng Bamboo Airways sẽ mang khát vọng của người Việt bay xa.

Đại diện hãng và nhà thiết kế cho biết, lấy cảm hứng từ hình tượng cây tre, bầu trời và sắc xanh dương của biển, bộ nhận diện thương hiệu Bamboo Airways mang nhiều ý nghĩa tượng trưng cho bản sắc và niềm tự hào của dân tộc. “Hình tượng cây tre hiên ngang và bất khuất được thể hiện đậm nét trong logo mới của Bamboo Airways. Hình ảnh logo miêu tả phần đuôi máy bay kết hợp với biểu tượng cách điệu của lá tre và thân cây tre”.

bamboo-airways

Như có thể thấy từ những thông tin đăng tải trên trang web hãng hàng không https://bambooairway.vn/, mục tiêu chính của hãng — sự phát triển của thị trường du lịch đất nước, cung cấp các chuyến bay trực tiếp giữa các nước tới các khu du lịch tại Việt Nam. Không có gì bí mật khi các khu du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam nằm rất xa các đường hàng không chính. Nhưng Bamboo Airways "gần như không có kế hoạch" bay tới "Tân Sơn Nhất" và "Nội Bài", hơn nữa những sân bay này đang quá tải:  "Tân Sơn Nhất hoạt động trên 110% công suất". Tuy nhiên, gần khu nghỉ dưỡng là sân bay các thành phố Quy Nhơn, Cần Thơ, Nha Trang (Cam Ranh), Hải Phòng. Có một sân bay trên đảo Phú Quốc. Theo nhìn nhận FLC Group và Bamboo Airways, các sân bay này được sử dụng hiệu suất kém: trung bình 38% (ngoại trừ sân bay Cam Ranh).

bamboo-airways

Ban đầu, để tích lũy "kinh nghiệm bay", công ty dự định khai thác các chuyến bay nội địa Hải Phòng — Quy Nhơn (830 km), Thanh Hóa — Quy Nhơn (764 km). Thanh Hóa — Phú Quốc (1077 km), Thanh Hóa — Nha Trang (918 km), Hải Phòng — Nha Trang (995 km). Sau đó, dần dần mở các chuyến bay quốc tế trong khu vực đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (bao gồm Hong Kong), Singapore, Thái Lan, Đài Loan và Philippines. Và trong dài hạn —  "nhắm" vào các tuyến đường hàng không cực dài: tới Mỹ và châu Âu.

Bamboo Airways đang đi trên một chuyến bay mạo hiểm?

Có thể thấy thị trường hàng không Việt Nam chứng kiến từ năm 2011 có sự khởi sắc với sự gia nhập của cái tên Vietjet Air. Với sự thông minh của một hãng hàng không giá rẻ thì đến năm 2017, Vietjet đã vượt mặt Vietnam Airlines và Jetstar Pacific để trở thành hãng có thị phần lớn nhất tại Việt Nam.

Sự kiện FLC mua một số lượng máy bay lớn như vậy cũng thu hút sự chú ý của báo giới Mỹ. Trao đổi với Washington Post, chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết nói ông muốn mở rộng hoạt động của Bamboo Airways lên 16 tuyến nội địa và 10 tuyến quốc tế, bắt đầu với các tuyến trong khu vực và sau đó là vươn tới Mỹ và châu Âu. Ông nói: "Thỏa thuận với Boeing hôm nay chỉ là bước đầu tiên. Chúng tôi muốn có 100 chiếc máy bay trong tương lai ".

bamboo-airways

Washington Post cho rằng FLC đang có những bước đi đầy rủi ro khi tham gia ngành hàng không. Tờ này cho rằng, việc đặt một đơn hàng có giá trị khổng lồ trong khi chưa thử nghiệm trên thị trường là rất bất thường.

bamboo-airways

Henry Harteveldt, một nhà phân tích hàng không vũ trụ thương mại của Atmosphere Research, chia sẻ với WP rằng: “Việc mua hai mươi chiếc Boeing 787 cho thấy mức độ tự tin (hay số khác sẽ nói là kiêu ngạo) và hoặc là có rất nhiều tiền. Nó cho thấy rằng FLC sẵn sàng phớt lờ kế hoạch tài chính cơ bản với một hãng hàng không, nơi bạn thường mua một vài chiếc trước và chờ đợi sự đánh giá của thị trường. Đó là một động thái rất táo bạo, rất mạo hiểm”.

Bài toán về nhân sự và cơ sở hạ tầng thiếu thốn

Nhân sự đang là bài toán nan giải không chỉ của Bamboo Airways

Thiếu phi công là vấn đề nổi cộm không chỉ với Bamboo Airways mà của toàn thể ngành hàng không Việt Nam những năm trở lại đây. Một phần của vấn đề này là khả năng đào tạo nhân sự trong nước, chưa chủ động được việc đào tạo phi công, thường phải gửi nhân sự đi đào tạo ở nước ngoài. Khủng hoảng nhân sự của Vietnam Airline diễn ra vào tháng 1/2015 khi có 117 lượt phi công báo ốm, chiếm 90% đội ngũ nhân lực của hãng. Gần đây nhất hãng hàng không quốc gia gặp khủng hoảng nhân sự khi hàng loạt nhân viên nộp đơn nghỉ việc để chuyển sang hãng hàng không khác. Vấn đề nhân sự dường như là rất khó đoán và nó đang là vấn đề của tất cả hãng hàng không nội địa.

bamboo-airways

Theo tính toán, mỗi năm, các hãng hàng không nội địa như Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific Airlines cần khoảng 200- 250 phi công. Bên cạnh đó, nhu cầu huấn luyện chuyển loại từ lái phụ lên lái chính, từ học viên phi công đào tạo cơ bản lên lái phụ đối với các loại máy bay đang khai thác cũng cần khoảng 170-200 lượt/năm.

Trong một vài năm tới, các hãng hàng không đặt hàng với lượng máy bay gấp 2-3 lần số hiện có, kéo theo nhu cầu nhân sự kỹ thuật cao, bao gồm cả đội ngũ phi công rất lớn. Khi tất cả các hãng đều muốn phát triển đội máy bay nhưng lại chưa chuẩn bị nhân sự sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng thiếu nhân lực kỹ thuật cao như phi công, thợ máy…

bamboo-airways

Để tham gia đường đua bầu trời, Bamboo Airways cũng bắt đầu rục rịch tuyển nhân sự. Đơn vị này vừa tung ra đợt tuyển dụng quy mô đầu tiên ngay trong tháng 4/2018, với nhu cầu lên tới gần 600 vị trí ở nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm gần 90 nhân sự kỹ thuật và tổ chức bảo dưỡng; 92 phi công (bao gồm cơ trưởng, cơ phó); 250 tiếp viên, trong đó tiếp viên trưởng là 45 người và nhân sự khối thương mại là gần 50 người. Đó là kế hoạch của Bamboo. Công việc này trên thực tế không hề dễ dàng.

Bầu trời ngày càng chật chội

Theo báo cáo của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đầu năm 2018 thì 2 hãng hàng không lớn nhất của thị trường Việt Nam là HVN và VJC gần như chiếm toàn bộ thị phần nội địa. Mỗi hãng chọn lựa một mô hình kinh doanh khác nhau, với Vietnam Airlines là FSC (Full Services Carrier) còn Vietjet Air là LCC (Low Cost Carrier).

Về quy mô đội bay, Bamboo muốn phát triển đội bay lên đến 100 chiếc trong tương lai sẽ khiến bầu trời ngày càng chật chội. Vietnam Airlines dự kiến phát triển đội bay của mình lên 116 chiếc vào năm 2018; Jetstar Pacific lên 30 chiếc vào năm 2020; Viet Jet Air thì dự kiến sẽ phát triển đội bay lên 219 chiếc vào năm 2023. Thị trường hàng không cho phân khúc quốc tế có tiềm năng tăng trưởng rất lớn bởi lượng khách quốc tế ở Việt Nam đang tăng mạnh với mức tăng 26% trong năm 2016 và đạt 29,1% trong năm 2017. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam cao hơn khách ở Việt Nam đi quốc tế.

bamboo-airways

Chính điều này đã thu hút không chỉ các hãng hàng không nội địa mà còn các hãng hàng không nước ngoài như Air Asia tham gia thị trường. Tuy nhiên, không dễ để các hãng hàng không mới chen chân vào, và liệu các hãng mới có duy trì được hoạt động hay không là một vấn đề lớn.

Trong quá khứ, các hãng hàng không như Air Mekong hay Indochina cũng chỉ gắng gượng được vài năm trước khi dừng hoạt động. Và để có được thành công như hiện nay, VietJetAir cũng đã có thời gian chuẩn bị trong 4 năm kể từ khi được cấp phép trước khi chính thức thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên.

Kết luận

"More than a flight" là slogan của hãng hàng không Bamboo Airways với sứ mệnh mang đến cho người dùng chất lượng, dịch vụ hơn cả một chuyến bay. Trong tương lai gần, với sự chào sân của hãng hàng không đầu tiên theo mô hình Hybrid thì đây sẽ là cú "hích" lớn, gây sức ép sự cạnh tranh không nhỏ tại thị trường bay Việt Nam. Cùng với sự đầu tư, và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ tập đoàn FLC thì đây sẽ là cái tên đáng mong đợi cho người dân Việt Nam trong thời gian tới.

Thắng Nguyễn - Marketing AI

Nguồn: Tổng hợp

Xem thêm:

Chiến lược marketing của hãng hàng không làm thay đổi cục diện ra sao?

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.