Ảnh hưởng từ Covid-19: 'Lửa thử vàng' trong ngành công nghiệp thời trang

27 Thg 05

Sự tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của hàng vạn người dân trên toàn thế giới mà còn đưa nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Trong bối cảnh ấy, các mặt hàng tiêu dùng không thuộc nhóm thiết yếu như may mặc, giày dép thời trang chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và đã có không ít thương hiệu phải dừng hoạt động và tuyên bố phá sản. Có thể nói, sự ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19: ''Lửa thử vàng'' trong ngành công nghiệp thời trang.

Thị trường thời trang thế giới lao đao

Từ thương hiệu lớn như Victoria''s Secret đóng cửa vĩnh viễn 250 cửa hàng

Nguồn: The Guardian

Sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của thương hiệu nội y danh tiếng này gặp không ít khó khăn cộng với thỏa thuận “bán mình” thất bại đã khiến tương lai của hãng thời trang Victoria’s Secret ngày càng u tối.

Trong nhiều thập kỷ, Victoria''s Secret là thương hiệu bán lẻ nội y lớn nhất tại Mỹ. Hãng đạt được thời kỳ đỉnh cao vào những năm thập niên 1990, 2000. Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của thương hiệu vô cùng ảm đạm. Đến cả show diễn nội y đình đám hàng năm nơi tạo dựng tên tuổi thương hiệu cho hãng cũng chính thức bị hủy bỏ từ năm ngoái.

Kinh doanh giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh, hãng nội y Victoria''s Secret đành phải thu hẹp thị trường ở Mỹ và Canada nhằm củng cố lại tổ chức. Trong tháng 5 này, L Brands (LB), công ty sở hữu thương hiệu nội y Victoria''s Secret đã công bố kế hoạch đóng cửa 250 cửa hàng sau khi báo cáo kinh doanh quý I/2020 giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời hãng đã sa thải nhiều nhân viên trong hệ thống bán lẻ, các nhân sự ở vị trí phó chủ tịch cao cấp trở lên đều bị giảm 20% lương. Nguồn cung ứng nguyên liệu đến từ châu Á cũng bị gián đoạn khiến hoạt động sản xuất của Victoria''s Secret trong thời gian qua bị ảnh hưởng không nhỏ. Doanh số bán hàng trực tuyến tăng trưởng không đáng kể và sự sụt giảm mạnh ở khoản bán hàng trực tiếp đã khiến tổng doanh thu của thương hiệu lao dốc không phanh. Hiện thương hiệu nội y này có khoảng 1.100 cửa hàng ở khu vực Bắc Mỹ.

Sau thương vụ "bán mình" thất bại khiến tương lai của Victoria’s Secret càng trở nên mơ hồ khi liên tục gặp không ít khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Bị đánh giá là thiếu sáng tạo, không đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người tiêu dùng chưa kể hãng còn dính đến nhiều bê bối làm ảnh hưởng đến uy tín. Cùng với đó là sự ra đời của hàng loạt các thương hiệu thời trang đồ lót khác buộc Victoria''s Secret phải có những thay đổi về sản phẩm cũng như bước ngoặt mới để định vị lại thương hiệu nếu hãng không muốn bị bỏ lại trong thị trường thời trang khắc nghiệt.

Đến những thương hiệu thời trang quốc tế cũng chật vật để tồn tại

Không nằm ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, các thương hiệu thời trang nổi tiếng toàn cầu như Nike, Gap và H&M cũng đã tạm thời ngừng hoạt động trực tuyến và đóng cửa các chuỗi cửa hàng bán lẻ của mình để ngăn chặn sự lây lan của  dịch bệnh. Châu Á, trung tâm sản xuất hàng may mặc và giày dép của thế giới được dự đoán sẽ phải hứng chịu nhiều hậu quả tàn khốc đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên vật liệu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, sự sụt giảm doanh số nhanh chóng cũng được ghi nhận tại các cửa hàng ở Mỹ và trên khắp châu Âu. Trung tâm thời trang thế giới New York phải dừng đột ngột. Tại Mexico và khu vực Trung Mỹ, nhiều cơ sở sản xuất đã phải đóng cửa để thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội.

Tại châu Âu, Tuần lễ thời trang Xuân/Hè 2021 sẽ hoãn đến tháng 7-2020 và chỉ diễn ra trên nền tảng kỹ thuật số để giúp các nhà thiết kế giới thiệu sản phẩm của mình, tránh tụ tập đông người để giảm nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh.

>>> Đọc thêm: Các thương hiệu bán lẻ thời trang đang đối phó với Covid-19 như nào?

Tại Việt Nam: Một công ty giày da ở TP. Hồ Chí Minh tuyên bố phá sản, hàng nghìn công nhân mất việc làm

Nguồn: Cafebiz

Mặc dù Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, vậy nhưng cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực của đại dịch này tới nền kinh tế, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngưng hoạt động hoặc đi đến quyết định giải thể trong đó có công ty Huệ Phong - một công ty hoạt động trong lĩnh vực thời trang, chuyên sản xuất giày dép có tiếng ở TP. Hồ Chí Minh được cho là đã giải thể vì dịch Covid-19.

Được thành lập từ năm 1992 với hoạt động kinh doanh chủ yếu của công ty là sản xuất giày da xuất khẩu đi các nước châu Âu, Mỹ. Là một trong những công ty lớn có tiếng tại TP. Hồ Chí Minh với quy mô lên đến hàng nghìn công nhân viên, sự ra đi của doanh nghiệp này khiến không ít người rơi vào cảnh thất nghiệp.

''Lửa thử vàng'' trong ngành công nghiệp thời trang

Trong khi các cửa hàng phải đóng cửa để đảm bảo an toàn vì dịch bệnh, các nhà bán lẻ đã chuyển sang hình thức kinh doanh trực tuyến để duy trì hoạt động. Điều này cũng mở ra phương thức kinh doanh mới cho các thương hiệu có thể duy trì sau khi đại dịch qua đi. Không chỉ là phương án hay nhằm giúp các doanh nghiệp tồn tại trong giai đoạn khó khăn mà việc chuyển đổi sang nền tảng kỹ thuật số còn là một lựa chọn bắt buộc trong thời đại công nghệ. Nhiều thương hiệu xa xỉ phải thử nghiệm với nền tảng kỹ thuật số, cho phép người tiêu dùng xem, tương tác với các sản phẩm trực tuyến trên Internet.

Hay như sau đại dịch qua đi, mọi người tiêu dùng đều ý thức hơn về thời trang bền vững, hướng tới thân thiện với môi trường, họ cũng thận trọng hơn trong việc chi tiêu và lựa chọn mặt hàng. Đại dịch Covid-19 cũng như một phép thử loại trừ khả năng sinh tồn của các thương hiệu mà ở đó nếu bạn vẫn giữ mô hình kinh doanh truyền thống và không có sự thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh thì sẽ bị sa thải khỏi thị trường. Đây cũng là thách thức với các thương hiệu thời trang giúp họ nhìn nhận vai trò của mình và cần chủ động có những kế hoạch dự phòng trong những tình huống xấu.

Tại Việt Nam, một số nhà thiết kế đã thay đổi sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Lý Giám Tiền - quán quân cuộc thi Nhà thiết kế thời trang Việt Nam 2014 đã thay đổi hình thức kinh doanh lên nền tảng trực tuyến khi mùa dịch bất ngờ ập tới. Các nhà thiết kế khác như Thủy Nguyễn, Lê Thanh Hòa, Đỗ Long hiện cũng triển khai một số dự án cộng tác với các trang thương mại điện tử giới thiệu các sản phẩm phân khúc giá bình dân hơn, cũng như cho ra mắt các dòng sản phẩm đầm đơn giản qua hệ thống bán trực tuyến, giới thiệu mini collection trên trang web.

Hay như nhà thiết kế Tom Trandt đã cho ra mắt bộ sưu tập thân thiện với môi trường có tên gọi No Thank! (Nguồn: Tom Trandt)
>>> Xem thêm: Hậu đại dịch, các thương hiệu cần phải cân nhắc về chiến lược mở cửa trở lại

Tạm kết

Có thể nói năm 2020 là một năm kinh tế buồn khi nửa năm đầu là những tin tức ảm đạm về dịch bệnh hoành hành kéo theo sự suy thoái của nền kinh tế, đặc biệt là với ngành thời trang, không thuộc nhóm hàng thiết yếu và chịu sự ngấm đòn nặng từ dịch bệnh Covid-19. Để mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho thị trường thời trang hậu Covid-19, các thương hiệu phải nỗ lực chuyển mình và thay đổi cách thức kinh doanh để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Phương Thảo - MarketingAI

Tổng hợp

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.