8 cập nhật thuật toán quan trọng của Google ảnh hưởng đến người làm SEO mãi mãi

23 Thg 10

Trong số vô số bản cập nhật thuật toán của Google được công bố trong thập kỷ qua, đây là những bản cập nhật đã thay đổi SEO mãi mãi.

Google đã từng tuyên bố rằng họ sẽ cập nhật các thuật toán tìm kiếm hàng nghìn lần mỗi năm. Đa phần thì chúng ta đều không thể nhận thấy được những cập nhật quá nhỏ của Google. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, gã khổng lồ tìm kiếm này lại đưa ra những thay đổi cốt lõi, ảnh hưởng đến cách làm SEO của marketers mãi mãi.

Trong bài đăng này, hãy cùng MarketingAI đếm ngược lại 8 thay đổi thuật toán tìm kiếm quan trọng nhất trong thập kỷ qua. Cùng phân tích xem tại sao lại có sự ra đời của các thuật toán này, chúng hoạt động như thế nào, và chúng ta phải đổi mới các chiến lược SEO ra sao để đáp ứng được với những thay đổi đó.

1. Panda

Ngày ra mắt: 24/2/2011

Vấn đề phải đối mặt: Google sẽ loại bỏ các nội dung trùng lặp, nội dung copy hoặc không có giá trị; các website chất lượng thấp hoặc có quá ít nội dung (thin sites); các nội dung rác do người dùng tạo hoặc các trường hợp nhồi nhét từ khóa.

Cách hoạt động: Bản cập nhật thuật toán Panda còn được coi là một công cụ đo lường và đánh giá “điểm chất lượng” của các website. Điểm số này sau đó được sử dụng như một yếu tố xếp hạng. Ban đầu, ảnh hưởng của Panda khá là nhỏ, nhưng vào tháng 1 năm 2016, nó đã được tích hợp vĩnh viễn để trở thành một thuật toán cốt lõi của Google. Kể từ đó, việc phát hành các bản cập nhật sau này của Panda đã trở nên thường xuyên hơn, theo đó, các hình phạt và việc khôi phục website cũng diễn ra nhanh hơn.

Cách giải quyết: Chạy kiểm tra website thường xuyên để tìm ra các bài viết có nội dung trùng lặp, nội dung ít giá trị và nhồi nhét nhiều từ khóa. Để làm điều đó, bạn sẽ cần một công cụ quét website, giống như SEO PowerSuite của website Auditor.

Với tính năng Content Editor mới được thêm vào trong website Auditor, bạn có thể tránh được những hình phạt tiềm ẩn và tạo ra các trang mà không phải đối mặt với nguy cơ bị nhồi nhét từ khóa một cách vô tình. Content Editor cũng phân tích các trang của các đối thủ cạnh tranh để đưa ra những đề xuất SEO dựa trên nội dung đã thành công trong tìm kiếm của Google.

Và nếu bạn muốn kiểm tra xem nội dung của mình có bị trùng lặp ở những nơi khác trên website hay không, hãy sử dụng công cụ kiểm tra đạo văn như Copyscape.

2. Penguin

Ngày ra mắt: 24 tháng 4 năm 2012

Vấn đề phải đối mặt: Google sẽ loại bỏ các liên kết spam hoặc các liên kết không liên quan; xử phạt với các link liên kết với các anchor text được tối ưu hóa quá liều (over-optimized).

Cách hoạt động: Mục tiêu ra đời của Google Penguin là hạ thấp thứ hạng của các website có chứa các backlink không tự nhiên. Bản cập nhật này đã khiến các website phải chấm dứt ngay việc xây dựng liên kết kiểu “đối phó”, như bỏ tiền ra mua liên kết từ các trang trại liên kết và hệ thống website vệ tinh.

Cách giải quyết: Để giữ website an toàn hơn trước các tác động của bản cập nhật Google Penguin, hãy theo dõi sát sao sự thay đổi của các hồ sơ liên kết và tiến hành chạy kiểm tra thường xuyên bằng các công cụ kiểm tra backlink như SEO SpyGlass. Trong trang tổng quan Summary của công cụ này, bạn sẽ tìm thấy một biểu đồ thể hiện rõ tiến trình phát triển của hồ sơ liên kết. Hãy chú ý đến bất kỳ mức tăng đột biến bất thường nào, vì đó có thể là hậu quả việc đối thủ cạnh tranh đã thực hiện một cuộc tấn công SEO tiêu cực lên website của bạn.

Theo chúng tôi được biết, các số liệu thống kê mà Penguin sẽ tính đến sẽ được kết hợp vào công thức Rủi ro Hình phạt (Penalty Risk) của SEO SpyGlass. Điều hướng đến tab Penalty Risk và sắp xếp danh sách các backlink đó theo xếp hạng từ rủi ro cao nhất đến thấp nhất. Các liên kết có rủi ro trên 50% phải được check lại ngay lập tức. Nếu chúng có hại thì hãy thêm chúng vào tệp từ chối, tải xuống và gửi đến Công cụ từ chối liên kết (Disavow Links Tool) của Google.

3. Hummingbird

Ngày ra mắt: 22 tháng 8 năm 2013

Vấn đề phải đối mặt: Google sẽ thẳng tay “hạ cấp” với những nội dung cố nhồi nhét từ khóa và các nội dung chất lượng thấp.

Cách hoạt động: Thuật toán Hummingbird giúp Google giải nghĩa cặn kẽ hơn các truy vấn của người dùng và đưa ra một kết quả phù hợp hơn với ý định tìm kiếm của họ (cụ thể thì nó có khả năng phân tích cả câu truy vấn chứ không phải phân tích từng cụm từ riêng lẻ). Chính vì thế, mặc dù các từ khóa có vai trò rất quan trọng, nhưng ở trường hợp này, thuật toán Hummingbird sẽ ưu tiên xếp hạng hơn cho các trang cung cấp câu trả lời hợp lý nhất với tìm kiếm của người dùng, dù nó không chứa chính xác các từ mà người dùng đã nhập. Điều này đạt được là nhờ vào sự trợ giúp của quá trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên, dựa trên việc khai thác các nghĩa tiềm ẩn, các từ đồng nghĩa và các từ đồng thời xuất hiện trong một ngữ cảnh.

Cách giải quyết: Mở rộng việc nghiên cứu từ khóa và tập trung vào các khái niệm đa dạng ẩn sau các từ khóa. Phân tích cẩn thận các tìm kiếm có liên quan, từ đồng nghĩa và các thuật ngữ cùng xuất hiện trong một ngữ cảnh. Để tham khảo, bạn có thể tận dụng luôn phần Tìm kiếm Liên quan và Câu hỏi liên quan của Google, cũng như các đề xuất Tự động điền của Google. Bạn sẽ tìm thấy tất cả 3 thứ trên trong module Nghiên cứu từ khóa của Rank Tracker.

Sử dụng những insights này để hiểu rõ hơn về ngôn ngữ mà khách hàng hay sử dụng và đa dạng hóa nội dung trên website. Bằng cách tạo nội dung toàn diện đáp ứng ý định tìm kiếm của người dùng, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội giành chiến thắng cả về mức độ tương tác lẫn SEO.

4. Mobile

Ngày ra mắt: 21 tháng 4 năm 2015

Vấn đề phải đối mặt: Không có phiên bản di động của website; khả năng trải nghiệm trên di động kém.

Cách hoạt động: Tính năng này và các bản cập nhật tìm kiếm di động tiếp theo (2018, 2020) đã khiến nhiều doanh nghiệp phải chuyển trọng tâm xây dựng từ PC sang phiên bản di động của website. Ngày nay, Google xếp hạng tất cả các trang web dựa trên mức độ nhanh chóng và thân thiện với người dùng trên phiên bản di động.

Cách giải quyết: Tối ưu hóa website để phục vụ cho nhu cầu tìm kiếm trên điện thoại di động và tập trung vào cải thiện tốc độ và khả năng sử dụng. Các bài kiểm tra độ thân thiện với thiết bị di động và tốc độ trang của Google sẽ giúp bạn thấy rõ những khía cạnh nào trên trang cần phải được cải thiện. Bạn có thể sử dụng các bài kiểm tra trên WebSite Auditor để kiểm tra tính tối ưu hóa trên thiết bị di động của các trang như một phần của quá trình kiểm tra website tổng thể.

5. RankBrain

Ngày ra mắt: 26 tháng 10 năm 2015

Vấn đề phải đối mặt: Thiếu sự liên quan cụ thể với truy vấn; nội dung nông cạn; UX kém.

Cách hoạt động: RankBrain là một phần của thuật toán Hummingbird của Google. Đây là một hệ thống máy học giúp Google hiểu ý nghĩa đằng sau các truy vấn và cung cấp các kết quả tìm kiếm phù hợp nhất để đáp ứng các truy vấn đó. Google gọi RankBrain là yếu tố xếp hạng quan trọng thứ ba. Mặc dù chúng ta không biết công thức chính xác đằng sau bản cập nhật lớn này, nhưng tất cả cùng đồng ý với nhau rằng, RankBrain chịu trách nhiệm tùy chỉnh kết quả tìm kiếm trên Google của người dùng. Về cơ bản, Google đã tính đến những kết quả vượt ra khỏi phạm vi truy vấn của người dùng, bao gồm cả những trường hợp rộng hơn, như từ đồng nghĩa, từ ngụ ý và lịch sử tìm kiếm cá nhân.

Cách giải quyết: Tối ưu hóa các trang trên website để cải thiện mức độ liên quan và tính toàn diện với sự trợ giúp của các công cụ phân tích cạnh tranh. Công cụ TF-IDF của WebSite Auditor có thể là một gợi ý không tồi, bạn có thể khám phá toàn bộ danh sách các từ khóa và khái niệm có liên quan đang được các đối thủ cạnh tranh sử dụng. Dữ liệu này sẽ giúp bạn tối ưu nội dung trên website hơn sao cho phù hợp nhất với truy vấn của người dùng.

6. Medic

Ngày ra mắt: 4 tháng 5 năm 2018

Vấn đề phải đối mặt: Thiếu thẩm quyền trên các trang web YMYL; chỉ số EAT yếu.

Trang web YMYL là các loại trang web có khả năng ảnh hưởng đến hạnh phúc, sức khỏe, ổn định tài chính trong tương lai, hoặc sự an toàn của người dùng.

Cách hoạt động: Bản cập nhật Google Medic dường như tạo ra ảnh hưởng không cân xứng đến các website y tế cũng như các website khác liên quan đến các quyết định có khả năng thay đổi cuộc sống (như tài chính, luật, giáo dục). Mặc dù không được xác nhận rõ ràng, nhưng đại diện của Google đã gợi ý rằng bản cập nhật đã triển khai việc đánh giá các website trên dựa trên tiêu chí EAT (chuyên môn, thẩm quyền, sự tin cậy), được quy định trong cuốn tài liệu dài 160 trang có tên Quality Rater Guidelines - do Google xuất bản.

Cách giải quyết: Cho đến nay, vẫn chưa có một chiến lược cụ thể nào được chứng minh sẽ đáp ứng tốt các yêu cầu của bản cập nhật Medic. Một số SEOer đề xuất rằng có thể thuê các chuyên gia viết bài để tăng uy tín hơn cho website, nhưng cũng có một số người cho rằng nên xây dựng thực thể cho thương hiệu để nâng cao uy tín cho website, thông qua một mạng lưới  các hệ thống blog network, social network. Tuy nhiên, nếu chúng ta bám sát vào những gì Google nói, thì cách đáng tin cậy duy nhất để tăng thẩm quyền cho website là phát triển backlink. Một trong các cách tiếp cận hiệu quả sẽ là sử dụng một công cụ nghiên cứu backlink như SEO SpyGlass và mượn ý tưởng về backlink từ các đối thủ cạnh tranh.

7. Bert

Ngày: 22 tháng 10 năm 2019

Vấn đề phải đối mặt: Nội dung viết kém; không tập trung vào giải quyết một vấn đề cụ thể, không đúng ngữ cảnh.

Cách hoạt động: Bản cập nhật thuật toán này của Google sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên để hiểu rõ hơn các truy vấn tìm kiếm, diễn giải văn bản, xác định các thực thể và mối quan hệ giữa các thực thể. Chúng ta đã thấy các bản cập nhật như Panda, Hummingbird và RankBrain đã không còn phân tích từng từ khóa riêng lẻ như thế nào và bản cập nhật BERT là đỉnh cao của nỗ lực này - nó cho phép Google hiểu thêm nhiều hơn các sắc thái có trong cả truy vấn lẫn kết quả tìm kiếm.

Cách giải quyết: Cuối cùng thì chúng ta cũng đã được chứng kiến ​​ngày mà Google thực sự “trao thưởng” cho những bài viết hay. Hơn bao giờ hết, điều quan trọng là phải phấn đấu để đạt được những bài viết hay và có giá trị. Nó có nghĩa là bạn nên rút gọn đi những từ ngữ rườm rà và áp dụng một cách viết ngắn gọn, súc tích. Bạn cũng nên thực hiện nghiên cứu thực thể khi xây dựng nội dung - bao gồm các thực thể có liên quan để giúp tạo ngữ cảnh cho nội dung của bạn.

* Thực thể (Entity): Thực thể là một sự vật hoặc khái niệm là số ít, mang tính đơn lẻ, duy nhất, được xác định rõ ràng và có thể phân biệt được. Ví dụ, một thực thể có thể là người, địa điểm, vật phẩm, ý tưởng, khái niệm trừu tượng, yếu tố cụ thể,... được biểu thị bằng ngôn ngữ thông qua các danh từ.

8. Cập nhật cốt lõi

Ngày ra mắt: 2017-nay

Cách thức hoạt động: Kể từ năm 2017, Google đã bắt đầu coi các bản cập nhật lớn tự động là một bản cập nhật cốt lõi của nó. Từ đó đến nay, thậm chí người ta còn chẳng rõ những bản cập nhật lớn đó là gì và chúng được ra đời với mục đích cải thiện những phần tìm kiếm nào. Người làm SEO thường theo dõi sự thay đổi xếp hạng sau cập nhật và cố gắng tìm ra chính xác những gì mà Google đã thay đổi, nhưng hiếm khi có một quan sát nào đưa ra được kết luận cụ thể. Nhiều khả năng các bản cập nhật cốt lõi của Google chỉ là những cải tiến trên các bản cập nhật trước đó của Google hoặc có thể là các gói cập nhật nhỏ hơn gắn liền với nhau.

Cách giải quyết: Vì tác dụng của các bản cập nhật cốt lõi của Google thường không được biết đến, nên điều bạn có thể làm là theo dõi lịch sử SERP cho các từ khóa đang nhắm mục tiêu. Sau khi cập nhật xảy ra, bạn có thể kiểm tra xem thứ hạng của đối thủ cạnh tranh nào đã tăng hoặc giảm và đưa ra phỏng đoán xem điều gì đã tác động lên thứ hạng ấy.

Để bắt đầu theo dõi lịch sử SERP,  bạn có thể sử dụng Rank Tracker, trùy cập vào Target Keywords > Rank Tracking > SERP Analytics và nhấp vào Record SERP data. Công cụ sẽ bắt đầu theo dõi 30 vị trí SERP hàng đầu cho mỗi từ khóa.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Marketingland

>> Có thể bạn quan tâm: Bí kíp xây dựng chiến lược SEO cho tìm kiếm bằng giọng nói: Xu hướng và các phương pháp hay nhất
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.