5 chiến lược quảng cáo để tăng mức độ hiển thị trong thế giới không có cookie

09 Thg 10

Việc loại bỏ cookie có thể gây khó khăn với một số doanh nghiệp, tuy nhiên đây không phải một điều quá bất ngờ khi các chính sách bảo mật của người dùng ngày càng được nâng cao. Điều này sẽ mang lại những cơ hội nào cho doanh nghiệp. Chiến lược quảng cáo video và quảng cáo hiển thị nào nên thực hiện khi thời đại cookie sắp kết thúc. Hãy cùng MarketingAi tìm hiểu nhé!

Nguồn: diemmayxanh.com

Hoạt động quảng cáo đang trải qua thời kỳ khó khăn. Người dùng nghi ngờ và không tin tưởng vào quảng cáo, họ cho rằng quảng cáo có thể dẫn đến gian lận hoặc các nhà quảng cáo chỉ hành động vì lợi ích của họ và người tiêu dùng sẽ không nhận được giá trị nào từ những quảng cáo xung quanh nội dung họ truy cập. Người dùng cảm thấy khó chịu khi quảng cáo làm gián đoạn trải nghiệm của họ hoặc cản trở nội dung họ mong muốn.

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi quảng cáo không đến được với khách hàng mục tiêu, không phù hợp với sở thích của người dùng dẫn đến lãng phí thời gian và tiền bạc. Điều này trở nên tốt hơn với cookie, vì chúng ta có thể nhắm mục tiêu tới các phân khúc đối tượng cụ thể thông qua việc theo dõi hành vi người dùng từ đó biết được thời gian, tần suất truy cập trang web hay những sở thích của họ. Vậy nếu cookie bị “khai tử” thì liệu hoạt động của doanh nghiệp có trở lại con số 0?

Mặc dù việc loại bỏ cookie có thể gây nhiều bất tiện tuy nhiên đây cũng có thể là một cơ hội để doanh nghiệp gia tăng mức độ liên quan, làm hài lòng khách hàng và thúc đẩy doanh số bán hàng. Dưới đây là 5 chiến lược bạn nên thực hiện nếu không muốn hoạt động kinh doanh trở nên gián đoạn khi cookie bị "khai tử".

Quảng cáo theo ngữ cảnh

Đây là một chiến lược khá cũ. Quảng cáo theo ngữ cảnh cho phép quét văn bản trên website để tìm ra nội dung chính và trả về thông tin quảng cáo dựa trên từ khóa và các siêu dữ liệu khác có trong nội dung đó.

Nguồn: searchenginejournal.com

Quảng cáo được tạo ra thông qua chiến lược này có sự liên quan tới những gì người dùng đang xem, khuyến khích họ truy cập vào quảng cáo đó. Các cú nhấp chuột này tạo ra doanh thu cho người xuất bản nội dung và tăng lượng truy cập cho nhà quảng cáo khác. Chẳng hạn, khi bạn đang xem trang web có nội dung liên quan đến thời trang, bạn có thể thấy những quảng cáo liên quan đến các công ty khác trong cùng lĩnh vực.

Sử dụng chiến lược này, sẽ làm cho người dùng cảm thấy thoải mái hơn, vì quảng cáo nhắm đúng nội dung mà họ đang tìm kiếm và đem lại cho họ nhiều sự lựa chọn hơn với cùng một nội dung mà họ đang xem. Quảng cáo theo ngữ cảnh hoạt động tốt trong tất cả các giai đoạn của quá trình mua hàng, có thể được sử dụng để tăng mức độ nhận biết thương hiệu, khả năng ghi nhớ và tăng khả năng truy cập của người dùng.

Content sponsorship

Sponsor hiểu một cách đơn giản là hình thức tài trợ, quảng bá trong hoạt động truyền thông và thường được coi như PR. Sponsor không chỉ là việc doanh nghiệp tài trợ cho một sự kiện, MV, phim ảnh để quảng bá hình ảnh mà còn có thể là việc doanh nghiệp chia sẻ các nội dung với nhiều chủ đề khác nhau có ích với người dùng.

Nguồn: tiki.vn

Người dùng luôn hướng đến những thương hiệu không chỉ quan tâm đến lợi nhuận của riêng họ mà còn phải tạo ra giá trị cho cả người dùng, hình thành một mối quan hệ win-win giữa hai bên.

Chẳng hạn, những quảng cáo mang tính cá nhân của P&G đã mang lại nhiều hiệu quả tuyệt vời. Họ tôn vinh vai trò và đóng góp của phụ nữ cho xã hội. Họ nói sự thật, họ khiến mọi người liên tưởng đến nội dung và tạo cho họ niềm tin về thương hiệu.

Xem thêm: Sponsor là gì? Nghệ thuật Sponsorship Marketing mà các nhà quảng cáo cần biết?

Channel collaboration

Channel collaboration hiểu đơn giản là sự tích hợp đa kênh. Tích hợp các kênh đang dần trở nên phổ biến. Khách hàng của bạn thường yêu cầu thực hiện các chiến dịch tích hợp kênh, họ muốn xem cách các kênh hoạt động cùng nhau để hướng tới mục tiêu cuối cùng. Họ thường không thích ngân sách bị phân mảnh, và có quá nhiều kế hoạch truyền thông khác nhau.

Nguồn: itcenter

Khi thực hiện chiến lược này bạn có thể dựa vào sự thành công hay thất bại của kênh đó để áp dụng vào các kênh khác. Ví dụ: đánh giá công cụ tìm kiếm (SEM), tìm kiếm có trả phí hoặc SEO để tìm các từ khóa tốt nhất, sau đó triển khai các từ khóa này trong chiến lược quảng cáo hiển thị và video tùy theo ngữ cảnh của bạn. Hãy sử dụng các từ khóa mà khách hàng của bạn đang sử dụng để mở ra đối tượng mới trong các trang web có liên quan. Bằng cách này bạn có thể nâng cao nhận thức của người dùng một cách tốt nhất.

Xem thêm: 7 chỉ số SEO quan trọng mà mọi Marketer cần phải theo dõi

Xác định mục tiêu dựa trên người dùng

Đây không phải một chiến thuật mới, các nền tảng hiện nay đã và đang thực hiện điều này với nguồn dữ liệu tuyệt vời nhờ cookie. Các dữ liệu này khá chính xác vì chúng dựa trên thông tin mà người dùng cung cấp thông qua các biểu mẫu và hành động của họ trên website.

Nguồn: Blog Kalzen

Đây thực chất là việc nhắm mục tiêu thông qua ID người dùng trên nền tảng tương ứng. Người dùng cung cấp thông tin chi tiết của họ, tạo hồ sơ để có quyền truy cập vào các nền tảng khác nhau hoặc mua hàng trên nhiều trang web. Chiến lược này không chỉ cho phép thương hiệu nhắm mục tiêu chính xác đến người dùng lý tưởng với khả năng nhận dạng thiết bị chéo, sử dụng dữ liệu mà họ cung cấp mà còn giúp người dùng tiếp cận được thông điệp phù hợp nhất và cải thiện tính cá nhân hóa khi sử dụng trang web.

Quảng cáo theo mục tiêu tuần tự

Bạn nhận biết được một thương hiệu nào đó không phải là sự ngẫu nhiên, mà là kết quả của một quá trình quảng cáo liên tục và lâu dài.

Nhắm mục tiêu tuần tự, là một kỹ thuật marketing sử dụng một chuỗi quảng cáo để kể một câu chuyện và thuyết phục khách hàng thay đổi theo thời gian, trên các thiết bị khác nhau. Các quảng cáo được sử dụng để nhắm mục tiêu tuần tự phải có giao diện giống nhau để người tiêu dùng cảm thấy quen thuộc với chúng và cũng gợi nhớ hình ảnh của thương hiệu nhưng phải được phát triển khi chúng ta sử dụng cho các kênh khác.

Chuỗi quảng cáo "ám ảnh" đem lại hiệu quả cực tốt của Điện Máy Xanh (Ảnh: youtube)

Người ta quan sát thấy rằng nhận thức có thể được tăng lên đáng kể thông qua các quảng cáo tuần tự có tác động cao. Ví dụ: nghiên cứu của Google hợp tác với Ipsos về video tuần tự cho thấy mức truy cập lại quảng cáo tăng 74% và ý định mua tăng 30% so với quảng cáo video độc lập. Các tin nhắn tuần tự cũng tạo thêm lượng khách hàng tiềm năng chất lượng cao khi chúng hướng dẫn người dùng đi qua kênh để chuyển đổi.

Chiến thuật tuần tự có hiệu quả cao vì hầu hết người tiêu dùng sử dụng nhiều thiết bị điện tử (smartphone, laptop...) trước khi mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ. Chiến lược này giúp tăng khả năng hiển thị, vì mọi người chú ý đến thương hiệu nhiều hơn khi quảng cáo của thương hiệu đó xuất hiện trên nhiều thiết bị khiến chúng trở nên quen thuộc. Ngoài ra bạn cho phép khán giả tương tác với thương hiệu của mình thông qua nền tảng mà họ lựa chọn và điều này ngăn chặn sự khó chịu của quảng cáo. Không có gì ngạc nhiên khi chiến thuật này cho thấy CTR ngày càng tăng.

Kết

Việc Google chấm dứt thời đại cookie không phải là một điều đáng lo ngại, đó là sự kết thúc của một công nghệ đã hoạt động lâu đời và là sự khởi đầu của một cấu trúc mối quan hệ mới. Đã đến lúc các thương hiệu xây dựng cho mình mối quan hệ trung thực và minh bạch với người tiêu dùng, tạo dựng sự tin tưởng mạnh mẽ hơn của người dùng với quảng cáo.

Lương Hạnh - MarketingAI

Theo Search Engine Watch

>> Có thể bạn quan tâm: Chiến lược giúp thương hiệu khôi phục uy tín và tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội sau COVID-19

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.