Những sai lầm chết người của truyền thông tiếp thị

03 Thg 10

Philip Kotler là cha đẻ của ngành Marketing hiện đại. Ông là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực truyền thông tiếp thị trong thời đại công nghệ mới. Cuốn sách "10 sai lầm chết người trong tiếp thị" của Phillip Kotler đã khơi gợi, đề cập đến các chủ đề thiết yếu mà mọi nhà tiếp thị cần biết. Marketer thường truyền miệng nhau rằng, nếu muốn thành công trong ngành sáng tạo đầy sóng gió này, thì đây là cuốn sách cần phải đọc đầu tiên, để duy trì thương hiệu trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Nếu không muốn mắc phải những sai lầm của truyền thông tiếp thị, hãy cùng MarketingAI tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây. 

(Ảnh: UdineToday)

Những sai lầm chết người của truyền thông tiếp thị

Công ty không nhìn thấu thị trường và không đáp ứng đúng cho khách hàng

Nhu cầu thị trường vô cùng rộng lớn và vô cùng đa dạng. Một thương hiệu không thể phục vụ nhu cầu cho mọi phân khúc khách hàng và mọi ngành hàng. Do đó, thương hiệu cần tập trung nghiên cứu thị trường để định vị được doanh nghiệp cũng như xác định đúng khách hàng mục tiêu để đáp ứng đủ nhu cầu của họ. Cần xác định các phân khúc thật kỹ, lập thứ tự ưu tiên cho chúng, và phải tập trung vào phân khúc quan trọng nhất. Chỉ như vậy, thương hiệu mới gây dựng được niềm tin trong lòng người tiêu dùng và có những chiến lược Marketing đúng đắn để thúc đẩy hành vi mua sắm của họ

Công ty không hiểu đầy đủ về các khách hàng mục tiêu của mình

Thị trường liên tục thay đổi, hành vi của người tiêu dùng theo đó cũng liên tục đổi thay. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững cần phải liên tục lắng nghe thấu hiểu ý kiến người tiêu dùng của mình, để từ đó đưa ra những giải pháp, sản phẩm, dịch vụ thúc đẩy nhu cầu sống của họ. Nếu bạn chỉ cung cấp một sản phẩm lỗi thời, người tiêu dùng sẽ bỏ rơi thương hiệu tìm đến những thứ phục vụ cuộc sống họ tốt hơn. Phillip Kotler đã khuyên thương hiệu phải luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, nếu muốn đạt được thành công nhất định.

Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững cần phải liên tục lắng nghe thấu hiểu ý kiến người tiêu dùng (Ảnh: Behance)

Công ty cần xác định và theo dõi tốt hơn các đối thủ cạnh tranh của mình

Tất cả các doanh nghiệp đều phải đối mặt với cạnh tranh. Ngay cả khi bạn là nhà hàng duy nhất trong thị trấn, bạn cũng phải cạnh tranh với rạp chiếu phim, quán bar và các doanh nghiệp khác, nơi khách hàng của bạn sẽ chi tiêu tiền của họ thay vì với doanh nghiệp của bạn. Với Internet ngày càng phát triển, bạn không còn chỉ cạnh tranh với những thương hiệu xung quanh quốc gia mình, bạn còn cần phải cạnh tranh cùng các thương hiệu khác trên đấu trường quốc tế.

Đối thủ cạnh tranh của bạn có thể là một doanh nghiệp mới cung cấp một sản phẩm thay thế hoặc tương tự sản phẩm của bạn nhưng có những lợi thế cạnh tranh riêng biệt thu hút người tiêu dùng. Để đi trước đối thủ cạnh tranh, bạn cần luôn theo dõi, tìm hiểu về đối thủ cũng như những điểm đặc biệt mà đối thủ có mà bạn vẫn chưa đáp ứng được cho khách hàng. Phillip Kotler có dặn trong cuốn "10 sai lầm chết người trong tiếp thị" của mình một số phương pháp để thương hiệu xây dựng chỗ đứng của mình so với những đối thủ cạnh tranh khác như đàm phán bắt tay hợp tác cùng một vài đối thủ để đánh bại đối thủ lớn hơn, hoặc giảm giá sản phẩm để tăng lợi thế cạnh tranh hơn...

>>> Xem thêm: Các kênh Digital Marketing hoạt động hiệu quả cho ngành thương mại điện tử

Công ty đã không xử lý đúng đắn các mối quan hệ với các đối tác

Quan hệ đối tác trong tiếp thị có thể là một cách quảng cáo thương hiệu miễn phí, để khách hàng thấy được những phẩm chất tốt đẹp của thương hiệu bạn đang gây dựng. Khi đã có được những ấn tượng tốt đẹp, khả năng cao họ sẽ chọn mua mặt hàng hoặc dịch vụ mà bạn đang cung cấp.

Việc hợp tác với đúng công ty trong dự án phù hợp sẽ giúp bạn tiếp cận khách hàng mới và làm sáng tỏ bản sắc thương hiệu của bạn thông qua liên kết - tất cả chỉ dành cho một khoản đầu tư nhỏ. Ngoài ra, bạn cũng cần chăm sóc tốt mối quan hệ với nhân viên, mối quan hệ agency - client, các nhà cung cấp, các nhà phân phối, các nhà đầu tư. Doanh nghiệp cần đảm bảo tư duy công bằng, trao quyền hợp lý và xem tất cả các bên là bạn đồng hành.

Công ty cần xác định và theo dõi tốt hơn các đối thủ cạnh tranh của mình (Ảnh: Startup.co)

Công ty kém cỏi trong việc tìm kiếm cơ hội mới

Phillip Kotler đưa ra lời khuyên với doanh nghiệp nên lắng nghe và khuyến khích mọi người trong công ty đề xuất ý tưởng mới. Cần trao quyền và bày tỏ sự tin tưởng khi cần thiết. Nếu ý tượng nào có thể thực thi thì trao thưởng. Quan sát chuyển biến và xu hướng theo mô hình PESTEL để sáng tạo ý tưởng.

Quy trình lập kế hoạch tiếp thị có khiếm khuyết

Kế hoạch tiếp thị là một tài liệu toàn diện hoặc kế hoạch chi tiết vạch ra nỗ lực quảng cáo kinh doanh cho năm tới. Nó mô tả các hoạt động kinh doanh liên quan đến việc hoàn thành các mục tiêu tiếp thị cụ thể trong một khung thời gian đã định. Một kế hoạch tiếp thị có một cấu trúc chính thức, tuy nhiên cũng có thể rất linh hoạt. Doanh nghiệp cần phân tích tình hình, các yếu tố SWOT, các quy trình tiếp thị, quy trình tài chính để kiểm soát toàn diện.

Trước khi làm kế hoạch mới, hãy tự hỏi bản thân: "Kế hoạch sẽ thay đổi ra sao nếu được tăng thêm 20% ngân sách hay bị cắt giảm 20% ngân sách?"

Các chính sách sản phẩm và dịch vụ cần thắt chặt lại

Doanh nghiệp muốn thành công và phát triển bền vững trên thị trường cần luôn sáng tạo và đổi mới để đem đến những sản phẩm hoặc dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng tiềm năng. Trước khi ra mắt sản phẩm trên thị trường, doanh nghiệp cần khảo sát tìm hiểu và xin phản hồi từ phía khách hàng. Quá trình này cần thực hiện thường xuyên để đem đến kết quả tốt nhất cho thị trường.

Công ty chưa tận dụng tối đa công nghệ

Phần này về tầm quan trọng của Data & Automation. Tiếp thị ngày càng trở thành trận đấu mà trong đó phần thắng sẽ thuộc về bên nào sở hữu nhiều thông tin tốt hơn. Do đó, áp dụng công nghệ thông tin tối đa có thể giảm thiểu sức lao động của con người, tiết kiệm chi phí và đem lại hiệu quả hơn rất nhiều.

Công ty cần tận dụng tối đa công nghệ vào quy trình (Ảnh: Behance)

Các kĩ năng xây dựng thương hiệu và truyền thông yếu kém

Doanh nghiệp cần liên tục đo lường, đánh giá hiệu quả các phương thức truyền thông và công cụ tiếp thị để phân bổ ngân sách hợp lý. Marketer chuyên nghiệp cần có kiến thức tài chính, tính hiệu quả trên vốn đầu tư, KPI, budget cho mỗi chiến dịch cụ thể.

Công ty không được tổ chức tốt để triển khai hoạt động tiếp thị có hiệu suất và hiệu quả

Thương hiệu cần gắn kết phòng Marketing với các phòng khác. Đặc biệt là Marketing và Sales. Khi Marketing lập kế hoạch cần có sự tham gia của Sales, và khi Sales đi gặp khách hàng thì Marketing chịu khó sắp xếp thời gian thường xuyên đi theo để hiểu khách hàng và hiểu cách thức các phòng ban hoạt động hơn

Kết

Nắm vững những yếu tố dẫn đến sự thành bại của công ty như MarketingAI đã nêu trên, bạn có thể sống sót và giữ vững thương hiệu trên chiến trường đầy khốc liệt.

Nguồn: Tổng hợp

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.