Thâm nhập thị trường châu Á bằng cách nhắm vào văn hóa Selfie

24 Thg 04

Muốn thâm nhập thị trường ở châu Á? hãy thử nhắm vào nền văn hoá Selfie. Khẳng định này liệu có chính xác. Chúng ta đều biết Selfie đã từ lâu trở thành một hiện tượng toàn cầu, đến mức được thêm vào từ điển tiếng Anh như là 1 từ mới. Và chẳng có ở đâu mà người ta selfie nhiều như ở Châu Á cả.

Một cuộc khảo sát thị trường của tạp chí Time cho thấy trong 10 quốc gia hay selfie nhất thế giới, có đến 4 nước thuộc châu Á. Sức ảnh hưởng của văn hoá selfie mạnh tới nỗi hai thương hiệu smartphone lớn của châu lục - Huawei của Trung Quốc và Samsung của Hàn Quốc - đã phải đối đầu với nhau trong cuộc chiến xem hãng nào có thể chế ra ống kính phía trước tốt hơn. Bên cạnh đó, Huawei còn tuyên bố chủ quyền với cụm từ “groufie", trong khi Samsung tự nhận là cha đẻ của từ“wefie" (ảnh selfie có mặt nhiều hơn một người).

Ở Trung Quốc, các app làm đẹp cho selfie liên tục được tung ra, và chẳng có gì là lạ khi các chị em đua nhau đăng hình selfie mắt to, da trắng, môi căng mọng. Tại Thái Lan, một người mẫu với cái tên “mortao maotor" đã đăng hơn 16,000 ảnh trên Instagram, mà phần lớn là ảnh selfie (để tiện so sánh, Kim Karrdashian chỉ mới đăng hơn 2,200 ảnh thôi). Một vài xu hướng thú vị khác: ở Nhật Bản, các bạn gái khi chụp hình selfie sẽ nghiêng qua một bên để che bớt khuyết điểm (ở nửa bên khuôn mặt mà họ không ưng ý); hay ở Trung Quốc, đã từng có một cuộc thi kêu gọi phụ nữ chụp selfie với nách đầy lông (?!).

Nhiều người cho rằng văn hoá selfie là kết quả của hiện tượng yêu bản thân quá mức của giới trẻ ngày nay. Bên cạnh đó, văn hoá selfie lan rộng nhờ vào công nghệ tiên tiến của smartphone và vô vàn các công cụ “làm đẹp” trong tích tắc - chỉ cần vài click, bạn đã có thể trắng mịn như Ngọc Trinh. Tại những quốc gia đông dân số trẻ như Trung Quốc, việc thích chụp selfie có thể là ý muốn được nhìn nhận trong xã hội, khi mà có quá nhiều cá nhân chen chúc nhau và quá dễ chìm lẫn vào đám đông.

Một quan sát xã hội thú vị khác cho biết: “Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, rất hay chụp selfie với các thương hiệu mà họ yêu thích,” trích lời Carter Chow, giám đốc của agency McCann ở Thượng Hải.

Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều thương hiệu nhắm đến văn hóa selfie để quảng bá hình ảnh và thâm nhập thị trường châu Á. Hãy cùng Quảng Cáo Ký Sự điểm lại vài chiến dịch thú vị trong khu vực châu Á xoay xung quanh phong trào selfie:

Because You Can (Jetstar)

Không còn lạ lẫm gì đối với khách du lịch châu Á, Jetstar thường xuyên tung ra các chiến dịch thú vị để quảng bá nhiều đường bay giá rẻ của hãng. Ai đi du lịch mà chẳng chụp selfie ở một góc nào đó nơi họ viếng thăm? Bởi thế, Jetstar đã tạo nên chiến dịch Because You Can xoay xung quanh việc chụp selfie. 

  (Nguồn: Internet)

Pocket Magic App (Sofy)

Một hãng băng vệ sinh mà lại sử dụng công nghệ và selfie để quảng bá thương hiệu và thâm nhập thị trường? Sofy của thị trường Trung Quốc đã thành công áp dụng công nghệ tương tác thực tế (augmented reality) để tạo ra app chụp selfie cực kì dễ thương và ấn tượng.

Selfie Mania (Huawei Honor 3C)

Vì ngân sách tương đối nhỏ, Huawei đã cố ý tạo ra một chiến dịch có thể thực hiện dễ dàng nhưng mang tính viral (dễ lan truyền) cao để có thể thâm nhập sâu vào thị trường. Chiến dịch Honor 3C của thương hiệu Huawei tại Thái Lan đầy hài hước, và thậm chí ''xỉa xói'' vào việc nghiện selfie của mọi người. 

Các cung hoàng đạo chụp selfie như thế nào? (Lenovo S850)

Hãng smartphone nổi bật ở Trung Quốc đã tạo nên một sê-ri quảng cáo rất phá cách để quảng bá và thâm nhập thị trường: Các cung hoàng đạo chụp selfie như thế nào? Bên cạnh việc quảng bá chiếc điện thoại S850 với ống kính trước mạnh mẽ phù hợp cho “công cuộc” selfie, chiến dịch này cũng nhắm đến một thói quen khác của các chị em: xem tử vi! Đúng là một mũi tên trúng 2 đích!

Có thể nói, việc nhắm vào văn hóa Selfie chính là chiến lược thương hiệu khôn ngoan của các doanh nghiệp khi muốn thâm nhập thị trường châu Á. 

Theo Quảng cáo Ký sự

MarketingAI - Admicro

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.