Khi người tiêu dùng muốn trở thành "người hùng" cho xã hội

06 Thg 02

Với mọi chiến lược Marketing, đối tượng mà doanh nghiệp muốn hướng tới đều là người tiêu dùng bởi lẽ đó là những người sẽ mua sản phẩm, tạo ra doanh thu cho họ. Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng xu hướng tiêu dùng của khách hàng đang thay đổi. Điều này sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tới doanh nghiệp, nhất là với thế hệ Millennials - nhóm khách hàng chủ yếu trong thời điểm hiện tại. Đã có những bài viết với tiêu đề như: “Sự biến mất của bánh xà phòng là do ảnh hưởng của thế hệ Millennials” hay là “Cách thế hệ Millennials đã làm Mayonnaise tuyệt chủng”. Dĩ nhiên nó chỉ là những tiêu đề giật gân, nhằm thu hút sự chú ý của người đọc. Tuy nhiên nó không hoàn toàn vô nghĩa, vẫn có một phần nó phản ánh chính xác sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng hiện nay.

(Nguồn: Medium.com)

Sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng ở đây không nằm ở cách họ đưa ra quyết định. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thế hệ người tiêu dùng hiện nay đang đưa ra những quyết định mua hàng theo chủ ý, tuy nhiên điều này cũng tương tự với những thế hệ trước. Việc một khách hàng đưa ra lựa chọn mua sản phẩm, đồng nghĩa rằng thương hiệu hoặc sản phẩm đó đủ hấp dẫn để thu hút được sự quan tâm. Chính vì vậy, yếu tố thay đổi không nằm ở đó mà nó nằm ở việc cách khách hàng định nghĩa giá trị nào quan trọng với họ, cách họ nhìn nhận một sản phẩm như nào là đủ hấp dẫn. 

Mua hàng có mục đích

Mới đây, một doanh nghiệp về tư vấn bền vững tên Futerra vừa thực hiện một cuộc khảo sát trên quy mô 1000 người tiêu dùng tại Mỹ và Anh. Mục đích là để tìm hiểu xem liệu người tiêu dùng suy nghĩ như nào về những vấn đề của toàn cầu. Câu hỏi được đặt ra là: “Bạn có nghĩ rằng những hành động cá nhân như quyên góp, tái chế sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể cho thế giới hay không?” Kết quả cho thấy có tới 96% ứng viên tham gia trả lời có cho câu hỏi trên ngay lập tức. Vậy ý nghĩ từ cuộc khảo sát này là gì? Đó chính là tìm ra yếu tố mà người tiêu dùng trong thời đại ngày nay đang quan tâm đến. Những doanh nghiệp phát triển bền vững đang sở hữu rất nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai. Vậy có thể kết luận rằng, khi khách hàng nhận thấy yếu tố mang lại giá trị tích cực cho xã hội từ phía doanh nghiệp, họ sẽ có xu hướng quan tâm đến sản phẩm đó nhiều hơn. 

Giúp khách hàng sống đúng giá trị của bản thân

Sau khi biết được yếu tố bền vững, mang lại những thay đổi tích cực cho thế giới được người tiêu dùng quan tâm. Doanh nghiệp cần lưu ý rằng đừng quá tập trung vào việc quảng bá duy nhất những giá trị này, bởi lẽ xét về lâu dài chúng sẽ không đạt được hiệu quả cao. Có thể hiểu, nếu doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc quảng bá, truyền tải giá trị của bản thân thì bản thân người tiêu dùng sẽ không trực tiếp được hưởng bất kỳ giá trị nào. Khách hàng đầu tư tiền của họ vào các thương hiệu hướng đến mục đích cùng nhau tạo ra sự thay đổi, thay vì chỉ đứng ngoài nhìn. Khách hàng muốn bản thân là anh hùng, họ muốn đóng góp giá trị cho xã hội và nó sẽ thể hiện thông qua việc đầu tư tiền vào sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần vạch ra, chỉ rõ cho khách hàng thấy được việc sau khi mua và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp thì sẽ tạo ra tác động như nào tới xã hội.

Ví dụ về thương hiệu đã áp dụng thành công

Chính sự thay đổi trong tâm lý và hành vi người tiêu dùng đã thôi thúc doanh nghiệp phải thay đổi cách tiếp cận của họ. Trong số đó, The Body Shop là thương hiệu đã thành công trong việc thể hiện cho khách hàng thấy được giá trị của bản thân. Công ty được thành lập với sứ mệnh trao quyền cho các nhà cung cấp quy mô nhỏ trên toàn cầu, nhằm thúc đẩy và phát triển sự bền vững. Với nỗ lực theo đuổi mô hình doanh nghiệp xã hội, The Body Shop nổi tiếng với các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc da sử dụng nguyên liệu thiên nhiênthân thiện với môi trường, cam kết phúc lợi động vật, tôn trọng nhân quyền và đạo đức thương mại. Thông qua phương pháp kể chuyện (Storytelling), The Body Shop đã khéo léo dẫn dắt khách hàng tham gia, trở thành một phần của sứ mệnh này. Từ đó tạo cho khách hàng cảm giác bản thân mỗi người đã và đang tạo ra những giá trị có ích cho xã hội.

(Nguồn: Slideshare)

Một thương hiệu khác cũng đã thành công trong việc áp dụng điều này chính là Patagonia. Từ trước, Patagonia vẫn là thương hiệu nổi tiếng trong việc áp dụng Marketing có mục đích để tạo ra khách hàng tiềm năng. Mới đây, công ty vừa đưa ra thông báo sẽ rao bán những áo khoác có chứa logo của họ cho các doanh nghiệp khác, với điều kiện họ phải cùng chia sẻ sứ mệnh về trách nhiệm. Đây là một minh chứng tuyệt vời về việc doanh nghiệp tự quảng bá về sứ mệnh phát triển bền vững, đồng thời vừa tạo cho khách hàng cảm giác “tự hào” khi cho họ thấy được việc mua, sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp là đang góp phần mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội.

(Nguồn: Boing)

Có những thương hiệu lựa chọn cách kể chuyện để gắn kết được giá trị mà khách hàng có thể tạo ra, điển hình như The Body Shop và Patagonia. Có những thương hiệu khác lại lựa chọn cách tiếp cận có phần trực diện hơn, giống như Bridgewater Candles. Thương hiệu này đã hợp tác với tổ chức từ thiện có tên Rice Bowls, tạo ra chiến dịch “Light a Candle - Feed a Child” nhằm mục đích quyên góp, cung cấp bữa ăn cho những trẻ em mồ côi. Có thể hiểu thông điệp của chiến dịch chính là: Mỗi khi khách hàng mua những cây nến đồng nghĩa rằng họ đang chung tay cung cấp ba bữa ăn cho mỗi trẻ em hàng ngày. Để tăng sự tin tưởng với khách hàng, thương hiệu đã tạo một bộ đếm trên trang web của mình, thể hiện số bữa ăn mà chiến dịch này đã mang lại. 

(Nguồn: ActiveRain)

Tạm kết

Marketing có mục đích được xem là một chiến lược hiệu quả cho doanh nghiệp, tuy nhiên để thực hiện được nó một cách chính xác không phải chuyện đơn giản. Bởi lẽ doanh nghiệp cần hiểu rằng, yếu tố quan trọng của Marketing có chủ đích là phải “tôn vinh” được khách hàng của mình, khiến họ thấy bản thân quan trọng. Hiểu nôm na là, khách hàng cần thấy được bản thân mình sẽ đóng góp được giá trị tích cực cho xã hội và họ sẽ làm được điều đó thông qua sản phẩm của doanh nghiệp. Đó chính là mua hàng có chủ đích như những ví dụ đã liệt kê ở trên. Trong đó, kể chuyện (storytelling) hoặc đưa ra những bằng chứng, thành tựu đã đạt được là những cách phổ biến để doanh nghiệp tiếp cận và tương tác với khách hàng. Mục đích cuối cùng vẫn là việc đáp ứng được nhu cầu “trở thành người có ích”, đóng góp được giá trị tích cực cho xã hội của phía khách hàng.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Blog Marketo

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.