Hàng loạt thương hiệu lớn của Mỹ đệ đơn xin phá sản sau chuỗi ngày bị ảnh hưởng bởi COVID-19

07 Thg 07

Hàng loạt tên tuổi lớn của Mỹ như Pizza Hut, J.Crew,... đang có nguy cơ lặp lại lịch sử phá sản của Sears, Blockbuster và RadioShack. Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh tốc độ phá sản của các công ty đang rơi vào rắc rối trầm trọng tại thị trường Mỹ, khi người dân nơi đây đều đang phải ở nhà trong bối cảnh giãn cách xã hội và các hoạt động kinh tế đều bị ngưng lại. Các công ty dịch vụ khoan dầu khí như Whiting Oil và Diamond Offshore đã nộp đơn xin phá sản vào cuối tháng 4, trong khi đó J.Crew đã trở thành nhà bán lẻ lớn đầu tiên của Mỹ làm điều tương tự vào ngày 4 tháng 5.

(Nguồn: The Business Journals)

Scott Williams, một luật sư phụ trách mảng phá sản tại công ty luật RumbergerKirk cho biết, “không ít thương hiệu bán lẻ lớn đã che giấu sự thật về việc họ đang đối mặt với những khó khăn vì dịch COVID-19. Nhưng nếu bạn để ý, thì đã không hề có một sự tăng trưởng mạnh mẽ nào trong 45 ngày qua.” 

Phá sản không phải là bản án tử hình. Các công ty nộp đơn bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản của Mỹ với mục đích đàm phán với các chủ nợ để cơ cấu lại các điều khoản nợ. (Những người nộp theo Chương 7 thường sẽ thanh lý tài sản của con nợ cũng như thanh toán hầu hết các khoản nợ, và kết quả là con nợ thường được giúp thoát khỏi hầu hết các khoản nợ.) Ví dụ như General Motors (một hãng sản xuất ô tô tại Hoa Kỳ) đã mất khả năng thanh toán trong cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra năm 2009 (tức là bất động sản của con nợ không đủ trả cho các chủ nợ, mà chỉ đủ để thanh lý tài sản cho khách tiêu dùng cá nhân), nhưng đã sớm lấy lại vị thế và khả năng sinh lời với tư cách là nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ sau đó. Tương tự, 2 hãng hàng không Hoa Kỳ là United và American Airlines cũng đã phải chịu đựng sự phá sản và tái cơ cấu trong suốt 2 thập kỷ qua.

Dưới đây là những công ty lớn với quy mô ít nhất là 500 nhân viên đã nộp đơn xin phá sản vào năm 2020. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến một số công ty mới nhất tuyên bố nộp đơn phá sản:

NPC International Inc., thương hiệu nhượng quyền lớn nhất của các nhà hàng Pizza Hut ở Mỹ, đã nộp đơn xin phá sản sau thời gian dài ngừng hoạt động liên quan tới Covid-19. NPC International cho biết trong một tuyên bố gần đây, rằng họ đã ký kết một thỏa thuận tái cơ cấu với các bên cho vay để giảm thiểu đáng kể khoản nợ dài hạn của NPC và củng cố cơ cấu vốn của công ty.

Theo Bloomberg, công ty hiện đang phải chịu khoản nợ lên đến 903 triệu đô la và đã thực hiện đàm phán trước một thỏa thuận tái cấu trúc với khoảng 90% người cho vay thế chấp đầu tiên và 17% người cho vay thế chấp thứ hai. Kế hoạch này nhằm mục đích giảm thiểu khoản nợ cho công ty, với những người cho vay đầu tiên sẽ có quyền nắm giữ vốn chủ sở hữu và có khả năng tham gia vào một đợt đầu tư mới. Đồng thời, họ cũng có quyền bán ít nhất một phần cổ phiếu của công ty.

Jon Weber, giám đốc điều hành đồng thời là chủ tịch phụ trách của Pizza Hut tại NPC, cho biết trong tuyên bố rằng, chi phí hàng hóa tăng và mức độ đòn bẩy tài chính cao hơn chính là những thách thức cho các nhà lãnh đạo của chuỗi nhà hàng này. Hiện NPC sở hữu 1.225 nhà hàng Pizza Hut, 385 nhà hàng của Wendy, với 7.500 nhân viên full-time, và 28.500 nhân viên part-time, hoạt động tại 30 tiểu bang và Quận Columbia. Công ty cho biết, họ vẫn sẽ tiếp tục duy trì mở cửa đối với các địa điểm trên và trả lương cho nhân viên.

(Nguồn: Nation''s Restaurant News)

Cũng trong một tuyên bố mới đây, Pizza Hut cho biết họ hy vọng việc tái cấu trúc sẽ giúp các nhà hàng Pizza Hut của NPC có được động lực phát triển tương tự như những gì chúng ta đang thấy trong suốt quá trình kinh doanh của Pizza Hut Hoa Kỳ vào tháng 5 vừa qua. Cụ thể, Pizza Hut đã đạt được tuần giao hàng với mật độ cao nhất và doanh số trung bình thu về cũng đạt con số cao nhất trong suốt 8 năm qua.

24 Hour Fitness đã nộp đơn vào ngày 15 tháng 6 và tuyên bố rằng họ sẽ đóng cửa vĩnh viễn hơn 100 trong số khoảng 400 phòng tập của mình, với lý do tác động không cân xứng của đại dịch COVID-19 lên ngành fitness.

Advantage Rent A Car đã nộp đơn vào ngày 26 tháng 5 , bốn ngày sau khi đối thủ cạnh tranh Hertz có động thái tương tự.

Công ty dược phẩm Akorn có trụ sở tại Illinois đã nộp đơn vào ngày 20 tháng 5 - hai năm sau khi Fresenius (một công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu chuyên về thuốc cứu sinh và công nghệ truyền, truyền máu và dinh dưỡng lâm sàng) rút lui khỏi kế hoạch tiếp quản trị giá 4,3 tỷ đô la đối với các vấn đề kiểm soát chất lượng.

Aldo Group, nhà bán lẻ giày hàng đầu thế giới được ra đời tại thành phố Montreal, Canada, sở hữu khoảng 3.000 cửa hàng ở hơn 100 quốc gia, nộp đơn vào ngày 07 tháng năm do phải chịu quá nhiều áp lực từ việc các cửa hàng buộc đóng cửa do dịch.

American Addiction Centers, công ty dịch vụ và cơ sở chăm sóc sức khỏe được giao dịch công khai đầu tiên tại Mỹ, giúp điều trị việc lạm dụng các chất gây nghiện và hành vi gây nghiện, đã nộp đơn vào ngày 20 tháng Sáu.

APC Automotive - 1 công ty đã hỗ trợ bằng vốn tư nhân đã nộp đơn vào ngày 3 tháng Sáu. Nhu cầu về phụ tùng ô tô đã giảm trong đại dịch và thuế nhập khẩu đối với kim loại cũng đã ảnh hưởng đến lãi suất rất nhiều.

Apex Parks Group đã phải đóng cửa 12 trung tâm giải trí và công viên nước do đại dịch, đã nộp đơn xin tái tổ chức theo Chương 11 của bộ Luật Phá sản Mỹ vào ngày 8 tháng 4.

Art Van Furniture, một nhà bán lẻ đồ nội thất tại Mỹ với hơn 176 cửa hàng trên toàn thế giới đã nộp đơn vào ngày 8 tháng 3. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên tồi tệ hơn, công ty này đã thay đổi quyết định nộp đơn theo Chương 7 của Bộ Luật Phá sản Mỹ vào đầu tháng Tư (trước đó Art Van Furniture nộp đơn theo điều khoản của Chương 11).

Avianca, một trong những hãng hàng không lớn nhất của Mỹ Latinh và lâu đời thứ 2 thế giới, phục vụ tới hơn 30 triệu hành khách vào năm 2019, đã nộp đơn vào ngày 10 tháng 5 khi tất cả các chuyến bay chở khách của họ đã dừng hoạt động kể từ giữa tháng 3 do Covid-19.

(Nguồn: doanhnhan)

Bar Louie, một chuỗi nhà hàng và quán bar được thành lập vào năm 1990 đã nộp đơn vào ngày 27 tháng 1 sau khi đóng cửa 38 cơ sở. Số cơ sở đang hoạt động chỉ còn dưới 100.

Bluestem Brands, tập đoàn sở hữu bảy thương hiệu bán lẻ trong ngành thương mại điện tử, đã nộp đơn vào ngày 9 tháng 3.

Borden Dairy tiếp bước đối thủ cạnh tranh Dean Foods đã phá sản vào ngày 5 tháng 1, nhằm giảm tải các khoản nợ trong khi vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Centric Brands, một nhà sản xuất thời trang chuyên cấp phép sản xuất cho các thương hiệu thiết kế như Calvin Klein và Tommy Hilfiger, đã nộp đơn vào ngày 18 tháng 5. Động thái này của thương hiệu được coi là nhằm mục đích giảm khoản nợ 700 triệu đô la và tiếp tục hoạt động bình thường.

Chesapeake Energy, công ty tiên phong trong lĩnh vực fracking (thủy lực cắt phá) trong ngành dầu khí, đã nộp đơn vào ngày 28 tháng 6 để xóa đi khoản nợ khoảng 7 tỷ đô la. Vốn hóa thị trường của Chesapeake đã vượt quá 30 tỷ đô la trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 diễn ra dưới sự lãnh đạo của nhà đồng sáng lập, nhà tỷ phú tự do luôn nổi lên với những tranh cãi xung quanh - Aubrey McClendon.

CEC Entertainment, công ty mẹ của thương hiệu Chuck E. Cheese, đã nộp đơn vào ngày 24 tháng Sáu. Trung tâm giải trí gia đình vốn thu hút rất nhiều trẻ em đã gặp khó khăn với mô hình kinh doanh pizza mang đi, mặc dù 266 cơ sở Pizza Chuck E. Cheese và Peter Piper do công ty điều hành đã mở cửa trở lại.

J.Crew là thương hiệu bán lẻ lớn đầu tiên của Mỹ phải hứng chịu hậu quả từ đại dịch. Theo đó, công ty này đã nộp đơn vào ngày 4 tháng 5 để chuyển khoảng 1,7 tỷ đô la nợ thành vốn chủ sở hữu. Họ vẫn có kế hoạch mở lại 181 cửa hàng J.Crew, 170 cửa hàng nhà máy và 140 cửa hàng cho nhãn hiệu quần áo phụ nữ Madewell sau khi các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ.

(Nguồn: Internet)

Cirque du Soleil, một công ty có trụ sở tại Montreal và nổi tiếng với các hoạt động xiếc trên tại Las Vegas Strip, đã nộp đơn vào ngày 29 tháng 6 và tuyên bố họ đã sa thải 3,480 công nhân khi đại dịch đã buộc họ phải ngừng biểu diễn.

Nhà sản xuất pin công nghiệp Exide Technologies có trụ sở tại Georgia với hơn 8.000 nhân viên tại 80 quốc gia, đã nộp đơn vào ngày 22 tháng 5 và đồng ý bán các doanh nghiệp của mình ở châu Âu và châu Á.

Thương hiệu bán lẻ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe GNC đã nộp đơn vào ngày 23 tháng 6 và tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc đóng cửa 800-1.200 cửa hàng trong số 7.300 cửa hàng trên toàn cầu của chuỗi.

Trên đây là các công ty mới đây nhất đã tuyên bố nộp đơn phá sản lên Bộ Luật Phá sản Mỹ, bạn có thể xem thêm danh sách đầy đủ tại đây.

Ngoài các công ty trên, hàng loạt thương hiệu lớn trên thế giới như Victoria Secret’s, Zara, Gucci, Chanel, Starbucks, v.v… cũng đang phải lao đao trước tình cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có khả năng bùng phát trở lại trên toàn cầu. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và vị thế vững vàng đã duy trì suốt nhiều năm liền, các thương hiệu này đều đang lên kế hoạch cho việc cắt giảm chi phí mặt bằng để đầu tư vào kinh doanh trực tuyến, hoặc lên kế hoạch mở cửa một loạt cửa hàng mới trong thời gian sắp tới.

Hi vọng rằng các nước sẽ nhanh chóng tìm ra phương án khống chế dịch bệnh thành công. Đồng thời, các thương hiệu cũng sẽ sớm tìm ra được đường đi trong tình cảnh khó khăn hiện nay. Bởi, trước việc nhiều thương hiệu bán lẻ từ ngành Thời trang đến F&B bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch, Việt Nam - quốc gia đã khống chế dịch bệnh thành công trong suốt hơn 2 tháng qua vẫn không thể yên tâm nổi, khi kinh tế nước ta, đặc biệt là ngành thời trang phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động xuất khẩu. Ngành dệt may Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ đô trong năm 2019 hiện đang phải điêu đứng khi hàng loạt công ty cắt giảm nhân viên do không có đơn hàng. Chưa kể, những ngành như xuất khẩu nông lâm thủy hải sản, ngành du lịch, hàng không,vv… vẫn đang phải đau đầu trong việc giải quyết bài toán “đi qua nghịch cảnh” thành công.

>> Xem thêm: Starbucks lên kế hoạch tái mở một số cửa hàng

Trường hợp của các công ty như Pizza Hut, J.Crew,v .v... dù không phải là sự sụp đổ hoàn toàn, nhưng cũng là hồi chuông cảnh báo để các doanh nghiệp phải đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và tìm ra hướng đi mới hiệu quả khi thị trường tiếp tục diễn biến khó lường và không thể dự báo được trước.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Forbes

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.