Facebook ra mắt "Venue" - ứng dụng đẩy mạnh tương tác trực tuyến mới

05 Thg 06

Nhóm nghiên cứu và phát triển nội bộ của Facebook (NPE Team) mới đây đã cho ra mắt "Venue" - ứng dụng thứ 8, đồng thời là ứng dụng thứ 3 trong tuần này. Công cụ này nằm trong những nỗ lực gia tăng tương tác tiềm năng cho lượng xem video trực tiếp trong thời gian thực trên ứng dụng này. 

Facebook cho biết: “Mặc dù thu hút một lượng người xem khổng lồ, nhưng các chương trình phát sóng trực tiếp trên Facebook vẫn chủ yếu chỉ mang lại các trải nghiệm cá nhân. Chính vì thế, những fans hâm mộ cuồng nhiệt vẫn luôn không ngừng tìm cách tương tác tốt hơn với những chuyên gia có mặt trong các sự kiện mà họ yêu thích cũng như các fans hâm mộ khác. Ứng dụng mới Venue sẽ mang đến cho người hâm mộ trải nghiệm tương tác trên màn hình thứ hai, tập trung vào những khoảnh khắc quan trọng của sự kiện đó"

Cách thức hoạt động của ứng dụng này được miêu tả như sau: Đối với mỗi sự kiện phát trực tiếp - ví dụ như giải đua xe NASCAR mới nhất của Mỹ năm 2020 - Facebook sẽ cung cấp các vai trò khác nhau để bạn có thể chọn, từ nhà báo, vận động viên hay người hâm mộ, mỗi nhân vật sẽ sở hữu một “Venue” (địa điểm) riêng. “Venue” đó sẽ đóng vai trò là một trung tâm - nơi người dùng có thể kết nối với suy nghĩ và “insights” của từng người bình luận (bạn có thể xem ví dụ về giao diện của ứng dụng Venue này trong ảnh chụp ở trên).

Trong thời gian diễn ra cuộc đua, họ sẽ đưa ra những bình luận, đặt câu hỏi và các cuộc thăm dò tương tác, đồng thời có thể tạo các cuộc trò chuyện ngắn, xoay quanh những khoảnh khắc nổi bật trong cuộc đua". Các nhân vật được chọn cũng sẽ có thể tạo ra những “Khoảnh khắc” cho chính dòng sự kiện của họ, tập trung vào những sự kiện cụ thể: “Người hâm mộ sẽ nhận được thông báo nếu có một khoảnh khắc mới được tạo ra, sau đó họ có thể nhảy vào hoặc thoát ra khỏi bất cứ “Venue” nào nếu họ muốn.”

Ý tưởng mà Facebook đặt ra ở đây là bằng cách đưa ra những thông báo liên quan đến các khoảnh khắc trong sự kiện, người hâm mộ vừa có thể theo dõi trực tiếp sự kiện như bình thường, vừa có thể đăng ký tham gia một cuộc thảo luận xoay quanh sự kiện, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho trải nghiệm trên màn hình thứ hai.

Theo nghiên cứu trước đây của Facebook, màn hình thứ hai đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong các sự kiện tương tác thể thao - khoảng 94% người dân hiện đều có thói quen cầm smartphone trong khi xem các chương trình truyền hình trên TV. Các mạng xã hội cũng đã nỗ lực trong nhiều năm liền để tìm ra cách khai thác tốt hơn trong thói quen sử dụng này của người dùng, nhưng cho đến nay, không ai có thể tìm ra công thức đúng để tạo ra sự cân bằng tốt hơn giữa việc xem trực tiếp trên TV với việc tương tác với mạng xã hội.

Facebook thực sự đã cố gắng cải thiện khả năng tương tác với chương trình thể thao trong thời gian thực trở lại vào năm 2016 - với một tùy chọn có tên là “Sports Stadium'' trong ứng dụng chính của mình. Sports Stadium cung cấp một trung tâm cho từng sự kiện thể thao đến từ một loạt các giải đấu và cuộc thi, cho phép người dùng theo dõi và tham gia thảo luận xung quanh mỗi sự kiện.

Đây là nỗ lực nhằm “cướp” đi tương tác của Twitter - trong bối cảnh mặc dù Facebook sở hữu nhiều người dùng hơn, nhưng Twitter lại trở thành người bạn đồng hành chính của mọi người trong các sự kiện trực tiếp, bao gồm cả thể thao, do khả năng truyền tải trực tiếp trong thời gian thực vô cùng nhanh chóng của nền tảng này.

Nhưng ngay cả Twitter cũng không thể tối đa hóa sự tương tác của người dùng với các chương trình như thế này. Trong một nỗ lực trước đây, khi nhận thấy nhiều người có xu hướng thích bàn luận về các sự kiện trực tiếp hơn, bao gồm cả thể thao, Twitter đã cố gắng phát sóng nhiều chương trình thể thao trực tiếp hơn, với mong muốn là kết hợp hai yếu tố thành một nền tảng duy nhất (các sự kiện trực tiếp và Twitter). Tuy nhiên, mặc dù đạt được thỏa thuận phát sóng với cả NFL (Giải Bóng bầu dục Mỹ) và MLB (Liên đoàn bóng chày Mỹ), nhưng Twitter đã không thể đưa ra một định dạng phát sóng lý tưởng hơn nhằm hợp nhất các chương trình phát sóng trực tiếp với tweet, trong khi nhiều người hâm mộ thích tham gia thảo luận theo thời gian thực và nhìn thấy các tweet trên màn hình song song với sự kiện chính.

Nhưng có lẽ ứng dụng “Venue” của Facebook sẽ làm được điều này - có thể, với việc cung cấp một loạt các insight từ các nhà bình luận khác nhau, từ các góc nhìn khác nhau. “Venue” sẽ đem đến cho bạn một người bạn đồng hành tốt hơn để cùng nhau theo dõi các sự kiện trực tiếp, đồng thời Facebook cũng thừa nhận rằng không phải người dùng nào cũng muốn xem sự kiện và tương tác với các nội dung trên mạng xã hội trên cùng một màn hình.

Vậy ứng dụng này có thể mang đến một cách tiếp cận mới hơn giúp Facebook tăng tương tác với các sự kiện trực tiếp hay không?

Chắc chắn, đây sẽ là khoảng thời gian thích hợp để thử nghiệm điều này. Mặc dù hầu hết các môn thể thao đều đang bị gián đoạn (Facebook đã hợp tác với NASCAR trong lần ra mắt ứng dụng “Venue” này nhằm chuẩn bị cho sự quay trở lại của một trong những môn thể thao đầu tiên sau đại dịch), lượt xem trực tiếp đã tăng 50% trong thời gian qua. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người dùng chú ý hơn đến một số môn thể thao có sẵn và thậm chí nhiều môn thể thao cũng đang được chuẩn bị để sớm quay trở lại, việc tạo ra một cách xem mới như vậy có thể giúp phát hiện ra các hành vi mới trong cách xem của người dùng, đồng thời đem đến một yếu tố mới lạ cho trải nghiệm của họ.

Với việc sở hữu các bình luận viên thay thế phù hợp, cũng như phần định dạng và thông báo được thiết kế đúng theo nhu cầu người dùng, nhiều khả năng “Venue” sẽ thực sự trở thành một ứng dụng đồng hành tuyệt vời, giúp cho Facebook cuối cùng cũng có thể đạt được khả năng tương tác với các sự kiện trực tiếp. Các sự kiện này cũng có thể được mở rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ buổi hòa nhạc, lễ hội hay các sự kiện tin tức,vv…

Tất nhiên, chúng ta còn phải chờ xem ứng dụng này sẽ được hoạt động như thế nào - nhưng điều rõ ràng rằng Facebook đang tấn công vào hầu hết các thị trường tiềm năng và đang là xu hướng trên thế giới hiện nay, đồng thời tìm được cơ hội khai thác nhờ vào nhóm nghiên cứu thử nghiệm NPE của mình.

Như đã nhắc đến ở phần đầu bài viết, đây là ứng dụng thứ 8 đến từ những nỗ lực của nhóm “Thử nghiệm sản phẩm mới” của Facebook trong suốt 6 tháng qua, tập trung vào những cách tiếp cận tích cực hơn nhằm gia tăng cạnh tranh với các đối thủ tiềm năng. Trong quá khứ, Facebook đã luôn phải “để mắt” tới tốc độ phát triển nhanh chóng của các ứng dụng như Snapchat, Houseparty và TikTok. “Gã khổng lồ” này cũng luôn phải theo dõi các xu hướng sử dụng đang gia tăng này ở một mức độ nào đó, nhằm kìm hãm các đối thủ trước khi họ có thể “thống trị” thị trường - thay vì chỉ đi “copy” các tính năng của các mạng xã hội khác.

Kết cục của hầu hết các ứng dụng mới đều thất bại - nhưng Facebook chỉ cần ra mắt ứng dụng để bắt kịp xu hướng đồng thời ngăn chặn ý định đang trỗi dậy của các đối thủ tiềm năng. Ví dụ, nếu Facebook cho ra mắt Instagram Stories trước khi Snapchat nhìn nhận được tiềm năng chiếm lĩnh đáng kể của thị trường này, thì có khả năng Snapchat sẽ không bao giờ có cơ hội. Hay như việc nếu Facebook cho ra mắt tính năng xem chung video trước khi Houseparty đạt được một triệu người dùng đầu tiên, thì có lẽ nền tảng này sẽ thống trị được xu hướng đó.

Vì vậy, mặc dù các ứng dụng mới ra mắt được cho là khá phù hợp với thị trường, thì đây mới là điểm cốt lõi mà Facebook đang hướng đến - nền tảng này đang muốn tìm kiếm các xu hướng tiếp theo, các hành vi thích hợp tiếp theo sẽ thực sự dẫn đến một thay đổi lớn khác trên thị trường, trước khi bất kỳ ai có thể “nẫng tay trên”.

Tạm kết

Và với quy mô tầm cỡ của Facebook, nhiều khả năng đây sẽ là đơn vị duy nhất có đủ tiềm lực để phát hành các ứng dụng mới với tốc độ nhanh như vậy. Điều đó sẽ khiến những đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường sẽ ngày càng khó khăn hơn để đánh bại nó. Bạn có thể tải xuống và trải nghiệm thử ứng dụng “Venue” trên iOS và Android ngay bây giờ.

Tô Linh - MarketingAI

Theo SocialmediaToday

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.