Đừng bỏ lỡ 17 công cụ marketing hữu ích đến từ Google

18 Thg 09

Với 3.5 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày, Google hiện đang là công cụ tìm kiếm hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, đây không chỉ là một công cụ tìm kiếm đơn thuần, “sức mạnh” của Google còn nhiều hơn thế. Trên thực tế, có rất nhiều công cụ kinh doanh đến từ “gã khổng lồ công nghệ” Google, qua góc nhìn của các marketer, những công cụ này có giá trị và vai trò tương đối quan trọng.

Trong bài viết dưới đây, Marketing AI sẽ gửi tới bạn đọc danh sách các công cụ marketing từ Google, giúp doanh nghiệp khai thác tối đa các giá trị mà Google cung cấp.

1. Google My Business

Doanh nghiệp có thể quảng bá miễn phí trên Google nếu marketer biết khai thác và tận dụng những công cụ mà Google cung cấp.

Trước tiên, marketer cần xác nhận danh sách Google My Business (trước đây là Google Places). Doanh nghiệp có thể xuất hiện trong kết quả tìm kiếm (tương tự như trong Google Maps) cho các tìm kiếm địa phương như hình ảnh dưới đây. Phần khoanh đỏ trong ảnh là kết quả địa phương của Google My Business cho tìm kiếm từ khóa “mexican restaurant, boston” (nhà hàng mexican, boston).

Khác với Google AdWords, không có doanh nghiệp địa phương nào trong ô đỏ trên phải trả phí để hiển thị trong kết quả Local Search này.

>>> Xem thêm: Google adwords là gì

2. Trang Google+ Business

Với các doanh nghiệp địa phương, việc thiết lập trang Google+ Business gắn liền với danh sách Google My Business, khiến vai trò của trang này cũng quan trong hơn. Khi xem xét danh sách Google My Business, marketer sẽ thấy một liên kết đến trang Google+ của doanh nghiệp, lúc này, doanh nghiệp cần làm cho trang trở nên tốt nhất có thể.

Nếu khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp đang hoạt động trên Google+, marketer có thể thêm nút chia sẻ Google+ vào trang web của mình, đặc biệt là trên các bài viết tại blog doanh nghiệp. 

Google sử dụng các tín hiệu xã hội làm yếu tố xếp hạng trang, vì vậy việc giúp khách truy cập trang web dễ dàng chia sẻ nội dung của doanh nghiệp trên Google+ sẽ giúp những nội dung ấy được xếp hạng tốt hơn trong tìm kiếm.

3. Công cụ quản trị trang web của Google

Để hiểu rõ hơn về mức độ lành mạnh của trang web doanh nghiệp trong mắt Google, marketer cần thiết lập tài khoản Công cụ quản trị trang web của Google. Công cụ này sẽ cảnh báo về bất kỳ dấu hiệu nào có thể ngăn trang web doanh nghiệp xuất hiện trong Google Search. Đồng thời Công cụ quản trị trang web của Google còn giúp marketer phân tích lưu lượng tìm kiếm hiện có để hiểu được cách khách truy cập và tìm được doanh nghiệp.

4. Google Suite: Tài liệu, Trang tính, Trang trình bày và Biểu mẫu

Google Suite là tập hợp một số công cụ làm việc để sử dụng thay cho những phần mềm thông thường được cài đặt trên máy tính. Trong đó:

  • Google Tài liệu có thể thay thế cho Word documents
  • Google Trang tính thay cho bảng tính Excel
  • Google Trang trình bày tương đương với PowerPoint
  • Google Biểu mẫu là công cụ để thu thập các câu trả lời khảo sát đơn giản

Marketer có thể cân nhắc sử dụng những công cụ trên để phân tích dữ liệu marketing, bản thảo bài đăng ebook hoặc blog, thuyết trình SlideShare, khảo sát thăm dò ý kiến,... Những công cụ này có chức năng tự động lưu, đồng thời cũng có thể truy cập được trên nhiều thiết bị, trong đó có cả thiết bị di động. Để truy cập hoặc tạo tài liệu với Google Suite trên di động, người dùng cần tải xuống ứng dụng này.

5. Google AdWords

Với Google AdWords, marketer sẽ phải trả phí cho mỗi lần nhấp chuột (PPC) của Google. Doanh nghiệp cần tạo quảng cáo nhắm mục tiêu với các từ khóa cụ thể liên quan đến doanh nghiệp của mình. Quảng cáo này sẽ xuất hiện ở bên trên hoặc bên phải kết quả tìm kiếm không trả phí của Google khi người dùng thực hiện truy vấn liên quan hoặc trùng khớp với từ khóa của bạn.

Chi phí cho quảng cáo Google AdWords phụ thuộc vào tính cạnh tranh của từ khóa mà doanh nghiệp nhắm mục tiêu, doanh nghiệp chỉ phải trả khi khách truy cập thực sự nhấp vào quảng cáo.

Không giống như những công cụ miễn phí, AdWords nhanh chóng đạt được các mục tiêu marketing. Ngoài ra, bằng cách thử nghiệm các biến thể từ khóa khác nhau với AdWords, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tìm ra từ khóa nào sẽ mang lại lưu lượng truy cập chất lượng. Sau đó, marketer có thể sử dụng những từ khóa này để tối ưu hóa công cụ tìm kiếm miễn phí và tạo nội dung của mình.

6. Công cụ lập kế hoạch từ khóa của Google AdWords

Nếu doanh nghiệp đang đẩy mạnh SEO không phải trả phí, marketer sẽ có xu hướng thực hiện một số nghiên cứu từ khóa. Nghiên cứu từ khóa giúp marketer xác định các từ khóa để nhắm mục tiêu để tạo nội dung blog và trang web.

Công cụ lập kế hoạch từ khóa của Google AdWords là một công cụ giúp các marketer  lập kế hoạch các chiến dịch AdWords của mình. Công cụ này cũng hỗ trợ tìm kiếm các ý tưởng và đề xuất từ ​​khóa mới giúp các marketer nghiên cứu từ khóa không phải trả phí của mình.

Marketer cần thiết lập tài khoản AdWords để sử dụng Công cụ lập kế hoạch từ khóa nhưng không nhất thiết phải tạo quảng cáo. 

7. Công cụ DoubleClick Search của Google

Nếu Google AdWords giúp bạn quyết định từ khóa nào để nhắm mục tiêu, thì DoubleClick Search là nửa còn lại của chiến lược tiếp thị công cụ tìm kiếm (SEM).

DoubleClick là một bộ sản phẩm của Google nhằm giúp các nhà quảng cáo tạo và đo lường quảng cáo của họ để họ nhắm mục tiêu đúng không gian trực tuyến. Công cụ này giúp marketer biết được những từ khóa nào cần nhắm mục tiêu cho đối tượng của mình và hành vi tìm kiếm của thị trường này đang thay đổi như thế nào trong một khoảng thời gian nhất định.

8. Google Trends

Ngoài Công cụ lập kế hoạch từ khóa của Google AdWords, Google Trends cũng là một công cụ tuyệt vời giúp marketer đưa ra các lựa chọn từ khóa thông minh hơn. Công cụ này cho phép đánh giá mức độ phổ biến của một cụm từ, so sánh chúng với các biến thể từ khóa khác, phân tích mức độ phổ biến của chúng sẽ thay đổi ra sao theo thời gian, khu vực và ngôn ngữ khác nhau. Đồng thời cũng hiển thị các từ khóa liên quan, có thể hữu ích trong việc nhận các đề xuất từ khóa mới.

Google Trends có thể giúp marketer xác định các chủ đề, tin tức và nội dung thịnh hành.

9. Google Drive

Google Drive là dịch vụ lưu trữ trực tuyến miễn phí của Google, với dung lượng lên đến 15GB, người dùng có thể lưu trữ miễn phí trên đám mây đối với các tệp ảnh, tài liệu, thiết kế, video,... Trong trường hợp người dùng muốn gửi hình ảnh hoặc tệp tài liệu cho bạn bè, đối tác,... Google Drive cho phép chia sẻ các tệp hoặc thư mục với những người khác, giúp việc cộng tác trở nên dễ dàng hơn.

10. Google Alerts

Google Alerts cho phép marketer theo dõi web để biết các từ khóa hoặc cụm từ cụ thể. Sau khi thiết lập Google Alerts, người dùng sẽ nhận được thông báo qua email hoặc kết quả qua RSS bất cứ khi nào các cụm từ này được đề cập trực tuyến. Ví dụ: marketer có thể đăng ký để nhận thông báo bất cứ khi nào ai đó đề cập đến công ty, sản phẩm, giám đốc điều hành hoặc đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp.

Công cụ này giúp doanh nghiệp cập nhật và phản ứng kịp thời với những đề cập trực tuyến về thương hiệu của mình, giữ vững danh tiếng của doanh nghiệp trên nền tảng trực tuyến.

>>> Có thể bạn quan tâm: Google Alerts là gì

11. Google News

Việc tận dụng một câu chuyện, tin tức phổ biến để bán hàng hoặc marketing giúp các doanh nghiệp dễ dàng thành công hơn. Nếu doanh nghiệp của bạn đang quan tâm đến phương thức này, Google News sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc tìm kiếm và kiểm duyệt các tin tức có liên quan đến ngành nghề hoặc có tiềm năng cho chiến dịch marketing của doanh nghiệp.

12. Google Voice

Hiện nay, người dùng có xu hướng sử dụng điện thoại để lướt web nhiều, vì vậy các doanh nghiệp cũng nên sử dụng web để quản lý các cuộc trò chuyện qua điện thoại.

Google Voice tuy chỉ khả dụng ở Hoa Kỳ, nhưng công cụ này giúp các doanh nghiệp dễ dàng quản lý nhiều đường dây điện thoại, tạo tin nhắn thư thoại được cá nhân hóa, tùy thuộc vào người đang gọi, đồng thời dễ dàng ghi âm các tin nhắn thư thoại.

Google Voice cũng giúp marketer đo lường mức độ hữu ích của số điện thoại trên trang web doanh nghiệp. Ví dụ, khi trang web doanh nghiệp chứa số điện thoại kèm CTA Liên hệ với chúng tôi, marketer có thể hiểu rõ hơn về nhu cầu và hành vi của người dùng truy cập trên trang.

13. Google Calendar

Google Calendar - lịch Google giúp các doanh nghiệp theo dõi và tổ chức các sự kiện, cuộc họp và chia sẻ lịch biểu với người khác. Nếu doanh nghiệp sử dụng Google Apps for Work, nhân viên có thể tự động sử dụng Google Calendar để đặt phòng họp, kiểm tra tính khả dụng của cuộc họp.

Trong marketing, Google Calendar được xem như một công cụ tuyệt vời để thiết lập lịch biên tập trên blog và các nội dung marketing khác, có thể được chia sẻ giữ những người đóng góp nội dung cả bên trong và bên ngoài.

14. Google Analytics

Google Analytics giúp các marketer biết được có bao nhiêu khách truy cập trang web của mình, dành bao lâu cho trang web, tỷ lệ thoát ra sao,... 

Công cụ này phân tích miễn phí các trang web, cung cấp các thông tin thông minh hơn, chi tiết hơn về lưu lượng truy cập trang. Điều này giúp các marketer hiểu được cách mọi người đang tìm kiếm và điều hướng trang web doanh nghiệp.

15. Google FeedBurner

Để phát triển phạm vi tiếp cận cho doanh nghiệp, marketer cần thêm các nút cho phép khách truy cập đăng ký nhận nội dung trên trang web của mình, đặc biệt là với các blog. Bằng cách thiết lập tài khoản Google FeedBurner, khách truy cập trang web của doanh nghiệp có thể đăng ký nội dung của bạn và nhận cập nhật thường xuyên qua trình duyệt web, trình đọc RSS hoặc email của họ.

16. YouTube

Hầu hết mọi người đều biết đến YouTube, nhưng lại không biết rằng, đây là một sản phẩm của Google từ năm 2006. YouTube tạo ra hàng tỷ lượt xem mỗi ngày, các marketer không nên bỏ qua “vũ khí” tiếp thị mạnh mẽ này.

17. Google AdSense

Google AdSense là công cụ hoàn hảo giúp các marketer quản lý và tạo nội dung cho tài sản internet đang phát triển, nhưng không biết cách kiếm tiền từ nó. Nếu marketer đăng ký Chương trình Đối tác của YouTube và lưu trữ quảng cáo trên video của mình thì tài khoản AdSense là công cụ bắt buộc phải có.

Công cụ này kết nối thuộc tính web của doanh nghiệp với mạng lưới các nhà quảng cáo đang tìm cách lưu trữ quảng cáo trên các kênh, nhằm thu hút khách hàng mục tiêu của họ. Vì vậy, các doanh nghiệp sở hữu blog, trang web hoặc kênh video phù hợp với đối tượng của một nhà quảng cáo đang hoạt động, AdSense sẽ đặt quảng cáo của họ trên sản phẩm của doanh nghiệp, lập hóa đơn cho nhà quảng cáo và trả tiền cho doanh nghiệp để lưu trữ nó.

Trong danh sách những công cụ đến từ Google, không phải ai cũng cần dùng hết tất cả chúng. Tuy nhiên, các marketer có thể tìm hiểu và lựa chọn những công cụ phù hợp nhất, sử dụng đúng cách nhất để đưa các chiến dịch marketing của doanh nghiệp trở nên hiệu quả hơn.

Huyền Nguyễn - Marketing AI

Theo HubSpot

>> Có thể bạn quan tâm: 79 công cụ marketing và phần mềm hữu ích tiết kiệm ngân sách cho doanh nghiệp
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.