Công nghệ 5G giúp các thương hiệu mang lại những trải nghiệm mới cho sự kiện Esport

13 Thg 03

Có thể thấy trong những năm gần đây, esports (thể thao điện tử) đã và đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Từ những tựa game mới liên tục ra mắt cho đến các giải đấu thể thao điện tử ngày một lớn mạnh, phát triển từ quy mô cho đến tiền thưởng. Tất cả đã tạo nên thị trường thể thao điện tử đầy tiềm năng và còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Chính vì vậy mà những địa điểm tổ chức sự kiện Esport đang mọc lên ở khắp nơi trên thế giới. Đây cũng là dịp để các thương hiệu đua nhau tài trợ, quảng cáo nhằm quảng bá hình ảnh thương hiệu vì mức độ lan tỏa không thua kém gì những sự kiện thể thao nổi tiếng. Với sự phát triển của công nghệ 5G, đây là cơ hội để nhiều thương hiệu tận dụng và tạo ra những trải nghiệm hoàn toàn mới cho những khách tham dự sự kiện, từ đó tăng thêm sự tương tác với khán giả và thu hút sự chú ý về thương hiệu.

(Nguồn: TelesteHub)

Jasper Mah - giám đốc Esport tại Lagardere Sports đã xem yếu tố công nghệ 5G như một con dao hai lưỡi cho những người làm tổ chức sự kiện - những người đã và đang tìm kiếm sự chân thực cho không khí các trận đấu. Mạng 5G dự kiến sẽ giúp giảm độ chậm trễ về truyền phát sóng, cũng như tốc độ của mạng này nhanh gấp 10 lần so với mạng 4G. Chính vì vậy mà các giải đấu giờ đây có thể mang tới cho người hâm mộ ở nhà những hình ảnh trực tiếp chất lượng 4K, mang đến cho họ những trải nghiệm chân thực nhất, tựa như xem trực tiếp tại khán đài thi đấu vậy.

“Một thứ khác mà chúng tôi mong chờ ở công nghệ 5G chính là việc ứng dụng và sử dụng nền tảng công nghệ thực tế ảo VR, cũng như công nghệ tương tác thực tế AR cho các địa điểm thi đấu thể thao điện tử. Phía bên truyền phát nội dung trực tiếp có thể mang đến cho người xem một cảm giác chân thực chất, giống như họ đang hòa vào không khí ở chính khán đài thi đấu, ngoài ra còn mang đến cho những góc nhìn tới tuyển thủ thi đấu hay là ngồi ở hàng ghế đầu để quan sát trận đấu. Tất cả sẽ mang lại một trải nghiệm hoàn toàn mới cho khán giả theo dõi Esport".

Vào hồi tháng 7 năm ngoái, ông lớn viễn thông Hàn Quốc là SK Telecom - sở hữu một nửa T1 Entertainment & Sports vừa mới thử nghiệm dịch vụ VR và AR cho hệ thống mạng 5G của mình. Giống như những môn thể thao khác, dịch vụ này giúp tăng giá trị về sản xuất cho các địa điểm tổ chức giải đấu. Giờ đây phía ban tổ chức có thể mang đến cho người xem ở nhà hình ảnh đa chiều của giải đấu, đi kèm là chất lượng hình ảnh 4K cùng tốc độ truyền phát ổn định nhất. 

Jasper Mah cũng đề cập thêm rằng, mạng 5G cũng như khả năng truyền tải nội dung nhanh hơn cũng sẽ góp phần tăng trải nghiệm tại chính khán đài thi đấu, điển hình là việc đưa công nghệ AR và nội dung đó lên điện thoại di động của những khán giả tham dự và mang đến cho họ một trải nghiệm hoàn toàn đặc biệt. Chưa kể, với những khán giả bỏ tiền ra mua những chiếc vé hạng sang hơn, ban tổ chức có thể cung cấp cho họ những chiếc kính VR để tăng thêm trải nghiệm, mang đến cho họ nhiều góc nhìn khác nhau trong sân thi đấu tại chính vị trí ngồi của họ. Quan trọng hơn cả, tất cả những yếu tố vừa kể trên sẽ phụ thuộc vào phía ban tổ chức, địa điểm thi đấu, cách họ bố trí và khả năng về cơ sở vật chất.

Dĩ nhiên chi phí vẫn sẽ là rào cản để hiện thực hóa những ý tưởng trên, đó là chưa kể khả năng triển khai mạng 5G, chất lượng hình ảnh 4K hay 8K còn phụ thuộc vào nhu cầu của các thương hiệu khi bước chân vào trò chơi này và mang đến cho khán giả những trải nghiệm “đã mắt” nhất khi tham gia sự kiện.

Ông Chris Tran - phụ trách việc phát game của Riot Games tại khu vực Đông Nam Á, Hong Kong và Đài Loan từng có bài phỏng vấn với The Drum rằng: Technology Group (nhóm phụ trách về công nghệ) của phía doanh nghiệp là bên chịu trách nhiệm chính cho những sự kiện thể thao điện tử lớn nhất của họ, một trong số chúng chính là giải vô địch Liên Minh Huyền Thoại thế giới.

Mỗi năm, đội ngũ sản xuất của Riot - thuộc một phần của Technology Group sẽ tìm ra những phương thức mới để ứng dụng các công nghệ tân tiến nhất vào trong khâu sản xuất chương trình, từ việc hợp tác với các bên cho đến việc tích hợp công nghệ AR vào trong buổi lễ khai mạc giải đấu, tất cả để phục vụ mục đích chung của Riot là thử nghiệm các công nghệ mới, gây ấn tượng và thỏa mãn tới toàn bộ khán giả xem chương trình và cả những tuyển thủ tham gia giải đấu. Minh chứng chính là hồi năm 2017, đội ngũ sản xuất đã ứng dụng công nghệ AR để tạo ra mô hình một con rồng ảo bay xung quanh khán đài thi đấu. Cũng chính hình ảnh đã giúp Riot Game dành một giải Emmy cho hạng mục: Outstanding Live Graphic Design (tạm dịch: Thiết kế đồ họa thực ấn tượng nhất)

(Nguồn: Youtube)

Trong năm 2018 và 2019, lễ khai mạc của giải đấu được ứng dụng công nghệ Hologram (hình ba chiều), giúp xóa mờ đi khoảng cách giữa thế giới thực và ảo trong tựa game Liên Minh Huyền Thoại. Phía đại diện của Riot Game cũng đề cập rằng, việc ứng dụng các công nghệ này là để mang đến cho khán giả cảm xúc tuyệt vời nhất, với mỗi mùa giải đấu thì họ đều phải cảm thấy phấn khích, hào hứng nhất và đó là mục đích cốt lõi của họ. Ông cũng bổ sung thêm, với sự ra mắt của công nghệ mạng 5G, hy vọng rằng những người chơi ở những khu vực khác có thể trải nghiệm tốc độ nhanh hơn, mượt hơn và không còn tình trạng giật lag khi chơi game trên máy tính hay điện thoại. Hy vọng đây sẽ là chất xúc tác để đưa ngành công nghiệp thể thao điện tử tiến xa hơn bây giờ, đặc biệt là ở mạng trò chơi trên điện thoại di động. Nó có thể đưa trò chơi trên điện thoại tiến hóa lên một tầm cao mới, thay vì chỉ là một thú vui giết thời gian.

Ngoài việc phụ thuộc vào công nghệ mạng 5G, nền tảng thể thao điện tử có trụ sở tại Singapore là Garena cũng nhấn mạnh thêm rằng, các thương hiệu cần phải đáp ứng được người hâm mộ trên toàn thế giới, đặc biệt là khi quy mô của thể thao điện tử đã lan rộng toàn cầu như ngày nay. Nó dẫn đến hai yếu tố then chốt trong việc xây dựng cộng đồng, trong đó bao gồm tổ chức các giải đấu cấp cơ sở và khu vực để dẫn đến các giải đấu toàn cầu, và hiểu rõ hệ sinh thái Esports và thực hiện những điều cơ bản một cách toàn vẹn. Ông Justine Lye, Giám đốc Esports khu vực tại Garena, giải thích rằng cho giải đấu Free Fire World Series (FFWS) 2019 gần đây được tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil, tháng 11 vừa qua. Họ đã hợp tác với DJ nổi tiếng thế giới và nhà sản xuất thu âm Alok để mang lại trải nghiệm đa giác quan , cả trực tuyến và ngoại tuyến.

Cụ thể, DJ Alok sẽ là một nhân vật có thể chơi được trong Free Fire với bộ kĩ năng độc nhất trong trò chơi và tại giải đấu, anh ta sẽ trình diễn trực tiếp tại đây với bản hit Vale Vale. Ông Lye cũng chia sẻ thêm rằng, Garena cũng thực hiện việc tiếp cận tới người hâm mộ và người xem trên toàn thế giới, bắt đầu bằng cách thực hiện tốt các nguyên tắc cơ bản. Việc này bao gồm việc phát sóng các giải đấu trong khu vực và quốc tế của chúng tôi bằng ngôn ngữ địa phương - thông qua bình luận viên. Nhờ vậy nó đã trở nên bao quát hơn cho tất cả khán giả Esport của chúng tôi.

Nhờ vậy mà đội ngũ Free Fire của Garena đã thu về những thành tích đáng ấn tượng, cũng như những phản hồi tích cực từ cộng đồng người chơi trên toàn thế giới. Chỉ tính riêng khán giả khu vực Mỹ Latin hay những người nói tiếng Tây Ban Nha đã thu về hơn 10 triệu lượt xem, cũng như thời điểm cao nhất đạt 340,000 người xem cùng lúc trên kênh YouTube của Garena Free Fire của người Mỹ Latin, được phát sóng trực tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha.

Ông Lye cũng bổ sung thêm, bằng việc mang đến trải nghiệm cho cả khán giả tại khán đài lẫn trực tuyến, Garena đã phát triển được cộng đồng người hâm mộ và người chơi Free Fire trên toàn thế giới, minh chứng là sự kiện giải đấu đã đạt được kỷ lục về khán giả theo dõi. Theo Esport Charts, giải đấu FFWS đã thu về 2 triệu người xem trực tuyến - một kỷ lục cho một giải đấu trò chơi trên thiết bị di động. Tính tổng, giải đấu này đã thu về hơn 130 triệu lượt xem trên toàn thế giới.

Tạm kết

Sự xuất hiện của công nghệ mạng 5G đang bắt đầu xóa bỏ các hạn chế về vị trí và bố trí địa điểm, nhờ vậy mà phía ban tổ chức có thể mang đến cho người xem thêm nhiều nội dung, giúp cho trải nghiệm của họ thêm tính tương tác. Điều đó sẽ mang lại giá trị to lớn mà các thương hiệu có thể tạo ra cho người chơi thông qua công nghệ, trải nghiệm người chơi, cho khán giả chính địa điểm sự kiện, cho người xem tại nhà qua các buổi live stream và cho cộng đồng bằng cách nâng cao cơ sở vật chất, tiện ích tại địa điểm sự kiện.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo The Drum

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.