[BÁO CÁO] Tại sao người Việt Nam thích mua sắm qua mạng xã hội?

17 Thg 12

Hiện nay, việc mua sắm qua các trang mạng xã hội đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Thậm chí, các trang mạng xã hội còn đang là một trong những nền tảng mua sắm lớn nhất tại dải đất hình chữ S. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi mà hàng loạt các trang fanpage của các thương hiệu đang “mọc” lên ngày càng nhiều. Nắm bắt được điều đó, dịch vụ Q&Me đã thực hiện một khảo sát để tìm hiểu cách sử dụng mua sắm trên mạng xã hội của những người mua hàng trực tuyến Việt Nam. Khảo sát này được thực hiện trên 582 người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam trong độ tuổi từ 16 đến 45 vào tháng 7 năm 2019.

Hành vi mua sắm trực tuyến nói chung

Mua sắm trên các trang thương mại điện tử (Sendo, Lazada, Shopee...) hiện nay vẫn là hình thức mua sắm trực tuyến được nhiều người sử dụng nhất tại Việt Nam (chiếm 91%), tiếp theo là mua sắm qua các trang mạng xã hội, các trang web của thương hiệu và cuối cùng là hình thức siêu thị online (ví dụ như Coop Mart, BigC,…).

(Nguồn: Q&Me)

Trong đó, các trang thương mại điện tử nổi tiếng với người dân Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Thegioididong, Điện máy xanh, A đây rồi và FPT.

Bên cạnh đó, thiết bị mua sắm trực tuyến được nhiều người sử dụng nhất là ứng dụng trên điện thoại di động (chiếm 60%), tiếp theo là trình duyệt trên điện thoại di động, máy tính bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng.

Hành vi mua sắm của người Việt Nam

(Nguồn: Q&Me)

Thời trang là mặt hàng được mua sắm nhiều nhất của người Việt Nam, tiếp theo sau là các mặt hàng mỹ phẩm và điện thoại di động, đồ công nghệ thông tin. Ngoài ra, trong danh sách mua sắm của người dân Việt Nam còn có cả đồ dùng mẹ và bé, đồ ăn, sách, đồ lưu niệm,… nhưng tuy nhiên lại không quá phổ biến. 89% trong số những người được hỏi trả lời rằng họ thường mua sắm qua Facebook, con số tương tự với Zalo là 7% và với Instagram là 3%.

Khảo sát còn chỉ ra rằng người Việt Nam trên các trang mạng xã hội có thói quen là sẽ mua hàng ở những cửa hiệu mà họ đã quen thuộc. Chỉ có 1/3 số người được hỏi cho rằng họ sẽ mua hàng ở một thương hiệu mà họ chưa từng mua trước đó bao giờ. Vậy làm thế nào để các cửa hiệu có thể giới thiệu tên tuổi của mình tới với khách hàng, từ đó “lôi kéo” được một lượng khách hàng tiềm năng?

(Nguồn: DHB design)

Q&Me đã gợi ý cho các cửa hàng một số phương thức khi đã đặt ra câu hỏi “Làm thế nào để bạn biết về một cửa hàng?”. 42% những người được hỏi rẳng họ biết tới cửa hàng qua quảng cáo trên mạng xã hội, 36% thì cho biết mình biết nhờ lời giới thiệu của bạn bè, còn lại là thông qua một số cách khác như tìm kiếm trên web, qua quảng cáo Internet hoặc biết tới nhờ nhân viên cửa hàng.

Ngoài ra, cũng theo thống kê của Q&Me thì để lưu giữ lại những khách hàng quen thuộc, các cửa hàng cần phải gia tăng sự hài lòng về các trải nghiệm mua sắm và tích cực chăm sóc khách hàng để có thể thúc đẩy họ quay trở lại. Trò chuyện với khách hàng cũng là một yếu tố quan trọng để quảng bá hình ảnh thương hiệu cũng như “lôi kéo” khách hàng. Cụ thể, có 88% khách hàng nhắn tin với nhân viên để nhận được các thông tin (phổ biến nhất là thông tin về giá cả, thông tin về sản phẩm, ảnh thật của sản phẩm…).

(Nguồn: Q&Me)

Tại sao mua sắm trên mạng xã hội lại phổ biến với người Việt Nam?

(Nguồn: Q&Me)

Theo thống kê của Q&Me thì 17% trong số những người được hỏi thích mua sắm qua các mạng xã hội hơn là mua sắm trên các trang thương mại điện tử thông thường. Lý do được đưa ra là vì mua sắm trên các trang mạng xã hội sẽ thuận tiện hơn cũng như dễ dàng để tương tác, trò chuyện hơn. Cụ thể, mua sắm trên các trang mạng xã hội sẽ trải qua 4 bước và tại mỗi bước thì việc mua sắm trên trang mạng xã hội lại có những lợi thế riêng so với các trang thương mại điện tử.

  • Bước 1: Người mua hàng quan tâm tới các sản phẩm. Với bước này, thay vì đăng nhập quá nhiều, khách hàng có thể trải nghiệm quá trình mua sắm trên cùng một ứng dụng. Ví dụ, với mạng xã hội Facebook, họ có thể dành hàng giờ để lướt bảng tin, từ đó dễ dàng nhận được các thông tin về một mặt hàng nào đó mà họ quan tâm và họ có thể “tận hưởng” quá trình mua sắm nhanh chóng, tiện lợi trên chính ứng dụng Facebook đó.
  • Bước 2: Quá trình mua hàng. Trong quá trình mua hàng, khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm mình cần vì mỗi cửa hàng sẽ có một danh mục cụ thể. Ngoài ra, khi mua hàng, nếu có bất cứ thắc mắc nào thì họ có thể hỏi trực tiếp nhân viên – những người đã quen thuộc với sản phẩm và nhận được câu trả lời gần như ngay lập tức. Đối với người mua hàng trên mạng xã hội, họ sẽ không phải nhập thông tin (một bước mà họ cảm thấy phiền phức) mà họ có thể nói trực tiếp chuyện đó với nhân viên thông qua tin nhắn.
  • Bước 3: Thanh toán. Khi thanh toán, khách hàng sẽ có thể tiết lộ các thông tin qua các cuộc trò chuyện với chính cửa hàng. Tại Việt Nam, việc này làm họ thấy thoải mái hơn là việc nhập thông tin trên các trang thương mại điện tử. Mặc dù trên các trang thương mại điện tử có thể lưu nhiều thông tin hơn và có thể thanh toán bằng nhiều cách khác nhau nhưng với họ thì những điều đó không phải sự khác biệt quá lớn.
  • Bước 4: Vận chuyển/hỗ trợ. Hỗ trợ của các cửa hàng trên mạng xã hội luôn nhanh chóng và kịp thời hơn so với các cửa hàng trên các trang thương mại điện tử. Những người được hỏi đều trả lời rằng họ cảm thấy gần gũi hơn với các cửa hàng bởi họ có thể liên lạc được nhiều hơn với các chuyên gia sản phẩm. Tuy nhiên, đối với các cửa hàng trên trang thương mại điện tử, họ cảm thấy khó chịu bởi sự phản hồi chậm trễ qua email cũng như khi có bất cứ vấn đề gì, họ cũng đều tự phải đi tìm thông tin sản phẩm.

Vậy hiện nay, ai là những người mua sắm thường xuyên trên các trang mạng xã hội? Theo thống kê thì đa số những người mua sắm trên mạng xã hội là

  • Nữ trong độ tuổi 20
  • Những người dành nhiều thời gian trên các trang mạng xã hội
  • Thường xuyên theo dõi những thông tin từ cửa hàng trực tuyến
  • Hay chú ý những sản phẩm có thiết kế đẹp
  • Thường xuyên kiểm tra các trang Facebook của các cửa hàng mà họ theo dõi
  • Mua sắm trên cả mạng xã hội lẫn các trang thương mại điện tử. Họ thường mua sắm những món đồ cụ thể trên trang thương mại điện tử còn mua sắm theo cảm xúc trên mạng xã hội, thường là theo lời khuyên từ các chủ shop.

Mua sắm trên mạng xã hội trở nên phổ biến tại Việt Nam là bởi thời gian sử dụng mạng xã hội của người dân là vô cùng lớn. Thống kê từ Q&Me cho thấy Facebook, Youtube, Zalo chiếm tới 51% thời gian của người dùng.

Cụ thể, người dùng đã quá quen thuộc và trung thành với các trang mạng xã hội, cụ thể là Facebook, cũng như quen với việc nhắn tin để trò chuyện qua điện thoại, máy tính để bàn. Đặc biệt, tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều người dân coi việc kinh doanh là một công việc tay trái và họ chọn Facebook là nơi kinh doanh bởi dễ dàng và chi phí rẻ.

Kết luận

Hiện nay, mua sắm qua các trang mạng xã hội đã trở thành một trong những tảng mua sắm lớn nhất tại Việt Nam. Mua sắm trên mạng xã hội trở nên phổ biến bởi nó đáp ứng được những nhu cầu của người dùng như hỗ trợ việc mua sắm trên cùng một nền tảng, có được những thông tin cần thiết thông qua các cuộc trò chuyện, dễ dàng tìm thấy sản phẩm mình cần, dịch vụ chăm sóc khách hàng nhanh chóng,…. Thời trang và mỹ phẩm là hai sản phẩm được mua sắm phổ biến nhất trên các trang mạng xã hội hiện nay.

Nam Trương - MarketingAI

(Theo Q&Me)

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.