[Báo cáo chi tiết] Nền kinh tế Internet 100 tỷ Đô tại thị trường Đông Nam Á (Phần 2)

29 Thg 10

Qua phần 1 của báo cáo chúng ta đã có cái nhìn tổng quát về nền kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á về sự phát triển cũng như tiềm năng của nó. Ở phần 2 này, chúng ta sẽ phân tích về những khía cạnh như địa lý sẽ có ảnh hưởng gì cũng như đi sâu vào phân tích từng lĩnh vực nằm trong nền kinh tế Internet tại khu vực Đông Nam Á.

>>> Đọc phần 1 tại: Nền kinh tế Internet 100 tỷ Đô tại thị trường Đông Nam Á (Phần 1)

Khu vực ngoài thành thị - Tiềm năng lớn đang bị bỏ ngỏ 

Theo báo cáo mới đây của Temasek cùng Google thì Đông Nam Á sở hữu những khu vực thành thị đông dân bậc nhất toàn Châu Á, trong đó phải kể đến những khu vực đô thị nằm tại 6 quốc gia như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Những khu vực đô thị này sở hữu 87 triệu người tương đương 15% trong tổng số 570 triệu người tại sau quốc gia Đông Nam Á vừa kể trên, tuy vậy chúng lại chiếm đến 52% thị phần trong nền kinh tế Internet tại đây.

Sở dĩ có sự chênh lệch lớn như này là do thu nhập bình quân trên đầu người tại những khu vực thành thị cao hơn rất nhiều so với người ở khu vực ngoài thành thị. Đồng thời họ cũng sở hữu cuộc sống tiện nghi hơn từ hạ tầng, cơ sở vật chất cho tới mạng lưới giao thông và kết nối Internet. Minh chứng cho điều này là việc những doanh nghiệp kinh tế Internet xuất hiện tại những thành phố lớn trước, ví dụ như những dịch vụ gọi xe được ra mắt lần đầu tiên tại Jakarta và Kuala Lumpur, Singapore là một trong những nơi đầu tiên ứng dụng nền tảng Du lịch và Giao đồ ăn trực tuyến.

Một lý do nữa cho sự chênh lệch trên nằm ở yếu tố chi tiêu bình quân đầu người hàng năm. Khi khảo sát về mức chi tiêu cho các dịch vụ kinh tế Internet, báo cáo đã chỉ ra rằng mức chi bình quân đầu người tại các khu vực thành thị là xấp xỉ $600 một năm, cao gấp 6 lần so với những khu vực ngoài thành thị. Ngoài ra con số này sẽ có sự khác biệt với từng quốc gia khác nhau

Nhìn vào biểu đồ ta có thể thấy tại những nước phát triển hơn như Malaysia hay Thái Lan thì tỷ lệ chênh lệch giữa hai khu vực chỉ khoảng 3-4 lần, thấp hơn so với những nước như Việt Nam hay Philippines. Điều này chứng tỏ một điều là tại những nước có tỷ lệ chênh lệch càng lớn thì chênh lệch giữa điều kiện sống hai khu vực tại những nước đó càng lớn.

Mặc cho sự chênh lệch như vậy, những khu vực ngoài thành thị vẫn ẩn chứa những tiềm năng lớn mà rất nhiều doanh nghiệp đang tìm cách khai phá. Điển hình là nền tảng thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia đã công bố kế hoạch phát triển tại khu vực nông thôn sau khi ký kết một biên bản phát triển một “ngôi làng kỹ thuật số” cùng sự hợp tác với West Java trong vai trò quản trị. Theo một thống kê của Google Search thì tại Indonesia, 46% lượng tìm kiếm các gói dịch vụ Internet đến từ những khu vực ngoài thành thị hay những tìm kiếm liên quan tới du lịch trên Google Search tại những khu vực ngoài thành thị tăng nhanh hơn 1,5 lần so với khu vực thành thị năm ngoái.

Nhìn vào biểu đồ có thể thấy mức độ tăng trưởng về GMV (Gross Merchandise Value - Tổng giá trị giao dịch) tại khu vực thành thị chỉ bằng một nửa so với những khu vực ngoài thành thị. Lý do là vì giờ đây các doanh nghiệp đang hướng sự tập trung sang những khu vực ngoài thành thị, họ tập trung vào việc thu hút khách hàng thông qua việc cung cấp các dịch vụ và sản phẩm. Đây được xem như một sự đầu tư đôi bên cùng có lợi khi người dân những khu vực này sẽ được hưởng lợi từ những dịch vụ mà trước đây họ không có cũng như có thêm nhiều cơ hội việc làm. Về phía doanh nghiệp, họ sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn vì dân số của những khu vực ngoài thành thị chiếm đại đa số. Nền kinh tế Internet sẽ đóng vai trò là đòn bẩy mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở những khu vực kém phát triển hơn.

Những lĩnh vực đang dẫn đầu trong nền kinh tế Internet

Những năm gần đây đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Internet, nhờ vậy mà các lĩnh vực của nền kinh tế Internet đều có sự tăng trưởng

Nhìn vào biểu đồ có thể thấy mặc dù ở cả 4 lĩnh vực của nền kinh tế Internet đều có sự tăng trưởng mạnh từ năm 2015 đến 2019. Tuy nhiên nếu nhìn vào mức tăng trưởng dự báo cho tới năm 2025 sẽ thấy lĩnh vực Thương mại điện tử (e-Commerce) cùng Dịch vụ gọi xe (Ride Hailing) chứng kiến mức tăng trưởng mạnh hơn cả. Hãy cùng đi vào phân tích chi tiết từng lĩnh vực để có cái nhìn chính xác hơn về bức tranh nền kinh tế Internet.  

Thương mại điện tử

Nhìn vào biểu đồ trên, có thể thấy Thương mại điện tử đã “truất ngôi” của Du lịch trực tuyến để trở thành lĩnh vực lớn nhất của nền kinh tế Internet. Chỉ trong 4 năm, lĩnh vực này đã có mức tăng trưởng gấp 7 lần từ 5,5 tỷ USD trong năm 2015 lên 38,2 tỷ USD vào năm 2019 và nó được dự báo sẽ vượt mức 150 tỷ USD vào năm 2025.

Mức tăng trưởng như vũ bão của lĩnh vực thương mại điện tử đánh dấu sự xuất hiện và cạnh tranh gay gắt từ các ông lớn như Shopee, Lazada, Tokopedia,... Khả năng cạnh tranh của những thương hiệu này đến từ những ưu đãi, khuyến mãi giảm giá, điều này tạo cho người dùng một lý do chính đáng để liên tục mua sắm trên những nền tảng thương mại điện tử. 

Những sự kiện giảm giá liên tục được tung ra nhằm kích cầu người mua. Theo một báo cáo của Google Trends, lượng tìm kiếm liên quan tới ưu đãi, phiếu giảm giá, phiếu mua hàng đến từ các nền tảng Thương mại điện tử vào những sự kiện mua sắm đã tăng gấp đôi trong 4 năm qua.

Thương mại điện tử đã mở ra những xu hướng mới trong việc mua sắm trực tuyến với những sự đổi mới đến từ những ông lớn trong ngành. Những chiến lược quảng bá giờ đây được lồng ghép thêm những yếu tố giải trí hay việc xây dựng mạng lưới Logistics đáng tin cậy bảo phủ toàn quốc. Tất cả những điều này đã dẫn tới sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người dân trong việc mua sắm trực tuyến. Nếu như ngày trước mua sắm trực tuyến là khi bạn mua những món hàng giá trị lớn như chiếc ti vi hay smartphone với giá rẻ thì giờ đây với thương mại điện tử, mọi mặt hàng từ thực phẩm, đồ chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm đã trở thành những món đồ phổ biến trong giỏ hàng trực tuyến của người dân khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê trong một ngày có tới hơn 5 triệu giao dịch được thực hiện trên các nền tảng thương mại điện tử đủ để thấy sức ảnh hưởng khủng khiếp của lĩnh vực này lên đời sống hiện nay.

Dịch vụ gọi xe

Tiếp ngay sau Thương mại điện tử là lĩnh vực Dịch vụ gọi xe khi chứng kiến mức tăng trưởng gấp 4 lần về giá trị, từ 3 tỷ USD trong năm 2015 lên mức gần 13 tỷ USD vào năm 2019. Lĩnh vực này được dự báo sẽ đạt giá trị 40 tỷ USD vào năm 2025, điều này là do kết quả từ sự tăng trưởng bùng nổ trong lĩnh vực Giao nhận đồ ăn.

Nhìn vào biểu đồ có thể thấy vào năm 2015 giá trị tập trung ở mảng gọi xe trực tuyến, lý do là vì những thương hiệu trong lĩnh vực dịch vụ gọi xe thời điểm ấy đang tập trung vào việc cung cấp một giải pháp về phương tiện đi lại cho người dùng. Dù vậy xu hướng này đã thay đổi khi vào năm 2019, dịch vụ gọi xe tại Đông Nam Á giờ đây không chỉ cung cấp dịch vụ vận tải mà nó còn bao gồm nhiều hơn thế, bao gồm cả giao nhận đồ ăn hay dịch vụ về tài chính như ví điện tử. Hai ông lớn trong lĩnh vực dịch vụ gọi xe tại Đông Nam Á là Grab và Gojek trong đó Grab là nền tảng duy nhất cung cấp dịch vụ vận tải và giao nhận đồ ăn trực tuyến tại toàn bộ 6 quốc gia trong khu vực. Còn Gojek - được mệnh danh là startup kỳ lân công nghệ trong lĩnh vực này lại hoạt động chủ yếu ở thị trường nội địa Indonesia. Vào năm 2018 chứng kiến sự bành trướng của hãng này khi tham gia vào thị trường Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng như đang chuẩn bị để tiến thêm vào Malaysia và Philippines. Những cái tên khác như FastGo tại Việt Nam hay Micab tại Philippines vẫn còn là tân binh trong thị trường nội địa.

Trong đó riêng về lĩnh vực Giao nhận đồ ăn chứng kiện sự thay đổi mạnh mẽ về xu hướng sử dụng của người dân. Từ một dịch vụ được tích hợp để cho một nhóm nhỏ người dùng, giờ đây nó đã trở thành một hình thức phổ thông cho những người bận rộn hay những gia đình muốn đặt thực phẩm trực tuyến cho bữa ăn hàng ngày. Giờ đây giao nhận đồ ăn đã trở nên thông dụng với người dân khu vực thành thị. Minh chứng cho điều này chính là lượng tìm kiếm những thương hiệu Giao nhận đồ ăn trực tuyến đã tăng trưởng mạnh mẽ tại các quốc gia

Nhìn vào biểu đồ có thể thấy lượng tìm kiếm tại Indonesia tăng gấp 13 lần, tại Philippines là 9 lần và Thái Lan là 8 lần trong 4 năm vừa qua. Nhờ vậy mà tổng giá trị giao dịch của lĩnh vực này cũng chứng kiến mức tăng trưởng đột biến gần 15 lần khi chỉ từ mức xấp xỉ 400 triệu USD năm 2015 lên mức hơn 5 tỷ USD vào năm 2019. Con số này dự kiến sẽ còn tăng mạnh mẽ vào năm 2025 khi được dự báo sẽ đạt mức 20 tỷ USD. Dù vậy đây cũng được xem như một thách thức cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này khi họ phải tìm cách tăng trưởng một cách nhanh chóng để bắt kịp đà tăng trưởng trong nhu cầu của thị trường.

Phương tiện truyền thông trực tuyến

Dù là hình thức xem video, nghe nhạc hay chơi game thì khu vực Đông Nam Á đã nắm bắt tốt cơ hội trong lĩnh vực Phương tiện truyền thông trực tuyến. 

Nhìn vào biểu đồ có thể thấy sự tăng trưởng đáng kể của lĩnh vực trong vòng bốn năm qua khi tổng giá trị giao dịch tăng gần 4 lần từ 3,8 tỷ USD trong năm 2015 lên 14,2 tỷ USD vào năm 2019. Con số này được dự kiến sẽ tăng lên 32 tỷ USD vào năm 2025. Một trong những yếu tố lớn nhất giải thích cho đà tăng trưởng này chính là sự phát triển trong số lượng người dùng Internet. Theo một thống kê, trong khoảng năm 2015 - 2019 có gần 100 triệu người dùng Internet vậy nên việc lĩnh vực Phương tiện truyền thông trực tuyến phát triển mạnh mẽ như vậy là điều dễ hiểu.

Với những người mới dùng Internet họ sẽ có xu hướng sử dụng những ứng dụng miễn phí có quảng cáo nhưng một số họ sau này sẽ chuyển sang việc thực hiện các giao dịch mua bán trong game hoặc đăng ký các gói dịch vụ nghe nhạc, xem video trực tuyến. Xu hướng này hiện đang dần phổ biến trong khu vực Đông Nam Á.

Nhìn vào biểu đồ có thể thấy lượng tìm kiếm những thương hiệu cung cấp dịch vụ xem video trực tuyến như iFlix, Netflix, Hooq và Viu đã tăng gấp 5 lần tại Malaysia, 7 lần tại Philippines và Singapore trong bố năm qua và đạt đỉnh điểm vào năm 2019. Ngoài ra chúng ta còn chứng kiến sự phát triển định dạng truyền hình trực tiếp (livestream) cùng các video ngắn, điển hình với sự xuất hiện của những ứng dụng như BIGO LIVE hay Tiktok. Bên cạnh việc thu hút hàng triệu người dùng, những ứng dụng này đã trở nên phổ biến trên toàn cầu.

Ngoài ra ở lĩnh vực âm nhạc, Đông Nam Á không còn là khu vực phụ thuộc vào nền âm nhạc phương Tây khi giờ đây chính khu vực này cũng trở thành một nơi sản xuất ra những nội dung âm nhạc phổ biến và thịnh hành cho giới trẻ trong thời đại ngày nay. Có thể kể đến ngôi sao âm nhạc Việt Nam Sơn Tùng MTP khi kênh Youtube của anh đã thu về hơn 1 tỷ lượt xem hay tại Indonesia, hiện tượng Youtube Atta Halilintar đã trở thành người đầu tiên của cả nước sở hữu hơn 10 triệu lượt người đăng ký kênh.

Với lĩnh vực trò chơi trực tuyến, Đông Nam Á cũng đang dần khẳng định được tên tuổi khu vực khi trò chơi Garena Free Fire trở thành trò chơi di động trực tuyến thịnh hành nhất trong khu vực. Trở thành trò chơi được tải về nhiều nhất trên thế giới hiện nay với hơn 450 triệu lượt đăng ký cùng 50 triệu lượt người chơi hàng ngày. 

Du lịch trực tuyến

Có thể nói du lịch trực tuyến là lĩnh vực lâu đời có sự phát triển bền vững nhất của nền kinh tế Internet. Đây là một trong những dịch vụ đầu tiên áp dụng Internet và từ đó nó vẫn luôn thu hút được một lượng lớn người dùng và con số này luôn ổn định.

Có thể thấy từ năm 2015 đến năm 2019, tổng giá trị giao dịch của Du lịch trực tuyến đã tăng gần 2 lần từ 19,4 tỷ USD trong năm 2015 lên 34,4 tỷ USD năm 2019. Con số này được dự kiến sẽ tăng lên 78 tỷ USD  vào năm 2025. Trong đó du lịch tại khu vực Đông Nam Á đã luôn là một yếu tố trọng điểm cho lĩnh vực Du lịch trực tuyến. Chứng kiến sự gia tăng trong tầng lớp trung lưu, những người thường xuyên du lịch vì mục đích công việc hoặc nghỉ dưỡng cả trong nước lẫn nước ngoài là nhân tố giúp thúc đẩy tăng trưởng cho lĩnh vực này. 

Ngoài ra với sự gia tăng của khách sạn bình dân cũng trở thành một yếu tố quan tâm với những ông lớn đi đầu như OYO Rooms hay RedDoorz. Những doanh nghiệp này mang tới tiện nghi chỗ ở hợp lý với giá cả phải chăng nhắm chủ yếu vào giới trẻ và những du khách quan tâm về chi phí cả trong và ngoài khu vực Đông Nam Á. Sau khi chúng trở nên thịnh hành tại khu vực Ấn Độ, những dịch vụ kiểu này mọc lên như nấm tại khu vực Đông Nam Á khi giờ đây có tới hàng ngàn các khách sạn bình dân nằm rải rác trên toàn khu vực đang chờ để xuất hiện trực tuyến.

Nhìn vào thống kê của Google Trends có thể thấy những tìm kiếm về khách sạn bình dân đã tăng đột biến tới 9 lần vào năm 2019. Ngoài ra những dịch vụ cho thuê chỗ ở như AirBnb cũng đạt mức tăng trưởng trong lượng tìm kiếm trên Internet khi tăng gấp 3 lần so với 4 năm về trước. Là người đi đầu trong lĩnh vực này, AirBnb cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi những đại lý du lịch trực tuyến như Agoda, Expedia, Traveloka cũng đang xây dựng hệ thống chỗ ở riêng của họ. Với những quy định rõ ràng hơn và hỗ trợ nhiều hơn về việc cho thuê bất động sản ngắn hạn, những dịch vụ trên có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành du lịch trên toàn khu vực.

Thời gian là tiền bạc cho các doanh nghiệp kinh tế Internet

Mặc dù câu nói “thời gian là tiền bạc” có thể áp dụng cho mọi doanh nghiệp nhưng với những doanh nghiệp kinh tế Internet thì thời gian là một yếu tố cốt lõi quyết định thành công. Những doanh nghiệp hàng đầu Đông Nam Á vẫn luôn tìm cách để người dùng dành nhiều thời gian hơn cho ứng dụng của họ. Đó có thể là trò chơi hay là những đoạn video trực tuyến để tương tác với người dùng. Tất cả để kích thích thu hút và kéo khách hàng sử dụng ứng dụng và từ đó sẽ chuyển đổi thành các đơn hàng. Tại những thị trường phát triển như Mỹ, Châu Âu hay Nhật Bản thì người dùng có xu hướng dành ít thời gian lướt các ứng dụng vì vậy các doanh nghiệp thường tìm cách đơn giản hóa quy trình, tăng tính thuận tiện giúp giảm thời gian cho khách hàng. Điều này lại hoàn toàn trái ngược với thị trường Đông Nam Á, các doanh nghiệp lại đang tạo thêm những trải nghiệm mới cho người dùng để níu chân họ sử dụng ứng dụng lâu hơn.

Trong một báo cáo hợp tác với App Annie để đo lường độ tương tác của người dùng trong khu vực với những ứng dụng Thương mại điện tử và Giao nhận đồ ăn phổ biến nhất đã cho ra những kết quả rất thú vị. Nhìn vào biểu đồ ta có thể thấy sự tương quan đáng kể giữa thời gian sử dụng ứng dụng và việc kiếm tiền. Hiểu đơn giản là người dùng sẽ có xu hướng mua nhiều hơn nếu thời gian họ dành ra cho những ứng dụng dài hơn. Vì vậy mà các doanh nghiệp Thương mại điện tử hay Giao nhận đồ ăn giờ đây đang hợp tác với những nhà cung cấp dịch vụ khác để mở rộng trải nghiệm của họ với người dùng. Ví dụ như Grab đã kết hợp cùng HOOQ để cung cấp dịch vụ xem video trực tuyến cho người dùng tại Singapore, hay Gojek kết hợp cùng Google để cung cấp dịch vụ mới trên ứng dụng này. Với những thương hiệu về thương mại điện tử như Lazada, Shopee hay Tokopedia thì họ liên tục tung ra những sự kiện, trò chơi hay những video trực tiếp để “mua vui” người dùng.

Ngoài ra, khi so sánh những doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau thuộc nền kinh tế Internet đã cung cấp những dịch vụ gì giữa năm 2015 và 2019 đã cho ra kết quả rất thú vị.

Nhìn vào biểu đồ ta có thể thấy vào năm 2015 với từng lĩnh vực thì các doanh nghiệp chỉ tập trung phát triển vào đúng dịch vụ của mình còn vào năm 2019 là một sự đa dạng hơn rất nhiều. Giờ đây một doanh nghiệp đã “lấn sân” sang nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này sẽ có tác động ở cả hai phía cho doanh nghiệp, một mặt doanh nghiệp có thể mở rộng lĩnh vực kinh doanh nhưng mặt khác sự cạnh tranh sẽ càng trở nên gay gắt hơn. Với xu hướng này thì người dùng mới là bên được hưởng lợi nhiều hơn cả vì họ được cung cấp thêm nhiều lựa chọn khi sử dụng dịch vụ thay vì phải lệ thuộc vào một bên nhất định.

Tạm kết

Trong phần hai của báo cáo, chúng ta đã có cái nhìn sâu hơn về nền kinh tế Internet tại hai khu vực Thành thị và Ngoài thành thị tại các nước. Đồng thời là những phân tích về xu hướng, ảnh hưởng và tình hình của các lĩnh vực trong nền kinh tế Internet bao gồm: Thương mại điện tử, Dịch vụ gọi xe, Du lịch trực tuyến và Phương tiện truyền thông trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á.

(Còn tiếp)

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo báo cáo từ Google

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.