5 xu hướng quan trọng ngành bất động sản Việt Nam năm 2021

02 Thg 09

Bước sang năm thứ 2 của đại dịch Covid-19, mặc dù còn một số khó khăn nhất định nhưng thị trường bất động sản trong nước vẫn có điểm sáng tích cực, nhiều xu hướng mới xuất hiện, mức độ quan tâm và nhu cầu giao dịch vẫn tăng dần qua từng tháng. Dưới đây là năm xu hướng quan trọng trong ngành bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục duy trì và phù hợp với nhu cầu thị trường trong thời gian tới.

Hệ sinh thái xanh và bền vững

Thị trường bất động sản Việt Nam đang dần trưởng thành, người mua nhà không chỉ đơn thuần tìm kiếm không gian để ở mà còn quan tâm nhiều hơn đến môi trường sống trong lành và bền vững. Những dự án này được tích hợp nhiều chức năng hỗn hợp nhằm hướng tới một không gian sống lý tưởng, nơi cư dân có thể sống, học tập, làm việc và vui chơi.

Dưới đây là một số yếu tố quan trọng mà cả chủ đầu tư và người mua nên xem xét khi quyết định đầu tư vào những dự án “bất động sản tích hợp”:

Cảnh quan xanh, không khí trong lành: Hệ thống công viên, cây xanh và không gian công cộng được quy hoạch tốt không chỉ là yếu tố thu hút người mua mà còn giúp tạo giá trị bền vững về mặt kinh tế, xã hội và môi trường trong tương lai.

Ecopark (Hưng Yên) là một trong những dự án bất động sản tích hợp thành công điển hình nếu xét trên tiêu chí này.

Không gian xanh "thương hiệu" của Ecopark. Ảnh: FB Ecopark

Hệ thống giao thông thuận lợi: Các dự án bất động sản tích hợp có yêu cầu cao về quy mô mặt bằng, do đó những dự án này thường được phát triển tại các vùng ngoại ô, nơi quỹ đất còn tương đối dồi dào. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng quyết định đến lợi thế cạnh tranh và khả năng phát triển của những dự án này là cơ sở hạ tầng giao thông phải thuận lợi, dễ dàng kết nối với các điểm giao thông công cộng khác. Đối với những dự án nằm tại khu vực hẻo lánh, riêng biệt chủ đầu tư nên xem xét việc tự vận hành một hệ thống giao thông riêng, chẳng hạn như dịch vụ xe bus đưa đón cư dân tới một số địa điểm cụ thể trong thành phố.

Hệ thống xe bus miễn phí đưa đón và kết nối dân cư tới 5 điểm trong nội thành của Vinhomes Smart City. Ảnh: muanhavinhomes

Quy hoạch các tòa nhà hợp lý, tạo cảm giác dễ chịu cho cư dân: Cân bằng giữa hai yếu tố kiến trúc và cảm nhận của con người sẽ giúp tạo nên một không gian sống thú vị và hợp lý hơn cho dự án. Chủ đầu tư cần tránh những thiết kế đơn điệu, lặp đi lặp lại trong dự án của mình.

Trường học chất lượng cao: Giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến quyết định thay đổi chỗ ở của người mua nhà, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ. Những dự án có tích hợp trường học, cơ sở giáo dục có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trong ngành. Vingroup là minh chứng thành công cho hoạt động này khi quyết định đưa hệ thống giáo dục Vinschool vào dự án.

Hệ thống giáo dục Vinschool liên cấp từ bậc Mầm non đến THPT do Tập đoàn Vingroup đầu tư phát triển. Ảnh: Vinschool
>>>Xem thêm: 7 chiêu thức marketing bất động sản giúp dân sales “bách phát bách trúng”

WFH làm thay đổi “bộ mặt” của bất động sản văn phòng

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bắt đầu áp dụng chính sách làm việc từ xa và điều này đã vô tình làm thay đổi thị trường bất động sản văn phòng.

Trong nửa đầu năm 2021, xu hướng thu hẹp hoặc trả lại mặt bằng thuê đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Hà Nội, số lượng giao dịch thu hẹp hoặc trả lại mặt bằng đã giảm từ 17% trong năm 2020 xuống 0% trong nửa đầu năm 2021. Tương tự, tỷ lệ này ở thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận giảm từ 27% xuống 3%. Về ngành nghề, các ngành CNTT/Truyền thông/Viễn thông và Ngân hàng/Tài Chính/Bảo hiểm tiếp tục là động lực chính thúc đẩy nhu cầu thị trường.

Theo báo cáo từ CBRE, thời gian tới các doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục áp dụng chính sách làm việc từ xa, tăng từ mức 63% tại thời điểm Q3 2020 lên mức 74% tại thời điểm Q2 2021. Giá thuê trung bình của các dự án hiện hữu được dự đoán vẫn giữ ở mức ổn định trong 6 tháng cuối năm 2021.

Giá cho thuê văn phòng tại Hà Nội quý 2 2021. Ảnh CBRE

Nhìn chung, thị trường văn phòng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục cho thấy tín hiệu phục hồi trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc cho nền kinh tế Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

>>>Xem thêm: Mật mã mới cho marketing bất động sản để lôi kéo khách hàng tiềm năng

Ecommerce thúc đẩy sự phát triển mạnh của bất động sản công nghiệp, logistic và lưu trữ

Cơ sở hạ tầng logistics và lưu trữ

Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Trong bối cảnh đại dịch, xu hướng này ngày càng rõ nét khi người tiêu dùng chuyển dần từ mua sắm trực tiếp sang mua hàng online, từ đó làm tăng nhu cầu về kho lạnh lưu trữ thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác.

Thương mại điện tử cần không gian lưu trữ lớn hơn gấp ba lần so với các hoạt động logistics truyền thống. Mặc dù chi phí logistics tại Việt Nam vẫn còn cao so với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tuy nhiên, dịch vụ này đang dần trở nên cạnh tranh hơn khi mạng lưới cơ sở hạ tầng mới bao gồm sân bay ở phía Nam, đường cao tốc, cảng biển đang dần được hoàn thiện. Sự cải thiện này một phần được thúc đẩy bởi nhu cầu của người tiêu dùng trong nước khi thương mại điện tử dần trở nên phổ biến. Yêu cầu ngày càng tăng đối với cơ sở hạ tầng hỗ trợ, kho lạnh, kho bãi và hậu cần sẽ trở thành những lĩnh vực đầu tư trọng điểm vào năm 2021.

Shopee triển khai kho hàng thứ 3 tại Việt Nam nhằm đảm bảo dòng chảy hàng hóa TMĐT. Ảnh: Thanhnien

Bất động sản công nghiệp

Trong nửa đầu năm 2021, bất chấp những khó khăn bởi tình hình dịch bệnh, thị trường bất động sản công nghiệp vẫn duy trì được diễn biến tích cực cả về giá thuê và tỷ lệ lấp đầy. Trong Q2 2021, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các tỉnh và thành phố công nghiệp chính khu vực miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt khoảng 80%. Nếu tính thêm các tỉnh lân cận (Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên, Vĩnh phúc, Quảng Ninh) thì tỷ lệ lấp đầy của các dự án khu công nghiệp đạt 69%.

Nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp chủ yếu đến từ các công ty thuộc các ngành sản xuất linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, đóng gói và logistics. Trong đó, sự tăng trưởng mạnh của các công ty logistics kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đã thúc đẩy nhu cầu về không gian lưu trữ, làm tăng nhu cầu tìm kiếm quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng kho vận, với số lượng yêu cầu hỏi thuê tăng từ 30% năm 2020 lên 39% trong nửa đầu năm 2021.

Bất động sản chăm sóc sức khỏe

Lối sống, hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng tại Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ dưới tác động của tình hình dịch bệnh. Trong đó, nhận thức về chăm sóc sức khỏe và những rủi ro có thể đối mặt ngày càng được quan tâm. Điều này đã kéo theo một sự chuyển dịch đáng kể trong ngành bất động sản. Những dự án “Wellness Investment” - bất động sản đầu tư cho sức khỏe trở thành xu hướng dẫn đầu, được giới đầu tư săn tìm ráo riết, mặc cho thị trường nói chung đang khá yên ắng.

Bất động sản chuẩn "wellness" của một Resort tại Hòa Bình. Ảnh: Bloganchoi
 

Vài năm trở lại đây, khu du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam dần trở nên đa dạng hơn, đặc biệt là ở miền Bắc với sự xuất hiện của các khu resort villa trên núi. Quan điểm về du lịch nghỉ dưỡng cũng có sự thay đổi do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, thay vì đi xa mọi người thường ưu tiên các địa điểm và điểm tham quan trong vòng một hoặc hai giờ lái xe từ thành phố. Tăng trưởng gần đây của thị trường nghỉ dưỡng là nhờ vào sự chuyển hướng du lịch trong nước thay vì ra nước ngoài của người dân. Đây là cơ hội tốt các nhà đầu tư rót tiền vào những bất động sản này bởi khả năng sinh lời tốt, tỷ lệ lấp phòng cao và dễ dàng chuyển nhượng nếu có nhu cầu.

“Bỏ phố về rừng” làm farmstay

Kể từ thời điểm dịch bệnh bùng phát, làn sóng “bỏ phố về rừng” làm farmstay đã tăng đột biến. Farmstay là một hình thức của du lịch nông nghiệp, nơi du khách được trực tiếp tham gia vào hoạt động nuôi trồng, canh tác, trồng cây ăn quả,... và khám phá những nét độc đáo về ẩm thực, văn hóa bản địa.

Nở rộ đầu tư farmstay mùa dịch. Ảnh: Vietnammoi

Mặc dù chi phí để xây dựng và duy trì hoạt động của farmstay là rất lớn, nhưng loại hình này vẫn thu hút được rất nhiều người tham gia, họ có thể là những người trẻ, cư dân nội đô hoặc chủ đầu tư mong muốn rời bỏ thành thị về vườn để lập nghiệp, để tận hưởng cuộc sống.

Nhìn từ tiềm năng của bất động sản nông nghiệp, thị trường farmstay tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển và chắc chắc làn sóng này sẽ còn bùng nổ hơn nữa trong thời gian tới.

>>>Xem thêm: Bất động sản “đóng băng” – “Nạn nhân” tiếp theo của Covid-19

Kết

Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tất cả mọi ngành nghề, và bất động sản cũng không nằm ngoài làn sóng ảnh hưởng đó. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, chiến dịch tiêm chủng mở rộng vaccine Covid-19 và những kết quả khả quan khi áp dụng chính sách làm việc từ xa sẽ thúc đẩy hơn nữa những xu hướng bất động sản này trong tương lai.

Lương Hạnh - MarketingAI

Tổng hợp

>> Xem thêm: 13 Ý tưởng Content Marketing “thực chiến” cho các đại lý bất động sản

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.