5 động thái các thương hiệu cần thực hiện ngay để thích ứng với nền kinh tế thời kỳ Covid-19

02 Thg 04

Thế giới đang bị đẩy vào một viễn cảnh thương mại khủng hoảng chưa từng có với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Chỉ trong vài tuần, Covid-19 đã làm đảo lộn hoàn toàn mọi hoạt động hằng ngày của các doanh nghiệp. Mặc dù mức độ nghiêm trọng của đại dịch gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự ổn định kinh tế và an toàn công cộng ngày càng lớn, nhưng cách mà xã hội chúng ta đang giải quyết vấn đề này bằng việc khuyến khích sự cách ly hàng loạt sẽ có tác dụng thúc đẩy một số xu hướng đã bắt nguồn từ Digital Marketing. 

Một nghiên cứu quan trọng được tổng hợp trong cuốn sách “Vượt qua nghịch cảnh” (Leading Through Adversity) của ForwardPMX (ra đời nhằm điều hướng nền kinh tế đi qua thời virus corona) đã cho thấy rằng, trong lúc tất cả các ngành công nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn này, thì nạn nhân ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là ngành du lịch, khách sạn và nghỉ dưỡng; còn chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm thì ngược lại, tăng trưởng vô cùng nhanh. Khi việc di chuyển vật lý bị hạn chế thì người tiêu dùng sẽ bắt đầu có xu hướng chuyển sang dùng các kênh kỹ thuật số cho mọi giai đoạn của quá trình mua hàng, từ giai đoạn tìm hiểu, khám phá cho đến lúc mua hàng.

Các thương hiệu nên phản ứng ra sao?

Có khá nhiều cách trọng yếu khác nhau để các thương hiệu vẫn duy trì được lợi thế của mình, đồng thời xử lý được những mối lo ngại đang lan rộng và vấn đề cách ly xã hội. Đây cũng là những vấn đề đặc trưng trong quý tiếp theo và thời gian tới các doanh nghiệp cần lưu ý. Dưới đây là năm động thái cụ thể mà các thương hiệu có thể thực hiện để có thể “vùng lên” mạnh mẽ về mặt kinh tế trong giai đoạn hậu Covid-19.

1. Sự phát triển bùng nổ của e-Commerce và m-Commerce

Nghiên cứu của ForwardPMX cho thấy rằng trong các cuộc khủng hoảng sức khỏe nói chung, người tiêu dùng có xu hướng sợ hãi và né tránh những rủi ro. Về mặt hành vi, điều này dẫn đến một hệ quả rằng người dùng sẽ chuyển sang làm việc tại nhà và mua hàng trực tuyến; ở Trung Quốc, việc tự cách ly đã khiến tỷ lệ sử dụng điện thoại di động tăng tới 20%. Vì thế, các thương hiệu nên đầu tư ngay lập tức vào các phương pháp kỹ thuật số tiên tiến để tạo ra trải nghiệm thương mại điện tử có thể thay thế hoàn toàn cho trải nghiệm vật lý, chứ không chỉ đơn giản là bổ sung cho chúng.

(Nguồn: The next Scoop)

Để làm điều này, điều đầu tiên các thương hiệu phải làm đó là đầu tư các trang web e-commerce (thương mại điện tử), bằng cách sử dụng nền tảng cá nhân hóa để tùy chỉnh cấu trúc và nội dung của trang web sao cho phù hợp với mỗi khách hàng truy cập. Ngoài ra, trong thời gian chuỗi cung ứng hàng hóa không được ổn định như hiện nay, điều quan trọng nhất là phải tối ưu hóa trang web bằng cách tích hợp với hệ thống quản lý hàng tồn kho, để các sản phẩm đã hết hàng không bị hiển thị với người tiêu dùng.

Tương tự, các công cụ tối ưu hóa mạnh mẽ có thể sử dụng thuật toán để xác định sản phẩm nào phù hợp với sự quan tâm của người dùng, từ đó đưa chúng lên giao diện chính với một vị trí nổi bật. Cuối cùng, dù thương hiệu của bạn tận dung các trang thương mại điện tử lớn như Salesforce Commerce Cloud hay Magento Commerce; hoặc tự tạo ra một trang web cho riêng mình, thì đều cần tập trung nhất vào hiệu quả có tác động ngay lập tức với tỷ lệ chuyển đổi trên trang, đó chính là trải nghiệm thanh toán nhanh chóng và liền mạch, nút “Thêm vào giỏ hàng” nhanh và khả năng tiếp cận với giỏ hàng mọi lúc mọi nơi, cùng nhiều tính năng khác nữa.

2. Tận dụng chức năng của chatbot và phần mềm trợ lý giọng nói

(Nguồn: Chatbots life)

Ở thời điểm mà mọi điểm tiếp xúc với khách hàng đều được thực hiện trên nền tảng online, thì đây chính là lúc mà các nhãn hàng nên có những sáng kiến hay ho. Bạn có thể cài đặt Chatbot lên trang web hoặc trong các ứng dụng nhắn tin như Facebook Messenger. Chatbot có thể đem lại nhiều tiện ích khác nhau, như trả lời các Câu hỏi thường gặp và cung cấp các loại dịch vụ bán hàng kèm hướng dẫn chi tiết - mà trước đây chỉ khách hàng chỉ có thể trải nghiệm khi mua hàng trực tiếp qua đại lý bán hàng. Đối với một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, như du lịch hay bán lẻ, nghỉ dưỡng, chatbot có thể là một giải pháp công nghệ có tác động mạnh mẽ đến quy trình bán hàng, giúp nó diễn ra một cách nhuần nhuyễn, thúc đẩy quá trình cân nhắc mua hàng của người tiêu dùng.

Loại hình trải nghiệm mua hàng “nhộn nhịp”, khả năng tương tác cao và được cá nhân hóa có thể giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi mua hàng trên trang lên đến 18%. Ngoài ra, bằng cách đưa ra câu hỏi và tìm hiểu về người tiêu dùng, chatbot hoạt động như một cơ chế thu thập thông tin chi tiết nhằm tăng cường quá trình thu thập dữ liệu của các doanh nghiệp.

3. Hãy phát triển tính năng tìm kiếm bằng giọng nói 

(Nguồn: Geomarketing)

Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng như việc có cơ số người tiêu dùng phải ở nhà trong giai đoạn này, thì các phần mềm phát hiện giọng nói được dự báo sẽ phát triển nhanh chóng. Vào cuối năm 2019, hơn 60 triệu người Mỹ đều sở hữu cho mình một chiếc loa thông minh, với sự thống trị thị trường của hai hãng là Echo của Amazon và Home của Google. Trong bối cảnh hiện nay, có tới 20% trong số này đã mua hàng thông qua những chiếc loa thông minh, nhưng tất cả các bằng chứng thì chỉ ra rằng chúng ta đang đứng trước sự bùng nổ của việc mua sắm bằng giọng nói; eMarketer dự đoán rằng vào năm 2021, 38 triệu người Mỹ sẽ mua sắm qua những chiếc loa thông minh của họ.

Vì vậy, các thương hiệu nên tích cực chuẩn bị để tận dụng làn sóng sắp tới này bằng cách thực hiện các chiến lược tìm kiếm bằng giọng nói như một phần trong kế hoạch SEO hiện tại, để đảm bảo những kết quả hiển thị cho phần tìm kiếm bằng giọng nói sẽ hiện ra phù hợp nhất cho khách hàng. Như chúng ta đã thấy, với các nền tảng kỹ thuật số mới nổi khác, các nhãn hàng đi sớm một bước sẽ gặt hái được những phần thưởng tương ứng, vì vậy các thương hiệu nên tìm đến các đối tác là các agency để được hướng dẫn và hiểu hơn về vai trò của việc tìm kiếm bằng giọng nói.

4. Tập trung vào việc khai thác dữ liệu từ doanh nghiệp

Tất cả các Marketers giỏi đều biết rằng dữ liệu của doanh nghiệp là thứ quan trọng nhất đem lại thông tin khách hàng. Với các quy định như Đạo luật bảo mật người tiêu dùng California (CCPA) và Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU hiện đang có hiệu lực, các thương hiệu phải đạt được sự cân bằng giữa việc tuân thủ các quy định hiện hành và cung cấp trải nghiệm mua hàng cá nhân hóa, ưu tiên nhờ những thông tin được cung cấp trực tiếp bởi người tiêu dùng.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khách hàng sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân của họ khi họ có lý do thuyết phục để làm điều đó, chẳng hạn như thanh toán nhanh hơn và liền mạch hơn hoặc có các đề xuất ưu đãi/quà tặng hấp dẫn. Có rất nhiều cách để thu thập và phân tích số liệu, điển hình là công cụ Google Analytics, biểu mẫu trực tuyến, khảo sát, thậm chí cả chatbot. Đồng thời, việc có một nền tảng dữ liệu khách hàng hàng đầu để quản lý thông tin này là rất quan trọng, vì việc đầu tư trả trước các nguồn lực và băng thông (tốc độ truyền dữ liệu tối đa trên một đường dẫn nhất định) sẽ trả cổ tức trong tương lai.

5. Bắt kịp thời kỳ cá nhân hóa

(Nguồn: Vietnambiz)

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra đúng vào thời điểm diễn ra sự thay đổi lớn trong ngành Digital Marketing: đó là một thế giới không có cookie. Đơn cử như việc Google đã tuyên bố rằng vào năm 2022, các trình duyệt Chrome sẽ không còn hỗ trợ cookie của bên thứ ba nữa. May mắn thay, mặc dù việc nhắm mục tiêu theo hành vi sẽ trở nên khó khăn hơn, việc thực hiện cá nhân hóa thông qua các phương tiện digital ngày càng trở nên tinh vi. Sự sụp đổ trong việc nhắm mục tiêu theo hành vi thông qua cookie sẽ dẫn tới sự hồi sinh của việc nhắm mục tiêu theo ngữ cảnh. Đã có những tiến bộ ấn tượng trong việc nhắm mục tiêu theo ngữ cảnh, nhưng dù vậy, nó vẫn còn khó theo dõi hơn việc nhắm mục tiêu theo hành vi. Các hạn chế khác liên quan tới giới hạn tần suất và việc phân bổ khiến cho việc nhắm mục tiêu theo ngữ cảnh sẽ không bao giờ đạt được sự chính xác giống như việc nhắm mục tiêu theo hành vi mà các marketers đã làm trước đây.

Tuy nhiên nó vẫn là một công cụ khá độc đáo và bắt đầu cho thấy hiệu quả tích cực. Các chiến lược cá nhân hóa bổ sung bao gồm tối ưu hóa nội dung, sử dụng chatbot và phần mềm trợ lý giọng nói nhằm khai thác sâu hơn nhu cầu của cá nhân từng người tiêu dùng; cũng như tối ưu hóa nội dung quảng cáo và sáng tạo trên thời gian thực đều sẽ dựa trên những phản hồi của khách hàng và việc thử nghiệm liên tục.

>>> Covid-19 đã ảnh hưởng lên ngành bán lẻ toàn thế giới như nào?

Tạm kết

Quả thực, đây là quãng thời gian vô cùng thách thức đối với từng cá nhân và doanh nghiệp; và hầu hết các công ty đều sẽ chọn cách làm sao để trụ vững và vượt qua "bão tố" này ít “đau thương” nhất có thể. Nhưng đừng quên, đây cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp nên suy nghĩ về các khoản đầu tư có thể được thực hiện, giúp khẳng định lại vị thế của ình  trong thời điểm “vùng lên” mạnh mẽ sau dịch; cũng như để đủ tiềm lực chống chọi với những thử thách bất ngờ tiếp theo chẳng may sẽ giáng vào doanh nghiệp của bạn.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Adage.com

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.