18 Chiến dịch quảng cáo hay nhất mọi thời đại (Phần 1)

25 Thg 05

Thế nào là một quảng cáo hay nhất mọi thời đại? Đó có phải là các quảng cáo hay tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ dựa trên sự phát triển thương hiệu vốn có của nó. Hay là một...

Thế nào là một quảng cáo hay nhất mọi thời đại? Đó có phải là các quảng cáo hay tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ dựa trên sự phát triển thương hiệu vốn có của nó. Hay là một quảng cáo “viral” đến nỗi nhiều năm sau chúng ta vẫn còn nhớ về nó - thậm chí lúc nó ra đời, ta còn chưa sinh ra. Dù thế nào, thì cũng thật khó để chọn ra MỘT quảng cáo hay nhất. Đó là lý do tại sao Hubspot đã lên danh sách 18 thương hiệu cùng 18 chiến dịch để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người tiêu dùng. Cùng MarketingAI khám phá 18 chiến dịch các quảng cáo hay nhất mọi thời đại và bài học rút ra từ chúng nhé! 

Giới thiệu về Quảng cáo và các loại hình quảng cáo

Trước tiên, để biết các yếu tố nào khiến cho một quảng cáo trở nên tuyệt vời, bạn cần hiểu rõ khái niệm của quảng cáo cũng như của từng loại hình quảng cáo.

Quảng cáo là gì?

Quảng cáo là thông điệp được truyền tải tới người dùng thông qua chữ viết hoặc hình ảnh/video trực quan, nhằm quảng bá một sản phẩm, dịch vụ hoặc một chiến dịch cụ thể. Các doanh nghiệp có thể trả tiền cho chủ sở hữu của một kênh hoặc nền tảng nào đó - có khả năng tiếp cận đến đối tượng tương tự nhằm truyền bá thông điệp quảng cáo hay. Hai trong số những thách thức lớn nhất trong quảng cáo là đo lường giá trị của quảng cáo và đảm bảo nó tiếp cận và tạo ra hiệu quả với đúng đối tượng mục tiêu.

quảng cáo là gì

Quảng cáo là gì?

Như bạn có thể thấy, trên thị trường có rất nhiều loại quảng cáo khác nhau và tất cả chúng đều được chạy trong các phương tiện khác nhau, quảng bá trên các kênh khác nhau và mang những mục tiêu khác nhau tương ứng với mỗi doanh nghiệp sở hữu. Mọi người có thể quảng cáo ở bất cứ đâu nhưng hãy đảm bảo rằng bạn phải bắt kịp xu hướng, vì loại hình quảng cáo tốt nhất hôm nay chưa chắc sẽ còn giữ được độ “hot” vào ngày mai.

Các loại hình quảng cáo

Dưới đây là bốn loại hình quảng cáo cơ bản và phổ biến nhất tính từ vài thế kỷ trước trở lại đây.

1. Quảng cáo in

Theo Infolinks, Quảng cáo in ra đời lần đầu tiên ở Anh vào năm 1472. Kể từ đó, loại quảng cáo này xuất hiện trên báo in, tạp chí, tài liệu quảng cáo, bảng quảng cáo, tờ rơicác phương thức quảng cáo có thể mang đi khác nhằm truyền tải thông điệp quảng cáo hay của thương hiệu đến gần hơn với người dùng cuối lý tưởng của nó. Trong phương thức quảng cáo này, nhà quảng cáo trả tiền cho nhà xuất bản để được đặt quảng cáo của họ trong các ấn phẩm.

2. Quảng cáo trên đài phát thanh

Quảng cáo radio có từ năm 1920, khi các đài phát thanh thương mại đầu tiên được ra mắt tại Mỹ. Ngày nay, đài phát thanh vẫn là một nền tảng Marketing và quảng cáo tiềm năng giúp mở rộng phạm vi cũng như quy mô của một sự kiện được tài trợ hoặc sự kiện ra mắt sản phẩm mới. Trong phương thức quảng cáo này, nhà quảng cáo trả tiền cho các đài phát thanh để phát quảng cáo của họ trong khoảng thời gian giải lao cố định giữa các chương trình âm nhạc và các chương trình radio khác.

3. Quảng cáo trên truyền hình

Quảng cáo truyền hình bắt nguồn từ những năm 1940 sau khi các chương trình quảng bá mặt hàng thiết thực và các chiến dịch chính trị bắt đầu được ra đời. Các nhà quảng cáo ngày nay đều có thể sử dụng truyền hình là một kênh để quảng bá thực phẩm, đồ chơi, cửa hàng, dịch vụ kinh doanh... trên cả các kênh truyền hình địa phương cũng như mạng lưới truyền hình quốc gia. Trong phương thức quảng cáo này, nhà quảng cáo trả tiền cho đài truyền hình khu vực hoặc quốc gia để được phép hiển thị quảng cáo trong thời gian nghỉ giải lao cố định trong các chương trình thông thường của đài truyền hình.

4. Quảng cáo trên Internet

Quảng cáo trên Internet bắt nguồn từ giữa những năm 1990 với sau khi các công ty viễn thông cho ra mắt loại hình quảng cáo "banner". Những quảng cáo này được đặt ở các vị trí xen kẽ trên một trang web. Trong phương thức quảng cáo này, nhà quảng cáo trả tiền cho chủ sở hữu trang web để đặt quảng cáo của họ xung quanh nội dung chính được hiển thị ở giữa trang web. Quảng cáo trên Internet giờ đây ngày một phát triển mạnh mẽ hơn với nhiều hình thức khác ra đời, bao gồm video, tiếp thị công cụ tìm kiếm (SEM), các bài đăng được tài trợ trên mạng xã hội,vv...

các loại hình quảng cáo

Các loại hình quảng cáo

Nhưng, như bạn đã biết, các loại hình quảng cáo trên đã có những bước phát triển vượt bậc so với thời điểm khi vừa ra mắt. Những thông điệp một chiều giờ đây đã chứa đựng yếu tố thông minh, hài hước hoặc sâu sắc khiến quảng cáo trở nên đáng nhớ hơn sau nhiều năm ra mắt thị trường.

Vậy làm thế nào để bạn tạo ra một chiến dịch quảng cáo gây được tiếng vang?

Trước tiên, bạn cần phải hiểu Chiến dịch quảng cáo là gì?

Chiến dịch quảng cáo là một nhóm các quảng cáo hay tương tự có âm thanh hoặc thông điệp thống nhất. Ưu điểm của chiến dịch so với quảng cáo độc lập là khả năng truyền tải cùng một thông điệp theo nhiều cách khác nhau, trên nhiều phương tiện và trong một khoảng thời gian dài hơn mà không cần lặp đi lặp lại và không gây khó chịu cho khán giả.

>>> Có thể bạn quan tâm: 

18 chiến dịch các quảng cáo hay nhất mọi thời đại

1. Nike: Just Do It

Loại hình quảng cáo: In, Truyền hình, Internet

các quảng cáo hay của Nike

Nguồn: brandchannel

Bạn có biết rằng vốn dĩ các sản phẩm của Nike từ những ngày đầu tiên hầu như chỉ phục vụ cho các vận động viên marathon không? Nhưng sau đó, cơn sốt mang tên “fitness” đã xuất hiện - và những người trong bộ phận Marketing của Nike biết rằng họ cần phải tận dụng lợi thế vốn có của mình để vượt qua đối thủ cạnh tranh lớn nhất, Reebok. (Vào thời điểm đó, Reebok đang bán nhiều giày hơn cả Nike). Vì vậy, vào cuối những năm 1980, Nike đã tạo ra cơn sốt với chiến dịch mang tên "Just Do It". Đó thực sự là một cú “hit” lớn.

Năm 1988, doanh số của Nike đạt mức 800 triệu USD; đến năm 1998, doanh thu vượt 9,2 tỷ USD. "Juts Do it" (cứ làm đi) - một thông điệp ngắn và ngọt ngào nhưng gói gọn đủ mọi cảm xúc mà người dùng cảm nhận được khi họ tập thể dục. Và cho đến tận ngày hôm nay, cảm xúc đó vẫn được giữ nguyên vẹn.

Bạn không muốn chạy 5 dặm ư? Cứ làm đi. Bạn không muốn đi 4 chuyên thang bộ liên tiếp ư? Cứ làm đi. Đó là một khẩu hiệu có tác động mạnh mẽ đến mỗi chúng ta: thúc đẩy những nỗ lực giúp cho bản thân vượt qua giới hạn của chính mình.

Bài học rút ra

Khi bạn đang tìm phương án tốt nhất để thể hiện đúng giá trị thương hiệu của mình, hãy tự hỏi: Bạn đang giải quyết vấn đề gì cho khách hàng? Sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn mang đến giải pháp tối ưu nào? Bằng cách tập trung vào vấn đề cốt lõi đó trong tất cả các thông điệp quảng cáo hay bạn muốn truyền tải đi, bạn sẽ kết nối với người tiêu dùng ở mức độ cảm xúc khó có thể bỏ qua.

2. Coca Cola: Share a Coke

Loại hình quảng cáo: In

các quảng cáo hay của coca cola

Nguồn: BlueRush

Các thương hiệu lớn thường khó tạo ra được điều gì đột phá khi danh tiếng đã ở tầm quá lớn. Nhưng với trường hợp của Coca Cola lại khác, chiến dịch họ tạo ra, các quảng cáo hay của họ đã một lần nữa thu hút sự chú ý của công chúng. Họ kêu gọi từng người dùng cá nhân, bằng cách đặt tên của họ trên mỗi chai đồ uống.

Chiến dịch Share a Coke bắt đầu được khởi xướng ở Úc vào năm 2011, khi Coca Cola in 150 tên gọi phổ biến nhất nước này lên vỏ chai đồ uống. Ngay sau đó, Mỹ cũng đã làm theo, in tên của họ lên mặt trước của chai và lon theo phông chữ thương hiệu của Coca Cola. Và đặc biệt hơn, người dùng hoàn toàn có thể truy cập trang web của Coca Cola để đặt hàng chai nước với biệt danh của mình hay logo trường Đại học.

Cho đến tận ngày nay, chiến dịch này vẫn được coi là một chiến dịch đột phá trong ngành Marketing và Quảng cáo. Nhiều người tiêu dùng đã bị mê hoặc bởi nó, nhưng cũng vẫn có những người cảm thấy khó hiểu với chiến dịch này - tại sao một mặt hàng chỉ được sử dụng tạm thời như thế này lại có tính cá nhân hóa như vậy? Thậm chí Pepsi - đối thủ lớn nhất của Coca Cola cũng đã cho phát hành một quảng cáo phản đối chiến dịch này ngay sau khi nó được phát động. Tuy nhiên, thật không may cho Pepsi, Coca Cola đã gây được tiếng vang lớn ngay sau đó.

Bài học

Người hâm mộ Coca Cola là những người mua hàng thường xuyên, và chính vì thế thương hiệu này đã quyết định hướng tới việc đề cao tính sở hữu cá nhân của mỗi người. Hãy tự tưởng tượng cái tên mà bạn mong chờ sẽ được in lên vỏ chai và rơi ra khỏi máy bán hàng tự động - sẽ hồi hộp và thú vị biết bao, phải không? Thậm chí nếu đó không phải tên của bạn mà là của bất kỳ ai, thì việc sở hữu một chai/lon Coca Cola như vậy vẫn sẽ khiến khách hàng vô cùng phấn khích và chủ động chia sẻ khắp nơi.

3. Absolut Vodka: The Absolut Bottle 

Loại hình quảng cáo: In

các quảng cáo hay của Absolut Vodka

các quảng cáo hay của Absolut Vodka 01

Nguồn: Trendland

Mặc dù không sở hữu một diện mạo nổi bật hay màu sắc độc đáo nào thế nhưng Absolut vẫn có thể biến chai rượu của mình trở thành một trong những chai rượu dễ nhận biết nhất trên thế giới. Chiến dịch bao gồm các quảng cáo in được in lên các chai thủy tinh - đã đạt được thành công đến mức họ đã không ngừng chạy nó trong suốt 25 năm. Đây là chiến dịch quảng cáo không bị gián đoạn dài nhất từ trước đến nay với hơn 1.500 quảng cáo riêng biệt.

Ở thời điểm khi chiến dịch bắt đầu, Absolut chỉ chiếm 2,5% thị trường Vodka ở Mỹ. Nhưng khi chiến dịch kết thúc vào cuối những năm 2000, số chai rượu nhập khẩu của Absolut đã lên tới con số 4,5 triệu chai/năm, chiếm 50% số vodka nhập khẩu ở Mỹ.

Bài học rút ra

Cho dù sản phẩm của bạn trông nhàm chán như thế nào, điều đó không có nghĩa là bạn không thể kể câu chuyện của mình theo một cách thú vị. Hãy để tôi nhắc lại: Absolut đã tạo 1500 quảng cáo cho một chai rượu duy nhất. Vì thế, hãy xác định và phân biệt sản phẩm của bạn theo cùng một thông điệp nhất định.

4. Anheuser-Busch: Whassup (1999)

Loại hình quảng cáo: Truyền hình

Nguồn: Youtube bulls7123

Lần cuối cùng một quảng cáo thực sự ảnh hưởng và thay đổi cách chúng ta nói chuyện với nhau là khi nào? Cho phép tôi trả lời câu hỏi đó bằng một câu hỏi khác: "Whassup?!". Series các quảng cáo hay này, xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 1999, kể về một nhóm bạn kết nối với nhau qua một cuộc điện thoại nhóm trong khi uống bia và xem các games trên TV.

Quảng cáo bắt đầu bằng việc một người hỏi: “Bạn đang làm gì vậy?”, rồi người khác đáp lại “Đang xem game thôi, với bia Budweiser.” Và rồi khi có nhiều bạn bè nhấc điện thoại lên, sự vui nhộn bắt đầu xuất hiện. Họ la hét qua điện thoại và cùng nói một từ: "WHASSUP!?" Từ này sau đó đã trở thành một câu khẩu hiệu kinh điển và là biểu tượng của văn hóa uống bia liên tục được nhắc đi nhắc lại trên các diễn đàn thể thao trong nhiều năm sau này.

Bài học rút ra

Quảng cáo đã tạo ra cơn sốt về làn sóng văn hóa đại chúng trong suốt giải đấu “Super Bowl” năm 2000. Và bạn vẫn có thể thấy, tiếng vang của nó vẫn duy trì cho đến ngày hôm nay. Tại sao? Anheuser-Busch (một công ty nước giải khát và sản xuất rượu bia đa quốc gia có trụ sở ở Leuven, Bỉ) đã cho chúng ta thấy lợi ích một quảng cáo thân thiện, gần gũi và hơi có phần "ngớ ngẩn" có thể đem lại mà không đi ngược với bản sắc thương hiệu hoặc gây khó chịu cho người xem  Nên nhớ rằng, quảng cáo của bạn càng chân thực, sản phẩm của bạn càng có giá trị.

5. Miller Lite: “Great Taste, Less Filling” (1974)

Loại hình quảng cáo: In, Truyền hình

các quảng cáo hay của Miller Lite

Nguồn: BuildingPharmaBrands

Bạn có nghĩ rằng việc tạo ra một thị trường hoàn toàn mới cho sản phẩm là dễ dàng? Công ty bia Miller (nay là MillerCoors) đã làm điều đó với thị trường bia có nồng độ cồn thấp (light beer) - và nhanh chóng trở thành kẻ thống trị thị trường. Mục tiêu của chiến dịch "Great Taste, Less Filling" là khiến cho "những người đàn ông đích thực" uống bia có nồng độ cồn thấp, nhưng quan trọng hơn cả - chiến dịch hướng tới sự thay đổi quan niệm sai lầm phổ biến rằng loại bia này không thực sự ngon.

Để tạo ra cuộc tranh luận, Miller đã sử dụng những người mẫu nam tính trong quảng cáo uống bia của họ và khẳng định rằng nó rất ngon.

Bài học rút ra

Trong nhiều thập kỷ sau khi chiến dịch này được phát sóng, Miller Lite đã thống trị thị trường bia có nồng độ cồn thấp mà chính họ đã tạo ra. Vậy các Marketer có thể học gì từ nó? Đó là sự phấn đấu để trở nên khác biệt. Nếu mọi người nói với bạn rằng thị trường không có chỗ cho sản phẩm của bạn, hãy tạo ra thị trường của riêng bạn để có thể nhanh chóng trở thành người dẫn đầu.

6. Always: #LikeaGirl (2015)

Loại hình quảng cáo: Truyền hình, Internet

Nguồn: Always

Khi nhắc đến các quảng cáo hay ấn tượng chúng ta không thể không nhắc đến Always. Thương hiệu Always đã tạo ra cú bứt phá lớn với chiến dịch quảng cáo có tên #Likeagirl này, không phải vì nó đã trở nên “viral” sau khi được quảng bá tại sự kiện Super Bowl năm 2015, mà bởi vì nó mang một thông điệp có sức ảnh hưởng lớn tới hàng trăm triệu người ngay cả khi chiến dịch kết thúc.

Chiến dịch bắt đầu với một quảng cáo giải thích sự kỳ thị đằng sau việc chơi thể thao "như một cô gái" - ý muốn nói rằng cách chơi của các cậu bé mới là tốt hay chính xác hơn. Trong phần cuối của quảng cáo, thông điệp của cả chiến dịch đã được thể hiện rất rõ ràng cũng như tạo cảm hứng cho rất nhiều người: Các cô gái hoàn toàn đủ khả năng cũng như rất phù hợp để chơi các môn thể thao, giống như các chàng trai, đặc biệt là ở tuổi dậy thì - một giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với thương hiệu Always và các sản phẩm về phụ nữ của họ.

Thông điệp này cho đến ngày nay vẫn được coi là một sáng kiến tuyệt vời được phát triển bởi Always và bạn có thể tìm hiểu thêm ở đây. Hashtag #likeagirl vẫn được sử dụng rộng rãi trên mạng xã hội cho đến nay.

Bài học rút ra

Các thương hiệu không nên chỉ tìm hiểu về đặc điểm của khách hàng mục tiêu mà còn phải đi sâu vào những thách thức mà họ gặp phải - đặc biệt là những thách thức được phản ánh qua thời gian và cả nền văn hóa lâu dài. Không phải mọi vấn đề xã hội đều giới hạn sự sáng tạo của các Marketer và nhà quảng cáo. Hãy nhìn sâu vào những chủ để mà khách hàng của bạn ủng hộ, bạn sẽ tiếp cận được cơ sở khách hàng để xác định được niềm đam mê của bạn.

7. Volkswagen: Think Small (1960)

Loại hình quảng cáo độc lập: In

các quảng cáo hay của Volkswagen

Nguồn: design shack

Khi nhắc đến những chiến dịch quảng cáo thành công nhất không thể không nhắc đến Volkswagen. Nhiều chuyên gia Marketing và quảng cáo đã gọi chiến dịch "Think Small" của Volkswagen là tiêu chuẩn vàng. Được tạo ra vào năm 1960 bởi nhóm quảng cáo huyền thoại tại Doyle Dane & Bernbach (DDB), chiến dịch ra đời nhằm đưa ra câu trả lời cho một câu hỏi: Làm thế nào để bạn thay đổi nhận thức của mọi người không chỉ về một sản phẩm, mà là cả một nhóm người?

Người Mỹ luôn có xu hướng mua những chiếc xe lớn Mỹ sản xuất - và thậm chí 15 năm sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, hầu hết người Mỹ vẫn không chấp nhận mua những chiếc xe nhỏ của Đức. Vậy quảng cáo này của Volkswagen đã thực hiện những gì? Nó đánh đúng vào tâm lý mong đợi của khán giả: “Bạn nghĩ tôi nhỏ bé ư? Đúng, tôi nhỏ bé đấy.” Họ không bao giờ cố gắng trở thành một cái gì đó mà họ không thể.

Bài học rút ra

Đó là điều nổi bật cũng như quan trọng nhất trong chiến dịch này: Đừng cố quảng bá công ty, sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn thành những thứ mà bạn không thể trở thành. Người tiêu dùng sẽ hiểu được điều đó và đánh giá cao sự trung thực của thương hiệu.

8. Google: Year in Search (2017)

Loại hình quảng cáo: Internet

Nguồn: Youtube Google

Đây không phải là quảng cáo lâu đời nhất hay nổi tiếng nhất trong danh sách này, nhưng nó lại là các quảng cáo hay mang thông điệp mạnh mẽ nhất trong suốt 9 năm tồn tại (và vẫn sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa). Mạnh mẽ và chân thực đến nỗi khiến bạn quên mất đó là một quảng cáo.

Year in Search (Các tìm kiếm trong một năm) bắt đầu vào năm 2009 với tên gọi "Zeitgeist", một báo cáo bằng văn bản về các tìm kiếm phổ biến nhất của Google trong 12 tháng trước đó. Đến năm 2010, Google đã điều chỉnh lại loại hình quảng cáo với việc cho ra mắt một video dài ba phút. Kể từ đó đến nay, chiến dịch như một lời nhắc nhở đầy táo báo rằng: “hằng năm chúng ta phụ thuộc vào Google bao nhiêu trong việc tìm kiếm thông tin về các tin tức, sự kiện “gây sốt” trên toàn thế giới.” Đừng bỏ qua những video mới nhất kể từ năm 2017 trở về sau nhé!

Bài học rút ra

Các thương hiệu đừng quên nhắc nhở khách hàng của bạn rằng bạn quan tâm họ nhiều đến mức nào, giống như họ quan tâm đến chính bạn. Những câu chuyện này gợi ra nhiều cảm xúc khác nhau, nhưng cuối cùng sẽ có tác dụng gắn kết mọi người lại với nhau - bất kể họ thích sản phẩm nào của Google - thông qua một thông điệp nhấn mạnh về cách sử dụng thương hiệu của chúng tôi sẽ phản ánh điều tốt nhất trong tất cả.

>>> Đọc phần II tại: 18 chiến dịch quảng cáo hay nhất mọi thời đại (Phần 2)

Tô Linh - MarketingAI

Theo HubSpot

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.