10 công cụ phân tích cảm xúc dùng để đo lường sức khỏe thương hiệu

10 Thg 04

Bạn có đang theo dõi sức khỏe thương hiệu của doanh nghiệp và tích cực làm việc để cải thiện các chỉ số quan trọng này, đồng thời tối đa hóa hiệu suất không? Sức khỏe thương hiệu, bắt đầu như một định nghĩa kỳ quặc, nhưng nay nó đã trở thành một chỉ số quan trọng đối với sự thành công đối với hầu hết các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, định nghĩa này có thể vẫn còn khá mới mẻ và khó hiểu đối với một số marketers. Để bắt đầu, hãy cùng MarketingAI tìm hiểu khái niệm này nhé!

Sức khỏe thương hiệu là gì?

Sức khỏe thương hiệu là tập hợp các số liệu đại diện cho độ nhận diện thương hiệu, uy tín thương hiệu và share of voice của thương hiệu. Nó bao gồm sự hài lòng của khách hàng và ý kiến ​​của những khách hàng tiềm năng về doanh nghiệp.

>>> Tìm hiểu thêm: Định nghĩa thương hiệu là gì

Sức khỏe thương hiệu được đo như thế nào?

Cách dễ nhất để đo lường sức khỏe thương hiệu là sử dụng các Nhóm tập trung (focus groups), Bảng câu hỏi (Questionnaires), và các phương tiện truyền thông xã hội. Trong đó, các mạng xã hội cung cấp nhiều insights hữu ích nhất , tuy nhiên nó sẽ không phù hợp với tất cả các doanh nghiệp. Nếu đối tượng mục tiêu của bạn không sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, thì bạn sẽ không cần phải dùng mạng xã hội, blog và diễn đàn để đánh giá nhận thức và uy tín thương hiệu của bạn. Tuy nhiên, một viễn cảnh như vậy là khá khó xảy ra trong thời đại hiện nay.

Nguồn: brandhealth.com.au

Nếu cho rằng sức khỏe thương hiệu là một tập hợp của các số liệu nên sẽ an toàn hơn nếu bạn sử dụng nhiều hơn một công cụ để hiểu rõ về thương hiệu của bạn đang hoạt động như thế nào. Trong bài đăng này, chúng tôi sẽ tập trung vào các công cụ đo lường và phân tích cảm xúc để xem uy tín thương hiệu của bạn đang được đánh giá như thế nào trên các phương tiện truyền thông xã hội, cũng như các nền tảng khác.

>> Xem thêm: Bản sắc thương hiệu là gì

Công cụ phân tích cảm xúc khách hàng là gì?

Các công cụ phân tích cảm xúc sẽ diễn giải một đoạn văn bản (ví dụ đơn giản là một bài đăng trên mạng xã hội) theo một cách nào đó, nhằm tiết lộ mong muốn, ý định và giọng điệu đằng sau bài viết đó. Sau đó, các công cụ kết hợp dữ liệu và hiển thị tâm lý thương hiệu tích lũy qua một loạt các dữ liệu đầu vào ở biểu đồ và đồ thị, để các doanh nghiệp có thể theo dõi các xu hướng có liên quan mà không cần phải đi qua từng bài đăng.

Công nghệ Big Data cho phép doanh nghiệp theo dõi các luồng ý kiến trái chiều từ tích cực đến tiêu cực, đồng thời nhanh chóng phản hồi lại bất kỳ phát sinh nào xảy ra, từ đó cho phép họ duy trì sức khỏe thương hiệu.

Hạn chế của các công cụ phân tích cảm xúc

Mặc dù học máy (machine learning) là một cơ chế ngày càng phát triển mạnh mẽ và tinh vi, nhưng việc đánh giá giọng điệu cảm xúc trong ngôn ngữ viết vẫn chưa thể đạt được độ chính xác 100%. Vì mọi người có thể viết một cách mỉa mai, sử dụng tiếng lóng, mắc lỗi chính tả hay sử dụng những từ ngữ mơ hồ, khó hiểu. Tất cả các yếu tố này khiến các công cụ không thể lúc nào cũng đưa ra đánh giá đúng được, nhưng lợi thế của các tập dữ liệu lớn hơn đó là mặc dù một số trường hợp bị đánh gái sai, nhưng kết quả chung - biểu đồ và biểu đồ mà công ty nhận được - gần như là chính xác. Bây giờ bạn đã biết những điều cơ bản về phân tích cảm xúc, hãy cùng xem một số công cụ tốt nhất hiện nay giúp bạn theo dõi cảm xúc của khách hàng dành cho thương hiệu của mình nhé.

1. Awario

Awario là một công cụ giám sát và phân tích mạng xã hội. Công cụ này có thể giúp bạn phân tích tất cả các mạng truyền thông xã hội lớn, từ các trang tin tức cho đến blog, diễn đàn và website. Tính năng phân tích cảm xúc được tích hợp sẵn và có sẵn trong tất cả các kế hoạch. Chúng sắp xếp và phân chia những mention (nhắc tới thương hiệu) thành tích cực, tiêu cực và trung tính. Bạn sẽ nhận được một biểu đồ thống kê những bình luận của khách hàng nhắc đến thương hiệu tăng lên theo thời gian, và tình cảm của họ dành cho thương hiệu đã thay đổi như thế nào. Ngoài phân tích cảm xúc khách hàng dành cho thương hiệu, bạn cũng có thể biết được chủ đề nào liên quan đến thương hiệu đang được khách hàng thảo luận sôi nổi nhất.

2. Brandwatch

Brandwatch là một trong những công cụ phân tích và giám sát các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt trong tính năng phân tích cảm xúc khách hàng. Nó giúp thương hiệu phân tích cảm xúc để thấy được các xu hướng mới nhất, đồng thời sở hữu một tính năng thú vị được gọi là “Image insights”. Tính năng này xác định hình ảnh được gắn với logo thương hiệu, theo cùng một cách mà các chủ đề có thể được liên kết với tên thương hiệu của bạn. Điều này có nghĩa là khi bạn tải lên logo thương hiệu, công cụ này sẽ giúp tìm thấy hình ảnh trên web mà có chứa logo đó.

3. Talkwalker

Talkwalker là một công cụ tuyệt vời khác để phân tích cảm xúc khách hàng. Công cụ này đã từng tuyên bố mình có công nghệ phân tích cảm xúc tốt nhất hiện nay, chúng nhận ra các bài viết thể hiện sự châm biếm và các hình thức nhắc đến thương hiệu theo cách tiêu cực khác. Nó cũng giúp các thương hiệu theo dõi xu hướng nào đang làm hài lòng khách hàng và xu hướng trong ngành nói chung, từ đó dễ dàng nghiên cứu và phát hiện ra những tính năng nào của sản phẩm đang được yêu thích (hoặc đang bị “ghét”).

4. Hootsuite insights

Hootsuite là một nền tảng quản lý phương tiện truyền thông xã hội tập trung vào lên lịch và quản lý nhóm. Tuy nhiên, Hootsuite Insights có một số tính năng có liên quan: nó phân tích các nền tảng mạng xã hội nhằm tiết lộ cảm xúc thương hiệu của bạn và các xu hướng xung quanh thương hiệu của bạn. Sau đó, bạn có thể lọc thông tin này theo vị trí, ngôn ngữ và giới tính.

5. Ứng dụng NCSU phân tích cảm xúc trực quan các Tweet

NCSU Tweet Sentiment Visualization App là một công cụ phân tích cảm xúc dành riêng cho Twitter. Dữ liệu trên Twitter có thể thể hiện rõ uy tín thương hiệu trên mạng xã hội, vì hầu hết người dùng Twitter theo dõi các thương hiệu trên Twitter và có xu hướng nhắc đến các thương hiệu trong các tweet. Ứng dụng này là một giải pháp trực tuyến giúp doanh nghiệp nắm bắt và phân tích dữ liệu, hiển thị kết quả phân tích về cả cảm xúc và chủ đề.

6. Mention

Mention là một ứng dụng giám sát phương tiện truyền thông xã hội dưới dạng try-and-test. Mention giám sát những lời nhắc tới (mention) thương hiệu trên các mạng xã hội lớn, trang web tin tức, blog, diễn đàn và website. Phân tích cảm xúc của Mention có sẵn trong tất cả các kế hoạch - công cụ sẽ sắp xếp các lời nhắc tới thương hiệu thành các nhóm tích cực, tiêu cực và trung tính, giúp bạn dễ dàng đo lường danh tiếng thương hiệu của mình, xem nó thay đổi theo thời gian ra sao và yếu tố gì ảnh hưởng đến những thay đổi đó.

7. Social Searcher

Social Searcher quản lý các hoạt động có nhắc đến tên thương hiệu trên mạng xã hội và website - và nó miễn phí cho tối đa 100 từ khóa tìm kiếm mỗi ngày. Ứng dụng cũng thực hiện phân tích cảm xúc cho các lời đề cập mà nó tìm thấy. Bạn cũng có thể nâng cấp lên gói Cao cấp, nếu muốn tăng lượng từ khóa tìm kiếm mỗi ngày. Công cụ này không chỉ giám sát các mạng xã hội hàng đầu mà còn cả các trang mạng địa phương và trang mạng ngách, chẳng hạn như Flickr, Dailymotion, Vimeo và VK.

8. RapidMiner

RapidMiner là một công cụ khai thác dữ liệu dựa trên đám mây. Tương tự như các công cụ khác trong danh sách này, RapidMiner sử dụng học máy (machine learning) để thực hiện phân tích và dự báo các chủ đề xu hướng trong ngành. Nhưng công cụ này còn được đánh giá là có nhiều tác dụng hơn thế. Nền tảng này đã từng tuyên bố là nó vừa đủ tinh vi đối với các nhà khoa học dữ liệu, nhưng cũng đủ đơn giản để những người bình thường nhìn vào có thể sử dụng.

9. Lexalytics

Lexalytics là một giải pháp kinh doanh thông minh trong đó có tính năng phân tích các loại văn bản khác nhau. Lexalytics nghiên cứu các bình luận trên mạng xã hội, khảo sát, đánh giá cũng như các tài liệu văn bản khác. Ngoài phân tích cảm xúc, công cụ này thực hiện phân loại, trích xuất chủ đề và phát hiện những ý định, giúp người dùng dễ dàng quan sát rộng hơn bối cảnh hiện tại của họ, đồng thời hiểu những lợi thế và bất lợi tương đối doanh nghiệp đang phải đối mặt.

10. Clarabridge

Clarabridge là một nền tảng toàn diện bao gồm cả quản lý trải nghiệm khách hàng. Một phần của giải pháp này là phân tích cảm xúc. Tính năng phân tích cảm xúc của công cụ này rất phức tạp và bao gồm cả ngữ pháp, ngữ cảnh, lĩnh vực hoạt động và nguồn thông tin.

>> Xem thêm: 5 công cụ miễn phí giúp phân tích đối thủ

Tạm kết

Đo lường sức khỏe thương hiệu đòi hỏi một loạt các số liệu quan trọng khác nhau, nhưng trong đó, việc phân tích cảm xúc luôn đóng vai trò cần thiết nhất. Những gì mọi người nói với bạn bè và gia đình của họ, những gì họ chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội và những gì họ đăng trên blog cá nhân, cuối cùng, sẽ dẫn đến hành động của người tiêu dùng, và như vậy, điều quan trọng là phải hiểu danh tiếng thương hiệu của bạn, những gì ảnh hưởng đến nó và làm thế nào bạn có thể quản lý và cải thiện các chỉ số đó.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Socialmediatoday

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.